Lời Chúa CN

TÌM HIỂU TÂN ƯỚC CHÚA NHẬT PHỤC SINH NĂM A - 12/04/2020

BÀI ĐỌC 1 (Cv 10, 34a.37-43)

 

"Chúng tôi đã ăn uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại".

 

Trích sách Tông đồ Công vụ.

 

34 Bấy giờ ông Phê-rô lên tiếng nói:

37 Quý vị biết rõ biến cố đã xảy ra trong toàn cõi Giu-đê, bắt đầu từ miền Ga-li-lê, sau phép rửa mà ông Gio-an rao giảng.

38 Quý vị biết rõ: Đức Giê-su xuất thân từ Na-da-rét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người.

39 Còn chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Người đã làm trong cả vùng dân Do-thái và tại chính Giê-ru-sa-lem. Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi.

40 Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường,

41 không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại.

42 Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho dân, và long trọng làm chứng rằng chính Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết.

43 Tất cả các ngôn sứ đều làm chứng về Người và nói rằng phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội."

 

Chúng ta đang ở chương 10 Sách Công Vụ Tông Đồ. Điều này rất lạ, Hội Thánh không đề nghị trong phụng vụ, bài đọc đầu tiên ngày lễ Phục Sinh, một bài tường thuật về Giáo Hội sơ khai ngay sau khi Chúa Giê-su phục sinh… Chúng ta chỉ nghe hôm nay, một bài giảng của thánh Phê-rô, mà cũng không phải bài giảng đầu tiên của ngài! Bài này đã đến từ chương 10 của Sách Công Vụ Tông Đồ. Đã có biết bao nhiêu sự kiện đã xảy ra, từ lúc Chúa Phục Sinh, từ lúc các Tông Đồ của Chúa, những người đã chứng kiến sự Phục Sinh của Chúa Giê-su; đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần ngày Lễ Ngũ Tuần, từ đó các ông không ngớt đi rao giảng Tin Mừng.

Không những như thế, và lẽ tất nhiên cộng đồng Ki-tô hữu sơ khai, cũng như Thầy của họ đã bắt đầu bị bách hại, như cái chết của Tê-pha-nô. Cộng đồng muốn tồn tại phải sơ tán ra khắp xứ… Rồi đến Sao-lô, người bách hại Ki-tô hữu nay trở thành Phao-lô Tông Đồ… Ngay trước chương 10 này, thánh Lu-ca - cũng là tác giả Sách Công Vụ - nhận xét Giáo Hội nay đã phát triển. Các Thánh Tông Đồ trắc nghiệm những lời hứa của Chúa Giê-su: như Ngài và nhân danh Ngài, các ông trừ quỷ, chữa lành bệnh nhân, làm cho người chết sống lại. Thánh Phê-rô vừa làm cho một người sống lại, ông Ê-nê ở Lốt và một phụ nữ tên Ta-bi-tha, thành Gia-phô (Cv 9, 32-43)

Có lẽ nhờ hai phép lạ đó, đã đem lại cho ông nghị lực để vượt qua giai đoạn kế tiếp, là giai đoạn quyết định: có lẽ hôm nay là một phép lạ còn khó hơn nữa! Vì lần này, Phê-rô người Do Thái đã trở nên Ki-tô hữu, bước qua thềm nhà một người lương, Co-nê-li-ô, một viên đại đội trưởng La-mã. Chúng ta nên hiểu Tin Mừng đang vượt qua biên giới Ít-ra-en! Người ta thường nói thánh Phao-lô là Tông Đồ người ngoại, nhưng bây giờ phải tái lập công bằng với thánh Phê-rô: chính ngài đã khởi đầu, và ngay tại Xê-da-rê này, trong nhà người đại đội trưởng La-mã Co-na-li-ô.

Những gì chúng ta vừa nghe là bài giảng thánh Phê-rô tại nhà Co-nê-li-ô. Đây là một ngày đáng ghi nhớ, trái hẳn với giáo dục từ trước của thánh nhân, trái hẳn với niềm tin trước đó, Phê-rô lấy quyết định làm Phép Rửa Tội cho một dân ngoại. Vì thế mới có câu rất quan trọng: «phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội». Phàm ai tin vào Người, tức là không chỉ người Do Thái, ngay cả những người ngoại, cũng có thể nhận phép Rửa Tội, nhân danh Chúa Giê-su. Ban đầu ơn Cứu Độ được mặc khải cho dân It-ra-en, và từ nay, chỉ cần tin vào Chúa Giê-su Ki-tô là được nhận sự tha tội, tức là bước vào Giao Ước với Thiên Chúa.

Bài giảng này là cả một tóm lược của Giáo Hội sơ khai. Thật vậy, nơi đây chúng ta nhận ra, một đàng là những sự kiện về đời sống, cuộc khổ nạn, cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Ki-tô dưới ánh sáng của Cựu Ước, và đàng khác, Giáo Hội sơ khai này truyền lại đức tin được đổi mới cho mọi người, kể cả dân ngoại!

Việc truyền lại đức tin này, thánh Phao-lô ví như cuộc đua tiếp sức. Những người bắt đầu chạy là những tông đồ: «Còn chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc». Hẳn các bạn còn nhớ, lúc thay thế Giu-đa trong Nhóm Mười hai tông đồ, họ tìm một người thực là nhân chứng những biến cố, những hành động liên quan trực tiếp với Chúa Giê-su, trong giai đoạn cuối đời công khai của Ngài. Để hướng dẫn sự chọn lựa ấy, thánh Phê-rô giải thích: «có những anh em đã cùng chúng tôi đi theo Chúa Giê-su suốt thời gian Người sống giữa chúng ta, 22 kể từ khi Người được ông Gio-an làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời. Một trong những anh em đó phải cùng với chúng tôi làm chứng rằng Người đã phục sinh.» Sau đó Tê-pha-nô được chọn (Cv 1, 21-22)

Để làm chứng cho sự Phục Sinh thì phải  thấy: «… mọi việc Người đã làm trong cả vùng dân Do-thái và tại chính Giê-ru-sa-lem. Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. 40 Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, 41 không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại.» Kể từ nay, các tông đồ tiếp tục sứ vụ các ngôn sứ «43 Tất cả các ngôn sứ đều làm chứng về Người và nói rằng phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội.» (Cv 10, 43) «42 Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho dân, và long trọng làm chứng rằng chính Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết». Các tông đồ đúng là những rường cột đức tin của chúng ta. Họ đã trông thấy… 2000 năm sau, đức tin chúng ta dựa vào họ!

Một khía cạnh thật sự tuyệt vời của bài này, là thánh Phê-rô nhấn mạnh chính Chúa Giê-su hành động. «xức dầu tấn phong Người; Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy; Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, 41 không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước». Ở đây, chúng ta thực sự chạm đến vấn đề khác biệt giữa thế hệ tín hữu sơ khai (những Tông Đồ) và thế hệ chúng ta! Họ từng biết, từng sát cánh với Con Người Giê-su; thế nhưng, thánh Phê-rô chưa gọi được dễ dàng «Chúa Giê-su Ki-tô», như chúng ta ngày nay. Ngài gọi đức Giê-su thành Na-da-rét. Chúa là một Người như mọi người… và cũng chết như mọi người. Còn tệ hơn nữa, Ngài chết như cái chết của người bị nguyền rủa! Vì thế, tất cả những điều gì phi thường trong đời Ngài, đó là công trình của Thiên Chúa nơi Ngài! Đó là kỳ công của Chúa Thánh Thần vì «Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người» (c.38). Vấn nạn của thế hệ đầu tiên Ki-tô hữu là nhận ra Ngài là Thiên Chúa. Vì lẽ đó, thánh Phê-rô nhấn mạnh: «chính Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết». Thẩm phán, là đặc quyền của Chúa. Vấn đề của chúng ta là ngược lại! Đối với nhiều Ki-tô hữu hiện nay, chúng ta biết, chúng ta tin Ngài là Thiên Chúa, nhưng lắm khi chúng ta quên rằng Ngài cũng là Người!

Tôi xin trở lại câu hỏi ở đầu bài: tại sao buổi sáng ngày Lễ Phục Sinh, Giáo Hội lại cho chúng ta nghe đọc về một sự kiện xảy ra rất trễ đối với ngày Chúa Phục Sinh? Có lẽ, để chúng ta hiểu kỳ vọng thật sự của Chúa xuống thế giữa chúng ta: «Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi» (Ga 18, 37). Phàm bất cứ ai cũng có thể nghe tiếng gọi này, ngay cả những người ngoại giáo. Thánh Phê-rô vừa hiểu như thế .

***

 

BÀI ĐỌC 2 (Cl 3, 1-4)

 

"Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Đức Kitô ngự".

 

Trích thư thứ nhất của Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

 

1 Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa.

2 Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới.

3 Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa.

4 Khi Đức Ki-tô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang.

 

Thật tình, có lúc thánh Phao-lô làm cho chúng ta sửng sốt! Ngài bắt đầu nói: «1 Anh em đã được trỗi dậy», để rồi ba hàng sau đó lại nói: «3 Thật vậy, anh em đã chết»… Có lẽ phải tin rằng, những ngôn từ của thánh nhân không có cùng nghĩa với chúng ta! Nếu các bạn và tôi hôm nay ở đây, tức là chúng ta đang sống… tức là chưa chết và dĩ nhiên chưa sống lại! … hay là, chính vì hôm nay các chữ ấy đã đổi nghĩa. Hôm nay, chúng ta đang sống một ngày thật đặc biệt, một ngày không như mọi ngày: đây là sáng ngày Lễ Phục Sinh, kể từ nay, không còn như trước nữa. Đấy chính là điều thánh Phao-lô muốn nói cho chúng ta.

Điều thứ hai bài này nhấn mạnh: «Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới». Thế nhưng, cũng cùng một thánh Phao-lô này, lại nói vài hàng sau bài này: «17 Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giê-su và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha» (Cl 3, 17). Thế thì, không phải khinh miệt những thực tế thế gian! Chúa đã trao ban cho chúng ta, không để chúng ta khinh bỉ nó! Ở đây cũng lại vấn đề ngôn ngữ. Thánh nhân gọi: «những gì thuộc thượng giới», đó là nhưng gì ngài gọi, trong vài câu sau là: lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại (Cl 3,12), và những gì ngài gọi là: «những gì thuộc hạ giới», tức là «gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam… » (Cl 3, 5b). Thực ra, không phải những gì thuộc về thượng giới hay hạ giới, đây là cách cư xử, cách sống ở đời… Trọn đời sống, ta phải chịu căng thẳng giữa hai áp lực đối ngược nhau ấy: sự canh tân đời sống chúng ta, sự phục sinh của chúng ta đã được Chúa Ki-tô hoàn tất; và chúng ta chỉ cần thu lượm từng chút, từng chút những thực tế sâu xa ấy, áp dụng cụ thể vào suốt chuỗi đời chúng ta.

Nếu đọc xa hơn bài này, chúng ta sẽ gặp câu sau đây: «anh em đã mặc lấy con người mới» (Cl 3, 9b) và xa hơn vài hàng: «anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo» (Cl 3, 14b). Có lẽ, cách suy niệm hay nhất bài này có thể tóm gọn vào hai vế: một đàng «anh em đã»: là điều anh em có rồi, vế thứ hai «anh em phải»: là điều cần phải làm…

Chúng ta nhận ra sự giằng co giữa hai lực trong các bài giảng thánh Phao-lô, đặc biệt trong thư cho tín hữu Cô-lô-xê này: «21 Cả anh em nữa, xưa kia anh em là những người xa lạ, là thù địch của Thiên Chúa vì những tư tưởng và hành động xấu xa của anh em. 22 Nhưng nay nhờ Đức Giê-su là con người bằng xương bằng thịt đã chịu chết, Thiên Chúa cho anh em được hoà giải với Người. 23 Anh em chỉ cần giữ vững đức tin, cần được xây dựng vững chắc, kiên quyết và đừng vì nao núng mà lìa bỏ niềm hy vọng anh em đã nhận được khi nghe loan báo Tin Mừng. (Cl 1, 21-22. 23); 6 Vậy như anh em đã nhận Đức Ki-tô Giê-su làm Chúa, thì hãy tiếp tục sống kết hợp với Người. 7 Anh em hãy bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Ki-tô Giê-su, hãy dựa vào đức tin mà anh em đã được thụ huấn, và để cho lòng chan chứa niềm tri ân cảm tạ. 8 Hãy coi chừng chớ để ai gài bẫy anh em bằng mồi triết lý và những tư tưởng giả dối rỗng tuếch theo truyền thống người phàm và theo những yếu tố của vũ trụ chứ không theo Đức Ki-tô. (Cl 2, 6-812 Anh em đã cùng được mai táng với Đức Ki-tô khi chịu phép rửa, lại cùng được trỗi dậy với Người, vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết. (Cl 2, 12).

Không phải sống cuộc sống khác, nhưng sống khác hơn cuộc sống thường nhật. Chính thế gian này được Chúa hứa vào Nước Trời, vì thế, không phải khinh miệt nó, nhưng phải sống trong ấy như cái mầm của Nước Trời.

***

 

PHÚC ÂM (Ga 20, 1-9)

 

"Người phải sống lại từ cõi chết"

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an.

 

1 Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ.

2 Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu."

3 Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ.

4 Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước.

5 Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào.

6 Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó,

7 và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi.

8 Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin.

9 Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết. 

 

Chính bà Ma-ri-a Mác-đa-la là người đầu tiên chứng kiến buổi bình minh của nhân loại mới! Ma-ri-a Mác-đa-la, người phụ nữ tội lỗi… Bà là hình ảnh toàn nhân loại được mặc khải Đấng Cứu Độ mình. Nhưng rõ ràng, bà không hiểu ngay chuyện gì xảy ra: trên điểm này, bà cũng trình bày đúng với nhân loại.

Thánh Gio-an ghi rõ, sáng sớm trời còn tối: ánh sánh của Phục Sinh đã đâm thủng màn đêm. Điều này làm nghĩ đến phần mở đầu Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an: «Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.» (Ga1, 5), chữ diệt ở đây có hai nghĩa, hiểu và chặn lại. Bóng tối không hiểu được ánh sáng, bởi vì, như Chúa Giê-su nói, cũng trong Phúc Âm Thánh Gio-an: «thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người» (Ga14, 17), chẳng biết, theo Pháp ngữ có hai nghĩa: «không hiểu» và «không bắt» được Ngài. Bóng tối không thể hiểu ánh sáng, bởi vì như Chúa Giê-su nói trong Tin Mừng theo Thánh Gio-an: «thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người» (Ga 14,17) hay là «… ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng» (Ga 3, 19) Nhưng dù sao, bóng tối không thể chận Ngài lại được, trong nghĩa không để Ngài chiếu sáng; luôn luôn, chính Thánh Gio-an đem lại cho chúng ta câu vinh thắng của Đức Ki-tô: «…can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian» (Ga 16, 33)

Vậy thì: «bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. (người ta giả thiết rằng đây ám chỉ chính Thánh Gio-an) Bà nói: "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu”. Dĩ nhiên hai môn đệ chạy nhanh đến. Các bạn hẳn đã chú ý cử chỉ nhượng bộ, kính nể Thánh Gio-an đối với Thánh Phê-rô; Thánh Gio-an chạy nhanh hơn - có thể ngài trẻ hơn - nhưng ngài nhường cho Thánh Phê-rô vào mồ trước.

«Ông Si-môn Phê-rô… thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi» (c.6). Các ông khám pha chỉ có thế: mồ trống và băng vải vẫn còn ở đó. Nhưng đến khi Thánh Gio-an vào mồ, bài viết: «Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin» (c.8). Đối với Thánh Gio-an, những băng vải này là những tang vật, chứng minh sự Phục Sinh. Trong lúc hành quyết Đức Ki-tô và lâu sau nữa, những địch thủ các tín hữu gieo tin rằng các môn đệ Chúa, chỉ cần dấu xác Ngài. Thánh Gio-an trả lời: nếu cất lấy xác Ngài thì cũng đã lấy cả băng vải đi chứ! Và nếu Ngài đã chết, là cái xác chết thì, dĩ nhiên ai mà tháo băng vải bao cái xác. Các băng vải ấy là tang chứng, từ nay Chúa Giê-su được giải thoát khỏi cái chết: hai băng vải quấn xác, tượng trưng cho sự thụ động của cái chết.

Đứng trước hai mảnh vải bỏ lại ở đấy, Thánh Gio-an nhìn thấy và tin; Ngài hiểu ngay. Hẳn các bạn còn nhớ, khi La-da-rô được Chúa Giê-su làm cho sống lại, vài hôm trước, lúc anh ấy bước ra, thân anh còn quấn băng; thân xác anh còn bị giam hãm bởi những xiềng xích của thế gian, vì đây không phải một thân xác được phục sinh. Trong lúc Chúa Giê-su đi ra, thân được giải thoát: hoàn toàn giải thoát; thân xác phục sinh của Ngài không bị vướng bận gì cả.

Câu sau cùng khá đáng ngạc nhiên: «trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.» (c.9). Thánh Gio-an đã lưu ý nhiều lần trong Tin Mừng, theo ngài rằng phải chờ Chúa Phục Sinh, các môn đệ mới hiểu mầu nhiệm Chúa Ki-tô, các lời của Ngài và cách hành xử của Ngài. Trong giai đoạn thanh tẩy Đền Thờ, khi Chúa Giê-su thật sự công phẫn, xua đuổi những người buôn súc vật và đổi tiền; Phúc Âm theo Thánh Gio-an viết: «khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, Họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói.» (Ga2, 22). Khi Chúa vinh thắng tiến vào Đền Giê-ru-sa-lem, Thánh Gio-an ghi rằng: «Lúc đầu, các môn đệ không hiểu những điều ấy. Nhưng sau khi Đức Giê-su được tôn vinh, các ông mới nhớ lại là Kinh Thánh đã chép những điều đó về Người, và dân chúng đã làm cho Người đúng y như vậy.» (Ga 12, 16)  

Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng: trong toàn Thánh Kinh, không có một câu nào nói Đấng Mê-si-a sẽ phục sinh. Trước nấm mộ trống, không phải hai Tông Đồ Phê-rô và Gio-an vừa nghĩ ra một câu nào đó trong Thánh Kinh đã quên, bất chợt trở lại trong trí nhớ. Cùng một lúc toàn kế hoạch của Chúa hiện ra cho hai ông. Như Thánh Lu-ca nói cho các môn đệ trên đường Emmau, thần trí các ngài mở ra cho «lời các ngôn sứ» (Lc 24, 25) «Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. 9 Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh” (Ga 20, 8-9a). Vì Thánh Gio-an tin, nên mọi sự có vẻ hiển nhiên: cho đến lúc bây giờ, biết bao điều của Lời Chúa đối với ngài còn tối tăm. Thế nhưng, bất thình lình ngài dùng đến đức tin, không ngần ngại, thì mọi sự trở nên sáng sủa, rõ ràng: ngài đọc Lời Chúa cách khác, và mọi sự trở nên sáng ngời; Trong câu «Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.», chữ «phải» nói lên điều hiển nhiên ấy.

Đến lượt chúng ta, chúng ta cũng sẽ không có chứng cứ gì cho sự Phục Sinh của Chúa, ngoài nấm mộ trống… Trong những ngày kế tiếp, có những cuộc hiện ra của Đấng đã Phục Sinh, nhưng không có một chứng cứ nào thật tình thuyết phục… Đức tin chúng ta, luôn luôn cần những nhân chứng của các cộng đồng Ki-tô hữu, đã duy trì cho chúng ta; không có một chứng cứ nào khác.

Sau đây là một lưu ý nhỏ khác về bài này: cho đến khi thấy ngôi mộ trống, các môn đệ không chờ đợi sự phục sinh của Chúa Giê-su. Họ đã thấy Chúa chết, mọi sự đã hết. Thế nhưng, họ còn nghị lực để chạy đến ngôi mộ… Đến lượt chúng ta, cũng phải tìm nghị lực để nhận ra trong cuộc sống của chúng ta, trong cuộc sống của nhân loại, những dấu chỉ của sự Phục Sinh. Thần Khí ban cho chúng ta để thực hiện điều ấy. Từ nay: «Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần» (c.1), những tín hữu cùng với anh em mình, chạy đến gặp gỡ mầu nhiệm Đấng Phục Sinh.

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut                       
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân               
Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng                 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com