Lời Chúa CN

TÌM HIỂU TÂN ƯỚC CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM A - 01/12/2019

BÀI ĐỌC 2 (Rm 13, 11-14)

 

"Phần rỗi chúng ta gần đến"

 

Trích thư Thánh Phao-lô gửi tín hữu thành Rô-ma

 

11 Phải như thế, vì anh em biết chúng ta đang sống trong thời nào. Đã đến lúc anh em phải thức dậy, vì hiện nay ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần hơn trước kia, khi chúng ta mới tin đạo.

12 Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu.

13 Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương.

14 Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng.

 

«hiện nay ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần hơn trước kia, khi chúng ta mới tin đạo». Câu này của Thánh Phao-lô vẫn luôn xác thực! Một trong những điều đức tin dạy chúng ta, lịch sử không phải là sự tái diễn bất tận, nhưng ngược lại, một sự thăng tiến không có gì cưỡng lại được của chương trình Thiên Chúa. Mỗi ngày chúng ta có thể nói «kế hoạch yêu thương» của Chúa đã gần hơn hôm qua: nó đang được hoàn tất, kế hoạch vẫn tiến triển, chậm nhưng chắc chắn.  Không tuyên xưng điều này, là quên một điều chính yếu của đức tin Ki-tô. Ki-tô hữu không có quyền u sầu, vì mỗi ngày «Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần», như Thánh Phao-lô nói.

Thế nhưng, «kế hoạch yêu thương» cần đến chúng ta: không phải lúc để ngủ, chúng ta may mắn được biết chương trình của Thiên Chúa, không lẽ chúng ta làm nó chậm lại. Tới đây, tôi nghĩ đến thư thứ Hai của Thánh Phê-rô: «9 Chúa không chậm trễ thực hiện lời hứa, như có kẻ cho là Người chậm trễ. Kỳ thực, Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải» (2Pr 3, 9). Điều này có nghĩa, thái độ thụ động của chúng ta, «ngủ quên», theo cách nói của Thánh Phao-lô - gây ảnh hưởng tiêu cực trong đà tiến của kế hoạch Thiên Chúa: để cho ngủ yên những năng khiếu, những khả năng chúng ta, là làm hỏng đi hay ít nhất làm chậm lại chương trình của Thiên Chúa. Đó là những cách làm cho trầm trọng những gì mà chúng ta gọi là «những điều thiếu xót»: chương trình của Thiên Chúa không chờ đợi; như Thánh Phao-lô nói, đêm sắp tàn, ngày đã đến gần. Nơi khác, trong thư thứ nhất gửi tín hữu thành Cô-rin-tô, Thánh Phao-lô nói: «thời gian chẳng còn bao lâu» (1Cr 7, 29), và ngài dùng một từ kỹ thuật đi biển «thời gian đã cuốn buồm», như tàu cặp bến, cuốn buồm lại.

Các bạn có thể nghĩ, ngài có ít nhiều kiêu kỳ nên cho chúng ta tầm quan trọng ấy. Như thể thái độ của chúng ta ảnh hưởng đến chương trình của Chúa… Và vậy mà, không phải tôi bày ra gì cả: đó là điều làm cho đời chúng ta «vĩ đại»; nhưng có lẽ, nên nói, đời chúng ta «trọng đại» thì hơn. Nếu tôi tin những gì Thánh Phao-lô nói, cách hành xử thường nhật của chúng ta  thật quan trọng. Tôi xin đọc: «13 Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương». Đó là những gì ngài gọi là  «những việc làm đen tối».

Có những cách ăn ở theo Ki-tô hữu, và cách hành xử không đáng được gọi như thế. Có những việc làm đen tối, có những việc làm giữa ban ngày. Điều này, không có nghĩa, những Ki-tô hữu chúng ta luôn ăn ở xứng với bí tích Rửa Tội; và những người không phải là Ki-tô hữu, không có cách hành xử xứng đáng với Tin Mừng… Rất có thể, được rửa tội đàng hoàng, nhưng ăn ở như người không có gì Ki-tô tính; và cũng có thể không phải là Ki-tô hữu, nhưng sống theo Tin Mừng.

Nhưng thật ra - và điều này chắc chắn quan trọng - Thánh Phao-lô không nói «Hãy từ chối những việc làm đen tối»… và chọn «những việc làm giữa ban ngày», như thể, mỗi lần, ta cứ lấy quyền tự do của chúng ta để chọn lựa. Nhưng ngài nói: «12 Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu». Tôi nghĩ, hình như đây là hai điều khác nhau.

- Điều thứ nhất, dĩ nhiên, đây là điều chúng ta phải chọn lựa mỗi ngày, sự chọn lựa này có khi thật sự là một cuộc đấu tranh. Hiện nay, chúng ta không thiếu gì những mẫu gương: trước những vấn đề trong xã hội; giữa những vấn đề khác, chọn lựa cách hành xử theo Tin Mừng, có thể đặt chúng ta hoàn toàn ngược dòng với những người chung quanh ta, có khi là những thân nhân nữa. Còn việc chọn lựa phải tha thứ, chúng ta biết rằng trong vài trường hợp là cả một cuộc đấu tranh nội tâm. Từ chối thoả hiệp, «lo lót»… cũng là bao nhiêu sự đấu tranh với chính mình; đối với những thói quen dễ dãi của xã hội chúng ta: «15 Như thế, anh em sẽ trở nên trong sạch, không ai chê trách được điều gì, và sẽ trở nên những người con vẹn toàn của Thiên Chúa, giữa một thế hệ gian tà, sa đoạ. Giữa thế hệ đó, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời, 16 là làm sáng tỏ Lời ban sự sống,» (Ph 2, 15-16a)  

- Điều thứ hai, trong câu «cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu», có hình ảnh của trang bị chiến tranh, không phải lần đầu Thánh Phao-lô dùng đến. Ví dụ như trong thư gửi tín hữu thành Cô-rin-tô, ngài nói: «Chúng tôi lấy sự công chính làm vũ khí» (2Cr 6, 7) và trong thư gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca ngài viết: «chúng ta thuộc về ban ngày, nên hãy sống tiết độ, mặc áo giáp là đức tin và đức mến, đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn cứu độ» (1Tx 5, 8). Đó là cả một trang bị quân sự ngài đề nghị chúng ta. Trong bài này, ngài nói «y phục ánh sáng» (Lời người dịch:nguyên văn tiếng Pháp), y phục ánh sánh ấy không chi khác, là chính Chúa Giê-su Ki-tô, ánh sáng bao trùm chúng ta như một áo choàng: «cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu». Sau đó, Ngài nói thêm ở câu 14: «anh em hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô».

Nói cho cùng, câu: «chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu». Hẳn là một cách ám chỉ sự cử hành bí tích Rửa Tội. Chúng ta biết rằng rửa tội là dìm người xuống nước; trước khi dìm người rửa tội xuống bồn nước, phải cởi đồ ra - để sau đó mặc vào Áo Trắng Rửa Tội ( nguyên gốc tiếng La-tinh Albus) - là dấu chỉ, từ nay người ấy là một con người mới, hoàn toàn tinh tuyền trong Chúa Giê-su Ki-tô. Trong lễ Rửa Tội ngày nay, người ta thường hát câu trong Thư gửi tín hữu thành Ga-la-ta: « … ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô» (Gl 3, 27). Điều này có nghĩa, cách hành xử Ki-tô - phải thú nhận làm như thế vượt khả năng chúng ta - cuộc đấu tranh ấy không phải của chúng ta mà là cuộc đấu tranh của Chúa Ki-tô trong chúng ta. Vì thế, chúng ta nhớ lại câu sau đây của chính Chúa Giê-su Ki-tô: «14 Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. 15 Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được.» (Lc 21, 14-15).

Trong cách nói thường nhật, có khi chúng ta nói “bộ y phục sáng chói“, nhưng để chỉ áo  chiến đấu của người đấu bò; thánh Phao-lô nói chúng ta cũng có thể dùng cho người Rửa tội.

***

 

 

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut                      
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân              
Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng.               


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com