Lời Chúa CN

PHÚC ÂM LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA – NĂM C (Lc 9, 11b-17) 23/06/2019

Alleluia, alleluia!

Chúa phán: "Ta là bánh hằng sống từ trời xuống;
ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời
". - Alleluia.

-----------------

"Tất cả đều ăn no nê".

 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

 

11 Đám đông dân chúng biết thế, liền đi theo Người. Người tiếp đón họ, nói với họ về Nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần được chữa.

12 Ngày đã bắt đầu tàn. Nhóm Mười Hai đến bên Đức Giê-su thưa Người rằng: "Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn, vì nơi chúng ta đang ở đây là nơi hoang vắng."

13 Đức Giê-su bảo: "Chính anh em hãy cho họ ăn." Các ông đáp: "Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá, trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân này."

14 Quả thật có tới chừng năm ngàn đàn ông. Đức Giê-su nói với các môn đệ: "Anh em hãy bảo họ ngồi thành từng nhóm khoảng năm mươi người một."

15 Các môn đệ làm y như vậy, và bảo mọi người ngồi xuống.

16 Bấy giờ Đức Giê-su cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông.

17 Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê. Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng.

 

Ngày Lễ Mình và Máu Chúa `Ki-tô mà chúng ta đọc về một phép lạ, chính xác là bài tường thuật hoá bánh ra nhiều: sự chọn lựa của Phụng Vụ có thể làm chúng ta ngạc nhiên. Mình và Máu Chúa, chúng ta nghĩ ngay đến phép Thánh Thể, thế nhưng giữa bí tích Thánh Thể và phép lạ hoá bánh ra nhiều có liên quan gì?

Thánh Lu-ca hẳn muốn đánh dấu sự liên quan ấy nên ngài dùng chính những từ ngữ trong phụng vụ Thánh Thể: «16 Bấy giờ Đức Giê-su cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông».

Chúng ta hãy đọc lại từ đầu và theo từng bước đoạn Thánh Kinh này. Trước tiên là câu đầu: «Người tiếp đón họ, nói với họ về Nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần được chữ.» Ngài mạc khải Nước Thiên Chúa bằng lời nói và hành động. Việc nhân bánh ra nhiều chỉ sau đó. Việc này cũng nằm trong một nội dung: hoá bánh ra nhiều đó là thực hiện Nước Trời bằng hành động: nuôi những ai đói khát là làm nảy sinh Nước Trời. (Chúng ta biết thánh Lu-ca rất ưa thích nhấn mạnh việc liên kết giữa lời nói và việc làm).

«Ngày đã bắt đầu tàn»: các môn đệ lo lắng cho mọi người vì đêm sắp đến. Rất khôn ngoan, các ông đề nghị giải tán, cho mọi người ra về. Mỗi người có thể tự lo chỗ ăn chỗ ngủ, chung quanh vùng thế nào cũng có… Theo cách tường thuật của thánh Lu-ca giải pháp này có thể thực hiện. Thế nhưng, Chúa không chọn giải pháp cho giải tán, chúng ta tự hỏi tại sao? Có lẽ «Nước Trời» Ngài vừa loan báo không hợp với việc giải tán. Nước Trời là một mầu nhiệm hiệp nhất, không thể nào thích hợp với giải pháp: «mạnh ai nấy lo».

Chúa nói ngay giải pháp của Ngài: «Chính anh em hãy cho họ ăn.» Các môn đệ có lẽ ngạc nhiên! Giải pháp của Chúa, nói thì dễ nhưng làm sao thực hiện? Các ông thì rất thực tế: «Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá». Cho một gia đình thì có thể, còn cho năm nghìn người làm sao đây? Các ông có lý, trăm lần có lý… với cách nhìn thế gian. Thế nhưng, Chúa nói câu lạ lùng ấy không để cho mọi người bất ngờ. Không bao giờ Chúa làm cho ai phải lúng túng: các môn đệ cũng biết thế. Sở dĩ Chúa nói họ phải cho mọi người ăn tức là họ có thể.

Cho nên họ nảy ra ý kiến thứ hai: «trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân này». Cũng khá rồi đấy, không phải giải tán. Các môn đệ nhận nuôi họ và sẵn sàng phục vụ. Thế nhưng rõ ràng chưa đúng lắm, Chúa không muốn họ đi mua, Chúa có giải pháp khác.

Chúa không chê trách họ nhưng chỉ nói: «Anh em hãy bảo họ ngồi thành từng nhóm khoảng năm mươi người một». Chúa chọn giải pháp tập hợp. Chúng ta cũng nên chú ý Nước Trời là một tập hợp, không phải một đám đông xô bồ, nhưng là một tập hợp có tổ chức, cộng đồng của những cộng đồng, hay có thể nói một tập hợp của những cộng đồng khác nhau.

Chúa «dâng lời chúc tụng». Không phải một cử chỉ phù phép trên bánh: nhưng nhận ra bánh là do ơn Chúa ban và xin phép cho những người đang đói ăn. Nhận bánh do Chúa ban là cả một chương trình Đây chính là ý nghĩa của nghi thức mà phụng vụ xưa gọi là dâng lễ. Sở dĩ Công Đồng Vatican II thay «dâng lễ» bằng «Chuẩn bị lễ vật» là để chúng ta ý thức hơn ý nghĩa của việc này: không phải chúng ta dâng ban vật gì. Trong cụm chữ «chuẩn bị lễ vật» phải hiểu «chuẩn bị lễ vật của Chúa».

Khi chúng ta đem lên Bàn Thánh bánh và rượu nho, tượng trưng cho vũ trụ và lao công con người; chúng ta nhìn nhận đây là ơn Chúa ban, chúng ta không phải chủ nhân của những gì Chúa trao ban (tất cả sở hữu vật chất, của cải mọi thứ thể lý, trí khôn hay thiêng liêng…) Chúng ta không phải là chủ nhân mà chỉ là những người quản lý những thứ ấy. Các cử chỉ ấy được lặp đi lặp lại mỗi khi thực hiện Bí Tích Thánh Thể; dần dần thay đổi chúng ta, và làm cho chúng ta thật sự là những người quản lý của cải của chúng ta, làm cho mọi người hạnh phúc. Có lẽ, trong cử chỉ từ bỏ ấy chúng ta mới múc lấy can đảm của phép lạ. Khi Chúa nói: «Chính anh em hãy cho họ ăn», Chúa Giê-su muốn cho các môn đệ khám phá những nguồn lực bất ngờ nơi họ … nhưng phải với điều kiện nhìn nhận đó là ơn của Chúa.    

Một lần nữa, khi Chúa nói: «Chính anh em hãy cho họ ăn», không phải Chúa làm cho họ bối rối, họ rất có khả năng nhưng họ không biết thôi, hay họ không dám tin. Sở dĩ bài này được đề nghị cho chúng ta hôm nay, chính vì Chúa Giê-su muốn nói với chúng ta trong khi còn bao nhiêu người đói ăn trên thế giới: «Chính anh em hãy cho họ ăn». Chúng ta cũng như các môn đệ Ngài khi xưa, chúng ta có những tiềm năng mà chúng ta không ý thức. Với điều kiện nhìn nhận của cải chúng ta có là của Chúa trao ban, chúng ta chỉ là những người quản lý. Nhưng chúng ta phải nhớ một điều: trên đây Chúa Giê-su từ chối giải pháp của các môn đệ đề nghị giải tán đám đông, vì Ngài nói trong Nước Trời không thể có «mạnh ai nấy lo».

Lúc bấy giờ mối liên hệ giữa phép lạ nhân bánh ra nhiều và Lễ Mình và Máu Chúa Ki-tô được sáng tỏ. Phúc Âm theo thánh Gio-an cho chúng ta chìa khoá để mở ra bí mật này: trong lúc ba Phúc Âm Nhất Lãm miêu tả Chúa thành lập Bí Tích Thánh Thể ngày thứ Năm Tuần Thánh, nhất là thánh Lu-ca viết lại lệnh Chúa Giê-su truyền: «Các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy», chỉ có thánh Gio-an làm khác, ngài kể lại việc Chúa rửa chân các môn đệ và nhắc lại lời khuyên của Chúa: «15 Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em» (Ga 13, 15). Tức là có hai cách không thể tách rời để tưởng nhớ đến Chúa Giê-su Ki-tô: Chia sẻ Thánh Thể và phục vụ tha nhân (được tượng trưng bằng việc Chúa rửa chân), có nghĩa là làm cho của cải thế gian phì nhiêu thêm hầu chia ra cho mọi người được hưởng.

 

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phê-rô Nguyễn Thế Hoằng.


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com