Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 CN XVII THƯỜNG NIÊN – NĂM C (Cl 2, 12-14) 28/7/2019

"Người đã khiến anh em chung sống với Người và tha thứ mọi tội lỗi".

 

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôssê.

 

12 Anh em đã cùng được mai táng với Đức Ki-tô khi chịu phép rửa, lại cùng được trỗi dậy với Người, vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết.

13 Trước kia, anh em là những kẻ chết vì anh em đã sa ngã, và vì thân xác anh em không được cắt bì, nay Thiên Chúa đã cho anh em được cùng sống với Đức Ki-tô: Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ mọi sa ngã lỗi lầm của chúng ta.

14 Người đã xoá sổ nợ bất lợi cho chúng ta, sổ nợ mà các giới luật đã đưa ra chống lại chúng ta. Người đã huỷ bỏ nó đi, bằng cách đóng đinh nó vào thập giá. 

 

Chúng ta đều còn nhớ bài dụ ngôn «Người quản gia bất lương»: Ngày nọ, người chủ báo sẽ cho ông thôi việc, ông lo tìm bạn; để làm việc này, ông cho gọi mấy con nợ của chủ đến, ông nói với mỗi người: «Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi.7 Rồi anh ta hỏi người khác: Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy? Người ấy đáp: Một ngàn giạ lúa. Anh ta bảo: Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi». (Lc 16, 6-7) Trong đạo Do Thái, người ta thường gọi tội là món nợ: bằng chứng là trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, Kinh Lạy Cha đọc «Xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con», trong khi đó thánh Lu-ca nói: «Xin tha tội cho chúng con». Trong lời kinh Do Thái thời Chúa Ki-tô, có câu: «Vì lòng từ bi của Ngài, xin xoá mọi sổ sách kết án chúng con»

Thế mà trên thập giá Chúa Ki-tô, tất cả tội lỗi  con người đều được xoá hết, Giao Ước được tái lập. Thánh Phao-lô lấy lại hình ảnh giấy nợ và nói, tất cả xảy ra như Chúa bị đóng đinh trên thập giá để con người ngước mắt nhìn lên thập giá, biết rằng Chúa đã tha tội cho nhân loại: «Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ mọi sa ngã lỗi lầm của chúng ta. 14 Người đã xoá sổ nợ bất lợi cho chúng ta, sổ nợ mà các giới luật đã đưa ra chống lại chúng ta. Người đã huỷ bỏ nó đi, bằng cách đóng đinh nó vào thập giá». Thánh Thể của Chúa bị đóng đinh trên thập giá, biểu hiện rằng Chúa đã quên hết mọi sai trái, lỗi lầm chúng ta chống lại Ngài. Sự tha thứ của Ngài được dán trước mắt mọi người. Tiên tri Da-ca-ri-a nói: «Chúng sẽ ngước nhìn lên Ta. Chúng sẽ khóc than Đấng chúng đã đâm thâu». (Dcr 12, 10)

Chúng ta không khỏi đôi chút ngạc nhiên. Tất cả đoạn này đều viết theo thì quá khứ: «12 Anh em đã cùng được mai táng với Đức Ki-tô khi chịu phép rửa, lại cùng được trỗi dậy với Người, vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết...14 Người đã xoá sổ nợ bất lợi cho chúng ta, sổ nợ mà các giới luật đã đưa ra chống lại chúng ta. Người đã huỷ bỏ nó đi, bằng cách đóng đinh nó vào thập giá». Thánh Phao-lô muốn nói lên ơn cứu độ loài người đã thật sự thể hiện: ơn Cứu độ, đã thành sự thực rồi, đấy là một sứ điệp quan trọng nhất của thư gửi tín hữu thành Cô-lô-xê. Cộng đồng Ki-tô hữu đã được cứu rỗi qua phép Rửa tội. Cộng đồng nay thuộc về thế giới các thánh.

Chúng ta nhận thấy một sự tiến bộ so với thư gửi dân thành Rô-ma: «5 Thật vậy, vì chúng ta đã nên một với Đức Ki-tô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại». (Rm 6, 5) Trong lúc thư gửi cho tín hữu Rô-ma, thánh nhân nói về sự phục sinh ở thì tương lai, còn trong thư gửi cho tín hữu Cô-lô-xê hay Ê-phê-xô được nói như sự kiện đã qua, việc chôn xác Chúa Ki-tô cũng như sự thật về sự phục sinh của Ngài. Ví dụ như: «5 nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Ki-tô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ! 6 Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Ki-tô Giê-su trên cõi trời» (Êp 2, 5-6)

«12 Anh em đã cùng được mai táng với Đức Ki-tô khi chịu phép rửa, lại cùng được trỗi dậy với Người…13 Trước kia, anh em là những kẻ chết… nay Thiên Chúa đã cho anh em được cùng sống với Đức Ki-tô». Dĩ nhiên, thánh Phao-lô nói đến cái chết thiêng liêng: ngài xem phép Rửa tội như một sự tái sinh. Sở dĩ thánh Phao-lô nhấn mạnh đến tính cách thụ đắc của ơn Cứu độ, như sinh ra một đời sống khác là vì bối cảnh lịch sử thời ấy. Qua nhiều vấn đề được nêu lên trong thư này, cho ta thấy một bầu khí bất đồng với nhau: thánh Phao-lô muốn cảnh báo vì rõ ràng cộng đồng Cô-lô-xê đang chịu nhiều áp lực tai hại.

Sau đây là vài dấu hiệu của tình trạng ấy: «8 Hãy coi chừng chớ để ai gài bẫy anh em bằng mồi triết lý và những tư tưởng giả dối rỗng tuếch theo truyền thống người phàm và theo những yếu tố của vũ trụ chứ không theo Đức Ki-tô» (Cl 2, 8); «16 Vậy đừng ai xét đoán anh em về chuyện đồ ăn thức uống, hay về mục ngày lễ, ngày đầu tháng, ngày sa-bát» (Cl 2, 16). Qua các sự kiện ấy, chúng ta nhận ra một vấn đề ở hàng sau như chúng ta đã gặp: làm thế nào được ơn cứu độ? Phải chăng tuân giữ tỉ mỉ tất cả những gì Do Thái Giáo đòi hỏi? (Trong lúc chính Chúa Giê-su cũng đã lấy một khoảng cách nào đó với thái độ này). Làm sao nhận được ơn cứu độ? Thánh Phao-lô trả lời: «bằng đức tin». Ngài trở lại đề tài rất thường này  ở các thư ngài viết, cũng như lời xác tín ấy trong thư cho tín hữu Ê-phê-xô: «8 Quả vậy, chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa; 9 cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện» (Ep 2, 8-9).

Đời sống với Đức Ki-tô trong vinh quang Đức Chúa Cha không phải là một viễn ảnh trong tương lai, một hy vọng mà là một trải nghiệm hiện tại của các tín hữu. Đây là  trải nghiệm một đời sống thiêng liêng, bởi vì Đức Ki-tô và Thiên Chúa là Một: sống trong cuộc sống thường nhật, đời sống thiêng liêng ấy của Đức Ki-tô Phục sinh, tức là thay đổi cuộc sống. Từ nay, có những thái độ sống theo nhân tính, hoàn toàn không thích hợp với tình trạng ấy: tất cả những gì làm cho con người nô lệ những đam mê, những thú tính và những tham vọng. Thánh Phao-lô không đòi hỏi những gì không thể được, nhưng ngài tuyên bố không có gì không thể được đối với người có đức tin. Thánh Phê-rô phát biểu rất hay những đòi hỏi phát xuất từ phép Rửa tội của chúng ta: «21 Nước đó là hình bóng phép rửa nay cứu thoát anh em. Lãnh nhận phép rửa, không phải là được tẩy sạch vết nhơ thể xác, mà là cam kết với Thiên Chúa sẽ giữ lương tâm trong trắng, nhờ sự phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô» (1Pr 3, 21).

Xa hơn đoạn này một chút, thánh Phao-lô rút ra những hậu quả thực tế: chương thứ 3 bắt đầu bằng chữ «vì thế». Luân lý Ki-tô bắt nguồn và thấm nhuần ý nghĩa của nó từ mặc khải của mầu nhiệm Phục sinh: «1 Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. 2 Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới… 5 Vậy anh em hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới trong con người anh em» (Cl 3, 1…5)

 

***

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phê-rô Nguyễn Thế Hoằng.


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com