Lời Chúa CN

TÌM HIỂU CỰU ƯỚC CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN NĂM C 25/8/2019 - BÀI ĐỌC 1 (Is 66, 18-21)

"Chúng dẫn tất cả anh em các ngươi từ mọi dân tộc đến"

 

Trích sách tiên tri Isaia.

 

18 Còn Ta, Ta biết rõ việc làm và ý định của chúng, Ta sẽ đến tập họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ; họ sẽ đến và được thấy vinh quang của Ta.

19 Ta sẽ đặt giữa họ một dấu hiệu và sai những kẻ sống sót của họ đến các dân tộc: Tác-sít, Pút, Lút, là những dân thạo nghề cung nỏ, đến dân Tu-van, Gia-van, đến những hải đảo xa xăm chưa hề được nghe nói đến Ta và chưa hề thấy vinh quang của Ta. Họ sẽ loan báo vinh quang của Ta giữa các dân tộc.

20 ĐỨC CHÚA phán: giống như con cái Ít-ra-en mang lễ phẩm trên chén dĩa thanh sạch đến Nhà ĐỨC CHÚA, người ta cũng sẽ đưa tất cả những anh em các ngươi thuộc mọi dân tộc về làm lễ phẩm tiến dâng ĐỨC CHÚA - đưa bằng ngựa, xe, võng cáng, lừa và lạc đà - về trên núi thánh của Ta là Giê-ru-sa-lem.

21 Và cả trong bọn họ, Ta sẽ chọn lấy một số làm tư tế, làm thầy Lê-vi - ĐỨC CHÚA phán như vậy.

 

«ĐỨC CHÚA phán như vậy», như mọi khi, cụm chữ này được dùng ở cuối một bài để báo cho chúng ta những gì vừa nói đặc biệt hệ trọng. Thật vậy, đấy là những gì sẽ xảy ra khi công trình Thiên Chúa được hoàn tất.

Chúng ta bỗng nhiên vụt biến về thời cánh chung. Điều này giải thích giọng điệu đặc biệt, có những chữ và hình ảnh long trọng suốt cả một đoạn văn đầy tính cách lịch sử. Bắt đầu bằng chữ vinh quang: là ánh chiếu của sự hiện diện của Thiên Chúa, tiếng Do thái dùng chữ «trọng lượng» của Thiên Chúa. “Họ sẽ thấy vinh quang của Ta”, có nghĩa họ sẽ nhìn nhận Ta là Thiên Chúa duy nhất của họ, chính Ta “khích lệ mọi hành động và ý tưởng của họ” như chúng ta có thể đọc vài câu trước bài này. Vinh quang này, từ nay sẽ chiếu sáng tất cả từ các dân tộc: đây cũng là một từ ngữ được lập lại nhiều lần trong mấy câu ở bài này. Đó là để loan báo họ hội nhập dần dần vào dân Chúa: «Ta sẽ đến tập họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ»

Trong Thánh Kinh, ít khi các dân tộc được nhắc đến một cách tích cực như thế. Tùy theo bài, từ ngữ này dường như nói lên nhiều ý nghĩa mâu thuẫn với nhau; có lúc tích cực, có lúc hoàn toàn xấu không tốt. Ví dụ như sách Đệ nhị Luật gọi họ: «Các dân tộc đáng ghê tởm». Nhưng vì sách này đề cập đến đa thần giáo và cách giữ đạo của họ một cách chung, đặc biệt những trường hợp tế lễ người. Đó là giai đoạn đầu của phương pháp sư phạm Thánh Kinh, trong ấy được nhấn mạnh tình yêu Thiên Chúa của dân Ngài chọn, không được phân ly; ý thức dung nhan thật của Chúa Duy Nhất; phải tránh chung đụng với các dân tộc. Vì đó, thường là mối nguy cơ bị ảnh hưởng thờ phượng bụt thần. Lịch sử It-ra-en cũng đã từng chứng minh nguy cơ ấy là một thực tế! Đứng vững trong đức tin phải là một chọn lựa không ngừng. Nếu họ quả quyết như trong bài Thánh vịnh sau đây, tức là phải luôn luôn ý thức rằng các thần của chư dân là hư không, để đừng rơi vào thờ lạy bụt thần: «5 vì chư thần các nước thảy đều hư ảo, còn ĐỨC CHÚA, Người sáng tạo trời cao… » (Tv 95 (96) 5). Một cuộc chiến không bao giờ hoàn toàn chiến thắng. Thế nhưng, nếu dân Chúa không làm tròn sứ vụ thì ai sẽ là chứng nhân cho Chúa duy nhất?

Dù rằng thế, nhưng đây là mặt trái của chữ «các dân tộc» - từ thời Áp-ra-ham, tất cả mọi dân tộc được mời gọi dự hưởng lời chúc phúc Thiên Chúa đã hứa với tổ phụ: «3 Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi» (St 12, 3). Như thế có phải Chúa mâu thuẫn với chính mình chăng? Nếu Ngài là Thiên Chúa duy nhất, tất nhiên cũng là Thiên Chúa các «dân tộc». Và một khi đức tin dân Do Thái vững vàng hơn, lúc ấy sẽ là lúc khám phá ra tính hoàn vũ của đề án Thiên Chúa: dân Chúa chọn dần dần sẽ khám phá ra họ là con cả của Thiên Chúa, chứ không phải đứa con duy nhất. Vai trò của họ, chính là mở đường cho đàn em trên chuỗi đường dài nhân loại đến cùng Thiên Chúa của mình. Đấy là hệ quả cuối cùng của thuyết nhất giáo: Nếu Chúa là Chúa duy nhất thật, thì Ngài là Thiên Chúa của tất cả. Tất cả các dân tộc sẽ được qui tụ chung quanh một dấu chỉ: «19 Ta sẽ đặt giữa họ một dấu hiệu!» Hai dấu hiệu hay hai cờ hiệu (tuy hai danh từ khác nhau nhưng hình như cùng gợi lên một hình ảnh) đó là một cách nói về Đấng Mê-si-a. Rất thú vị, khi nhận thấy thánh Gio-an dùng chữ dấu chỉ để nói về những kỳ công của Chúa Giê-su (và cùng lúc mạc khải cho chúng ta Ngài là đấng Mê-si-a). Ví dụ như trong đoạn cuối  bài tiệc cưới Ca-na, thánh nhân viết: «11 Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người» (2, 11). Và dấu chỉ thứ hai tại Ca-na - chữa lành đứa con vị sĩ quan của hoàng đế - đó lại là một quân nhân, một người ngoại. Vinh quang Thiên Chúa, nay đến với các dân tộc. Và Chính Chúa Giê-su cũng dùng cách tượng trưng ấy khi Ngài tuyên bố: «32 Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.» (Ga 12, 32) .

Đó là những sứ giả, những nhà truyền giáo của dân Chúa chọn, họ sẽ là những tác nhân qui tụ muôn dân tại Giê-ru-sa-lem: «Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta để tái lập các chi tộc Gia-cóp, để dẫn đưa các người Ít-ra-en sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít. Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất.» (Is 49, 6) Đó là Lời Chúa nói với It-ra-en, một trong những bài hát Người Tôi Trung Thiên Chúa. Ơn cứu độ Thiên Chúa sẽ thật sự đến tận cùng trái đất, vì các dân ngọai từ nay sẽ được thanh tẩy, đến độ có thể được làm lễ phẩm hiến dâng lên Chúa: «người ta cũng sẽ đưa tất cả những anh em các ngươi thuộc mọi dân tộc về làm lễ phẩm tiến dâng ĐỨC CHÚA» (c20), điều này có nghĩa là những điều kiện về ơn gọi thông thường không còn đòi hỏi nữa. Từ nay mọi người có thể tiến gần Thiên Chúa hằng sống.

 

***

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut                         
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân             
Hiệu đính: Phê-rô Nguyễn Thế Hoằng              


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com