Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN – NĂM C (Gl 6, 14-18) 07/07/2019

"Tôi mang trong mình tôi những dấu thánh ca Chúa Giêsu"

 

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata

 

14 Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian.

15 Quả thật, cắt bì hay không cắt bì chẳng là gì cả, điều quan trọng là trở nên một thụ tạo mới.

16 Chúc tất cả những ai sống theo quy tắc ấy, và chúc Ít-ra-en của Thiên Chúa được hưởng bình an và lòng thương xót của Người.

17 Từ nay, xin đừng có ai gây phiền toái cho tôi nữa, vì tôi mang trên mình tôi những dấu tích của Đức Giê-su.

18 Thưa anh em, nguyện xin Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, ban cho thần trí anh em được đầy tràn ân sủng. A-men.

 

Thánh Phao-lô bắt đầu bài thánh thư cho dân thành Ga-la-ta bằng một lời trách rất nghiêm khắc: «6 Tôi lấy làm ngạc nhiên, khi thấy anh em trở mặt mau lẹ như thế với Đấng đã kêu gọi anh em nhờ ân sủng của Đức Ki-tô, để theo một Tin Mừng khác» (Gl 1, 6). Ngài giải thích: «7 Không có Tin Mừng nào khác đâu, mà chỉ có một vài kẻ phá rối anh em, và muốn làm xáo trộn Tin Mừng của Đức Ki-tô đó thôi» (Gl 1, 7). Những kẻ phá rối muốn làm xáo trộn Tin Mừng là những người Do Thái trở lại đạo Ki-tô. Họ muốn tất cả thành viên cộng đồng tuân giữ các luật lệ Do Thái kể cả việc cắt bì.

Thánh Phao-lô viết cho các cộng đồng ấy để cảnh báo họ. Ẩn ý dưới hình thức cắt bì hay không cắt bì thật ra là một ly giáo. Chỉ có đức tin vào Chúa Ki-tô và chỉ có đức tin ấy cứu độ chúng ta mà thôi, và đức tin vào Đức Ki-tô được thể hiện qua phép Rửa Tội. Từ đấy, nếu áp đặt cắt bì có nghĩa là từ chối hay ngụ ý nói Thập Giá Chúa Ki-tô không đủ. Những người bảo vệ giả thuyết ấy, đó là một thứ «anh em ngụy»,

Thánh Phao-lô nhắc lại cho dân Ga-la-ta niềm kiêu hãnh duy nhất của họ là Thập giá Chúa Ki-tô. Nhưng muốn hiểu thánh Phao-lô, phải khẳng định rõ; đối với ngài, thập giá không phải là một vật vô tri, cũng không phải như một pho tượng để phụng thờ: nhưng là một sự kiện. Khi thánh Phao-lô nói đến Thập giá Chúa Ki-tô, ngài không chỉ chiêm ngắm nỗi đau đớn thống khổ của Chúa. Thập giá Chúa Ki-tô đối với ngài là một sự kiện lịch sử, hơn thế nữa đó là một sự kiện trọng tâm của lịch sử nhân loại, sự kiện chỉ xảy ra một lần để vĩnh viễn hoà giải, một đàng Thiên Chúa với loài người, đàng khác giữa con người với nhau. Đây là một sự kiện quyết định: từ nay không có gì còn như trước nữa. Như thư cho tín hữu Cô-lô-xê ngài nói: «19Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, 20 cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời.» (Cl 1, 19-20)

Bằng chứng Thập Giá Chúa Ki-tô là sự kiện viên mãn của lịch sử thế gian, đó là lần đầu tiên có sự vinh thắng trên cái chết: Chúa Ki-tô đã phục sinh. Trong thư thứ nhất gởi tín hữu thành Cô-rin-tô thánh Phao-lô nói: «14 Mà nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng» (1Cr 15, 14). Thật vậy, đối với thánh Phao-lô, Thập giá và phục sinh không thể lìa nhau được: đây chỉ là một sự kiện như nhau.

Nhờ thập giá Chúa Ki-tô sinh ra «thọ tạo mới» (2Cr 5, 17) đối chiếu với: «Cái cũ đã qua». Phần đầu của thư cho dân thành Ga-la-ta, ngài nói: «Xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an, 4 để cứu chúng ta thoát khỏi cõi đời xấu xa hiện tại» (Gl 1, 3) «xin … cho anh em ân sủng và bình an» không phải chỉ là một công thức! Trên thực tế, từ nay ân sủng và bình an là những gì Ki-tô hữu lãnh nhận, đó là những gì thánh Phao-lô muốn nói.

Suốt bức thánh thư, thánh nhân đối chiếu chế độ cũ, là chế độ của Lề Luật và chế độ mới là của đức tin; đời sống theo xác thịt, và đời sống theo Thần Khí, nô lệ cũ và tự do từ Đức Giê-su Ki-tô. Kể từ nay chúng ta là người tự do, sống theo Thần Khí.

Trong thư thứ hai gửi tín hữu thành Cô-rin-tô ngài cũng nói tương tự như thế: «phàm ai ở trong Đức Ki-tô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi» (2Cr 5, 17). Thọ tạo cũ là chiến tranh, con người chống lại Thiên Chúa, con người ngờ vực Chúa không từ bi nhân hậu; vì thế con người bất tuân các điều răn Thiên Chúa, con người ganh đua với nhau, gây chiến tranh với nhau, tranh nhau quyền lực, của cải. Thọ tạo mới trái lại, như I-sa-i-a nói: vâng lời vào Con Ngài, tin tưởng đến cùng, tha thứ đao phủ của mình, đưa má cho kẻ kéo râu mình.

Cuộc Thương Khó Chúa Giê-su là đỉnh cao của các hành động hận thù và bất công nhân danh Thiên Chúa; Chúa Giê-su biến thành đỉnh cao của bất bạo lực, dịu dàng và tha thứ. Còn đến lượt chúng ta, vì chúng ta được ghép vào Người Con, chúng ta có thể vâng lời như Ngài, yêu thương như Ngài; có khả năng từ bỏ lối sống theo thế gian, để chọn lối sống theo Chúa Ki-tô. Sự hoán cải tuyệt vời ấy là kỳ công của Thánh Thần Chúa, điều này gây cảm hứng cho thánh Phao-lô có một khẩu hiệu đặc biệt gây ấn tượng mạnh: «Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian». Chúng ta thử tìm hiểu câu này: lối sống theo thế gian đã qua đi, từ nay chúng ta sống theo Thần Khí. Sự hoán cải đó là một điều đáng làm cho người Ki-tô hữu hãnh diện, thật vậy, như thánh Phao-lô nói: «14 Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giê-su Ki-tô». Vì lý do đó, các thập giá là những vật trang trí trên tường nhà và nhà thờ chúng ta.

Cũng vì loan báo Thập giá Chúa Ki-tô mà thánh Phao-lô phải hy sinh tánh mạng. Khi ngài nói từ nay chúng ta được ơn bình an, không phải mọi việc đều dễ dàng như thế! Điều rất lô-gíc, khi chúng ta thật sự loan báo Tin Mừng là chúng ta gặp những đối lập, tương tự như Chúa Ki-tô đã gặp và sau đó thánh Phao-lô cũng đã gặp. Khi ngài nói: «tôi mang trên mình tôi những dấu tích của Đức Giê-su» đó là ngài muốn nói đến những hậu quả bị bách hại khi ngài loan báo Tin Mừng. Mỗi khi làm dấu Thánh giá, chúng ta thể hiện chúng ta là những thọ tạo mới, với những lời nói, việc làm chúng ta hành động nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần; và cùng lúc chúng ta tuyên xưng làm chứng nhân cho những gì thay đổi nơi chúng ta là công trình của Chúa Thánh Thần  mà thôi.

TB: Chúng ta tự hỏi khi chúng ta loan báo Tin Mừng mà không gặp một sự đối kháng nào, có phải những gì chúng ta loan báo đã thêm màu mè cho thích hợp với tinh thần thế tục không?

 

***

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phê-rô Nguyễn Thế Hoằng.


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com