Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 1 LỄ CHÚA BA NGÔI – NĂM C (Cn 8, 22-31) 16/06/2019

"Khi địa cầu chưa sinh nở, sự khôn ngoan đã được sinh thành"

 

Trích sách Cách ngôn

 

22 "ĐỨC CHÚA đã dựng nên ta như tác phẩm đầu tay của Người,
trước mọi công trình của Người từ thời xa xưa nhất.

23 Ta đã được tấn phong từ đời đời,
từ nguyên thuỷ, trước khi có mặt đất.

24 Khi chưa có các vực thẳm,
khi chưa có mạch nước tràn đầy, ta đã được sinh ra.

25 Trước khi núi non được đặt nền vững chắc,
trước khi có gò nổng, ta đã được sinh ra,

26 khi ĐỨC CHÚA chưa làm ra mặt đất với khoảng không,
và những hạt bụi đầu tiên tạo nên vũ trụ.

27 Đã có ta hiện diện khi Người thiết lập cõi trời,
khi Người vạch một vòng tròn trên mặt vực thẳm,

28 khi Người làm cho mây tụ lại ở trên cao
và cho các mạch nước vọt lên từ vực thẳm,

29 khi Người định ranh giới cho biển, để nước khỏi tràn bờ,
khi Người đặt nền móng cho đất.

30 Ta hiện diện bên Người như tay thợ cả.
Ngày ngày ta là niềm vui của Người,
trước mặt Người, ta không ngớt vui chơi,

31 vui chơi trên mặt đất, ta đùa vui với con cái loài người.

 

Chúng ta tự hỏi vì lẽ gì bài này được Giáo Hội đề nghị đọc trong ngày Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi? Cụm chữ Chúa Ba Ngôi không lúc nào được thấy nói đến, cũng chẳng có Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần! Đối với sách Cách Ngôn không có chi lạ, vì khi sách này được viết ra, vấn đề Chúa Ba Ngôi chưa được đặt ra: chẳng những chữ Chúa Ba Ngôi không có, nhưng không ai có khái niệm gì về Chúa Ba Ngôi. Thuở ban đầu, ưu tiên hàng đầu của dân Chúa chọn là gắn bó với Chúa duy nhất: từ đó mới có cuộc chiến khốc liệt của các ngôn sứ chống thờ lạy bụt thần và đa thần giáo, vì sứ vụ của dân này được gọi làm chứng cho Thiên Chúa Duy Nhất. Không nên quên câu sau đây trong sách Đệ Nhị Luật: «anh (em) phải biết và để tâm suy niệm điều này: trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa» (Đnl 4, 39).

Giai đoạn đầu phải khám phá Thiên Chúa là Một: không có vấn đề nhiều nhân vật thần thiêng! Chỉ sau này mà thôi, các tín hữu mới được mặc khải, Thiên Chúa tuy duy nhất nhưng không đơn độc, có Tam Vị. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi chỉ được bắt đầu suy niệm trong Tân Ước, sau khi Chúa Ki-tô Phục sinh. Nhưng khi các Tông Đồ và các thánh sử bắt đầu hiểu mù mờ về mầu nhiệm này, các vị xem lại các tài liệu xưa; và chính lúc ấy có bài hôm nay chúng ta được nghe đọc và được nói đến sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa, trong ấy có ẩn dụ Ngôi Vị Chúa Ki-tô.

Sách Cách Ngôn cũng chưa được đến trình độ đó, sự Khôn Ngoan của Chúa chưa được xem như một Ngôi vị. Sách có nói nhưng chưa giới thiệu như một ngôi vị mà chỉ là một cách hành văn. Bằng chứng là trong chương kế đó «Mụ Khờ Dại» cũng nói đến. Vì thế chúng ta đang suy niệm về sách Cách Ngôn chứ chưa phải bài các Thánh Sử đã viết lại.

Như thế, «Mụ Khờ Dại» được giới thiệu cho chúng ta. Điều đáng chú ý thứ nhất: bà không chỉ nói về bà… bà nói về liên quan bà với Thiên Chúa, như hai vị không thể xa nhau được. «22 ĐỨC CHÚA đã dựng nên ta như tác phẩm đầu tay của Người, trước mọi công trình của Người từ thời xa xưa nhất. 23 Ta đã được tấn phong từ đời đời, từ nguyên thuỷ, trước khi có mặt đất. 24 Khi chưa có các vực thẳm». Thì ra giữa Thiên Chúa và sự Khôn Ngoan có một mối liên hệ thật mật thiết… Đức tin Do Thái dựa vào Thiên Chúa duy nhất, không khi nào có thể có quan niệm về Chúa Ba Ngôi; thế nhưng họ cảm nhận trong Thiên Chúa Duy Nhất ấy có một mầu nhiệm đối thoại và hiệp nhất. Điều sau này thánh Gio-an nói: «Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa.» (Ga 1, 1) Các bạn không thể tưởng tượng trong ngôn ngữ Hy Lạp, cách nói ấy thể hiện sự hiệp nhất sâu xa, cuộc đối thoại yêu thương với nhau không ngơi.

Điều đáng chú ý thứ hai: các chữ «trước; từ đời đời; từ nguyên thuỷ… » được nói lên nhiều lần trong đoạn này: «từ thời xa xưa nhất. 23 Ta đã được tấn phong từ đời đời, từ nguyên thuỷ, trước khi có mặt đất. 24 Khi chưa có các vực thẳm, khi chưa có mạch nước tràn đầy, ta đã được sinh ra. 25 Trước khi núi non được đặt nền vững chắc, trước khi có gò nổng, ta đã được sinh ra, 26 khi ĐỨC CHÚA chưa làm ra mặt đất với khoảng không». Thật rõ ràng, cách lặp đi lặp lại này rất tuyệt vời để nói lên từ đời đời TA đã hiện hữu, trước mọi tạo vật… có một thể thức nhấn mạnh để xác tín cái gọi là sự Khôn Ngoan có trước mọi tạo vật. Sau này thánh Gio-an lại nói: «1 Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời».

Điều thứ ba đáng chú ý là Đức Khôn Ngoan không được tạo thành: «Chúa đã dựng nên; Ta được tấn phong; được sinh ra», cách diễn tả Ngài được sinh ra khác hẳn cách diễn tả sự tạo dựng trong sách Sáng Thế cho các tạo vật. Quan hệ giữa Thiên Chúa và sự Khôn Ngoan không phải quan hệ giữa tạo hoá và tạo vật. Lúc ấy Thiên Chúa chưa được gọi là Chúa Cha nhưng sự thật đã là thế… Trong Kinh Tin Kính, chúng ta đọc về Chúa Ki-tô: «Đấng được dựng nên mà không phải được tạo thành»

Điều thứ tư đáng chú ý: Sự Khôn Ngoan cũng có một vai trò tích cực trong công trình Tạo Dựng: «28 khi Người làm cho mây tụ lại ở trên cao và cho các mạch nước vọt lên từ vực thẳm, 29 khi Người định ranh giới cho biển, để nước khỏi tràn bờ, khi Người đặt nền móng cho đất. 30 Ta hiện diện bên Người như tay thợ cả». Sự Khôn Ngoan ở cạnh Thiên Chúa và «là niềm vui của Thiên Chúa»… Ngài ở cạnh chúng ta… và «đùa vui» với chúng ta. Những câu này làm cho chúng ta có cảm tưởng như những tiếng vang của câu điệp khúc nghe trong sách Sáng Thế: «Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp» (St 1, 14). Còn hơn thế nữa, ngày thứ sáu, ngay sau khi con người được tạo dựng, như là để đăng quang tất cả kỳ công của Ngài «31 Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!» (St 1, 31).

Sau cùng, bài này tiết lộ cho chúng ta một khía cạnh đặc biệt và vô cùng tích cực của niềm tin It-ra-en: Sự Khôn ngoan có trước mọi kỳ công tạo dựng; chúng ta nhận thấy bài này nhấn mạnh điều ấy. Từ đó, chúng ta có thể suy ra hai điểm: Công trình tạo dựng không hỗn loạn mà rất có trật tự vì chính nhờ có sự Khôn Ngoan «hiện diện bên Người (Thiên Chúa) như tay thợ cả». Điều thứ hai, từ buổi bình minh tạo dựng con người, và vũ trụ được chìm đắm trong sự Khôn Ngoan Thiên Chúa. Điều này khuyến khích chúng ta không bao giờ mất lòng cậy trông. Sau cùng, đức tin quả là một sự điên khùng mới dám tin Thiên Chúa lúc nào cũng hiện diện cạnh bên con người và hơn thế nữa, ở cạnh chúng ta «là niềm vui của Thiên Chúa»… Thật là điên rồ nhưng đó là thực tế, sở dĩ Thiên Chúa luôn đề nghị Giao Ước Tình Yêu, chính vì Thiên Chúa «đùa vui với con cái loài người.»

 

***

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phê-rô Nguyễn Thế Hoằng.


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com