Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 CN LỄ CHÚA THĂNG THIÊN - Năm C (Ep 1, 17-23) 02/06/2019

"Người đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời".

 

Trích thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

 

17 Tôi cầu xin Chúa Cha vinh hiển là Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, ban cho anh em thần khí khôn ngoan để mặc khải cho anh em nhận biết Người.

18 Xin Người soi lòng mở trí cho anh em thấy rõ, đâu là niềm hy vọng anh em đã nhận được, nhờ ơn Người kêu gọi, đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú anh em được chia sẻ cùng dân thánh,

19 đâu là quyền lực vô cùng lớn lao Người đã thi thố cho chúng ta là những tín hữu. Đó chính là sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực,

20 mà Người đã biểu dương nơi Đức Ki-tô, khi làm cho Đức Ki-tô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời.

21 Như vậy, Người đã tôn Đức Ki-tô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai.

22 Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Ki-tô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh;

23 mà Hội Thánh là thân thể Đức Ki-tô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn.

Thư thánh Phao-lô gửi tín hữu thành Ê-phê-sô có thể chia ra làm hai phần: Một bài dài nhìn ngắm kế hoạch của Thiên Chúa (chương 1-3) và huấn dụ các tín hữu tu chỉnh cuộc sống theo mầu nhiệm ấy (chương 4-6)

Phần thứ nhất bắt đầu bằng một công thức phép lành dài theo người Do Thái, phụng vụ Ki-tô chúng ta thường gọi là phần Nhập Lễ. Đây là bài bất hủ về « kế hoạch Thiên Chúa »: « 8 Ân sủng này, Thiên Chúa đã rộng ban cho ta cùng với tất cả sự khôn ngoan thông hiểu. 9 Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương, Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô. 10 Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô » (Ep 1, 8-10). Những người đã nhận được Phép Rửa, nay được tham dự vào mầu nhiệm kế hoạch của Thiên Chúa, kế hoạch này một ngày kia sẽ được lan ra khắp nhân loại. Thánh Phao-lô hoan hỉ reo lên đặc ân của mọi tín hữu: « từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần. …Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, … 5 Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giê-su Ki-tô, …7 Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi …8 Ân sủng này, Thiên Chúa đã rộng ban cho ta cùng với tất cả sự khôn ngoan thông hiểu. …9 Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô….14 Thánh Thần là bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta, chờ ngày dân riêng của Thiên Chúa được cứu chuộc, để ngợi khen vinh quang Thiên Chúa. » (Ep 1, 3…14)

Chúng ta tìm thấy tất cả các yếu tố ấy trong bài đọc hôm nay, nhưng dưới dạng một lời nguyện, thường được gọi là « Kinh chiếu sáng ». Vì thật vậy, chúng ta cần ánh sáng của Thiên Chúa để được dẫn tới ít nhiều vào mầu nhiệm này: « 18 Xin Người soi lòng mở trí cho anh em thấy rõ, đâu là niềm hy vọng anh em đã nhận được, nhờ ơn Người kêu gọi, đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú anh em được chia sẻ cùng dân thánh ». Chúng ta cũng biết soi lòng mở trí, ở đây không phải lãnh vực của trí khôn, lý luận, mà của con tim, mở lòng quảng đại để được soi sáng, học hỏi. Thánh Phao-lô người Do Thái có trình độ trí thức cao biết rằng sự khôn ngoan của Thiên Chúa không đến vói con người được nếu không phải chính Ngài mặc khải cho: « 17 Tôi cầu xin Chúa Cha vinh hiển là Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, ban cho anh em thần khí khôn ngoan để mặc khải cho anh em nhận biết Người » … và để biết gia nghiệp kỳ diệu dành cho chúng ta do ơn Thiên Chúa ban nhưng không cho chúng ta.

Chữ gia nghiệp (câu 14 và 18) được nói đến trong Thánh Linh. Trong Cựu Ước là đất hứa Chúa dành cho tín hữu. Chữ ấy cũng được nhắc lại trong Tân Ước, đặc biệt trong các thư thánh Phao-lô để chỉ Nước Trời và đời sống vĩnh cửu. Ví dụ: « 16 Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. 17 Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Ki-tô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người » (Rm 8, 16-17); « 12 Anh em hãy vui mừng cảm tạ Chúa Cha, đã làm cho anh em trở nên xứng đáng chung hưởng phần gia nghiệp của dân thánh trong cõi đầy ánh sáng » (Cl1, 12); « 6 Mầu nhiệm đó là: trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa » (Ep 3, 6). Thánh Gia-cô bê cũng triển khai đề tài này: « 5 Anh em thân mến của tôi, anh em hãy nghe đây: nào Thiên Chúa đã chẳng chọn những kẻ nghèo khó trước mặt người đời, để họ trở nên người giàu đức tin và thừa hưởng vương quốc Người đã hứa cho những ai yêu mến Người hay sao? » (Gc 2, 5) Và sau hết thư Do Thái cũng thường dùng những chữ ấy: « 1 Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; 2 nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài » (Dt 1, 1-2) và trong vài chương sau: « 12 Anh em đừng trở nên uể oải, nhưng hãy bắt chước những người nhờ có đức tin và lòng kiên nhẫn mà được thừa hưởng các lời hứa » (Dt 6, 12).

Điều này giải thích – và cũng là lý do thầm kín của lòng phấn chấn thánh Phao-lô – lý do các môn đệ Chúa Giê-su kết hiệp vào sự vinh thắng của Thầy của các ngài. Từ nay không còn gì làm các ông sợ nữa, dù trên đời này hay đời sau, vì đã chiến thắng sự chết và mọi cửa được mở cho đời sống vĩnh cửu. Thánh Phao-lô thường làm cho chúng ta có cảm tưởng ngài chóng mặt trước viễn ảnh kỳ diệu ngài trình bày cho đọc giả các thánh thư của ngài. Ví dụ như ở đây, thánh nhân mê man trước: « quyền lực vô cùng lớn lao Người đã thi thố cho chúng ta là những tín hữu. Đó chính là sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực 20 mà Người đã biểu dương nơi Đức Ki-tô, khi làm cho Đức Ki-tô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời. » Nói cách khác, công trình của Chúa hoàn tất trong tim các tín hữu, là thật sự một sự phục sinh nội tâm. Bây giờ chúng ta hiểu trong câu trước, thánh Phao-lô đưa vào lời kinh sáng soi bằng lời tuyên bố sau đây: « 16 tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa vì anh em, khi nhắc tới anh em trong những lời cầu nguyện của tôi » (Ep 1, 16)

 

***

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phê-rô Nguyễn Thế Hoằng.


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com