Lời Chúa CN

TÌM HIỂU CỰU ƯỚC CN XXXI THƯỜNG NIÊN NĂM C 03/11/2019 - BÀI ĐỌC 1 (Kn 11, 23-12, 2, 1)

Chúa thương xót mọi loài, vì Chúa yêu thương mọi tạo vật

 

Trích sách Khôn ngoan

 

23 Nhưng Chúa xót thương hết mọi người,
vì Chúa làm được hết mọi sự.
Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người,
để họ còn ăn năn hối cải.

24 Quả thế, Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu,
không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra,
vì giả như Chúa ghét loài nào, thì đã chẳng dựng nên.

25 Nếu như Ngài không muốn, làm sao một vật tồn tại nổi?
Nếu như Ngài không cho hiện hữu,
làm sao nó có thể được duy trì?

26 Lạy Chúa Tể là Đấng yêu sự sống,
Chúa xử khoan dung với mọi loài,
vì mọi loài đều là của Chúa.

1 Quả vậy, lạy Đức Chúa, sinh khí bất diệt của Ngài
ở trong muôn loài muôn vật.

2 Vì thế, những ai sa ngã, Chúa sửa dạy từ từ.
Chúa cảnh cáo họ, nhắc cho họ nhớ họ đã phạm tội gì,
để họ bỏ điều ác mà tin vào Chúa.

 

Đoạn Thánh Kinh này tuyệt vời! Tất cả đều được viết như một lời nguyện với Chúa. Không phải lời suy niệm về Chúa, đây là một lời tạ ơn thưa với Ngài, một sáng tác thật đặc biệt, mang lại cho chúng ta một bài đầy cảm xúc.

Thay vì «tạ ơn», có lẽ nên nói  «lòng biết ơn», có hai điều: trước tiên là cảm nhận, vì cảm nhận mới có lòng biết ơn. Ít-ra-en lãnh nhận một ưu đãi lạ lùng, được mặc khải biết Chúa và lòng biết ơn Ngài. Thế nhưng, sách Khôn Ngoan là một bài được sáng tác về sau này (chỉ vào những năm 50 trước CN); vì lẽ ấy, có nghĩa đã đến lúc cuối, lòng tin Ít-ra-en được trưởng thành. Vì thế, không lạ gì chúng ta tìm nơi đây, tổng kết tất cả những mặc khải dân Chúa chọn, tích luỹ suốt những thế kỷ đã qua.

Bài chúng ta đọc hôm nay, một bài tụng ca hướng về Thiên Chúa Đấng Sáng Tạo Trời Đất. Chúng ta đừng quên đọc trước đoạn hôm nay: «21 Quyền năng Chúa luôn luôn vĩ đại,
ai chống nổi cánh tay dũng mãnh của Ngài?... 22 toàn thể vũ trụ ví tựa hạt cát trên bàn cân, tựa giọt sương mai rơi trên mặt đất».
Những hình ảnh tuyệt vời nói lên sự nhỏ bé chúng ta trước Thiên Chúa. Bỗng nhiên, khi ý thức quyền năng Thiên Chúa, và sự bất lực của chúng ta có thể làm chúng ta đâm ra sợ: về lịch sử, hẳn đây là bước đầu của cụm chữ «kính sợ Thiên Chúa». Thế nhưng, Ngài mạc khải dần dần cho Ít-ra-en là Đấng không nên sợ.

Vì chúng ta biết, đây là lần đầu Ít-ra-en được mạc khải, có thể nói vế đầu của Kinh Tin Kính Ít-ra-en, «Chúa giải thoát dân Ngài», Chúa đồng hành với dân Ngài trong công trình tìm tự do, Chúa làm một cách nhưng không, dân Chúa chẳng xứng đáng gì, đơn giản chỉ vì tình yêu. Niềm tin Ít-ra-en khởi đầu bằng trải nghiệm Giao Ước với Thiên Chúa, Đấng cứu độ. Thiên Chúa trong giai đoạn Xuất Hành, «Thiên Chúa nhân hậu… giàu lòng thành tín» (Tv 86, 15), như Ngài đã mạc khải cho ông Mô-sê. Vì thế, khi Ít-ra-en nghĩ về công trình sáng tạo, họ suy niệm từ trải nghiệm của mình, mọi vạn vật được Thiên Chúa sáng tạo cũng là công trình của tình yêu. Lúc bấy giờ, không có gì phải sợ: trong đức tin, Ít-ra-en giữ một ý thức sâu sắc về sự nhỏ bé của mình, nhưng họ biết rằng quyền năng của Chúa là tình yêu. Lúc bấy giờ, dần dần cụm chữ «kính sợ Thiên Chúa» thay đổi nghĩa. Từ nay, ý thức sự nhỏ bé của chúng ta làm tăng niềm cậy trông thêm mãnh liệt.

Sự mạc khải tiệm tiến ban cho Ít-ra-en suốt trải nghiệm Giao Ước với Thiên Chúa, được gợi lên trong đoạn bài đọc hôm nay. Sau đây là vài dấu chỉ. Ví dụ như chúng ta đọc trong Sách Khôn Ngoan: «24 Quả thế, Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu, không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra, vì giả như Chúa ghét loài nào, thì đã chẳng dựng nên.

25 Nếu như Ngài không muốn, làm sao một vật tồn tại nổi? Nếu như Ngài không cho hiện hữu, làm sao nó có thể được duy trì?… Nghe vẳng đâu đây như tiếng vang bài thơ Sáng Thế tuyệt vời, trong chương đầu Sách Thánh được lặp đi lặp lại như một điệp khúc: «Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.» (St1, 10). Từ đầu đến cuối, bài thơ Sáng Thế quả quyết rằng Thiên Chúa yêu thương tạo vật của Ngài.

«Lạy Chúa Tể là Đấng yêu sự sống» (c.26), có nghĩa là sự chết sẽ thất bại: chính sự mạc khải này - Chúa yêu sự sống và kẻ sống - dần dần mang lại cho Ít-ra-en niềm tin về kẻ chết sống lại. «lạy Đức Chúa, sinh khí bất diệt của Ngài trong muôn loài muôn vật.» (c.12, 1): ở đây cũng vậy, như một tiếng vang với sách Sáng Thế, nhưng  lần này với chương 2, phần thứ hai của công trình sáng tạo: «ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật» (St 2, 7). Hình ảnh tuyệt vời  nói lên sự sống con người được gắn liền với hơi thở của Thiên Chúa.

Nhưng nhất là điều gợi lên lòng tri ân người tín hữu, đó là tình yêu của Đấng Tạo Hóa vẫn kiên vững mặc cho các bất trung của chúng ta. Sức mạnh của Thiên Chúa không phải  thống trị: đối với chúng ta, Ngài nâng đỡ và giúp chúng ta trỗi dậy! Đó mới là sự hùng mạnh thật sự: «Chúa xót thương hết mọi người,vì Chúa làm được hết mọi sự» (c.23). Ai cũng biết tha thứ đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn báo thù. Sau đoạn Thánh Kinh này, sách Khôn Ngoạn nói thật rõ: «Chính do sức mạnh của Chúa mà Chúa hành động công minh, và vì Chúa làm bá chủ vạn vật, nên Chúa nương tay với muôn loài.» (Kn 12, 13-18). Sở dĩ Chúa tha thứ, chính vì Ngài yêu sự sống, kẻ sống, và để họ sống: “Chúa xót thương hết mọi người,
vì Chúa làm được hết mọi sự… Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người,
để họ còn ăn năn hối cải.
(c.23)… những ai sa ngã, Chúa sửa dạy từ từ.
Chúa cảnh cáo họ, nhắc cho họ nhớ họ đã phạm tội gì,
để họ bỏ điều ác mà tin vào Chúa”
(c.12, 2). Những cây ấy làm cho chúng ta nghĩ đến như tiếng vang sách Ê-dê-ki-en: «Chẳng lẽ Ta lại vui thích vì kẻ gian ác phải chết … Ta lại không muốn cho nó từ bỏ đường lối của nó mà được sống sao?» (Ed 18, 23)

Một tiếng vang khác trong sách Khôn Ngoan: «Vì thế, những ai sa ngã, Chúa sửa dạy từ từ. Chúa cảnh cáo họ, nhắc cho họ nhớ họ đã phạm tội gì, để họ bỏ điều ác mà tin vào Chúa.» (Kn 12, 2). Sách Đệ Nhị Luật so sánh sự nhẫn nại, phương pháp sư phạm của Thiên Chúa đối với dân Ngài ví như sự kiên nhẫn của người Cha: «Thiên Chúa của anh (em), giáo dục anh (em), như một người giáo dục con mình.» (Đn l8, 5). Cũng phải công nhận rằng, Thiên Chúa không nề hà nhẫn nại đối với chúng ta, chương trình dạy dỗ chúng ta chưa dứt, còn rất nhiều điều phải làm để chúng ta tránh sự dữ… Nhưng sự kiên nhẫn của Ngài không bao giờ cùng. Như Thánh Phê-rô nói: «một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày» (2Pr 3, 8).                

 

***

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut                      
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân           
Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng.           


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com