Lời Chúa CN

THÁNH VỊNH CN XVII THƯỜNG NIÊN – NĂM C (Tv 137, 1-3.6-8) 28/7/2019

"Lạy Chúa, khi con kêu cầu, Chúa đã nhậm lời con"

 

1 Lạy Chúa, con hết lòng cảm tạ, Ngài đã nghe lời miệng con xin. Giữa chư vị thiên thần, xin đàn ca kính Chúa,

2 hướng về đền thánh, con phủ phục tôn thờ. Xin cảm tạ danh Chúa, vì Ngài vẫn thành tín yêu thương, đã đề cao danh thánh và lời hứa của Ngài trên tất cả mọi sự.

3 Ngày con kêu cứu, Chúa đã thương đáp lại, đã gia tăng nghị lực cho tâm hồn.

6 CHÚA tuy thật cao cả, nhưng vẫn nhìn đến kẻ thấp hèn; đứa ngạo mạn ngông nghênh, từ xa Ngài đã biết.

7 Cho dù con gặp bước ngặt nghèo, Chúa vẫn bảo toàn mạng sống con. Địch thù đang hằm hằm giận dữ, Ngài ra tay chận đứng, lấy tay uy quyền giải thoát con.

8 Việc CHÚA làm cho con, Ngài sẽ hoàn tất; lạy CHÚA, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Công trình do tay Ngài thực hiện, xin đừng bỏ dở dang.

 

Bài thánh vịnh này rất ngắn, vì thế hôm nay chúng ta được nghe gần trọn bài, nhưng mỗi chữ, mỗi câu chứa cả một lịch sử. Lịch sử ấy, dĩ nhiên lúc nào cũng là một lịch sử chúng ta thường thấy trong các thánh vịnh, đó là Giao Ước giữa Thiên Chúa và It-ra-en. It-ra-en được Thiên Chúa chọn để được Chúa tâm sự, và làm Ngôn sứ của Ngài: với tính cách là tâm sự của Chúa, được Ngài mặc khải cho, Chúa là Tình Yêu, là ngôn sứ của Chúa, được Ngài trao sứ vụ loan báo Chúa là Tình Yêu cho toàn thế giới. Tôi nghĩ đấy là ý nghĩa đích thực của bài thánh vịnh 137 này. Một lần nữa, đây là tiếng nói của cả dân tộc It-ra-en: chữ «tôi» ở đây là lời xưng hô của cộng đồng, như trong mọi thánh vịnh. Tôi lần lượt tìm hiểu kỹ từng câu theo thứ tự, các bạn sẽ thấy không mấy đơn giản và trong suốt như khi đọc thoáng qua, hơn nữa khi chuyển ngữ càng làm thêm phức tạp.

Xin đừng quên, bài chúng ta đọc được dịch từ tiếng Hy-lạp, trong lúc nguyên bản được viết bằng tiếng Do Thái. Vì thế bản tiếng Hy-lạp và tiếng Do-thái ngay từ đầu có lúc đã  khác nhau. Cũng như đa số các thánh vịnh, câu khởi đầu là «Của vua Đa-vít» nhưng chúng ta không đọc – lý do là không ai biết rõ cụm chữ này thật ra có nghĩa gì. Thật khó tưởng tượng rằng chính vua Đa vít là tác giả, thế nhưng Đa-vít có rất nhiều lý do trong lòng để tạ ơn: «Lạy Chúa, con hết lòng cảm tạ», chúng ta nghe như tiếng vang của câu bất hủ: «Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi» (Mt 22, 37). Và tại sao phải tạ ơn? Tại vì «Ngài đã nghe lời miệng con xin». Chúng ta hiểu ngay, «Chúa đã nhậm lời con». Nhưng cũng nên tìm hiểu thêm; đấy là phiên bản từ tiếng Hy-lạp, bản này có lý do để nhấn mạnh trải nghiệm của It-ra-en thường được Chúa nhậm lời… Nhưng trong phiên bản gốc tiếng Do Thái hình như trái ngược lại: «Tôi (có ý nói It-ra-en) nghe những Lời từ miệng Ngài». Tức là tôi được Thiên Chúa tâm tình với tôi. Đó là một mặt của Giao Ước vừa được nêu lên lúc đầu. «Giữa chư vị thiên thần, xin đàn ca kính Chúa»: đây cũng là sự khác biệt giữa gốc tiếng Hy-lạp và tiếng Do thái. Chữ  dịch là «Thiên thần», trong bản gốc Do thái là «Ê-lô-him» có nghĩa là «các vị thần». Trong trường hợp này không nên đối kháng hai bản dịch: hai bản đều được thần khởi, cả hai bản đều linh ứng nơi chúng ta: «Giữa chư vị thiên thần, xin đàn ca kính Chúa»; đây cũng là câu người tín hữu được đưa về trong phụng vụ trên thiên cung, nơi các chư thần Thiên Chúa không ngừng ngợi ca: «Thánh! Thánh! Chí Thánh! ĐỨC CHÚA các đạo binh là Đấng Thánh! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa!» (Is 6, 3) «Tôi hát trước thần Xê-ra-phim», đó là lời tuyên xưng đức tin của It-ra-en: chỉ có Thiên Chúa là Chúa, trong lúc ấy các Xê-ra-phim (tức là các bụt thần, những chúa của các dân tộc khác) không đáng là chi hết. Nếu say mê muốn tiếp tục tra cứu, các bạn sẽ thấy trong sách Si-ri-ắc, lại dịch là các «vua». Đây lại là một ý nghĩa khác nữa: «Tôi hát trước mặt các vua», thì như thế câu này nói lên sứ vụ truyền giáo: It-ra-en không quên sứ mạng chứng nhân của mình trước mọi dân tộc. Tất cả những ý nghĩa ấy bổ sung lẫn nhau, vì Lời Thiên Chúa hằng sống trong lòng những người có lòng tin, từ thế hệ này đến thế hệ khác.    

Câu 2: «… con phủ phục tôn thờ. Xin cảm tạ danh Chúa, vì Ngài vẫn thành tín yêu thương». Cụm chữ «thành tín yêu thương» là một công thức được yêu, để nhắc đến Giao Ước Thiên Chúa và những kỳ công của Ngài làm cho dân Chúa chọn. Đó cũng là cách Ngài tự định nghĩa về Ngài cho ông Mô-sê: «6 ĐỨC CHÚA đi qua trước mặt ông và xướng: ĐỨC CHÚA! ĐỨC CHÚA! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín» (Xh 34, 6). Cuối bài Thánh vịnh, chúng ta lại tìm thấy lại đề tài tình yêu của Thiên Chúa - «muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương», câu này cũng là điệp khúc của thánh vịnh 135 (136), cũng để nhắc lại cuộc giải phóng trong Xuất hành. Khi Thánh Kinh ám chỉ «bên hữu» Thiên Chúa lại là một chuyện khác: Chúa đã giải phóng chúng ta bằng: «cánh tay mạnh mẽ uy quyền» (Đnl 4, 34). Chúng ta nhận ra sự kinh ngạc thán phục của It-ra-en trong các câu: «32 Anh (em) cứ hỏi những thời xa xưa, thời có trước anh (em), từ ngày Thiên Chúa dựng nên con người trên mặt đất; cứ hỏi từ chân trời này đến chân trời kia: có bao giờ đã xảy ra chuyện vĩ đại như thế, hay có ai đã nghe điều giống như vậy chăng? 33 Có dân nào đã được nghe tiếng Thiên Chúa phán từ trong đám lửa như anh (em) đã nghe, mà vẫn còn sống không?... 35 Chính anh (em) đã được cho thấy những điều đó, để biết rằng ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa và ngoài Người ra không có thần nào khác nữa» (Đnl 4, 32…35).

Bài Thánh vịnh kết thúc bằng một lời cầu nguyện: «Công trình do tay Ngài thực hiện, xin đừng bỏ dở dang», có nghĩa là hãy cứ tiếp tục cầu nguyện mặc dù chúng ta vẫn bất trung (Phải đọc chung cả hai câu: «muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Công trình do tay Ngài thực hiện, xin đừng bỏ dở dang». Vì Chúa vẫn trọn tình thương, nên Ngài không bỏ dở dang công trình do tay Ngài thực hiện).

 

***

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phê-rô Nguyễn Thế Hoằng.


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com