Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA - NĂM C (1Cr 11, 23-26) 23/06/2019

"Mỗi khi anh em ăn và uống anh em loan truyền việc Chúa chịu chết"

 

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.

 

23 Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh,

24 dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy."

25 Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: "Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy."

26 Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết.

27 Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa.

 

« …điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em» (Ghi chú: Nguyên văn tiếng Pháp là «điều tôi lãnh nhận từ truyền thống, tôi xin truyền lại cho anh em») Ở đây Thánh Phao-lô nói cho chúng ta ý nghĩa thật sự của chữ «truyền thống»: không phải chỉ là những thói quen phải tuân giữ, nhưng là một kho báu được ký gửi để chúng ta truyền lại một cách trung tín nhất có thể, từ thế hệ này đến thế hệ kế tiếp… Sở dĩ chúng ta có đức tin hôm nay là nhờ đã từ hơn 2000 năm những tín hữu mọi thời đã trung thành truyền lại kho tàng họ đã lãnh nhận. Như một cuộc chạy đua tiếp sức, mỗi người truyền lại cái gọi là «chứng tá». Nếu sự chuyển giao ấy trung thành thì có thể nói truyền thống ấy đến từ Chúa. « …điều tôi đã lãnh nhận từ truyền thống đến từ Thiên Chúa». Đến khi  truyền lại kho tàng đức tin, chúng ta có bổn phận kiểm tra lại có phải đến từ Thiên Chúa hay từ những sáng kiến riêng của chúng ta.

Chính những gì được trung thành truyền lại cấu trúc, dần dần Thánh Thể Chúa Ki-tô theo dòng lịch sử nhân loại. Sự truyền lại này không phải trên phương diện hiểu biết trí thức, nhưng là cách hội nhập vào mầu nhiệm Chúa Ki-tô và lòng trung tín của chúng ta được đo bằng cách chúng ta sống mầu nhiệm ấy. Chính vì thế, thánh Phao-lô bắt đầu lo lắng về những thói quen xấu vừa khởi đầu nơi các tín hữu thành Cô-rin-tô. Những câu chúng ta đang đọc hôm nay cũng nằm trong các mục thánh nhân nhắc nhở đến những nhu cầu của tình huynh đệ: «… tôi chẳng khen anh em đâu, vì những buổi họp của anh em không đem lại lợi ích gì, mà chỉ gây hại.18 Thật thế, trước tiên tôi nghe rằng khi họp cộng đoàn, anh em chia rẽ nhau, và tôi tin là điều ấy có phần nào đúng» (1Ct 11, 17-18). Chúng ta tự hỏi thánh Phao-lô sẽ nghĩ như thế nào khi thấy ngày hôm nay có những ly giáo, những chia rẽ giữa những tín hữu của thế kỷ hai mươi mốt. Đối với ngài, những đòi hỏi của cuộc sống hiệp nhất với nhau xuất phát thẳng từ mầu nhiệm Thánh Thể.

Trong câu « … trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh» thánh Phao-lô liên kết chặt chẽ cuộc Thương Khó của Chúa với cử chỉ này. Thánh Phao-lô nói rõ «… trong đêm bị nộp»: ở đây Chúa hoàn toàn bị động, Ngài là một trò chơi của sự phản bội, thái độ không thông cảm, lòng hận thù của con người… Chúa bị nộp trong tay họ. Trong những câu sau Chúa lại chủ động: «Chúa Giê-su cầm lấy bánh, 24 dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói… », Ngài lấy sáng kiến, cho có ý nghĩa những gì sắp xảy ra. Ngài thay đổi tình thế: từ thái độ của đau khổ Chúa biến thành một cử chỉ tột đỉnh của Giao Ước giữa Thiên Chúa và con người. Và chúng ta nghe câu sau đây của Chúa do thánh Gio-an ghi lại: «18 Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình» (Ga 10, 18). Từ một bối cảnh hận thù và mù quáng, Chúa tạo nên một nơi của tình thân và chia sẻ: « … đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em… Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới». Đây mới là sự tha thứ hoàn hảo, theo Pháp ngữ đồng nghĩa với một «ơn hoàn hảo», vượt lên hận thù… Bằng cách này Chúa chứng minh mãnh lực của tình yêu, và chỉ có tình yêu mới có thể biến những hành xử của cái chết thành nguồn suối của sự sống. Chỉ có sự tha thứ mới có thể làm phép lạ này được: «Đây là mầu nhiệm đức tin» như chúng ta được nghe trong phụng vụ Thánh Thể.

Khi thánh Phao-lô đọc đến mầu nhiệm đức tin như thế, Ngài không thể nào không bức xúc nhận thấy sự khác biệt giữa chiều sâu của mầu nhiệm này và sự nhỏ nhen của hạnh kiểm những tín hữu thành Cô-rin-tô. Vì thế không lạ gì bài này được đề nghị đọc ngày Lễ Mình và Máu Chúa Ki-tô: chúng ta là Thánh Thể Chúa Ki-tô đang trưởng thành.

« … mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết» «Loan truyền Chúa chịu chết», nghĩ cho cùng, câu này thật lạ lùng… Chúng ta ngạc nhiên về chữ «loan truyền». Trước hết, sự chết của Chúa không mới lạ gì, mọi người đều biết, không phải là một thông tin phải quảng bá. Hơn nữa, chúng ta thường có khuynh hướng loan báo sự Phục Sinh của Chúa hơn là cái chết của Ngài, hay dù sao khi nói đến thập giá chúng ta cũng nói đến Phục Sinh. Trong Thánh Lễ lúc Tung Hô chúng ta đọc: «Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến.» Chúng ta không bao giờ chia ra hai mặt của mầu nhiệm Chúa Ki-tô, cái chết và sự Phục Sinh của Ngài.

Những Ki-tô hữu sơ khai cũng không tách rời sự chết và sự sống lại của Chúa Giê-su. Nhưng sự Phục Sinh không phải một hành động của Chúa Giê-su, đó là Chúa Cha làm cho Con Mình Phục Sinh. Tình yêu tuyệt đỉnh của Chúa Giê-su là cái chết của Ngài được Ngài chấp nhận trong tự do và hoàn tất. Khi chúng ta loan truyền Chúa chịu chết là khi chúng ta tiến vào công trình vĩ đại Hoà giải và Giao ước do Chúa Giê-su khởi đầu.

Thánh Phao-lô kết thúc bằng câu: «Anh em hãy loan truyền Chúa chịu chết, cho đến khi Chúa đến». Chữ cho đến khi, nói lên sự nóng lòng chờ đợi của chúng ta. Dân Thiên Chúa lúc nào cũng hướng về khi Chúa Giê-su đến: chúng ta là một dân tộc chờ đợi. Trong Thánh Lễ chúng ta đọc: «Chúng con loan truyền Chúa chịu chết cho tới khi Chúa đến»Trong Kinh Lạy Cha cũng thế: «Nước Cha trị đến». Sở dĩ Chúa Giê-su mời gọi chúng ta cầu nguyện như thế để giáo dục chúng ta biết cậy trông, để chúng ta khao khát chờ đợi Vương quyền của Ngài, khi Chúa đến. 

Điều cuối cùng đáng chú ý, thánh Phao-lô nói: «Cho đến khi Chúa đến» chứ không phải «cho đến khi Chúa lại đến». Chúng ta không chờ đợi Chúa trở lại, như Ngài đã đi đâu đó xa chúng ta rồi trở lại. Ngài không đi đâu xa chúng ta! Ngài luôn ở với chúng ta như Chúa đã hứa trong (Mt ,28, 20): «Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.» Chúng ta chờ đợi Ngài đến với ý nghĩa, sự Hiện diện tích cực của Chúa luôn tác động và hoàn tất dần công trình vĩ đại, từ khi mới tạo dựng thế giới, chỉ với điều kiện chúng ta chấp nhận cộng tác với Ngài. Cụm chữ sau cùng của sách Khải Huyền là «lạy Chúa Giê-su, xin ngự đến!» Phần đầu sách Sáng thế nói cho chúng ta sứ vụ loài người hãy là hình ảnh của Thiên Chúa, tức là sống tình yêu, đối thoại, chia sẻ như chính Chúa trong Ba Ngôi. Chữ sau cùng của Thánh Kinh nói lên công trình Thiên Chúa được hoàn tất nơi Chúa Giê-su Ki-tô. Khi chúng ta đọc: «Xin Chúa hãy đến», chúng ta sẽ kêu lên hết sức mình, một ngày kia từ mọi phương trời chúng ta tập hợp về thành một Thân Thể.

 

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phê-rô Nguyễn Thế Hoằng.


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com