Lời Chúa CN

TÌM HIỂU CỰU ƯỚC CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN NĂM A - 11/10/2020

BÀI ĐỌC 1 (Is 25, 6-10a)

 

“Chúa mời đến dự tiệc của Người và lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt”

 

Trích sách Tiên tri I-sa-ia.

 

6 Ngày ấy, trên núi này, ĐỨC CHÚA các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế.

7 Trên núi này, Người sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ mọi dân, và tấm màn trùm lên muôn nước.

8 Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần. ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người, và trên toàn cõi đất, Người sẽ xoá sạch nỗi ô nhục của dân Người. ĐỨC CHÚA phán như vậy.

9 Ngày ấy, người ta sẽ nói: "Đây là Thiên Chúa chúng ta, chúng ta từng trông đợi Người, và đã được Người thương cứu độ. Chính Người là ĐỨC CHÚA chúng ta từng đợi trông. Nào ta cùng hoan hỷ vui mừng bởi được Người cứu độ."

10 Bàn tay ĐỨC CHÚA sẽ đặt trên núi này mà nghỉ.

 

Bài này thuộc về sách gọi là «khải huyền I-sa-ia» (ch 24-27), bốn chương, như một thị kiến ngày tận thế. Vị Tiên tri vén màn lên trước (có nghĩa là khải huyền) những sự kiện ngày cuối của Lịch sử. Hơn nữa chương 25 được trích trong bài đọc hôm nay bắt đầu bằng lời tạ ơn: «Lạy ĐỨC CHÚA, Ngài là Thiên Chúa của con, con suy tôn Ngài, con xưng tụng danh Ngài, vì Ngài thực hiện những kỳ công, những chương trình tự ngàn xưa thật là bền vững.» (25, 1) Ở đây vị Tiên tri đặt mình ngay trong ngày cuối của lịch sử, và vì ngài ngoảnh đầu lại nhìn về quá khứ, ngài nói: «Ngài thực hiện những kỳ công, những chương trình tự ngàn xưa thật là bền vững»

Những kỳ công ấy, chúng ta biết rõ, đó là cuối cùng rồi nhân loại cũng được qui tụ lại, lập lại hòa bình: Ngồi lại chung bàn, dùng chung bữa tiệc, cùng mừng lễ hội, đúng là hình ảnh của thái bình: «Ngày ấy, trên núi này, ĐỨC CHÚA các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế.» (c6)

Dĩ nhiên việc gợi lên như thế chỉ cho nên thơ, mang tính cách biểu tượng: Tiên tri I-sa-ia không tìm cách diễn tả trên thực tế điều gì sẽ diễn. Ngài muốn nói với chúng ta «hết rồi, không còn chiến tranh, đau khổ, bất công». Ngài miêu tả mọi dân tộc mừng lễ hội, nhiều người nghĩ rằng chương này được viết trong hoặc sau khi lưu đày Ba-by-lon, vì thế rất dễ hiểu trong bài có những giấc mơ vui lễ với những hình ảnh dư thừa. Không ai biết bài này được viết lúc nào, nhưng rõ ràng, và chắc chắn là trong một giai đoạn khó khăn. Sở dĩ vị Tiên tri thấy phải nói lên: «Ngày ấy, người ta sẽ nói: "Đây là Thiên Chúa chúng ta, chúng ta từng trông đợi Người, và đã được Người thương cứu độ» (c9), là vì ngài thấy cần làm cho người đồng hương lên tinh thần! Phải nên hiểu: Này anh em, hãy xem trong một thời gian nữa, anh em sẽ không hối tiếc vì đã cây trông…và bây giờ để tôi nói cho anh em nghe, ngày cuối Lịch sử sẽ như thế nào, chúng ta sẽ chậm thôi, nhưng chắc chắn đi đến một ngày hòa bình vĩnh viễn. Anh em sẽ ngẩng đầu lên. «ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người, và trên toàn cõi đất, Người sẽ xoá sạch nỗi ô nhục của dân Người. ĐỨC CHÚA phán như vậy» (c9)

Đây là câu trung tâm của bài, đối với vị Tiên tri, câu này minh chứng sự lạc quan của ngài, cho dù bất cứ trường hợp nào: « ĐỨC CHÚA phán như vậy». Người ngôn sứ là người biết hết, đã trải nghiệm tác động không ngừng Thiên Chúa cứu độ dân Ngài. Không ai có thể là ngôn sứ (hay chỉ là chứng nhân đức tin) nếu không phải, một cách nào đó, chính mình hoặc tập thể, đã trải nghiệm kỳ công Thiên Chúa.

Thế nhưng dân tộc Ít-ra-en không ngừng được trau dồi đức tin, bằng cách giữ trong ký ức những kỳ công Thiên Chúa. Và, bởi vì không bao giờ quên nên họ có thể vượt qua những giờ khắc thử thách. Vì Chúa đã giải thoát họ khỏi xiềng xích Ai-cập, Chúa cũng sẽ tiếp tục giải thoát họ qua nhiều thế kỷ nữa. Thế nhưng xiềng xích tồi tệ nhất của con người là không thể chung sống hòa bình với nhau, thực thi công chính, giữ Giao Ước với Thiên Chúa. Nếu Chúa đi đến cùng kỳ công của Ngài (và Tiên tri I-sa-i-a không nghi ngờ gì, Chúa sẽ không làm), sẽ có ngày tất cả các dân tộc sống trong hòa bình và trong trung tín với Giao Ước.

Vì vậy câu quan trọng nhất bài này là: «ĐỨC CHÚA phán như vậy»…Câu khó nhất là: «Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần» (C8); câu khó nhất… vì câu này có vẻ quá rõ ràng! «Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần»: Khi đọc câu này ngày hôm nay, chúng ta có khuynh hướng nghiên cứu câu này với ánh sáng đức tin ở thế kỷ thứ XXI, và gán cho người viết vào thế kỷ thứ IV trước CN, những tư tưởng không phải của người ấy. Dĩ nhiên, chỉ có Chúa mới biết những gì trong đầu Tiên tri I-sa-i-a, nhưng chắc chắn chưa phải là một xác quyết về sự phục sinh, theo nghĩa chữ này của người Ki-tô; dân tộc Ít-ra-en đã được mặc khải một cách tiệm tiến trước Chúa Ki-tô, tin vào phục sinh thân xác, nhưng rất trễ sau này, rất lâu sau khi sách Tiên tri I-sa-i-a được thành văn.

Trong phần lớn lịch sử Thánh Kinh, những chữ sự sống và sự chết không có nghĩa như cách hiểu ngày nay. Khi nói sự chết, là cái chết thể lý cá nhân, điều đó sẽ tới với mọi người và làm chúng ta lo lắng. Đối với tín hữu trong Thánh Kinh, sự chết thể lý ấy thuộc về chân trời của chúng ta; điều ấy được tiền định, không thể nào tránh khỏi, nhưng không có gì đáng buồn nếu nó xảy ra bình thường buổi chiều sau một cuộc đời đầy đủ. Không ai thấy trước, không ai tưởng tượng một không gian nào khác cho nhân loại ngoài trái đất.

Chính trong không gian địa cầu này, sự sống và sự chết nói ở đây không phải là sự chết thể lý: Đối với người tín hữu thời ấy, sống hoàn toàn là sống dưới trái đất này trong Giao Ước với Thiên Chúa (ngày nay chúng ta nói sống kết hiệp với Chúa). Còn sự chết là sống cắt đứt với Giao Ước. Vì thế điều Tiên tri I-sa-i-a thấy trước, đó là ngày chúng ta sống bình an với Chúa và với chính mình; các thế lực của thần chết (hận thù, bất công, chiến tranh) sẽ bị tiêu diệt.

 Bởi vì ngài chưa thấy gì khác ở chân trời địa cầu, vì thế không lạ gì vị tiên tri cho rằng tương lại là Giê-ru-sa-lem (đó là ý nghĩa cụm chữ Ngày ấy, trên núi này,) bởi vì nơi ấy có sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Ngài. Nhưng lời hứa cứu độ không dành riêng cho dân tộc Ít-ra-en, Buổi tiệc trên núi dành cho mọi người: «Ngày ấy, trên núi này, ĐỨC CHÚA các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế.  Trên núi này, Người sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ mọi dân… Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần.» Từ ngày Chúa Ki-tô Phục Sinh, không ai cấm chúng ta nói: Tiên tri I-sa-ia không thể tưởng rằng lúc ấy mình nói đúng như thế.

***

 

THÁNH VỊNH (Tv 22, 1-6)

 

Đáp: «Trong nhà Chúa, tôi sẽ điịnh cư cho tới thời gian cho rất ư lâu dài»

 

1 Thánh vịnh. Của vua Đa-vít
CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.

2 Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành

3 và bổ sức cho tôi.
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính
vì danh dự của Người.

4 Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u
con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.

5 Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù.
Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,
ly rượu con đầy tràn chan chứa.

6 Lòng nhân hậu và tình thương CHÚA
ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,
và tôi được ở đền Người
những ngày tháng, những năm dài triền miên. 

 

Bài Thánh vịnh 22 này (chúng ta rất quen thuộc vì đã từng hát «Chúa là mục tử tôi, tôi không còn thiếu gì») bài này nghe như một bài thơ điền viên, có thể làm cho chúng ta lầm! Thật ra, chỉ trong vài câu - chúng ta vừa nghe toàn bài - tất cả các phương diện cuộc sống đều được đề cập. Trái hẳn với vẻ bên ngoài, đây không phải miêu tả một cuộc du ngoạn đồng ngoại. Vấn đề là sự sống chết, khiếp sợ trước kẻ thù và lòng tin vào Thiên Chúa mãnh liệt hơn mọi mối đe dọa. Nghe bài Thánh vịnh này như một tiếng vang rất gợi ý cho Bài đọc 1 Chúa nhật thứ XXVIII hôm nay, trích từ sách Tiên tri I-sa-i-a. Ngài chỉ nói đời sống trong Giao Ước với Thiên Chúa, và chúng ta thấy đối với Tiên tri I-sa-i-a, chỉ có đời sống ấy mới đáng gọi là sống; tất cả các tình trạng cắt đứt với Thiên Chúa gọi là chết, một khi ta là tín hữu.

Một trong những mẫu gương đời sống kết hiệp với Thiên Chúa trong Cựu Ước, là các Người Lê-vi. Chúng ta biết thể chế người Lê-vi. Theo sách Sáng Thế, Lê-vi là một trong mười hai người con ông Gia-cóp, mười hai chi tộc Ít-ra-en mang tên mười hai người con ấy. Nhưng từ ban đầu, chi tộc Lê-vi có một chỗ đứng riêng biệt, để hoàn toàn tận hiến cho việc phụng tự. Mọi người cho rằng chính Chúa là gia nghiệp của họ. (hình ảnh này chúng ta rất quen thuộc, vì được lặp lại trong một bài Thánh vịnh khác: «Lạy CHÚA, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con; số mạng con, chính Ngài nắm giữ. Phần tuyệt hảo may mắn đã về con, vâng, gia nghiệp ấy làm con thoả mãn.» (Tv15, 16). Các người Lê-vi sinh sống rải rác trong các chi tộc khác, nhờ các bổng lộc được dâng hiến. Tại Giê-ru-sa-lem họ được giao nhiệm vụ phụng tự trong Đền Thánh và gìn giữ Đền.

Mỗi khi dân chúng Ít-ra-en lên Đền Thánh, họ có cảm tưởng nhận được ơn thánh nhờ người Lê-vi. Còn người Lê-vi, họ rất sung sướng được ở gần gũi Thiên Chúa, họ tin và có thể nói: «Lòng nhân hậu và tình thương CHÚA ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên.» (c6) Như người Lê-vi, dân tộc Ít-ra-en nhận thấy mình có được một chỗ đứng đặc biệt, đó là mầu nhiệm Thiên Chúa chọn riêng dân tộc này, không ngoài lý do nào khác là sự tự do tối cao của Ngài. Mỗi thế hệ ngạc nhiên thán phục về sự chọn lựa này, và về Giao Ước Ngài đề nghị: « Anh (em) cứ hỏi những thời xa xưa, thời có trước anh (em), từ ngày Thiên Chúa dựng nên con người trên mặt đất; cứ hỏi từ chân trời này đến chân trời kia: có bao giờ đã xảy ra chuyện vĩ đại như thế, hay có ai đã nghe điều giống như vậy chăng? Có dân nào đã được» (Đnl4, 32) Thiên Chúa hoàn toàn tự quyết cho dân tộc này vào vòng mật thiết với Thiên Chúa, dĩ nhiên là không phải để họ được ích kỷ tận hưởng, nhưng để mở cửa cho các dân tộc khác. Rút cục, như Tiên tri I-sa-i-a nhắc lại, chính toàn nhân loại sẽ được vào vòng mật thiết với Thiên Chúa: Buổi tiệc được Thiên Chúa dọn trên núi mời gọi mọi dân tộc. (xem Bài đọc 1)

Buổi tiệc do Tiên tri I-sa-i-a miêu tả, có thể nói họ đã nếm vị ấy trước trong các buổi tiệc hiệp lễ sau lễ tạ ơn trong Đền Giê-ru-sa-lem. Các buổi ăn ấy là những buổi dạ lễ giữa bạn bè với «ly rượu con đầy tràn chan chứa.»: «Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa.» (c5) Thế nhưng, theo lịch sử, mỗi lần hát bài Thánh vịnh này trong Đền Giê-ru-sa-lem, mới chỉ là vị hương trước của hạnh phúc hứa cho thời cánh chung. Còn phải gặp bao nhiêu thử thách nữa. Trong những thử thách ấy, không có chỗ nào nương náu ngoài lòng cậy trông.

Trong khi ấy, Ít-ra-en được ví như con chiên: Người chăn chiên là Thiên Chúa. Đây là một đề tài quen thuộc trong Thánh Kinh: Trong cách nói trong cung điện vùng Trung Đông, các vua được xem là những mục tử cho dân chúng. Tiên tri Ê-dê-ki-en cũng lấy lại những hình ảnh ấy. Từ thời vua Sa-un và Đa-vít, dân chúng có rất nhiều mục tử, nhưng không mấy ai là mục tử nhân lành trước mặt Thiên Chúa. Chắc chắn, ngoài Ngài ra không ai có thể nói là mục tử quan tâm đến những nhu cầu thật sự của đàn chiên mình. «CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.  Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành» (c1,2). Nơi ấy chẳng thiếu thốn gì.

Ngay khi phải: «qua thung lũng âm u của sự chết», dân Ít-ra-en biết rằng, như người mục tử sẽ «đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi.» (c2,3). Vì còn có nhiều hiểm nguy trên suốt hành trình lịch sử, đó là biết bao kẻ thù …nhưng dù sao đi nữa, họ chẳng sợ chi. Thiên Chúa ở với họ: «con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm. Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,» (c4,5). Sự an tâm, thanh thản của người tín hữu dựa vào tất cả trải nghiệm của sự quan tâm của Thiên Chúa cho dân Ngài từ bao thế kỷ. Những ngày nản lòng, họ lặp lại lời Tiên tri I-sa-i-a: «Ngày ấy, (ngụ ý nói ngày cánh chung) người ta sẽ nói: "Đây là Thiên Chúa chúng ta, chúng ta từng trông đợi Người, và đã được Người thương cứu độ. Chính Người là ĐỨC CHÚA chúng ta từng đợi trông. Nào ta cùng hoan hỷ vui mừng bởi được Người cứu độ.” ( Is25, 9).

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut                       
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân               
Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng                 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com