Lời Chúa CN

TÌM HIỂU TÂN ƯỚC CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM A - 22/12/2019

BÀI ĐỌC 2 (Rm 1, 1-7)

 

"Đức Giê-su thuộc dòng dõi vua Đa-vít, là Con Thiên Chúa"

 

Bài thơ Thánh Phao-lô Tông đồ gởi tín hữu Rô-ma.

 

1 Tôi là Phao-lô, tôi tớ của Đức Ki-tô Giê-su, tôi được gọi làm Tông Đồ, và dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa.

2 Tin Mừng ấy, xưa Người đã dùng các ngôn sứ của Người mà hứa trước trong Kinh Thánh.

3 Đó là Tin Mừng về Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Xét như một người phàm, Đức Giê-su Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít.

4 Nhưng xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng.

5 Nhờ Người, chúng tôi đã nhận được đặc ân và chức vụ Tông Đồ, làm cho hết thảy các dân ngoại vâng phục Tin Mừng hầu danh Người được rạng rỡ.

6 Trong số đó, có cả anh em, là những người đã được kêu gọi để thuộc về Đức Giê-su Ki-tô.

7 Kính gửi tất cả anh em ở Rô-ma, những người được Thiên Chúa yêu thương, được kêu gọi làm dân thánh. Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an.

 

Đó là những lời đầu tiên Thánh Phao-lô nói với dân thành Rô-ma. Trong vài hàng, chúng ta có cả tóm lược tất cả đức tin Ki-tô: những lời hứa của Thiên Chúa trong Thánh Kinh, Mầu nhiệm Đức Ki-tô, Ngài giáng sinh và Phục sinh, dân thánh được chọn lựa nhưng không, sứ mạng Tông đồ nơi các dân ngoại của dân Chúa chọn. Tôi đề nghị chúng ta chỉ đọc nhanh, toàn bài này.

Nói với một cộng đồng ngài chưa bao giờ gặp, Thánh Phao-lô tự giới thiệu, thánh nhân có hai danh hiệu: «tôi tớ của Đức Ki-tô Giê-su và Tông Đồ». Có nghĩa là người được uỷ nhiệm, nhưng đây chỉ là một nhiệm vụ được trao phó: đó là nguồn gốc mọi cách táo bạo của ngài - nhân đây tôi xin lưu ý danh hiệu Ki-tô, thánh nhân dành cho Đức Giê-su và chỉ cho Ngài mà thôi: đó là một cách tuyên xưng đức tin. Đối với chúng ta, gọi Chúa là Đức Giê-su hay Đấng Ki-tô gần như giống nhau, sau 2000 năm của đức tin Ki-tô, đó là điều tự nhiên. Nhưng những người đương thời với Thánh Phao-lô, họ nhận ra sự khác biệt. Giê-su là cái tên chỉ một nhân vật, còn Ki-tô là một danh tánh, tiếng Hy-lạp có nghĩa theo tiếng Do Thái là Đấng Mê-xi-a. Vì thế, gọi Giê-su Ki-tô là khẳng định toàn diện đức tin Ki-tô: Giê-su thành Na-da-rét này là Đấng Mê-xi-a.

Thánh Phao-lô tiếp: «dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa». Có lẽ tốt hơn nên nói: loan báo Tin Mừng, đó là Tin lành, Tin tốt, loan báo ý định Thiên Chúa, một kế hoạch nhân từ của Chúa. Là Ki-tô tô hữu chỉ là loan báo hai điều: trước tiên, ý định của Chúa chỉ là nhân từ, và điều thứ hai, chương trình này được Chúa Giê-su Ki-tô hoàn tất. Đó là chính xác những gì Thánh Phao-lô muốn nói trong mấy hàng này.

Tôi xin tiếp tục: «Tin Mừng ấy, xưa Người đã dùng các ngôn sứ của Người mà hứa trước trong Kinh Thánh». Tôi xác tín rằng, không thể hiểu được trọn Thánh Kinh và toàn Tân Ước nếu chúng ta không thấm nhuần Cựu Ước: cả hai là một không thể tách rời. Kế hoạch của Thiên Chúa đã được dự trù từ hoàng hôn của vũ trụ, và Thiên Chúa đã tiệm tiến mạc khải qua lời các ngôn sứ.

Thánh Phao-lô nói: «Đó là Tin Mừng về Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô», phải hiểu chữ về trong câu này với ý nghĩa thật mạnh, hơn ngày nay ta hiểu. Thật vậy, Chúa Giê-su từ lâu là trung tâm của chương trình Thiên Chúa: khi Thánh nhân nói kế hoạch nhân từ trong thư gửi các tín hữu Ê-phê-sô, ngài nói: «thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô.» (Ep 1, 9), có nghĩa là từ muôn thuở, từ khởi nguyên, Thiên Chúa đã có kế hoạch quy tụ toàn nhân loại hiệp nhất trong Chúa Giê-su Ki-tô.

«Xét như một người phàm, Đức Giê-su Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít»: Ngài là Người, thành viên của dân Chúa chọn, hậu duệ vua Đa-vít. Ngài có đủ mọi tư cách để là Đấng Mê-xi-a: «4 Nhưng xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng». Theo truyền thống, danh hiệu Con Thiên Chúa dành cho mỗi tân vương, ngày được đăng quang. Đối với Chúa Giê-su Ki-tô, chính ngày Chúa Phục Sinh, Thiên Chúa đã suy tôn Ngài là vua loài người mới.  Rõ ràng, đối với Thánh Phao-lô, sự Phục Sinh của Chúa là một sự kiện đảo lộn bộ mặt thế giới. Rất lạ, ngài không nói đến cái chết mà chỉ nói đến sự Phục sinh của Chúa. Chúng ta biết rằng đối với Thánh Phao-lô đó là điều tiên quyết của đức tin: «14 Mà nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng». Chính sự Phục Sinh của Chúa Ki-tô là điều ngài rao giảng khắp nơi: «hầu danh Người được rạng rỡ», như ngài nói. Chúng ta nhận ra ở đây, một cách diễn đạt tuyệt vời trong thư gửi tín hữu thành Phi-lip-phê: «Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.» (Ph 2, 9), qua câu này, chúng ta hiểu danh xưng Thiên Chúa chỉ dành cho Đấng Tối Cao, từ nay dành cho chính Đấng Giê-su.

Vấn đề là: «làm cho hết thảy các dân ngoại vâng phục Tin Mừng hầu danh Người được rạng rỡ». Vâng phục, một từ ngữ khá lạ lùng, đối với não trạng chúng ta ngày nay không mấy hảo ý với tất cả những gì liên quan đến vâng phục. Nhưng đối với Thánh Phao-lô - hay hơn nữa, đối với tất cả Thánh Kinh - Vâng phục không có nghĩa gì có tính cách lệ thuộc, hèn hạ: nhưng là lắng nghe một cách tin tưởng một người, hay đấng nào nơi đó, khiến ta an tâm tin tưởng và có thể theo lời khuyên bảo. Tuyệt vời nhất, là thái độ phụ tử «làm cho hết thảy các dân ngoại vâng phục», tức là loan báo Tin Mừng cho họ: bao giờ họ hiểu Tin ấy là Tin Mừng, bấy giờ họ sẽ tin tưởng lắng tai nghe lời thương yêu ấy từ người Cha.

Sau cùng, Thánh Phao-lô kết thúc bằng một lời chúc thường gặp trong các thư của ngài, đó là lời chúc tốt đẹp nhất có thể cho một người: «Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an». Câu này trong nguyên bản tiếng Pháp, tác giả dùng thể văn chỉ là một lời chúc, điều này không có nghĩa là Chúa có thể không ban cho chúng ta ân sủng và bình an. Trái lại, Thiên Chúa lúc nào cũng ban cho chúng ta ân sủng và bình an, nhưng ta hoàn toàn tự do lãnh nhận hay không mà thôi: dùng thể văn này, Thánh Phao-lô muốn nói lên sự tự do của chúng ta. Thánh Phao-lô muốn nhắc lại nơi đây một câu tuyệt vời trong sách Dân Số: «24 Nguyện ĐỨC CHÚA chúc lành và gìn giữ anh (em)! 25 Nguyện ĐỨC CHÚA tươi nét mặt nhìn đến anh (em) và dủ lòng thương anh (em)! 26Nguyện ĐỨC CHÚA ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh (em)!» (Ds 6, 24-26) 

***

 

PHÚC ÂM (Mt 1, 18-24)

 

"Chúa Giêsu sinh ra bởi Đức Maria, đính hôn với Thánh Giuse con vua Đavít".

 

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.

 

18 Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần.

19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.

20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: "Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.

21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ."

22 Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ:

23 Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta."

24 Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.

25 Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giê-su.

 

Thánh Mát-thêu bắt đầu sách Tin Mừng bằng đề tựa: «Gia phả của Chúa Giê-su Ki-tô», ngài kể lại một phả hệ dài, minh chứng rõ rằng Thánh Giu-se là hậu duệ vua Đa-vít. Sau đó, thánh sử lược kể về cuộc sinh nở Chúa Giê-su: đó là bài Phúc Âm của chúng ta hôm nay. Thật ra, lời tường thuật về Chúa được sinh ra không quá một hàng. Thánh Giu-se mới là trung tâm của Lời Chúa.

Tôi xin lặp lại những chữ đầu của bài: «Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô». Đầu chương 1, thánh nhân cũng đã nói: «Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô». Dĩ nhiên, đây không phải một sự ngẫu nhiên ngài lặp lại hai lần chữ gia phả, cùng một từ ngữ cho các con cái ông A-dông, trong chương 5 Sách Sáng Thế: «Đây là gia phả ông A-đam». Dùng lại chữ này, Thánh Mát-thêu chắc chắn muốn nói rằng Chúa Giê-su, tóm tắt lại nơi Ngài tất cả lịch sử nhân loại. Thánh Phao-lô thì nói, này là: «A-đam cuối cùng» (1Cr 15, 45).

Câu cuối của gia phả theo Thánh Mát-Thêu viết: «Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.». Câu này đánh dấu có sự thay đổi đột ngột trong gia phả: công thức bình thường của gia phả lẽ ra phải như thế này: «Giu-se sinh ra Giê-su», và như thế, Giê-su tự động sẽ từ dòng giỏi Đa-vít. Nhưng ở đây, để cho Chúa Giê-su được kể là dòng dõi Đa-vít, thì Chúa Giê-su phải là con nuôi Thánh Giu-se. Thánh Kinh đã nói: «Con Người phải bị nộp vào tay… (người đời)» (Lc 24, 7), dự định Thiên Chúa phải hệ tại, một người vui lòng chấp nhận, đó là Thánh Giu-se. Điều này nói lên tầm quan trọng bài tường thuật hôm nay của Thánh sử Mát-thêu. Chúng ta cũng biết bài tường thuật về Truyền Tin (trong Tin Mừng theo Thánh Lu-ca), «báo tin cho Thánh Nữ Maria» như văn sĩ Claudel nói. Sự kiện Truyền Tin này đã gây hứng cho biết bao tác phẩm nghệ thuật, tranh vẽ, điêu khắc, kính màu mỹ thuật cửa sổ các lâu đài, nhà thờ…Thế nhưng, lạ lùng thay, việc «thiên thần loan báo» cho Thánh Giu-se ít linh hứng cho các nghệ sĩ. Thế mà sự chấp nhận hoàn toàn tự do của Thánh Giu-se, một người công chính, là điều kiện tiên quyết cho cuộc đời trần thế của Chúa Giê-su. Thánh sử Mát-thêu còn nhấn mạnh hơn nữa: khi nói với Thánh Giu-se, Thiên thần xưng danh ngài là «con Đa-vít». Những lời sau đây nói rõ hơn về mầu nhiệm quan hệ cha con của Chúa Giê-su: sinh ra bởi Chúa Thánh Thần, và không phải từ Thánh Giu-se, tuy nhiên được nhận là con ngài: «Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về», có nghĩa, Chúa Giê-su được đưa vào trong nhà. Hơn nữa, chính Thánh Giu-se sẽ cho tên của mình cho Chúa Giê-su.

Về cái tên Chúa Giê-su, Thánh Mát-thêu cho một ý nghĩa: «Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi». Một chi tiết rất thú vị: dân Do Thái nóng lòng chờ đợi Đấng Mê-si-a, không chỉ một Mê-si-a chính trị, giải phóng khỏi ách đô hộ Rô-ma. Chúng ta đã có dịp nói về sự chờ đợi Đấng Mê-si-a này. Họ chờ đợi một vị vua, một lãnh tụ chính trị, đúng vậy, một người dòng giỏi vua Đa-vít, cũng đúng như thế, và chính Ngài sẽ canh tân vương triều Ít-ra-en. Nhưng đồng thời họ cũng mong mỏi, và nhất là chờ đợi một thế giới mới được đăng quang, một cuộc tạo dựng mới trong hòa bình và công lý cho mọi người. Theo Thánh Mát-thêu hiểu, có tất cả những thứ ấy trong tên Chúa Giê-su: «chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi».

Tôi xin trở lại câu: «con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần». Chúng ta có hai bài về sự thụ thai trong trinh bạch Chúa Giê-su: đoạn báo tin cho Thánh Giu-se này của Thánh Mát-thêu, và một bản song song của Thánh Lu-ca loan báo cho Đức Ma-ri-a. Truyền thống Giáo Hội dạy cho chúng ta tất cả Thánh Kinh, kể cả Tân Ước đều do Thánh Thần linh ứng. Việc thụ thai trong trinh bạch Chúa Giê-su là một tín điều. Dĩ nhiên, ở đây không phải là những dữ kiện, để tự cho chúng ta giải thích tại sao hay như thế nào thánh ý của Thiên Chúa toàn năng. Chúng ta chỉ có thể ngạc nhiên thán phục kế họach làm cho Chúa Giê-su, vừa là một người sinh ra từ một phụ nữ, đến với thế gian, có thể nói như mọi người…từ dòng dõi vua Đa-vít, nhờ lòng quảng đại Thánh Giu-se, và cùng lúc là Con Một Thiên Chúa, thụ thai bởi Chúa Thánh Thần. Thật chính xác như Thánh Phao-lô nói trên đây.

Tôi xin trở lại đọan sau đây: Thánh Mát-thêu trích từ Thánh Kinh, chính xác là lời hứa của tiên tri I-sa-i-a cho A-khát, chúng ta vừa nghe trong Bài Đọc Một: «Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en.» (Is 7,14). Hẳn các bạn để ý sự trùng hợp rất đáng ngạc nhiên này. Chúng ta có khuynh hướng tự hỏi: Rốt cục Ngài tên gì? Giê-su hay Em-ma-nu-en? Dĩ nhiên đó là mục đích Thánh Mát-thêu và câu trả lời ngài dành cho cuối bài Tin Mừng. Đứa trẻ ấy tên Giê-su, chúng ta đều biết thế, có nghĩa : «Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi», nhưng khi Ngài từ biệt con người, Ngài nói: «Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.» (đó là ý nghĩa của tên Em-ma-nu-en). Cứu khỏi tội lỗi: rất giản dị, đó là biết rằng Chúa ở cùng chúng ta, không nên ngờ vực, Ngài luôn ở với chúng ta và sống với sự hiện diện của Ngài như ngôn sứ Mi-kha nói. Đó là điều Thánh Giu-se làm. Trong bài tường thuật Viếng Thăm, trong Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca, bà Ê-li-sa-bét nói với Đức Ma-ri-a: «Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em» (Lc 1, 45). Đọc bài này chúng ta cũng muốn lặp lại những lời ấy cho Thánh Giu-se: Thánh Giu-se thật có phúc, vì đã tin, nhờ ngài, Thiên Chúa có thể hoàn tất chương trình cứu độ.

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut                       
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân              
Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng               

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com