Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 1 CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY – NĂM C (Gs 5, 9a.10-12) 31/03/2019

Dân Chúa tiến vào đất Chúa hứa và mừng Lễ vượt qua

 

Trích sách Giô-suê

 

9 ĐỨC CHÚA phán với ông Giô-suê: "Hôm nay Ta đã cất khỏi các ngươi cái ô nhục của người Ai-cập."

10 Con cái Ít-ra-en đóng trại ở Ghin-gan và cử hành lễ Vượt Qua ngày mười bốn trong tháng, vào buổi chiều, trong vùng thảo nguyên Giê-ri-khô.

11 Hôm sau lễ Vượt Qua, họ đã dùng thổ sản trong xứ, tức là bánh không men và hạt lúa rang, vào đúng ngày đó.

12 Hôm sau, không còn man-na nữa, khi họ dùng thổ sản trong xứ; thế là con cái Ít-ra-en không còn có man-na nữa. Năm ấy, họ đã dùng hoa màu của đất Ca-na-an.

 

Ai cũng biết ông Mô-sê không vào Đất Hứa, ông chết tại núi Nê-bo, để đi thẳng vào Đất Hứa thật. Để lại cho người trợ tá và cũng là người kế vị nghĩa vụ nặng nề hướng dẫn toàn dân, nhân danh Thiên Chúa. Đây là những chữ đầu tiên của sách Giô-suê: «1 Sau khi tôi trung ĐỨC CHÚA là ông Mô-sê qua đời, ĐỨC CHÚA phán với con ông Nun là ông Giô-suê, phụ tá của ông Mô-sê:2 "Mô-sê, tôi trung của Ta, đã chết. Vậy bây giờ, ngươi hãy trỗi dậy! Và cùng với tất cả dân này, qua sông Gio-đan, mà vào đất Ta ban cho chúng, tức là con cái Ít-ra-en» (Gs 1,1-2). Và trọn sách Giô-suê là bài tường thuật của dân chúng tiến vào Đất Hứa, kể từ khi vượt qua sông Gio-đan.

Thế nhưng, Thánh kinh không viết lịch sử vì lịch sử, điều đáng chú ý là những bài học từ lịch sử. Không ai biết tác giả sách Giô-suê là ai, nhưng mục đích sách này rất rõ ràng: sở dĩ công trình của Thiên Chúa được nhắc lại là để cổ võ cho dân chúng giữ lòng trung tín. Về điểm này, sách Giô-suê làm cho chúng ta nghĩ đến sách Đệ-nhị-luật; Lòng tín trung dân It-ra-en đối với Thiên Chúa, chỉ có thể dựa vào ký ức các kỳ công Thiên Chúa thực hiện cho dân Ngài.

Trong bài đọc hôm nay, điều ấy thể hiện chính xác hơn lúc nào hết. Đây là cả một bài giảng giá trị, được ẩn dưới hình thức cấu từ trong vài câu! Cột sống bài giảng, tựa vào hai điểm không bao giờ nên quên: đó là Thiên Chúa giải thoát khỏi Ai-cập, điểm thứ hai: sở dĩ Chúa giải thoát khỏi Ai-cập là để có thể tiến về miền Đất Hứa với cha ông chúng ta. Vì lẽ đó, bài này luôn có những so sánh tương đồng giữa lúc thoát khỏi Ai-cập, cuộc đời trong sa mạc và lúc tiến vào miền đất Ca-na-an. Ví dụ như, không phải ngẫu nhiên tác giả nhấn mạnh về Lễ Vượt Qua: Cũng giống như Lễ Vượt Qua, đánh dấu cuộc giải thoát khỏi Ai-cập và băng qua Biển Đỏ, Lễ Vượt Qua Mới này,  «…lễ Vượt Qua ngày mười bốn trong tháng, vào buổi chiều» gợi lên việc tiến vào Đất Hứa và phép lạ trên sông Gio-đan. Thật vậy, chương 3 của sách Giô-suê, miêu tả cảnh vượt qua sông Gio-đan trịnh trọng như một cuộc vượt qua Biển Đỏ được tái diễn.

Những so sánh tương đồng ấy, dĩ nhiên là có chủ ý. Từ đầu chí cuối, cuộc phiêu lưu khó tưởng tượng được ấy, chỉ có một Chúa duy nhất hành động để giải thoát dân Ngài, để nhận miền Đất Hứa. Suy niệm về sách Giô-suê rất sát với sách Đệ-nhị-luật. Vả lại, Giô-suê không phải tên của ông, mà là một tên riêng do Mô-sê đặt cho ông. Ban đầu tên ông chỉ là Hô-sê-a (Hay là Ô-sê), có nghĩa là «Nó cứu»…tên mới của ông là Giô-suê [«Yeoshoua»], trong cách viết này hàm chứa tên của Thiên Chúa. Điều này muốn nói lên rõ ràng về Thiên Chúa, và chỉ có Thiên Chúa mới cứu độ! Thực vậy, Giô-suê biết như thế, không phải chính mình, một kẻ đáng thương hại, chỉ một mình có thể cứu độ, giải thoát cả dân tộc!

Chỉ cần nhớ lại, trong Xuất Hành, bài biện luận của ông mang lại lòng dũng cảm cho dân chúng trước khi đến miền Đất Hứa. Lần đầu tiên mới thăm dò miền Ca-na-an, lúc dân chúng mất hết can đảm, ngã lòng; một lần nữa, muốn thối lui trở về kiếp nô lệ, Giô-suê can thiệp: «6 Ông Giô-suê, con ông Nun, và ông Ca-lếp, con ông Giơ-phun-ne, là những người đã tham dự cuộc do thám đất, xé áo mình ra7 và nói với toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en: "Miền đất chúng tôi đã đi qua để do thám là một đất tốt thật là tốt!8 Nếu ĐỨC CHÚA thương ta, Người sẽ đưa ta vào đất ấy và ban đất ấy cho ta, một đất tràn trề sữa và mật.9 Vậy anh em đừng nổi loạn chống ĐỨC CHÚA, và đừng sợ dân đất ấy!… ĐỨC CHÚA thì ở với ta. Đừng sợ chúng!»  (Ds 14, 6-9)

Lúc ấy, Giô-suê không được dân chúng nghe theo, nhưng bốn mươi lăm năm sau, thế hệ sau nghe ông! Công thức lặp đi lặp lại ý tưởng của ông là: «ĐỨC CHÚA ở với chúng ta». Trong tinh thần đó, bài thánh vịnh 114 (115) lặp lại sự so sánh giữa hai cuộc vượt qua, biển đỏ và sông Gio-đan. «Vừa thấy thế, biển liền trốn chạy, sông Gio-đan cũng chảy ngược dòng… Biển kia ơi việc gì mà trốn chạy? Gio-dan ơi cớ chi chảy ngược dòng?... Trước thánh nhan Chúa, hỡi địa cầu, hãy rung chuyển trước thánh nhan Chúa Trời nhà Gia-cóp». Kể từ nay, Lễ Vượt Qua là cơ hội tưởng nhớ, không chỉ đêm Xuất Hành mà cả lúc đến Đất Hứa. Hai sự kiện chỉ là một. Cùng là một kỳ công của Thiên Chúa giải thoát dân Ngài.

Phần thứ hai của bài có vẻ nói về thức ăn, nhưng ở đây cũng thế; thật ra, ý nghĩa sâu xa hơn. «11 Hôm sau lễ Vượt Qua, họ đã dùng thổ sản trong xứ, tức là bánh không men và hạt lúa rang, vào đúng ngày đó. 12 Hôm sau, không còn man-na nữa, khi họ dùng thổ sản trong xứ; thế là con cái Ít-ra-en không còn có man-na nữa. Năm ấy, họ đã dùng hoa màu của đất Ca-na-an». Việc thay đổi thức ăn rất có ý nghĩa. Điều này ngụ ý nói như đứa bé dứt sữa: một trang sử được lật qua, một cuộc đời mới khởi đầu: người ta thường nói về các trẻ con (về thức ăn); từ sữa cho trẻ cấp một, đến cấp hai, cấp ba; rồi sữa cho người cao niên…Ở đây hiện tượng cũng tương tự như thế: giai đoạn sa mạc đã chấm dứt, với tất cả chuỗi ngày khó khăn, không còn lời kêu ca phản kháng, cả những giải pháp kỳ diệu cũng không còn! Kể từ nay It-ra-en đã đến miền đất Chúa đã ban cho: không còn là dân du cư nữa, nay có đất cố định, họ sẽ là một dân nông nghiệp. Họ sẽ dùng lương thực sản xuất từ đất của họ. Một dân tộc trưởng thành, có trách nhiệm với sự tồn tại của mình.

Một bài học khác: từ lúc dân chúng có điều kiện để mưu kế sinh nhai, Chúa không còn làm thay thế họ nữa. Thế nhưng, hãy không bao giờ quên bánh Ba-na và nhớ giữ lấy bài học: Lấy mẫu gương ân cần của Thiên Chúa, đối với những kẻ (vì lý do này lý do nọ) không thể tự tìm lấy những nhu cầu của mình. Sách Tác-gum*của Đệ Nhị Luật nói rõ điều này:               «Thiên Chúa đã dạy chúng ta nuôi những kẻ nghè khó, ban bánh từ Trời xuống cho con cái It-ra-en». Có nghĩa là chúng ta cũng phải nên làm như thế.

Để kết luận, xin đừng quên theo tiếng Do Thái hai tên Giô-suê và Giê-su chỉ là một: Những Ki-tô hữu sơ khai đã thấy điều giống nhau này! Vì thế cuộc vượt qua sông Gio-đan, tiến vào Miền Đất Hứa, làm cho dễ hiểu phép rửa trên sông Gio-đan: đánh dấu ngày thật sự chúng ta bước vào miền đất tự do!

 

***

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions

Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phê-rô Nguyễn Thế Hoằng.


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com