Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN – NĂM C (Cl 3, 1-5, 9-11) 04/08/2019

"Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Đức Ki-tô ngự"

 

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê

 

1 Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa.

2 Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới.

3 Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa.

4 Khi Đức Ki-tô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang.

5 Vậy anh em hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới trong con người anh em: ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng

9 Anh em đừng nói dối nhau, vì anh em đã cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó rồi,

10 và anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá, để được ơn thông hiểu.

11 Vậy không còn phải phân biệt Hy-lạp hay Do-thái, cắt bì hay không cắt bì, man di, mọi rợ, nô lệ, tự do, nhưng chỉ có Đức Ki-tô là tất cả và ở trong mọi người.

 

Thật tình, có lúc thánh Phao-lô làm cho chúng ta sửng sốt! Ngài bắt đầu nói: «1 Anh em đã được trỗi dậy» để rồi ba hàng sau đó lại nói: «3 Thật vậy, anh em đã chết»… Có lẽ phải tin rằng  ngôn từ của thánh nhân không có cùng nghĩa với chúng ta! Nếu các bạn và tôi hôm nay ở đây, tức là chúng ta đang sống… tức là chưa chết và dĩ nhiên chưa sống lại!… hay là chính vì hôm nay các chữ ấy đã đổi nghĩa. Hôm nay, chúng ta đang sống một ngày thật đặc biệt, một ngày không như mọi ngày: đây là sáng ngày Lễ Phục Sinh, kể từ nay không còn như trước nữa. Đấy chính là điều thánh Phao-lô muốn nói cho chúng ta. (Bài này đã được đọc ngày Lễ Phục sinh năm C)

Điều thứ hai bài này nhấn mạnh: «2 Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới». Thế nhưng, cũng cùng một thánh Phao-lô này lại nói vài hàng sau bài này: «17 Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giê-su và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha» (Cl 3, 17). Thế thì không phải khinh miệt những thực tế thế gian! Chúa đã trao ban cho chúng ta, không để chúng ta khinh bỉ nó! Ở đây cũng lại vấn đề ngôn ngữ. Thánh nhân gọi: «những gì thuộc thượng giới», đó là những gì ngài gọi, trong vài câu sau là: lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại (Cl 3, 12); và những gì ngài gọi là: «những gì thuộc hạ giới», tức là «gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam… » (Cl 3, 5b). Thực ra, không phải những gì thuộc về thượng giới hay hạ giới, đây là cách cư xử, cách sống ở đời… Trọn đời sống, ta phải chịu căng thẳng giữa hai áp lực đối ngược nhau ấy: sự canh tân đời sống chúng ta, sự phục sinh của chúng ta đã được Chúa Ki-tô hoàn tất, và chúng ta chỉ cần thu lượm từng chút, từng chút những thực tế sâu xa ấy, áp dụng cụ thể vào suốt chuỗi đời chúng ta.

Nếu đọc xa hơn bài này, chúng ta sẽ gặp câu sau đây: «anh em đã mặc lấy con người mới» (Cl 3, 9b) và xa hơn vài hàng: «anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo» (Cl 3, 14b). Có lẽ cách suy niệm hay nhất bài này có thể tóm gọn vào hai vế: một đàng «anh em đã»: là điều anh em có rồi, vế thứ hai «anh em phải»: là điều cần phải làm…

Chúng ta nhận ra sự giằng co giữa hai lực trong các bài giảng thánh Phao-lô, đặc biệt trong Thư gởi tín hữu Cô-lô-xê này: «21 Cả anh em nữa, xưa kia anh em là những người xa lạ, là thù địch của Thiên Chúa vì những tư tưởng và hành động xấu xa của anh em. 22 Nhưng nay nhờ Đức Giê-su là con người bằng xương bằng thịt đã chịu chết, Thiên Chúa cho anh em được hoà giải với Người. 23 Anh em chỉ cần giữ vững đức tin, cần được xây dựng vững chắc, kiên quyết và đừng vì nao núng mà lìa bỏ niềm hy vọng anh em đã nhận được khi nghe loan báo Tin Mừng. (Cl 1, 21-22. 23) Không phải sống cuộc sống khác, nhưng sống khác hơn cuộc sống thường nhật. Chính thế gian này được Chúa hứa vào Nước Trời, vì thế không phải khinh miệt nó nhưng phải sống trong ấy như cái mầm của Nước Trời.

Chúng ta biết rằng bài này thánh Phao-lô nói cho tín hữu thành Ga-la-ta trong lúc họ đang trải qua một cuộc tranh luận trầm trọng. Câu sau đây: «28 Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà» càng làm nổi bật lên tình hình ấy. Về phần chúng ta, chúng ta từng biết những tình trạng chia rẽ, kỳ thị như thế, cũng rất đau khổ, rất dai dẳng, chúng ta thường nghĩ: phải chi những đố kỵ ấy không còn nữa! «nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô». Mỗi ngày qua đi, thực tế chứng tỏ cho chúng ta trái lại… Vì thế, chúng ta cảm thấy chua chát nhìn hố sâu chia cách hy vọng và thực tế. Thế nhưng, thánh Phao-lô cũng nhấn mạnh đến tình trạng này. 

Sở dĩ ngài nhấn mạnh như thế là để cho chúng ta vượt qua hiện tượng bề ngoài. Cái chúng ta gọi là điều thực tế chỉ là những khác biệt giới tính, chủng tộc, nguồn gốc xã hội… nhưng thánh Phao-lô cho đó chỉ là những hiện tượng bên ngoài. Hơn nữa, những hiện tượng bên ngoài ấy, còn có sự hiệp nhất sâu xa, bởi vì mỗi chúng ta, tất cả được ghép vào Đức Giê-su Ki-tô. Có thể nói, cùng một dòng máu mủ chảy trong mạch chúng ta.

«… bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô». Hình ảnh của y phục thật tuyệt vời: áo choàng của Chúa Ki-tô bao trùm tất cả chúng ta lại, che lấp những khác biệt của chúng ta và biến chúng thành những phụ kiện. Làm sao không nghĩ đến câu sau đây của Cha Teihard de Chardin: «Từ buổi bình minh của thời gian, một Mùa Vọng bí hiểm bắt đầu… Đức Ki-tô không ngớt quấn chung quanh Ngài bằng những tín hữu của Ngài như những vạt áo choàng bằng thịt và tình yêu?»

Một cách thực tế, sở dĩ thánh Phao-lô nhấn mạnh như thế vì có vấn đề: bài này giải thích đâu là vấn đề ấy, khi thánh nhân nói: «28 Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp», điều này có nghĩa là giữa những người trước kia là Do Thái, và trước kia là dân Ngoại, tất cả tuy đã trở thành Ki-tô hữu nay có những rạn nứt quan trọng. Cũng như thế, có hai đề nghị sau đây: «28 Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà» cũng làm cho chúng ta đoán ra loại khó khăn nào khiến thánh Phao-lô kêu gọi tín hữu thành Ga-la-ta phải cố gắng vượt qua.

Nhân đây, chúng ta cũng chú ý thánh Phao-lô không khinh miệt phụ nữ, ngài nói: «28 Không còn chuyện phân biệt…, đàn ông hay đàn bà»; có thể hiểu, chỉ còn những người được nhận phép rửa tội mà thôi, anh em là môn đệ Chúa Ki-tô, chỉ có điều này là đáng kể, đó là nhân phẩm anh em. Mặc dù trong xã hội còn những khác biệt về vai trò người nam và người nữ, mặc dù rằng trong Giáo hội các nhiệm vụ được giao phó có khác nhau; nhưng trong đức tin, anh chị em là người được rửa tội, thế thôi.

«28 Không còn chuyện phân biệt… nô lệ hay tự do», cũng như thế, thánh Phao-lô không kêu gọi làm cách mạng, nhưng dù anh em ở trong giai cấp nào trong xã hội, mỗi người đều được tôn trọng như nhau, vì anh em tất cả đều được rửa tội. Anh em cũng không thể nhìn kém tôn trọng, kém kính cẩn đối với những người có vẻ thấp hơn anh em trong bậc thang xã hội. Những lời khuyên này vẫn còn giá trị đến ngày hôm nay cho chúng ta!

Hãy trở lại sự khác biệt đầu tiên thánh Phao-lô mời gọi dân thành Ga-la-ta vượt qua: «28Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp». Các bài đọc Chúa nhật gần đây, thánh Phao-lô đã khai triển đề tài làm vẩn đục bầu khí các cộng đồng tín hữu sơ khai. Những cuộc gây sự của người Do Thái cũ trở lại đạo đối với người Ngoại không cắt bì nay cũng trở lại đạo. Rất dễ kết tội họ: bao giờ họ không tuân theo cách tuân giữ của đạo Do Thái, họ không thuộc về dân Chúa chọn.

Vấn đề ẩn hàm sau việc này, chúng ta cũng đã nghe thấy trong nhiều bài đọc các Chúa nhật vừa qua, rốt cuộc đó là câu hỏi: đức tin mà thôi có đủ không? Hay phải tuân giữ các điều đạo Do Thái đòi hỏi, đặc biệt là phải cắt bì? Thánh Phao-lô trả lời: Áp-ra-ham cũng chưa được cắt bì khi ông nghe những lời hứa của Thiên Chúa; mặc dù như thế, Chúa cũng cho ông là người công chính: «6 Ông tin ĐỨC CHÚA, và vì thế, ĐỨC CHÚA kể ông là người công chính» (St 15, 6). Hơn nữa, một trong các lời hứa nhắm đến tất cả gia đình nhân loại: «3 Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi» (St 12, 3). Tất cả gia đình nhân loại, trong đó có anh em, anh em thành Ga-la-ta.

Nhưng thánh Phao-lô còn đi xa hơn nữa: chẳng những dân chúng thành Ga-la-ta là đối tượng của các lời hứa cho tất cả gia đình nhân loại, mà hơn thế, họ còn là con cháu Áp-ra-ham, họ đương nhiên là thành viên của dân được Chúa hứa. Về thể lý thì không thể được, nhưng về mặt thiêng liêng họ được vậy nhờ phép rửa tội. Bởi phép rửa tội, họ được ghép vào Đức Giê-su Ki-tô, và bởi Đức Giê-su Ki-tô họ được ghép vào dòng dõi Áp-ra-ham: «27 Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô» cũng phải hiểu chữ «thuộc về» trong nghĩa thật mạnh của cụm chữ. Chữ Ki-tô hữu để định nghĩa chúng ta, có nghĩa nói rõ chúng ta thuộc về Chúa Ki-tô. Kết hợp cùng Chúa Giê-su, là Con hoàn hảo của Đức Chúa Cha, chúng ta được hoà nhập vào con cháu Áp-ra-ham, người có đức tin: «29 Mà nếu anh em thuộc về Đức Ki-tô, thì anh em là dòng dõi ông Áp-ra-ham, những người thừa kế theo lời hứa»

Cắt bì hay không cắt bì, bởi vì chúng ta có đức tin, chúng ta thuộc về dòng dõi Áp-ra-ham, một dòng dõi con cháu đông đúc như sao trên trời, như cá dưới biển… Chúng ta là những kẻ thừa kế. Theo bộ luật Giáo Hội Công Giáo rút từ đấy được nói trong điều 208: «Giữa các tín hữu, nhờ sự tái sinh trong Ðức Ki-tô, mọi người đều bình đẳng với nhau về phẩm giá và hành động. Nhờ sự bình đẳng này, các tín hữu cộng tác với nhau xây dựng thân thể Ðức Ki-tô, tùy theo điều kiện và chức vụ riêng của từng người»

Trên thức tế, hằng ngày những bất đồng, những chia rẽ cũng cứ tồn tại giữa chúng ta, và suốt đời chúng ta bị trì kéo giữa định mệnh, sứ vụ là Con Thiên Chúa; và sự nặng nề của chia rẽ có vẻ cứ bám riết vào chúng ta. Nhưng nếu chúng ta tin vào thánh Phao-lô, mỗi khi nhận thấy chúng ta đang sống trong hoàn cảnh chia rẽ giữa chúng ta; chúng ta nên tự nói cách hành xử của chúng ta đã lỗi thời, vì chúng ta đều được rửa tội, tức là tất cả hiệp nhất trong Chúa Ki-tô. Thật ra, ở đây chúng ta cũng phải nói: «sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly» (Mc 10, 9)

 

***

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut                      
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phê-rô Nguyễn Thế Hoằng. 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com