Lời Chúa CN

PHÚC ÂM CN LỄ CHÚA THĂNG THIÊN - Năm C (Lc 24, 46-53) 02/06/2019

Alleluia, alleluia!

- Chúa phán: "Các con hãy đi giảng dạy muôn dân:
Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế". - Alleluia.

-----------------

"Đang khi Người chúc phúc cho các ông, Người rời khỏi các ông mà lên trời".

 

Bài kết Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

 

46 và Người nói: "Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại;

47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội.

48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này.

49 "Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống."

50 Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a, rồi giơ tay chúc lành cho các ông.

51 Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời.

52 Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỷ,

53 và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.

 

Thánh Mát-thêu miêu tả Chúa Thăng Thiêng nơi Chúa đã hẹn với các môn đệ trên núi Ga-li-lê. Thánh Mác-cô không ghi một chi tiết nào về địa lý. Trái lại thánh Lu-ca miêu tả sự kiện xảy ra trên núi Cây Dầu gần “Bê-ta-ni-a”. Vì thế Phúc Âm theo ngài kết thúc cũng tại nơi khởi đầu: tại thành Giê-ru-sa-lem, thành thánh của dân tộc Chúa chọn – nơi Chúa Duy Nhất được mặc khải cho nhân loại – nơi đây cũng là đền thánh - dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa giữa nhân loại – cũng là thành xuất phát ơn cứu độ, ơn Cứu Độ được hoàn tất nơi cái chết và Phục Sinh của Đấng Ki-tô, thành phố quà tặng của Chúa Thánh Thần, và sau hết, thành phố nơi đây sẽ tỏa sáng mặc khải cuối cùng cho nhân loại. Một lần nữa thánh Lu-ca làm reo vang trong tai chúng ta câu nói Chúa Giê-su: “ Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại”. Điều mới lạ ở đây so với ba lần Chúa loan báo cuộc tử nạn, trước sự việc xảy ra là sáng ngày Chúa Phục sinh trên đường Emmau, đoạn cuối của câu có ý nghĩa như một sứ vụ Chúa truyền cho các môn đệ:

Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; 47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội.

Đối với các tín hữu thời sơ khai rất khó kể lại Chúa chịu cực hình như trong Thánh Kinh và ngày thứ ba được Phục Sinh. Nhưng việc loan báo “ cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội.” là đề tài đã được các tiên tri Cựu Ước đã từng làm. Nhất là nơi Giê-rê-mi-a “ 17 Thời ấy, Giê-ru-sa-lem sẽ được gọi là "Ngai toà của ĐỨC CHÚA", và mọi dân tộc sẽ nhân danh ĐỨC CHÚA quy tụ tại Giê-ru-sa-lem; chúng sẽ không còn sống buông thả theo lòng dạ xấu xa ngoan cố của mình nữa” (Gr 3,17). Chúng ta còn tìm thấy đặc biệt trong I-sa-i-a Ba « Ta dẫn lên núi thánh và cho hoan hỷ nơi nhà cầu nguyện của Ta » (Is 56, 7), và thêm nữa: « 23 Và từ mồng một tháng nọ đến mồng một tháng kia, từ ngày sa-bát này đến ngày sa-bát khác, mọi người phàm sẽ đến phủ phục trước nhan Ta » (Is 66, 23)

Tiên tri Da-ca-ri-a cũng triển khai cùng đề tài này: « 15 Ngày ấy, nhiều dân tộc sẽ gắn bó cùng ĐỨC CHÚA:Chúng sẽ thành dân thánh của Ta,và Ta sẽ cư ngụ ở giữa ngươi. » (Dc 2, 15) ; Trong những ngày ấy, mười người đàn ông thuộc mọi ngôn ngữ trong các dân tộc sẽ níu lấy áo của một người Giu-đa mà nói: "Chúng tôi muốn đi với anh em, vì chúng tôi đã nghe biết rằng Thiên Chúa ở với anh em." (Dc 8, 23) Đề tài này cũng được triển khai trong nhiều thánh vịnh. Nhưng một lần nữa, những bài ca Người Tôi Trung trong sách I-sa-i-a Hai (Chương 42, 49, 50, và 52, 53) đã gợi hứng nơi các thánh sử suy niệm Thánh Kinh và làm cho các ngài có thể hiểu chữ “ phải ” trong câu: “ 47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân

Vì chúng ta có thể đọc trong trọn bốn bài ca Người Tôi Trung, dung nhan Đấng Mê-si-a, Đấng Cứu Độ, vừa chịu đau khổ vừa vinh quang, cùng với Tin Mừng Cứu Độ cho muôn dân. Ví dụ như: “Ta là ĐỨC CHÚA, Ta đã gọi ngươi, vì muốn làm sáng tỏ đức công chính của Ta. Ta đã nắm tay ngươi, đã gìn giữ ngươi và đặt làm giao ước với dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước” (Is 42, 6); “ 11 Nhờ nỗi thống khổ của mình, người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện. Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ” (Is 53, 11)

Phần cuối bài của thánh Lu-ca giống một đoạn kinh phụng vụ: Chúa Giê-su, vị Chủ Tế ban phúc lành cho họ và gởi đi khắp địa cầu, và muôn dân sẽ bái lạy và cảm tạ Chúa. “ 50 Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. 51 Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. 52 Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỷ, 53 và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.

Tin Mừng theo thánh Lu-ca kết thúc ở đây, đúng nơi ngài đã bắt đầu lúc vị tư tế Giao Ước trước đã lãnh nhận mặc khải của Thiên Chúa (Lc1, 5-19). Hình ảnh sau cùng các môn đệ Chúa còn giữ về Thầy mình là cử chỉ ban phúc lành: chúng ta hiểu vì sao các vị “ trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỷ

 

***

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phê-rô Nguyễn Thế Hoằng.


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com