Lời Chúa CN

PHÚC ÂM CHÚA NHẬT III MÙA CHAY – NĂM C (Lc 13, 1-9) 24/03/2019

Câu xướng trước Phúc Âm: “này là lúc thuận tiện, này là ngày cứu độ”

-----------------

«Nếu các ngươi không ăn năn hối cải , thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị hủy diệt như vậy»

 

Tin mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca:

 

1 Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng.

2 Đức Giê-su đáp lại rằng: "Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao?

3 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.

4 Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao?

5 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy."

6 Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn này: "Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy,

7 nên bảo người làm vườn: "Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?

8 Nhưng người làm vườn đáp: "Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó.

9 May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi."

 

Xin đừng quên câu  chuyện này xảy ra trên đường Chúa Giêsu lên Giêrusalem, nơi  Ngài sẽ mạc khải cho thế gian biết Thiên Chúa là tình yêu và nhân hậu. Chính Ngài trên thánh giá sẽ nói: «Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm» (Lc 23, 34). Câu này là trọng tâm để hiểu bài lạ lùng này. Một bài gồm hai «tin vặt», lời bình luận của Chúa Giê-su, và bài dụ ngôn cây vả. Nhìn thoáng qua, sự kiện Thánh kinh đem hai sự việc gần nhau, làm chúng ta ngạc nhiên; nhưng Thánh Lu-ca đề nghị cho chúng ta như thế chắc chắn ngài cố tình có ngụ ý gì! Trong trường hợp ấy, chúng ta có thể hiểu bài dụ ngôn được đặt ở chỗ ấy để giải thích lý do lời bình luận của Chúa Giê-su về hai tin vặt đó.

Tin đầu tiên, về mấy người Ga-li-lê; chính nội dung câu  chuyện không có gì đáng ngạc nhiên. Sự ác độc của Phi-la-tô từng nổi tiếng. Giả thuyết đáng tin cậy nhất là các người hành hương đến Giê-ru-sa-lem bị kết án (đúng hay không đúng?) là những người đối lập với chính kiến của chính phủ La mã. Phần đông dân Do Thái rất bất bình về sự chiếm đóng của quân La mã, và thời kỳ Chúa Giê-su mới sinh ra có sự cuộc nổi dậy do một người gốc Ga-li-lê tên Giu-đa. Có thể những người hành hương Giê-ru-sa-lem đến dâng lễ cúng bị tàn sát ngay trong đền thờ. Còn câu truyện tháp Si-lo-ắc đổ xuống đè chết người, thì cũng như bao nhiêu câu chuyện vặt, có thể xảy ra hằng ngày.

Theo cách trả lời của Chúa Giê-su, ta có  thể tưởng tượng câu hỏi trên môi mọi môn đệ. Họ cũng như chúng ta đứng trước nhũng cảnh ngộ tương tự: «Tôi có làm gì động đến Thiên Chúa mà phải chịu như thế này?» Trong Tin Mừng theo Thánh Gio-an, các môn đệ cũng đặt câu hỏi về người mù bẩm sinh: «Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?» (Ga 9, 2)

Đó là câu hỏi muôn thuở về nguồn gốc sự đau khổ, vấn nạn không bao giờ có giải đáp! Trong Thánh kinh, sách Gióp đặt vấn đề gay gắt nhất, tất cả các lý do cũ như trái đất đều được nêu ra. Đứng trước cảnh ông Gióp bị đè nặng bởi biết bao đau khổ, trong những lý do nêu ra, lý do thường nhất từ các thân nhân ông đưa đó có lẽ là hình phạt từ tội lỗi mà ra. Tôi nói rõ «có lẽ» vì kết luận sách Gióp rất rõ ràng: Đau khổ không phải là hình phạt do tội lỗi! Hơn nữa, trong đoạn kết, chính Chúa nói: Ngài không đưa ra một giải thích nào, và tuyên bố các lý do con người đưa ra không có lý do nào chính đáng. Chúa chỉ đòi hỏi nơi ông Gióp hai điều: thứ nhất ông không thể làm chủ được các biến cố, thứ hai là ông phải sống không bao giờ mất niềm tin nơi Đấng Tạo dựng ông.  

Đứng trước sự ghê tởm của cuộc tàn sát những người Ga-li-lê và cái tai họa tháp Si-lô-ắc, Chúa Giê-su  phải trả lời. Dĩ nhiên ở đây vấn đề đau khổ được đặt ra và các môn đệ không khỏi có khuynh hướng trả lời: dường như ai cũng nghĩ có liên quan đến tội lỗi. Chúa Giêsu khẳng định: không có mối liên hệ nào giữa đau khổ và tội lỗi. Không mấy người Ga-li-lê ấy không tội lỗi gì hơn những ai… không, mười tám người bị tháp Si-lô-ắc đổ đè bẹp không có tội gì hơn những dân khác thành Giê-ru-sa-lem. Trong bài này, Chúa Giê-su lấy quan điểm hoàn toàn như trong sách Gióp.

Nhưng tiếp từ hai sự việc này, Ngài mời gọi các Tông Đồ có một sự hoán cải hoàn toàn. Bài dụ ngôn cây vả giúp các ông hiểu rõ hơn; ở đây chúng ta nhận ra lề thói thiêng liêng khác với lề thói trần tục! Đối với con người, cây vả không sinh ra trái, làm hại đất vô ích, chỉ còn một nước là đốn bỏ nó đi! (có thể hiểu, nếu ta là Chúa, mấy người tội lỗi, ta loại ra  hết !) Nhưng tư tưởng của Chúa không phải tư tưởng loài người!: «Chẳng lẽ Ta lại vui thích vì kẻ gian ác phải chết - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng - Ta lại không muốn cho nó từ bỏ đường lối của nó mà được sống sao?» (Ed 18, 23 ; 33, 11) Sự hoán cải Chúa đòi hỏi nơi các môn đệ ở đây, trước tiên không phải là trong lối sống của họ; điều phải thay đổi ngay cấp bách, là loại ra từ tâm trí một Thiên Chúa thưởng-phạt.   

Trái lại, đứng trước sự dữ, nên nhớ Thiên Chúa là «từ bi nhân hậu», như trong bài Thánh vịnh hôm nay, Ngài «đầy lòng xót thương», tức là quan tâm đến những đau khổ của chúng ta. Điều này có nghĩa là, ít nhất hai  việc sau đây: thứ nhất không phải Chúa gởi điều dữ đến cho ta, thứ hai khi ta đau khổ Ngài ở bên ta. Sự hoán cải Ngài đòi hỏi phải chăng là điều sau đây: từ nay đến mãi mãi tin rằng Chúa nhẫn nại và từ bi nhân hậu? Và hơn nữa, Chúa lập lại kết cuộc sách Gióp: đừng tìm giải thích sự dữ bằng tội lỗi hay một lý do nào khác, nhưng hãy sống trong lòng cậy trông vào Thiên Chúa.

Lúc bấy giờ hai câu: «nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.» (c5) có nghĩa tương tự như: «Nhân loại sẽ hư vong, nếu không có lòng cậy trông nơi Thiên Chúa». Lúc nào cũng như thế: chúng ta giống dân Ít-ra-en trong sa mạc, Thánh Phao-lô nhắc lại cuộc phiêu lưu trong Bài đọc 2. Chúng ta có sự tự do để chọn lựa giữa tin tưởng nơi Chúa hay ngờ vực: chọn tin tưởng tức là phải tuyệt nhiên không bao giờ đặt lại vấn đề, kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa. Nếu tâm trí chúng ta chỉ đơn giản thay đổi như thế, thì bộ mặt của thế giới cũng sẽ thay đổi! Chúa Giê-su có nói gì khác đâu khi Ngài phán: «Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.» (Mc 1, 15)  

 

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phê-rô Nguyễn Thế Hoằng.

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com