Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 1 CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN – NĂM C (Gv 1, 2; 2, 21-23) 04/08/2019

"Ích gì cho người bởi mọi việc mình làm".

Trích sách Giảng Viên.

 

2 Ông Cô-he-lét nói : “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân

2, 21 Quả thế, có người đã đem hết khôn ngoan và hiểu biết mà làm việc vất vả mới thành công, rồi lại phải trao sự nghiệp của mình cho một người đã không vất vả gì hết. Điều ấy cũng chỉ là phù vân và lại là đại hoạ.

22 Chuyện gì xảy ra cho con người sau bao mối bận tâm và bao gian lao vất vả nó phải chịu dưới ánh mặt trời?

23 Phải, đối với con người ấy, trọn cuộc đời chỉ là đau khổ, bao công khó chỉ đem lại ưu phiền! Ngay cả ban đêm, nó cũng không được yên lòng yên trí. Điều ấy cũng chỉ là phù vân!» 

 

«Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân», đây là những chữ đầu tiên của sách Huấn ca (hay Cô-he-lét) và cũng là câu tóm lược tốt nhất cả sách Huấn ca. Chữ «Phù vân» ở đây không có ý nghĩa về luân lý; nếu dịch nghĩa đen là «Hơi nước của hơi nước», tức là một thứ gì dễ bốc hơi. Ai có thể nói mình có khả năng giữ được hơi nước giữa bàn tay ? Có một  câu nói khác, gần đồng nghĩa; tác giả bài này rất thích, đó là «cuốn theo chiều gió». Nên hiểu rằng: tất cả dưới thế này, tất cả những gì chúng ta trao nhau, những tư tưởng chúng ta, những ước mơ, những nỗ lực chúng ta, những sinh hoạt, thời giờ chúng ta; tất cả đều phù du, tạm bợ, sẽ qua đi. Tất cả sao? Thật vậy, tất cả… hay gần như tất cả. Tất cả, chỉ trừ một thứ trên đời. Điều gì thế? Tác giả không nói ngay, hầu giữ cho hồi hộp thật lâu.

Trong khi chờ đợi tác giả miêu tả muôn ngàn thứ sinh hoạt của con người, như để nói bao nhiêu cố gắng rồi cuối cùng cũng vô ích, cuốn theo chiều gió, những nỗ lực không nghĩa lý để nắm giữ hơi nước trong lòng bàn tay. Để làm cho vững chắc lập luận của mình, tác giả mượn lời một trong những nhân vật vĩ nhân trên đời, chính hiện thân vua Sa-lô-môn. Có lẽ vì thấy vua là tiêu biểu: người được bao nhiêu người ao ước, nhân vật quyền lực, người được vinh hiển một thứ vinh quang không có ngày mai.

Giảng Viên đặc biệt suy gẫm lịch sử vua Sa-lô-môn và mượn lời vị vua nổi tiếng nói lên những ý nghĩ của mình, như chính vua Sa-lô-môn nhìn lại cuộc đời và làm tổng kết vương triều của mình. Triều đại của quyền lực và của cải (Chúa Giê-su có thể nói về vị vua này khi tuyên bố: «ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc… » (Mt 6, 29): sự khôn ngoan và những công trình vĩ đại của ngài đã chinh phục bao nhiều người quyền thế và hiền triết thời của ông. Sa-lô-môn đã hưởng mọi lạc thú ở đời, nhưng ai cũng biết ông đã thất bại về cuối vương triều. Rơ-kháp-am, hoàng tử con Sa-lô-môn tỏ ra bất tài không trị vì khôn ngoan. Vương quốc bị cấu xé, và tệ hơn thế nữa, tệ nạn thờ lạy bụt thần lại nổi dậy. Chỉ trong vài năm, vinh quang vua Sa-lô-môn đã tan biến, và tác giả bài đọc có thể viết: «21 Quả thế, có người đã đem hết khôn ngoan và hiểu biết mà làm việc vất vả mới thành công, rồi lại phải trao sự nghiệp của mình cho một người đã không vất vả gì hết… » Bây giờ còn gì đâu???

Suy niệm cùng đề tài, trên đoạn này một chút, Giảng Viên viết: «12 Tôi là Cô-he-lét, tôi đã làm vua cai trị Ít-ra-en ở Giê-ru-sa-lem. 13 Tôi đã chú tâm tìm hiểu và dùng trí khôn ngoan mà khảo sát tất cả những gì xảy ra dưới bầu trời: đó là công việc nhọc nhằn Thiên Chúa bắt con cái loài người phải để tâm thực hiện. 14 Sau khi nhìn thấy mọi công việc thực hiện dưới ánh mặt trời, tôi nhận ra: tất cả chỉ là phù vân, chỉ là công dã tràng xe cát» (Gv 1, 12-14). Và còn nữa: «4 Tôi đã thực hiện những công trình lớn. Tôi đã xây nhà xây cửa cho mình, lại còn trồng vườn nho. 5 Tôi đã làm cả hoa viên lẫn công viên, trong đó tôi trồng mọi thứ cây ăn trái. 6 Rồi tôi xây bể lấy nước tưới cả rừng cây, 7 mua tôi trai tớ gái, mua cả đám gia nhân. Tôi có cả một đàn súc vật: bò bê, chiên cừu, nhiều hơn hết mọi người đã sống trước tôi ở Giê-ru-sa-lem. 8 Tôi cũng đã tích trữ bạc, vàng và vật quý do vua chúa để lại và từ các tỉnh đem về. Tôi đem đào kép về ca hát, mời mỹ nữ cung phi đến, hưởng mọi thú vui của con cái loài người. 9 Tôi đã trổi vượt và giàu có hơn hết mọi người đã sống trước tôi ở Giê-ru-sa-lem. Tuy vậy, tôi vẫn giữ được sự khôn ngoan. 10 Tất cả mọi điều mắt tôi đòi hỏi, tôi chẳng khước từ. Những niềm vui lòng tôi mơ ước, tôi không hề ngăn cản. Trong mọi gian lao tôi phải chịu, lòng tôi đã tìm được niềm vui, và đó chính là phần tôi được hưởng. 11 Bấy giờ nhìn vào hết mọi việc do chính tôi làm, và bao gian lao vất vả tôi phải chịu, tôi nhận thấy: tất cả chỉ là phù vân, chỉ là công dã tràng xe cát; dưới bầu trời, có lợi lộc gì đâu!» (Gv 2, 4-11). Đấy là lời của Chính vua Sa-lô-môn! Vị vua mà biết bao người thèm thuồng.

Cuối cùng cũng chẳng có gì: «18 Tôi đã chán ghét mọi gian lao vất vả tôi phải chịu dưới ánh mặt trời, những gì tôi để lại cho người đến sau tôi. 19 Nào ai biết được người ấy khôn hay dại? Nhưng người ấy lại là kẻ có thẩm quyền trên những gì tôi đã phải vất vả và khôn khéo mới làm ra dưới ánh mặt trời. Chuyện đó cũng chỉ là phù vân!» (Gv 2, 18-20). Trong tất cả những gì được lược kê ra, chúng ta chờ đợi có một chương nói về tiền của. Thì đây: «9 Người thích tiền bạc có bao nhiêu cũng không lấy làm đủ; kẻ bo bo giữ của chẳng thu được lợi lộc gì. Điều ấy cũng chỉ là phù vân!... 12 Dưới ánh mặt trời, tôi đã thấy một sự dữ làm tôi đau đớn, đó là người giữ của lại chuốc hoạ vào thân…, đến lúc sinh con, chỉ còn tay trắng. 14 Lọt lòng mẹ, trần truồng làm sao, thì cũng sẽ ra đi như vậy. Chịu đựng bao gian lao vất vả, để rồi chẳng mang theo được gì. 15 Đó cũng là một sự dữ làm tôi đau đớn. Đến làm sao, ra đi làm vậy. Thật là: «Dã tràng xe cát biển đông» (Gv 5, 9…15)

Dưới trải nghiệm ấy, Cô-he-lét (Gv) nhìn đời trên thế gian này: «Tất cả là phù vân». Hơn nữa, có nhiều thánh vịnh cũng nói như thế: «15 Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi, tươi thắm như cỏ nội hoa đồng, 16 một cơn gió thoảng là xong, chốn xưa mình ở cũng không biết mình.» (Tv 103, 15-16) Trước vẻ bề ngoài bi quan, chúng ta tự hỏi - và không chỉ chúng ta - tại sao sách Giảng Viên được giữ trong quy điển Lời Chúa.

Thực ra dưới bề ngoài tuyệt vọng ấy, tiềm ẩn sự thật, tiếng nói của đức tin: Thiên Chúa là đấng Tạo Dựng, chỉ có Ngài mới biết tất cả các mầu nhiệm ấy. Tìm kiếm hạnh phúc ngoài Ngài là hão huyền. Chỉ có Ngài mới nắm chìa khóa của sự khôn ngoan thật sự, và rốt cuộc, dù chúng ta không hiểu những mầu nhiệm cuộc sống, nhưng chúng ta biết tất cả là hồng ân Thiên Chúa.

Xuyên qua sự bi quan bề ngoài của Cô-he-lét, hiện ra những tia ánh sáng: Niềm tin vào Thiên Chúa ngấm ngầm ở dưới, chân trời không bế tắc. Chỉ có một giá trị trên đời, không bao giờ làm ta thất vọng, chính là đức tin, hay là sự Khôn Ngoan; tức là phó thác vào bàn tay của Chúa: «1 Thật vậy, tất cả những điều ấy, tôi đã để ý lưu tâm, và nghiệm thấy rằng người công chính, người khôn ngoan cùng với những công việc họ làm đều ở trong tay Thiên Chúa (Gv 9, 1). Và dĩ nhiên bài học của câu truyện là phải tuân giữ các điều răn Thiên Chúa, con đường duy nhất dẫn đến hạnh phúc thật sự: «5 Kẻ tuân hành mệnh lệnh sẽ không gặp phải việc chẳng lành, và lòng người khôn ngoan biết được thời được buổi, biết được Thiên Chúa sẽ xét xử.» (Gv 8, 5)

Để kết luận, điều tinh hảo nhất của sự khôn ngoan - khôn ngoan thật sự, chỉ từ Thiên Chúa trao ban - đó là đức khiêm nhường: tức là sống đơn sơ đời chúng ta, có sao sống vậy - cuối cùng nhỏ bé thôi, như một món quà của Chúa: «13 Ngay cả chuyện ăn uống và hưởng những thành quả do công lao khó nhọc mình làm ra, thì đó đã là một món quà Thiên Chúa ban tặng rồi» (Gv 3, 13). Rốt cuộc, Cô-he-lét, thử đặt vào địa vị vua Sa-lô-môn xét tổng kết về vương triều của ngài, nhưng chính Cô-he-lét mới đạt đến tận sự khôn ngoan thật sự, lẽ ra vua Sa-lô-môn đã phải làm như thế.

 

***

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut                   
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phê-rô Nguyễn Thế Hoằng. 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com