Lời Chúa CN

TÌM HIỂU CỰU ƯỚC CHÚA NHẬT XXV TN NĂM C 22/09/2019 - THÁNH VỊNH (Tv 112, 1-2.4-6.7-8).

"Hãy ngợi khen Chúa, Đấng nâng cao kẻ túng thiếu"

 

1 Ha-lê-lui-a.
Hỡi tôi tớ CHÚA, hãy dâng lời ca ngợi,
nào ca ngợi danh thánh CHÚA đi!

2 Chúc tụng danh thánh CHÚA,
tự giờ đây cho đến mãi muôn đời!

4 CHÚA siêu việt trên hết mọi dân,
vinh quang Người vượt xa trời cao thẳm.

5 Ai sánh tày THƯỢNG ĐẾ Chúa ta, Đấng ngự chốn cao vời,

6 cúi xuống để nhìn xem bầu trời trái đất?

7 Kẻ mọn hèn, Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụi,
ai nghèo túng, Người cất nhắc từ đống phân tro,

8 đặt ngồi chung với hàng quyền quý, hàng quyền quý dân Người.

 

Bài Thánh Vịnh này, bài đầu tiên Chúa Giê-su đọc buổi chiều Thứ Năm Tuần Thánh. Khi thánh sử Mat-thêu kể trong Tin Mừng, tất cả nhóm tiến về vườn Cây Dầu sau khi hát Thánh vịnh; đó là đặc biệt bài Thánh Vịnh này. Và chữ đầu tiên Chúa Giê-su hát lên là «Alleluia».

Nghĩa chữ Alleluia là «Ngợi khen Thiên Chúa»: Allelu, có thể hiểu, hãy ngợi khen; và YA là chữ đầu của tên Thiên Chúa mặc khải về Ngài, không đọc được. Tóm lại, đây là một bài Thánh vịnh ngợi khen, ngay chữ đầu tiên cho ta biết như thế .

Cấu trúc bài Thánh Vịnh rất thú vị! Bài gồm hai phần, mỗi phần có bốn câu, kèm ở giữa một câu trung tâm; câu trung tâm ấy là một câu hỏi: «5 Ai sánh tày THƯỢNG ĐẾ Chúa ta». Hai phần, trên và dưới, có thể nói chiêm ngắm hai mặt của mầu nhiệm Thiên Chúa: phần trên là sự thánh thiện của Ngài, phần dưới là lòng từ bi nhân hậu.

Một lần nữa chúng ta khám phá hai chiều kích của mặc khải: Thiên Chúa tỏ mình cùng một lúc như Đấng Khác Biệt (còn được gọi là Đấng siêu việt hay Đấng cực thánh) và Đấng Gần Gũi chúng ta. Tính siêu việt được triển khai trong phần đầu, chỉ cần đọc rõ các từ ngữ của bài này. Tất cả biểu lộ dường nào Thiên Chúa là Đấng Siêu Việt, tác giả không ngừng lập lại cái «Danh thánh» bất hủ của Ngài mà vì kính trọng không ai đọc trọn được.

Hẳn các bạn biết: đối với Thánh Kinh, nói lên tên của một ai, tức một cách nào đó, dám nói về người ấy, hay tự cho mình biết nhiều về người ấy. Thế nhưng, ai có thể nói biết Chúa? Chỉ có Chúa mới có thể nói về Ngài mà thôi. Vì thế, Tên của Thiên Chúa, như Ngài đã mặc khải bằng bốn chữ cái mà không ai hề đọc được. Các bạn hẳn cũng biết, trong Thánh Kinh khi gặp bốn chữ ấy, người Do Thái tự động thay bằng chữ: «A-đô-nai», có nghĩa là «Chúa tôi», nhưng không mạo muội định nghĩa Thiên Chúa.

Thỉnh thoảng, để nói về Chúa nhưng không muốn nêu Tên Ngài, chữ «TÊN» được thay thế vào, như thế để hiểu tất cả lòng kính trọng, tôn kính Thiên Chúa. Chính vì vậy, trong bài này, chữ «Chúa», trình bày khoảng cách giữa Thiên Chúa và ta, được lập lại năm lần. Chữ «Danh» cũng được dùng ba lần, động từ  «ca ngợi» hay «chúc tụng» cũng thế «1 Ha-lê-lui-a. Hỡi tôi tớ CHÚA, hãy dâng lời ca ngợi, nào ca ngợi danh thánh CHÚA đi! 2 Chúc tụng danh thánh CHÚA, tự giờ đây cho đến mãi muôn đời! 4 CHÚA siêu việt trên hết mọi dân, vinh quang Người vượt xa trời cao thẳm». Vinh quang Thiên Chúa chói rọi khắp không gian và thời gian. «2 Chúc tụng danh thánh CHÚA, tự giờ đây cho đến mãi muôn đời! 4CHÚA siêu việt trên hết mọi dân, vinh quang Người vượt xa trời cao thẳm». Nói lên lời xác tín như thế, cho thấy quyết định từ bỏ vĩnh viễn thờ lạy bụt thần: «4 CHÚA siêu việt trên hết mọi dân, vinh quang Người vượt xa trời cao thẳm». Điều đáng chú ý sau cùng trong phần thứ nhất, ngoài ra nhân loại cũng không bị bỏ quên!: «4 CHÚA siêu việt trên hết mọi dân».

Kế đến là câu trung tâm: «5 Ai sánh tày THƯỢNG ĐẾ Chúa ta?», ngụ ý nói rằng điều được mặc khải vĩ đại nhất này – ai có thể tin được? – Thiên Chúa vinh quang nhưng cũng là Thiên Chúa nhân từ. Và chương thứ hai, triển khai chi tiết hơn tác động của Thiên Chúa cho kẻ hèn mọn, những người nghèo. «7 Kẻ mọn hèn, Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụi, ai nghèo túng, Người cất nhắc từ đống phân tro». Đặc biệt, những kẻ hèn mọn có những người phụ nữ vô sinh, sống thấp thỏm trong lo âu bị loại trừ «9 Người làm cho đàn bà son sẻ thành mẹ đông con, vui cửa vui nhà.» Chúng ta cũng biết tiếng Do Thái nói «nhà» như ở đây có nghĩa là «dòng dõi». Bà Sa-ra, vợ ông Áp-ra-ham, cũng đã từng được hưởng thay đổi tình huống một cách nhiệm mầu như thế. Chúng ta có thể tưởng tượng niềm vui một phụ nữ không bao giờ có con, mấy năm sau lại được thấy nhà đầy con cái, gái trai!

Thánh Kinh thường ghi lại những thay đổi tình huống như thế này, «…Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.» (Lc.1, 37), ai cũng biết, đây là câu nằm lòng của người tín hữu chúng ta. Bài Kinh Ngợi Khen Trinh Nữ Ma-ri-a, cũng tràn đầy niềm xác tín ấy: «48 Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc… 51 Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. 52 Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường» (Lc.1, 48…). Cũng đừng quên những điều kỳ diệu này có thể áp dụng cho mỗi chúng ta, nhưng nói chung các Thánh vịnh nhằm đến toàn dân tộc Ít-ra-en.

Chúng ta hãy trở lại buổi chiều Tiệc Ly, Chúa Giê-su hát bài Thánh Vịnh này cho các môn đệ. Khi Ngài tiến về vườn Cây Dầu chiều ngày Thứ Năm Tuần Thánh, câu sau đây hẳn đánh động Ngài: «Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường». Đang trên đường tiến đến cuộc Thương Khó và cái chết trên thập giá, hẳn qua bài này, Người nghe loan báo ngày Chúa Phục Sinh. Từ cát bụi, chúng ta trở về cát bụi, nhưng «7 Kẻ mọn hèn, Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụi, ai nghèo túng, Người cất nhắc từ đống phân tro»… Đấy, những gì đã xảy ra với Chúa Giê-su và những gì sẽ chờ đợi chúng ta.

 

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut                         
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân               
Hiệu đính: Phê-rô Nguyễn Thế Hoằng.                


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com