Lời Chúa CN

TÌM HIỂU CỰU ƯỚC CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA NĂM A - 29/12/2019

BÀI ĐỌC 1 (Hc 3, 3-7.14-17a)

 

"Ai kính sợ Chúa, thì thảo kính cha mẹ".

 

Bài trích sách Huấn ca.

 

2 Đức Chúa làm cho người cha được vẻ vang vì con cái,
cho người mẹ thêm uy quyền đối với các con.

Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm,

4 ai kính mẹ thì tích trữ kho báu.

5 Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái,
khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe.

6 Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ,
ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng.

7 Người đó phục vụ các bậc sinh thành
như phục vụ chủ nhân.14 Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng,
và sẽ đền bù tội lỗi cho con.

15 Thiên Chúa sẽ nhớ đến con, ngày con gặp khốn khó,
và các tội con sẽ biến tan
như sương muối biến tan lúc đẹp trời.

16 Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn,
ai chọc giận mẹ mình, sẽ bị Đức Chúa nguyền rủa.

17 Con ơi, hãy hoàn thành việc của con một cách nhũn nhặn,
thì con sẽ được mến yêu hơn người hào phóng.
 

 

(LND: Sách Huấn ca tiếng Pháp gọi là sách Ben Xi-rắc người Khôn ngoan, sách được viết hai thế kỷ trước Chúa Ki-tô do một người tên Giê-su con ông Xi-ra) 

 

Phụng vụ hôm nay chỉ cho chúng ta nghe những câu này của sách Huấn ca; không lý do gì, những câu giữa không được chọn. Xin chép ra đây để làm nổi bật thêm ý nghĩa:

«Người đó phục vụ các bậc sinh thành như phục vụ chủ nhân. Hãy thảo kính cha con bằng lời nói việc làm, để nhờ người mà con được chúc phúc. Vì phúc lành của người cha làm cho cửa nhà con cái bền vững, lời nguyền rủa của người mẹ làm cho trốc rễ bật nền. Chớ vênh vang khi cha con phải tủi nhục, vì nỗi tủi nhục đó chẳng vinh dự gì cho con. Quả thật, người ta chỉ được vẻ vang lúc cha mình được tôn kính; và con cái phải ô nhục khi mẹ mình bị khinh chê»

Bài nhấn mạnh việc thảo kính cha mẹ, điều này gợi ý lúc ấy uy quyền của bậc cha mẹ không còn được như xưa nữa. Lối sống đang thay đổi dần, và ông Ben Xi-rắc cảm thấy có nhu cầu chỉnh đốn. Chúng ta đang ở thế kỷ thứ II, khoảng năm 180 trước CN. Ông Ben Xi-rắc điều hành một Trường Khôn Ngoan (thời nay chúng ta gọi Trường Triết Học) tại Giê-ru-sa-lem. Dưới sự đô hộ của Hy-lạp, các vua rất tự do, và người Do Thái có thể tiếp tục thực hành hoàn toàn Lề Luật của họ (về sau có khác đi dưới thời An-ti-ô-khi-a miền Pi-xi-đi-a). Nhưng chính sự bình an ấy làm cho ông Ben Xi-rắc lo ngại; vì các thói quen suy nghĩ khác, quỷ quyệt lan tràn vào: Mãi sống cạnh những dân ngoại, có nguy cơ rất nhanh chóng, dân chúng cũng nghĩ tương tự, rồi sống giống họ. Đề tài chúng ta quan tâm ở đây là sự quan trọng của cấu trúc gia đình; để truyền đức tin cho con cái, những giá trị, lối sống Do Thái, đó là điều tối quan trọng. Bài nghe hôm nay, trước tiên là một bài biện hộ cho gia đình; bởi vì nơi đây là nơi quan trọng, nếu không, là nơi duy nhất để truyền lại những giá trị.

Đây cũng là một điều răn tuyệt vời, điều răn thứ IV được biến đổi. Chúng ta được biết qua giáo lý lúc tuổi thơ: «Thứ tư thảo kính cha mẹ». Sau đây, là dưới hình thức ban đầu trong sách Xuất Hành: «Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi.» (Xh 20, 12); Sách Đệ nhị Luật lại thêm «và để được hạnh phúc»  (Đnl5, 16)

Năm mươi năm sau, đứa cháu của Ben Xi-rắc dịch lại tác phẩm của ông nội và thêm hai câu để biện hộ cho việc thảo kính cha mẹ. Vỏn vẹn, chỉ vì chúng ta nợ cha mẹ mạng sống, họ là công cụ của Thiên Chúa ban sự sống: «Cha con, con hãy hết lòng tôn kính, và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau. Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành, công ơn ấy, con sẽ lấy chi đáp đền cho cân xứng?» (Hc 7, 27-28) Dĩ nhiên điều răn ấy hợp với lẽ thường tình: Ai cũng biết tế bào gia đình là điều kiện tiên quyết cho một xã hội cân bằng. Ngày nay, chúng ta có quá nhiều trải nghiệm về những thảm họa tâm lý và xã hội do sự rạn nứt gia đình. Nhưng sâu xa hơn, tôi nghĩ giấc mơ một gia đình hài hoà nằm trong dự án Thiên Chúa.

Có điều công thức trình bày điều răn ấy (cũng như lời bình của sách Huấn ca) làm ta sửng sốt. Nó khiến, có cảm tưởng như tính toán: «thờ cha kính mẹ, để được sống lâu», cũng như nói với chúng ta: Nếu bạn sống tốt, Chúa trả công cho bạn. Thật ra, đối với Chúa không có tính toán, vì với Ngài tất cả là Hồng ân, tức là cho đi nhưng không! Nhưng khi Chúa ban Luật, Ngài cho con người là để được hạnh phúc; lề luật là con đường duy nhất dẫn đến hạnh phúc và tự do. Thiên Chúa đã cứu độ dân Ngài, chỉ cho họ đường đi; có thể nói, Ngài đặt những bản chỉ đường để dân chúng theo hướng của tự do, hạnh phúc. Những chữ đường và hướng đi, thường được dùng khi đề cập đến lề luật.

Nếu có thể, bạn nên đọc sách Đệ Nhị Luật, đặc biệt chương 6, từ chương ấy được trích ra lời kinh bất hủ của It-ra-en «Sê-ma It-ra-en» (It-ra-en hãy lắng nghe). Bạn sẽ ngạc nhiên, tài liệu này nhấn mạnh rằng, lề luật là con đường dẫn đến hạnh phúc và tự do. Sau đây là vài câu trích sách Đệ-nhị-luật «Anh (em) phải làm điều ĐỨC CHÚA coi là ngay thẳng và tốt lành, để anh (em) được hạnh phúc và được vào chiếm hữu miền đất tốt tươi mà ĐỨC CHÚA đã thề hứa với cha ông anh (em)» (Đnl l6, 18). Còn có một sự ngạc nhiên khác trong câu: «Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm,» (c3). Trước tiên, tôi có thể nói, câu trên chứng minh rằng, bài này được viết gần đây thôi; phương pháp sư phạm Thiên Chúa phải mất nhiều thế kỷ, qua lời các ngôn sứ, để con người được mạc khải con đường duy nhất hòa giải với Thiên Chúa, không phải những hy lễ bằng máu như họ tin khi xưa. Con đường duy nhất hoà giải với Thiên Chúa, là hòa giải với người thân cận. Đến đây, tôi nghe như một tiếng vang câu bất hủ của Tiên tri Hô-sê: «Vì Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu.» (Hs 6,6).

Đại khái như sách Huấn ca nói: «Hẳn các bạn muốn tôn vinh Thiên Chúa ư? Rất đơn giản, hãy tôn vinh cha mẹ, anh em. Hãy ăn ở hiếu thảo với các vị, đó cũng là hiếu thảo với Chúa». Các bạn cũng biết, trong mười điều răn Đức Chúa Trời - mười lời nói - chỉ có hai lời có tính cách tích cực: Lời về ngày Sa-bát và lời thảo kính cha mẹ. Ngoài các điều răn ấy: «Thứ ba: Giữ ngày Chúa Nhật…», «Thứ bốn: Thảo kính cha mẹ», các điều răn khác có tính cách tiêu cực, chỉ nêu lên những giới hạn không được vượt qua: «Thứ năm: Chớ giết người; Thứ bảy: Chớ lấy của người; Thứ chín: Chớ muốn vợ chồng người». Nhưng chính điều răn tích cực mới tóm lược các điều răn khác. Các bạn tìm thấy trong sách Lê-vi: «Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình» (Lv 19, 18), thế nhưng, người đồng loại gần chúng ta nhất, theo đúng nghĩa của nó, là cha mẹ chúng ta. Trong thời gian các lễ cuối năm này, đây là dịp các mối quan hệ gia đình được gần gũi với nhau, hay được tái khám phá, bài này được chọn, thật tuyệt vời.   

 Xin thêm một lời; trong phần suy niệm đầu bài, tôi có trích câu 9 theo bản dịch Hy-lạp được dùng trong truyền thống Ki-tô: «Vì phúc lành của người cha làm cho cửa nhà con cái bền vững, lời nguyền rủa của người mẹ làm cho trốc rễ bật nền.» Thế nhưng, bản gốc tiếng Do Thái (của chính ông Ben Xi-rắc) nói rằng: «Phúc lành người cha làm bén rễ, lời nguyền rủa của mẹ làm cho cây trốc rễ». Sau đây, lời ghi chú của Bản Dịch Liên Tôn (TOB): Người Hy-lạp biến ẩn dụ nông thôn của Do Thái, thành sự so sánh có tính cách thành thị, làm cho đọc giả Hy-lạp dễ hiểu. Thật là minh chứng tuyệt vời cho việc «hiệu đính» một tài liệu.

***

 

THÁNH VỊNH (Tv 127, 1-5)

 

Phúc thay những bạn nào sợ Thiên Chúa, 
bạn nào ăn ở theo đường lối của Người.
 

 

1 Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ CHÚA, ăn ở theo đường lối của Người.

2 Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may.

3 Hiền thê bạn trong cửa trong nhà khác nào cây nho đầy hoa trái; và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn, xúm xít tại bàn ăn.

4 Đó chính là phúc lộc CHÚA dành cho kẻ kính sợ Người.

5 Xin CHÚA từ Xi-on xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc.

Ước chi trong suốt cả cuộc đời bạn được thấy Giê-ru-sa-lem phồn thịnh,

6 được sống lâu bên đàn con cháu. Nguyện chúc Ít-ra-en vui hưởng thái bình. 

 

Nếu tìm kiếm đọc bài Thánh vịnh này trong Thánh Kinh, bạn sẽ thấy bài được gọi «Ca khúc lên đền», tức là bài này được sáng tác cho cuộc hành hương lúc leo lên đền Giê-ru-sa-lem. Qua nội dung, chúng ta có thể nghĩ rằng, đây là đọan cuối cuộc hành hương, lúc lên những bậc thềm chót trước khi đến Đền. «Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ CHÚA, ăn ở theo đường lối của Người. Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may. Hiền thê bạn trong cửa trong nhà khác nào cây nho đầy hoa trái; và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn, xúm xít tại bàn ăn.» (cl-3). (Ca đoàn, hoặc cả cộng đồng) trả lời: «Đó chính là phúc lộc CHÚA dành cho kẻ kính sợ Người.» (c.4). Lúc bấy giờ các tư tế đọc kinh phụng vụ, ban phép lành: «Xin CHÚA từ Xi-on xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc. Ước chi trong suốt cả cuộc đời bạn được thấy Giê-ru-sa-lem phồn thịnh,  được sống lâu bên đàn con cháu.» (c.5-6)

Nhân dịp này tôi xin lưu ý một câu, thường làm nhiều người không hài lòng: «Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may.» (c.2) Cũng phải tin rằng thời ấy không có nạn thất nghiệp!

Đối tượng của phúc lành được ban có vẻ tầm thường. Thế nhưng, xuyên suốt Thánh Kinh, hạnh phúc và thành công trong đời luôn được nhấn mạnh, điều này đúng ra phải làm cho chúng ta an tâm. Sự khao khát hạnh phúc trong đời người chúng ta thật chính đáng, lòng ao ước thành công trong gia đình đi đôi với kế hoạch Thiên Chúa; nếu không… Ngài không lập hôn phối thành một Bí tích!!! Chúa tạo dựng chúng ta để được hạnh phúc, không có một chủ đích nào khác. Chúng ta hãy vui mừng! Chữ hạnh phúc được trở lại, rất quen thuộc trong Thánh kinh. Lặp lại thường đến nỗi chúng ta có thể trách nó quá xa với thực tế hằng ngày. Có lúc, phải chăng còn trơ trẽn trước bao thứ thất bại trong đời người, bao nhiêu đau khổ chúng ta chứng kiến mỗi ngày? Các bạn hẳn cũng đã chú ý bài Thánh vịnh này cũng nhiều lần nhắc đến «Hạnh phúc; lắm phúc nhiều may; ơn phúc» «Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ CHÚA, bạn quả là lắm phúc nhiều may; Đó chính là phúc lộc CHÚA dành cho kẻ kính sợ Người. Xin CHÚA từ Xi-on xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc.» (c.1,2,4,5)

Thật ra, chữ «hạnh phúc» không có tham vọng là một khảo sát phân tích đơn giản; làm như tự động, hễ người ngay thẳng công chính là được hạnh phúc. Chỉ cần mở mắt nhìn chung quanh chúng ta, nhiều người làm điều thiện lãnh nhận toàn khốn khổ. Đây thật ra chỉ  muốn nói, có một điều hạnh phúc đáng kể, là được ở cạnh Thiện Chúa.

Trên thực tế chữ «hạnh phúc» có hai mặt; vừa là một lời khen thưởng vừa là một lời khích lệ. Ông Andre Chouraqui, một nhà dịch giả có bản chuyển ngữ gần gốc tiếng Hy-lạp nhất, ông dịch chữ «hạnh phúc» là «trên đường» (có nghĩa là bạn đi đúng đường, hoan nghênh, cứ tiếp tục). Đặc điểm của dân tộc Ít-ra-en, họ hiểu rất sớm, Thiên Chúa đồng hành với lòng ao ước hạnh phúc, và Thiên Chúa mở đường cho họ.

Chúng ta hãy nghe lời Tiên tri Giê-rê-mi-a: «Vì chính Ta biết các kế hoạch Ta định làm cho các ngươi - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA -, kế hoạch thịnh vượng, chứ không phải tai ương, để các ngươi có một tương lai và một niềm hy vọng» (Gr 29, 11). Tất cả Thánh Kinh đều cố gắng thuyết phục, đến nỗi có lời khẳng định rằng, phải có lưỡi rắn độc mới nói lên lời ngờ vực Thiên Chúa, đối với người đàn ông và người đàn bà mà Ngài tạo dựng để họ được hạnh phúc. Đó là ý nghĩa của vườn Địa Đàng. Phải là một chuyên gia về Cựu Ước như Thánh Phao-lô, mới có thể tóm tắt những ý định của Thiên Chúa trong vài chữ: «kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa».

Như thế luôn luôn có hai phương diện bên trong chữ «hạnh phúc»; trong Thánh Kinh: Trước tiên là một dự án, đó là  ý muốn của Thiên Chúa muốn con người hạnh phúc, nhưng đồng thời cũng là sự chọn lựa của con người, có nghĩa là phải xây hạnh phúc ấy. Con đường đã được vạch sẵn, con đường thẳng không ngoằn ngoèo: Chỉ cần tuân thủ giới răn, được tóm gọn trong một điều; yêu Thiên Chúa và yêu nhân loại. Chúa Giê-su chỉ vỏn vẹn theo con đường đó «Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng» (Ga 13,1). Và Ngài mời gọi các môn đệ theo Ngài để được hạnh phúc. «Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!» (Ga 13, 17). Nhưng có điều làm cho bài chúng ta đọc khó hiểu một chút, đó là câu: «Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ CHÚA» (c.1). Phát biểu như thế có vẻ nghịch lý: Làm sao có thể vừa kính sợ vừa hạnh phúc? Một lần nữa, ông Andre Chouraqui dịch câu này như sau «bạn rung động mãnh liệt vì Chúa, hãy tiến lên». Đây là tình cảm rung động chứ không phải sợ hãi. Chúng ta từng có trải nghiệm; trước một hạnh phúc lớn lao đến bất ngờ, chúng ta cảm thấy bé nhỏ.

Người thấm nhuần Thánh Kinh phải mất một thời gian dài, mới được mạc khải Chúa là tình yêu. Nhưng một khi đã khám phá Chúa là tình yêu, thì hết sợ. Dân tộc Ít-ra-en có đặc ân được mạc khải Thiên Chúa thật vĩ đại, vượt xa chúng ta vô ngần, nhưng đồng thời cũng rất gần gũi, một Thiên Chúa từ bi nhân hậu. Như thế, kính sợ Thiên Chúa theo nghĩa Thánh Kinh, không còn là sự sợ hãi của con người sơ khai (bởi vì không thể nào sợ một Đấng, có thể nói bản chất Ngài là từ bi nhân hậu). Không, kính sợ Thiên Chúa là thái độ một đứa trẻ đối với cha nó, vừa thể hiện sức mạnh và yêu thương âu yếm. Sách Lê-vi cũng dùng từ ngữ Do Thái chính xác để nói: «Mỗi người trong các ngươi phải kính sợ cha mẹ.» (Lv 19, 3). Điều này có nghĩa, về sau của lịch sử Thánh Kinh, kính sợ Thiên Chúa đồng nghĩa với thái độ cha con. Hài nhi Bê-lem đến cho chúng ta một minh chứng. 

Đức tin, trước hết là nền xác tín căn bản Thiên Chúa muốn cho chúng ta hạnh phúc, chỉ cần nghe và đi theo Ngài một cách đơn sơ. Câu: «Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ CHÚA, ăn ở theo đường lối của Người.» Theo người thông hiểu Thánh Kinh, hai vế lặp lại một ý, kính sợ Chúa và theo đường lối của Người là đồng nghĩa.

Một khi tất cả dân chúng Thành Giê-ru-sa-lem trung thành với chương trình ấy, là họ đã hoàn tất sứ mạng, như danh hiệu của Thành này «thành đô của bình an». Vì lẽ ấy, ngay trước cửa đền Giê-ru-sa-lem, bài Thánh vịnh của chúng ta, «ca khúc lên đền» quả quyết, như sống trước sự kiện: «Giê-ru-sa-lem phồn thịnh, được sống lâu bên đàn con cháu. Nguyện chúc Ít-ra-en vui hưởng thái bình.» (c.5b, 6)

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut                       
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân               
Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng                 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com