Lời Chúa CN

TÌM HIỂU CỰU ƯỚC CHÚA NHẬT XIX TN NĂM C 11/08/2019 – BÀI ĐỌC 1 (Kn 18, 6-9)

"Như Chúa đã làm hại đối thủ thế nào, 
Chúa cũng đã làm cho chúng tôi được vẻ vang như vậy".

Trích sách Khôn Ngoan.

 

6 Đêm ấy đã được báo trước cho cha ông chúng con,
để khi biết chắc lời hứa mình tin là lời hứa nào
các ngài thêm can đảm.

7 Dân Chúa đã trông đợi đêm ấy
như đêm cứu thoát người chính trực và tiêu diệt kẻ địch thù.

8 Quả vậy, Chúa dùng hình phạt giáng xuống đối phương
để làm cho chúng con được rạng rỡ
và kêu gọi chúng con đến với Ngài.

9 Con lành cháu thánh của những người lương thiện
âm thầm dâng lễ tế trong nhà.
Họ đồng tâm nhất trí về luật sau đây của Thiên Chúa,
là trong dân thánh, có phúc cùng hưởng, có hoạ cùng chia.
Và ngay từ bấy giờ,
họ đã xướng lên những bài ca do cha ông truyền lại.

 

Ngay câu đầu, người đọc được đặt ngay vào bối cảnh. Tác giả Sách Khôn Ngoan suy niệm về «đêm cứu thoát người chính trực». Qua thế kỷ này đến thế kỷ khác, từ ngày được giải thoát khỏi Ai-cập, dân It-ra-en cử hành buổi ăn mừng Lễ Vượt Qua để tưởng niệm mầu nhiệm cuộc giải phóng của Thiên Chúa: «42 Đó là đêm ĐỨC CHÚA canh thức để đưa họ ra khỏi đất Ai-cập; đêm đó thuộc về ĐỨC CHÚA, đêm canh thức của toàn thể con cái Ít-ra-en, qua mọi thế hệ.» (Xh12, 42). Cử hành để lễ sống lại, nói như thế không quá lời, vì ở It-ra-en «cử hành» không chỉ có nghĩa tưởng niệm; nhưng là để Chúa hành động lại lần nữa, để chính mình tham dự vào cuộc phiêu lưu vĩ đại giải phóng, có thể nói trong tác động của Thiên Chúa.

Điều này rất thật, từ ngàn xưa và ngay cả ngày nay, khi người cha, chủ gia đình; trong bữa ăn Lễ Vượt qua, giới thiệu cho con ý nghĩa buổi lễ, ông nói: «Sở dĩ như vậy là vì những gì ĐỨC CHÚA đã làm cho cha khi cha ra khỏi Ai-cập» (Xh 13, 8). Và các giáo sĩ Do Thái xác nhận: «Trong mỗi thế hệ, phải nhìn nhau như vừa thoát khỏi Ai-cập». Việc cử hành lễ Vượt qua, gồm tất cả chiều kích của Giao ước được dân tộc It-ra-en trải qua từ thời Mô-sê: tạ ơn công trình giải phóng do Chúa tác động và lời cam kết trung thành với các điều răn, vì chúng ta biết rằng ba tác động: Giải phóng, ban Lề Luật và Giao Ước, đều chỉ là một sự kiện duy nhất. Đó là sứ điệp của Thiên Chúa truyền cho ông Mô-sê, và qua ông cho cả các dân tộc, dưới chân núi Si-nai: «4 Các ngươi thấy Ta đã xử với Ai-cập thế nào, và đã mang các ngươi như trên cánh chim bằng, mà đem đến với Ta. 5 Vậy giờ đây, nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. Vì toàn cõi đất đều là của Ta.6 Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh. Đó là những lời ngươi sẽ nói với con cái Ít-ra-en» (Xh 19, 4-6)

Hai chiều kích của lễ Vượt qua - tạ ơn Chúa giải phóng và cam kết trung thành các điều răn - được đọc lại qua mấy hàng sách Khôn ngoan, Giáo Hội đề nghị đọc hôm nay ở đây.

Chúng ta hãy bắt đầu bằng lời tạ ơn: «6 Đêm ấy đã được báo trước cho cha ông chúng con, để khi biết chắc lời hứa mình tin là lời hứa nào các ngài thêm can đảm… họ đã xướng lên những bài ca do cha ông truyền lại». Lời hứa nào được nói ở đây? Chỉ chữ «lời hứa» cũng thấy thú vị: nào ai ngờ một Thiên Chúa có thể thề hứa với một con người, một dân tộc? Phải chính Chúa mặc khải con người mới có thể tin như thế! Những bài tường thuật từ cha ông ngàn xưa cũng chỉ lặp lại các lời hứa ấy: một dòng dõi, một xứ sở.

Ở đây, chúng ta chỉ dừng ở những lời hứa thoát khỏi Ai-cập. Ví dụ: «13 Còn dân đã chuộc về, Ngài yêu thương dìu dắt, lấy quyền lực dẫn đưa tới đất thiêng Ngài ngự. 14 Khi vừa nghe tin đó, chư dân run lẩy bẩy; người xứ Phi-li-tinh phải đớn đau quằn quại.» (Xh 15, 13-14). Vẫn một lời hứa ấy được ban cho tất cả các tổ tiên: Áp-ra-ham, I-sa-ắc, Gia-cóp. Sau đây là lời Chúa nói cho Gia-cóp để khuyến khích ông qua Ai-cập, khi đến gặp Giu-se: «Ta là Thiên Chúa, Thiên Chúa của cha ngươi. Đừng sợ xuống Ai-cập, vì ở đó Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn. 4 Chính Ta sẽ xuống Ai-cập với ngươi và chính Ta cũng sẽ đưa ngươi lên. Giu-se sẽ vuốt mắt cho ngươi» (St 46, 3-4)

Một khi gợi lên cuộc chạy thoát khỏi Ai-cập nhờ sự bảo trợ, chở che của Thiên Chúa cho dân Ngài, dĩ nhiên là phải nói đến sự tan rã của quân thù thời ấy là quân Ai-cập: «… như đêm cứu thoát người chính trực và tiêu diệt kẻ địch thù. 8 Quả vậy, Chúa dùng hình phạt giáng xuống đối phương để làm cho chúng con được rạng rỡ và kêu gọi chúng con đến với Ngài». Ở đây không phải là một lời ca ngợi chiến thắng nhưng hơn thế nữa, là một bài học, tác giả đề nghị cho người đương thời để tưởng niệm. Bài học có ý nói, người Ai-cập đã thua trận vì đã chọn lựa áp bức và bạo lực. Dân bị áp bức được Thiên Chúa phù trợ, Ngài luôn đến giải cứu kẻ yếu hèn. Ánh sáng của Thiên Chúa đã chiếu xuống chúng ta trong thời bị áp bức, Ngài sẽ lại cho chiếu sáng xuống những kẻ bị áp bức khác… Vì thế, chúng ta có thể hiểu ý nghĩa của cột lửa bảo vệ dân chúng, cản lại đoàn quân Ai-cập đuổi theo họ: «3 Thay cho bóng tối, Ngài đã ban cột lửa làm hướng đạo trên con đường họ chưa hề biết, làm vầng ô dịu hiền trong cuộc di dân hiển hách vinh quang. 4 Quân vô đạo đáng phải thiếu ánh sáng, đáng bị giam cầm trong cảnh tối tăm bởi chúng từng giam hãm con cái Chúa, những người Chúa dùng mà ban cho thế gian ánh sáng không hề tắt của lề luật» (Kn 18, 3-4)

Chiều kích thứ hai của việc cử hành đêm lễ Vượt-qua, là sự cam kết cá nhân và của cộng đoàn. «9 Con lành cháu thánh của những người lương thiện âm thầm dâng lễ tế trong nhà. Họ đồng tâm nhất trí về luật sau đây của Thiên Chúa, là trong dân thánh, có phúc cùng hưởng, có hoạ cùng chia. Và ngay từ bấy giờ, họ đã xướng lên những bài ca do cha ông truyền lại». Trong ít hàng, tác giả không thể triển khai rõ hết ý nhưng đã đối chiếu một cách tuyệt vời, một đàng là cách cử hành buổi lễ (âm thầm dâng lễ tế trong nhà), một đàng là cam kết sự hiệp nhất huynh đệ (trong dân thánh, có phúc cùng hưởng, có hoạ cùng chia). Chúng ta biết Lề Luật It-ra-en luôn luôn gắn liền Cảm tạ hồng ân Thiên Chúa với Giao Ước; vì thế không có gì đáng ngạc nhiên.

Chúa Giê-su cũng làm điều này, khi Ngài nói «hãy làm điều này để nhớ đến Thầy», tức là cùng một lúc thực hiện bí tích Thánh Thể và phục vụ anh em, như Ngài đã làm, đêm lễ Vượt-qua Chúa đã rửa chân cho các môn đệ.

 

***

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut                       
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân              
Hiệu đính: Phê-rô Nguyễn Thế Hoằng               


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com