Lời Chúa CN

TÌM HIỂU CỰU ƯỚC CHÚA NHẬT V MÙA CHAY NĂM A - 29/03/2020

BÀI ĐỌC 1 (Ed 37, 12-14)

 

"Ta sẽ cho các ngươi Thần Trí của Ta, và các ngươi sẽ được sống"

 

Trích sách tiên tri Ê-dê-ki-en

 

12 Chính vì thế, ngươi hãy tuyên sấm, hãy nói với chúng: ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán như sau: Hỡi dân Ta, này chính Ta mở huyệt cho các ngươi, Ta sẽ đưa các ngươi lên khỏi huyệt và đem các ngươi về đất Ít-ra-en.

13 Các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là ĐỨC CHÚA, khi Ta mở huyệt cho các ngươi và đưa các ngươi lên khỏi huyệt, hỡi dân Ta.

14 Ta sẽ đặt thần khí của Ta vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được hồi sinh. Ta sẽ cho các ngươi định cư trên đất của các ngươi. Bấy giờ, các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là ĐỨC CHÚA, Ta đã phán là Ta làm. Đó là sấm ngôn của ĐỨC CHÚA.

Giu-đa và Ít-ra-en thành một vương quốc thống nhất.

 

Bài này tuy ngắn nhưng chỉ vỏn vẹn từng ấy cũng tạo thành một thực thể. Bài được đóng khung ở đầu và cuối bài bằng hai từ tương tự nhau: Câu đầu: «ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán» và câu cuối «Đó là sấm ngôn của ĐỨC CHÚA», cách đóng khung này làm nổi bật lên phần nằm trong khung. Điều được đóng khung là một lời hứa được lặp lại hai lần: lời hứa hướng về dân của Chúa. Chúa nói: «Hỡi dân Ta». Lời hứa ấy gồm hai điểm: thứ nhất «Ta sẽ đưa các ngươi lên khỏi huyệt», thứ hai «đem các ngươi về đất Ít-ra-en». Chúng ta có thể suy luận ra, bài này được viết trong lúc lưu đày Ba-by-lon, lúc dân chúng hoàn toàn lệ thuộc Ba-by-lon.

Dân Chúa như bị triệt hạ (đúng nghĩa của nó), như chết đi, vì thế Chúa nói đến nấm huyệt: dân chúng sẽ trỗi dậy. Họ không thể bị loại trừ hẳn, bởi vì Thiên Chúa trung tín trong lời hứa với dân tộc này qua một Giao Ước mà không có gì có thể huỷ diệt được; vì vậy, dù có thua trận mấy đi nữa, mặc cho những đổ vỡ, những thử thách, mọi người đều biết dân này sẽ tồn tại và sẽ tìm lại đất nước, vì đó là thuộc điều đã hứa. «Hỡi dân Ta, này chính Ta mở huyệt cho các ngươi, Ta sẽ đưa các ngươi lên khỏi huyệt và đem các ngươi về đất Ít-ra-en.» Thực ra, những câu này không có gì đáng ngạc nhiên: lúc nào dân Ít-ra-en cũng biết Chúa vẫn trung tín; và cụm chữ: «Các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là ĐỨC CHÚA» (c.13), chính là để nói lên nhờ sự trung tín của Ngài, dân chúng mới nhận rằng Ngài là Chúa thật.

Thế nhưng tại sao phải lặp lại hai lần? Thật ra, lời hứa lần thứ hai không chỉ muốn lặp lại mà làm tăng tầm quan trọng hơn: thật vậy, lời hứa ấy nói lại: «Hỡi dân Ta, này chính Ta mở huyệt cho các ngươi, Ta sẽ đưa các ngươi lên khỏi huyệt và đem các ngươi về đất Ít-ra-en. 13 Các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là ĐỨC CHÚA» và tất cả, thật ra là trở về trạng thái trước kia, trước thảm hoạ bị đày sang Ba-by-lon. Nhưng trong lời hứa thứ hai này, có điều mới mẻ, chưa từng thấy: «Ta sẽ đặt thần khí của Ta vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được hồi sinh.» (c.14). Đây là Giao Ước mới được ghi tạc, lần này, không trên bia đá mà trong trái tim. Hay, để nói khác hơn, tim con người nay không còn bằng đá mà là bằng thịt.

Bài lập lại cụm chữ: «hỡi dân Ta» chứng tỏ rõ ràng, hai lời hứa này loan báo một sự trỗi dậy, một sự canh tân dân tộc và không phải sự phục sinh cá nhân. Tiên tri Ê-dê-ki-en chưa hề dự định một điều như thế - hơn nữa, không một tiên tri nào thời ấy tin vào phục sinh cá nhân. Bài ngắn chúng ta vừa đọc hôm nay, tiếp theo giai đoạn thị kiến bất hủ về các bộ xương khô (Ed 37) và cho chúng ta giải đáp thị kiến ấy. Rất rõ ràng, vị tiên tri lúc ấy nêu lên cảnh tù đày cả dân tộc chứ không phải cái chết cá nhân.

Không như mọi người tưởng, dân tộc Ít-ra-en chỉ khám phá ra niềm tin vào sự Phục sinh rất trễ sau này. Trong nhiều thế kỷ, họ quả quyết rằng những người chết sẽ đi về «Shéol», một nơi tối tăm mà không ai biết gì hơn. Ngày nay, chúng ta thấy làm lạ vì là một đề tài ít ai quan tâm. Lý do, sự chết cá nhân không liên quan đến tương lai dân tộc: thế nhưng, tương lai dân tộc mới là điều quan trọng. Khi có người chết, người ta nói nó «được về sum họp với gia tiên» (St 49, 29), nhưng không xem xét có thể có cuộc đời về sau hay không? Điều này rất thật, vì có lúc họ cầu nguyện với Chúa xin được sống với luận cứ này, «Chúa ơi, khi con chết con đâu còn cầu nguyện với Chúa nữa, cũng không còn ca ngợi Chúa nữa (ngụ ý nói Chúa có hơn gì đâu). Trái ngược lại, sự tồn tại của dân tộc thì chắc chắn rồi, vì Chúa đã hứa như thế. Có thể nói, họ quan tâm đến hiện tại dân tộc hơn là tương lai cá nhân.

Muốn tin vào sự phục sinh cá nhân phải kết hợp hai yếu tố. Trước tiên phải quan tâm đến thân phận từng người, đó không phải trường hợp trước kia vì họ đã từng hiến tế người. Đây là một đặc thù của đạo theo Thánh Kinh; ngay từ đầu đã nghiêm cấm hiến tế người, nhưng phải nghiêm cấm mãnh liệt, vì phẩm giá con người cá nhân chưa được thật sự nhìn nhận. Sự quan tâm đến thân phận cá nhân là một sự chinh phục, một tiến bộ. Yếu tố thứ hai, không thể nào thiếu, để nảy sinh lòng tin vào sự Phục sinh: phải tin vào một Thiên Chúa, không phó thác bạn cho sự chết.

Sự xác tín rằng, Chúa không bỏ rơi con người, không phải một ngày một buổi; nó được nảy sinh tiệm tiến theo nhịp các biến cố thực tế của lịch sử dân Chúa chọn. Trải nghiệm lịch sử Giao Ước là điều nuôi dưỡng đức tin Ít-ra-en. Thế mà, trải nghiệm Ít-ra-en là Thiên Chúa cứu độ con người, muốn con người tự do khỏi mọi hình thức nô lệ, Ngài không ngớt can thiệp để giải thoát; một Thiên Chúa trung tín không bao giờ đổi ý. Chính niềm tin này đã hướng dẫn mọi mặc khải cho Ít-ra-en; nó là động lực cho sự ấy.

Cả hai yếu tố kết hợp với nhau - lòng tin vào một Thiên Chúa không ngừng giải thoát con người, mặc khải giá trị của mỗi cá nhân con người - dẫn đến lòng tin vào sự phục sinh cá nhân. Kết thúc sự tiến triển song đôi này, Thiên Chúa hiện rõ ra là đấng giải thoát cá nhân khỏi sự nô lệ khủng khiếp, vĩnh viễn là sự chết. Mặc khải này đến rất trễ trong dân tộc Do Thái; vào thời Chúa Ki-tô, niềm tin ấy chưa được mọi người chia sẻ, vì có câu nói về người Xa-đốc «Nhóm này chủ trương không có sự sống lại» (Mc 12, 18)

Không ai cấm nghĩ rằng, lời của tiên tri Ê-dê-ki-en vượt hẳn tư tưởng của chính ngài một cách vô tình; Thần Khí Thiên Chúa nói qua miệng ngài, và giờ đây chúng ta có thể nghĩ rằng «chính Ê-dê-ki-en cũng không biết ngài nói tiên tri chính xác chừng nào»

***

 

THÁNH VỊNH (Tv 129, 1-4.6-8)

 

"Bởi vì Chúa rộng lượng từ bi, và Chúa rất giàu ơn cứu độ."

 

1 Ca khúc lên Đền.
Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy CHÚA,

2 muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con.
Dám xin Ngài lắng tai để ý
nghe lời con tha thiết nguyện cầu.

3 Ôi lạy CHÚA, nếu như Ngài chấp tội,
nào có ai đứng vững được chăng?

4 Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ
để chúng con biết kính sợ Ngài.

6 Hồn tôi trông chờ Chúa,
hơn lính canh mong đợi hừng đông.
Hơn lính canh mong đợi hừng đông,

7 trông cậy CHÚA đi, Ít-ra-en hỡi,
bởi CHÚA luôn từ ái một niềm,
ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa.

8 Chính Người sẽ cứu chuộc Ít-ra-en
cho thoát khỏi tội khiên muôn vàn.

 

Trong sách Thánh Vịnh có một nhóm gồm mười lăm thánh vịnh mang tên đặc biệt, mỗi bài bắt đầu bằng cụm chữ: «Ca khúc lên đền»; theo tiếng Do Thái chữ «Lên» được dùng để chỉ «Đi lên Giê-ru-sa-lem hành hương». Hơn nữa, trong Thánh Kinh chữ «lên Giê-ru-sa-lem» được dùng nhiều lần trong nghĩa ấy: cụm chữ này gợi lên cuộc hành hương trong dịp mừng ba Lễ đặc biệt hằng năm, trong đó Lễ quan trọng nhất là Lễ Lều. Chúng ta cũng ghi nhận Thánh Kinh bằng tiếng Hy Lạp, gọi những bài này là «bài ca những bậc», tức là những «bậc thang». Thật vậy, có một cầu thang nối liền từ  hành lang các phụ nữ đến tiền đình ở Giê-ru-sa-lem; có người luận ra mỗi bài thánh vịnh được hát ở mỗi bậc thang. Nhưng, khả thi hơn, các bài thánh vịnh ấy chỉ toàn bộ cuộc hành hương. Trước khi đến Giê-ru-sa-lem, các thánh vịnh ấy đã gợi lên diễn biến buổi lễ.

Thế thì Thánh vịnh 129 là một trong những ca khúc lên đền. Hình như bài này gợi lên một hy lễ sám hối được dâng lên trong Lễ Lều, trong phụng vụ sám hối. Vì lẽ ấy, số các từ về lỗi lầm và tha thứ, tương đối quan trọng trong bài thánh vịnh này. Người tội lỗi, nói lên ở đây và khẩn nài với lòng xác tín được tha thứ; chính dân chúng nhìn nhận lòng từ bi nhân hậu vô bờ của Thiên Chúa (tiếng Do Thái gọi là Hessed của Ngài) cùng bản chất bất lực của con người đáp lại Giao Ước. Họ cảm nhận sự bất tuân liên tục ấy quả thật như cái chết thiêng liêng: «Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy CHÚA». Nhưng tiếng kêu van ấy dâng lên Đấng, chính là sự tha thứ… Đó là ý nghĩa của câu «Chúa vẫn rộng lòng tha thứ» (c.4). Chính trong tha thứ, Chúa mặc khải uy lực của Ngài; Chúa là Tình yêu hay Chúa là Quà nhưng không đều như nhau. Thế nhưng, tha thứ không khác gì vượt xa hơn quà tặng (Lời người dịch: tác giả giải thích một cách «chơi chữ» theo tiếng Pháp). Tha thứ tức là tiếp tục đề nghị Giao Ước, một tương lai vẫn khả thi, vượt qua các bất trung. «Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ để chúng con biết kính sợ Ngài.» Câu này là một công thức rất xúc tích, để chỉ thái độ nào nên có trước mặt Thiên Chúa, Ngài chỉ là ân sủng và tha thứ. Chúng ta nhận ra nơi đây một định nghĩa của sự «kính sợ Chúa»: không phải sợ hình phạt. Tất cả tính chất sư phạm của suốt lịch sử Thánh Kinh, là cố gắng giải thoát chúng ta mọi sợ hãi, vì sợ hãi không phải là thái độ con người tự do; trong lúc ấy, Chúa muốn giải thoát chúng ta hoàn toàn. Kính sợ Thiên Chúa theo nghĩa Thánh Kinh, là tôn thờ với lòng hân hoan ngỡ ngàng trước uy lực toàn năng Thiên Chúa, uy lực xuất phát từ tình yêu.

Thế nhưng, không vì thế, sự xác tín vào lòng từ bi nhân hậu của Chúa, nảy sinh nơi người tín hữu ý định sa ngã hoặc vô tư với tội lỗi: «kính sợ» Thiên Chúa, tức là tôn vinh phụng thờ và tin tưởng nơi Ngài, đến độ làm tất cả những gì có thể để vâng theo lề luật của Ngài, với lòng xác tín rằng luật ấy xuất phát từ tình yêu phụ tử. Sự xác tín về tha thứ và ân sủng luôn được lãnh nhận, vượt khỏi mọi lỗi lầm, gợi lên Ít-ra-en một lòng tin tưởng lạ lùng. Ít-ra-en sám hối chờ được thứ tha còn «hơn lính canh mong đợi hừng đông.»

«Chính Người sẽ cứu chuộc Ít-ra-en cho thoát khỏi tội khiên muôn vàn» (c.8). Chúng ta thường gặp trong Thánh Kinh những câu tương tự; đó là cách loan báo sự giải thoát vĩnh viễn Ít-ra-en, giải thoát mọi lỗi lầm trong mọi thời. Ít-ra-en còn chờ đợi nhiều hơn nữa: chính xác vì dân của Giao ước đã trải nghiệm sự yếu đuối của mình và tội lỗi của họ lúc nào cũng tái sinh; nhưng cũng chờ đợi lòng trung tín Thiên Chúa, họ chờ chính Thiên Chúa thực hiện vĩnh viễn lời hứa của Ngài. Vượt khỏi sự tha thứ nhất thời, đó là buổi rạng đông vĩnh hằng mà dân tộc này từ muôn thế kỷ, và như tổ phụ Áp-ra-ham hằng mong đợi: «Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin» (Rm 4, 18), buổi hừng đông của ngày của Chúa. Tất cả các bài thánh vịnh đều trải qua sự chờ đợi Đấng Mê-si-a.

Không thể nào có ý tưởng thoáng qua đầu chúng ta rằng ngày lại quên không đến, sau khi đêm tàn... Người tín hữu còn xác tín hơn thế, chắc chắn rằng thế giới sẽ đến ngày hoàn tất: một sự hòan tất mang tên Giê-su Ki-tô: «Hồn tôi trông chờ Chúa, hơn lính canh mong đợi hừng đông.» (c.6)

***

 

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut   
Nguồn: 
http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com