Lời Chúa CN

TÌM HIỂU CỰU ƯỚC CHÚA NHẬT 04 MÙA VỌNG NĂM B - 20/12/2020

BÀI ĐỌC 1 (2Sm 7, 1-5. 8b-12. 14a.16)

 

"Nước Đa-vít sẽ tồn tại muôn đời trước mặt Chúa."

 

Bài trích sách Sa-mu-en quyển thứ hai.

 

1 Khi vua được yên cửa yên nhà và ĐỨC CHÚA đã cho vua được thảnh thơi mọi bề, không còn thù địch nào nữa,

2 thì vua nói với ngôn sứ Na-than: "Ông xem, tôi được ở nhà bằng gỗ bá hương, còn Hòm Bia Thiên Chúa thì ở trong lều vải."

3 Ông Na-than thưa với vua: "Tất cả những gì ngài ấp ủ trong lòng, xin ngài cứ đi mà thực hiện, vì ĐỨC CHÚA ở với ngài."

4 Nhưng ngay đêm ấy, có lời ĐỨC CHÚA phán với ông Na-than rằng:

5 "Hãy đi nói với tôi tớ của Ta là Đa-vít: ĐỨC CHÚA phán thế này: Ngươi mà xây nhà cho Ta ở sao?

ĐỨC CHÚA các đạo binh phán thế này: Chính Ta đã cất nhắc ngươi, từ một kẻ lùa chiên ngoài đồng cỏ, lên làm người lãnh đạo dân Ta là Ít-ra-en.

9 Ngươi đi đâu, Ta cũng đã ở với ngươi; mọi thù địch ngươi, Ta đã diệt trừ cho khuất mắt ngươi. Ta sẽ làm cho tên tuổi ngươi lẫy lừng, như tên tuổi những bậc vĩ nhân trên mặt đất.

10 Ta sẽ cho dân Ta là Ít-ra-en một chỗ ở, Ta sẽ định cư chúng, và chúng sẽ ở luôn tại đó, chúng sẽ không còn run sợ, và quân gian ác cũng không còn tiếp tục áp bức chúng như thuở ban đầu,

11 kể từ thời Ta đặt các thủ lãnh cai quản dân Ta là Ít-ra-en. Ta sẽ cho ngươi được thảnh thơi, không còn thù địch nào nữa, ĐỨC CHÚA báo cho ngươi biết là ĐỨC CHÚA lập cho ngươi một nhà.

12 Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi -một người do chính ngươi sinh ra-, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền.

14 Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con. Khi nó phạm lỗi, Ta sẽ sửa phạt nó bằng roi của người phàm, bằng đòn của con người.

15 Tình thương của Ta sẽ không rời khỏi nó, như Ta đã cho rời khỏi Sa-un, kẻ Ta đã bắt rời khỏi mặt ngươi.

16 Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi."

 

Mọi sự đều thành công trong cuộc đời vua Đa-vít. Là đứa con út trong một gia đình đông con, cha cậu đưa ra đồng chăn chiên, có người đến tìm và chỉ định lên làm vua It-ra-en, điều không bao giờ chàng chờ đợi. Và bây giờ ngài là vua.

Vua Sa-un già đã chết. Cuối cùng rồi Đa-vít cũng đứng đầu vương quốc: Mười hai chi tộc tập hợp lại dưới quyền ngài. Để thiết lập một kinh đô cho chính mình, ông chiếm một thành lũy tên là Giơ-vút nằm trên đồi Si-on. Sau đó, theo lời khuyên của ngôn sứ Gát, ông mua một cánh đồng trên ngọn đồi dưới chân thành luỹ; ông rầm rộ tổ chức rước Hòm Bia Giao Ước về và đặt nằm dưới căn lều giống như lúc còn đồng hành cuộc viễn du trong sa mac Sinai. Sau cùng, để xứng danh như mọi vua chúa, ông cho xây cho một dinh thự. Tất cả đều thành công, nên vua Đa-vít hình như có ít nhiều ngại ngùng, hay ít nữa cũng ngạc nhiên. Ông cũng biết, tất cả những gì ông  có được, đều không biết vì lý do gì Thiên Chúa làm nơi ông.

Vì lẽ đó, vua Đa-vít (vừa là một người có đức tin năng cầu nguyện vừa là một chiến tướng) đương nhiên một ngày nọ tự hỏi, lẽ nào một vua trên đời được ở trong một lâu đài bằng gỗ quý, trong lúc đó vua vũ trụ chỉ được một túp lều đơn sơ…Vua hỏi ý ngôn sứ Na-than: «Ông xem, tôi được ở nhà bằng gỗ bá hương, còn Hòm Bia Thiên Chúa thì ở trong lều vải!» (c2)     

Phản ứng ban đầu tiên, ngôn sứ Na-than trả lời: «Tất cả những gì ngài ấp ủ trong lòng, xin ngài cứ đi mà thực hiện, vì ĐỨC CHÚA ở với ngài» (c3). Thật vậy, thoáng nhìn, dự tính của vua Đa-vít đáng khen ngợi. Vả lại, mọi vua trên đời cũng làm như thế: Xây dựng một đền thờ, là bảo đảm cho mình một vương triều lâu dài. Cũng nên cầu xin ơn lành thánh thiêng (có lẽ cũng có ít nhiều dị đoan). Hơn nữa, đền thờ là nơi quy tụ muôn dân, như vậy sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố thống nhất dân tộc; trong lúc đây là một trong những vấn nạn dưới triều đại vua Đa-vít lúc ban đầu. Dù sao đi nữa, Đa-vít đặt câu hỏi cho ngôn sứ Na-than, nhưng ngài tin chắc vào câu trả lời của ngôn sứ - dĩ nhiên là thuận.  

Sau một đêm, thường mọi việc sáng ra, ngay cả cho một ngôn sứ. Đêm ấy, Chúa đến nói cho ông Na-than, Thiên Chúa nghĩ gì về dự án ấy. Và tất cả đảo ngược. Một lần nữa, phải nhìn nhận những tư tưởng của Thiên Chúa không phải tư tưởng của chúng ta, như Tiên tri I-sa-i-a nói.

Câu trả lời của ông Na-than gồm hai điều: Trước tiên là từ chối, sau đó là một lời hứa. Chúng ta hãy bắt đầu bằng sự từ chối. Cũng phải nhìn nhận điều này rất lạ lùng; một lời nói «Không», dứt khoát: «Ngươi không được xây nhà kính danh Ta» (1Sb28, 3). Qua lời này có ba biện chứng rõ ràng. Thứ nhất, Ta không đòi hỏi gì. Thứ hai, ngươi tưởng Ta là thiên Chúa ai muốn đặt muốn để ta bất cứ đâu sao? Thứ ba đừng tìm cách đảo ngược vai trò: giữa Thiên Chúa và Đa-vít - lúc nào cũng phải như thế -  giữa Thiên Chúa và con người - Đấng trong cương vị ban ơn là Thiên Chúa. Hãy nhớ những ơn lành Thiên Chúa ban cho ngươi.

Thứ nhất, Ta không đòi hỏi ngươi điều gì. Chúa không đời nào chờ đợi Đa-vít xây nhà cho Ngài. Một túp lều đơn sơ hay một lâu đài vua chúa không thêm bớt gì sự vĩ đại của Thiên Chúa: «Tất cả những gì con người làm cho Chúa là để con người hưởng chứ không cho Thiên Chúa», như Thánh Au-gút-ti-nô nói; ngay cả một máng cỏ đơn sơ không làm Ngài sợ.

Điểm thứ hai, ngươi tưởng Ta là Thiên Chúa, ai muốn đặt muốn để ta bất cứ ở đâu sao? Từ lúc sa mạc Sinai, Hòm Bia Giao Ước lúc nào cũng được giữ dưới túp lều đơn sơ của du mục, và nó vẫn luôn luôn đi cùng dân chúng khắp những lúc di chuyển; như một dấu chỉ vô hình của Thiên Chúa đồng hành với dân Ngài. Và từ khi về cư ngụ nơi đất hứa, điều này không bao giờ được đặt lại vấn đề. Chúa gửi ngôn sứ Na-than nói với vua Đa-vít: «Thật vậy, từ ngày Ta đưa con cái Ít-ra-en lên từ Ai-cập cho tới ngày hôm nay, Ta không hề ở trong một ngôi nhà, nhưng Ta đã nay đây mai đó trong một cái lều và trong một nhà tạm. Trong suốt thời gian rày đây mai đó với toàn thể con cái Ít-ra-en, có bao giờ Ta đã lên tiếng hỏi một trong các thủ lãnh Ít-ra-en mà Ta đã đặt lên chăn dắt dân Ta là Ít-ra-en: "Sao các ngươi không xây cho Ta một ngôi nhà bằng gỗ bá hương?» (c6,7) Không ai dẫn dắt Chúa, Thiên Chúa hoàn toàn tự quyết, không ai có thể ra lệnh cấm cổ Thiên Chúa, chính Ngài ban cho ân huệ ở giữa chúng ta và đồng hành với chúng ta.

Điểm thứ ba, đừng đảo ngược vai trò. Giữa Thiên Chúa và Đa-vít - lúc nào cũng phải như thế -  giữa Thiên Chúa và con người - Đấng trong cương vị ban ơn là Thiên Chúa. Chúng ta có thể hiểu. Này bạn Đa-vít đừng lầm tưởng, chỉ có Chúa mới xây dựng, chỉ có Chúa làm cho sống. «Ngươi mà xây nhà cho Ta ở sao?...ĐỨC CHÚA các đạo binh phán thế này: Chính Ta đã cất nhắc ngươi, từ một kẻ lùa chiên ngoài đồng cỏ, lên làm người lãnh đạo dân Ta là Ít-ra-en Ngươi đi đâu, Ta cũng đã ở với ngươi; mọi thù địch ngươi, Ta đã diệt trừ cho khuất mắt ngươi.» (c5,8,9). Nói cách khác, chính Đa-vít mới nằm trong tay Chúa, chứ không phải ngược lại: Có lẽ những thành công của Đa-vít làm ông hoa mắt. Nhiều vua thời ấy cho mình là trời; Thánh Kinh lúc nào cũng đặt cho họ về đúng chỗ: Họ chỉ là con người phục vụ cho dự án Thiên Chúa.

Thế nhưng, dự án Thiên Chúa không phải là một ngôi đền bằng đá. Cho dù thiện ý của vua Đa vít cũng đáng khen đi nữa, nhưng thực sự ý Chúa mới đáng kể, thế nhưng - ít nữa lúc bấy giờ - Chúa không đòi hỏi xây cho Ngài một đền thờ. Ý Chúa còn xa hơn việc xây dựng vật chất. Điều Ngài muốn là xây dựng bền lâu cho dân Ngài. Ngài lặp lại lần nữa qua ngôn sứ Na-than: «Ta sẽ cho dân Ta là Ít-ra-en một chỗ ở, Ta sẽ định cư chúng, và chúng sẽ ở luôn tại đó, chúng sẽ không còn run sợ, và quân gian ác cũng không còn tiếp tục áp bức chúng như thuở ban đầu (c10) 

Dân chúng (chứ không phải vua)  mới là trung tâm của dự án Thiên Chúa. Ví dụ, ngay từ đời vua Sa-un, vua đầu tiên, ngôn sứ đã nói rõ, vương tước của ông đồng nghĩa với trách nhiệm: Ông chỉ được chọn để cứu độ dân chúng khỏi tay quân thù, người Phi-li-tinh. Sở dĩ Chúa bảo vệ vua là bảo vệ dân chúng. Ngài nói lại ở đây cho vua Đa-vít: «Ta sẽ làm cho tên tuổi ngươi lẫy lừng, như tên tuổi những bậc vĩ nhân trên mặt đất... Ta sẽ cho ngươi được thảnh thơi, không còn thù địch nào nữa» (c9.11), nhưng Ngài xác định là để làm cho dân chúng, như cụm chữ được lặp lại ba lần: «dân Ta là Ít-ra-en.», từ câu 8 đến câu 11)

Sau cùng mới đến lời hứa: Hơn nữa, có hai lời hứa đi đôi với nhau. Một lần nữa, đây là lời hứa rất cũ xưa về đất đai, nhưng nhất là lời hứa mới, điều chúng ta đặc biệt quan tâm ngày nay. Chính Ta mới xây cho ngươi ngôi nhà. Dĩ nhiên anh em đừng tưởng Chúa với cái bay thợ nề trong tay; tiếng Do Thái cũng như tiếng Việt (tiếng Pháp trong nguyên bản) cũng có thể hợp với cách chơi chữ: Nhà là nơi gia đình cư ngụ, nhưng cũng có thể là nhà là triều đại trong nghĩa hậu duệ của vua (ví dụ như nhà Vua Tây Ban Nha, hay xứ Anh) Chúa phán: «ĐỨC CHÚA báo cho ngươi biết là ĐỨC CHÚA lập cho ngươi một nhà. Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi -một người do chính ngươi sinh ra-, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền…Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con…. 16Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi." (c 11,12,14,16)» 

Ban đầu, Đa-vít hiểu qua những lời ấy là Chúa hứa cho một triều đại và củng cố vương triều của ông. Cũng tương đương như Ngài đã chọn một dân tộc, cho một vùng đất hứa và một thành phố, nay Ngài chọn một triều vua để quản trị thành phố và cai trị dân Ngài. Lời hứa này, được nhiều người thường nhắc lại; từ đấy luận ra, ta có thể trông chờ vào sự trợ giúp không bao giờ mai một của Chúa cho vương triều của Ngài đã chọn, lòng cây trông It-ra-en có từ đấy. Ngay đến ngày nay, để giữ niềm cậy trông, ở It-ra-en người ta luôn lặp tại chữ «mãi mãi»: «Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta» (c16)  

Từ đó, mới bắt đầu việc chờ đợi Đấng Mê-si-a, nghĩa là một vua được xức dầu tấn phong, như truyền thống phong vương ở It-ra-en. Bây giờ và đã từ lâu, không có vua nào ở Giê-ru-sa-lem, nhưng dân Do Thái biết rằng Thiên Chúa lúc nào cũng tín trung; lời hứa ấy vẫn còn giá trị.

«Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con» (c14). Danh hiệu con Thiên Chúa, lúc đầu đồng nghĩa với vua. Ngày lễ phong vương vua chính thức nhận được tước hiệu ấy. Thánh vịnh 2 còn mang dấu tích ấy trong câu: «Con là con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra con.» (Tv2, 7). Bây giờ chúng ta hiểu, vì sao các Thánh sử nhấn mạnh sự kiện Chúa Giê-su dòng dõi vua Đa-vít. Lời hứa được hoàn tất nơi Chúa Giê-su, vượt hẳn lên lòng ước mong của dân Ngài: Con cháu vua Đa-vít, Ngài còn thật sự là Con Thiên Chúa. Trong bài Truyền Tin, Thánh Lu-ca rõ ràng ngụ ý nói đến Giao Ước giữa Thiên Chúa và vua Đa-vít.

***

 

THÁNH VỊNH (Tv 88, 2-5.27.29)

 

Đáp: Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thươngcủa Chúa đến muôn đời.

 

2 Tình thương CHÚA, đời đời con ca tụng,
qua muôn ngàn thế hệ
miệng con rao giảng lòng thành tín của Ngài.

3 Vâng con nói: "Tình thương ấy được xây dựng tới thiên thu,
lòng thành tín Chúa được thiết lập trên trời."

4 Xưa Chúa phán: "Ta đã giao ước với người Ta tuyển chọn,
đã thề cùng Đa-vít, nghĩa bộc Ta,

5 rằng: dòng dõi ngươi, Ta thiết lập cho đến ngàn đời,
ngai vàng ngươi, Ta xây dựng qua muôn thế hệ."

27 Người sẽ thưa với Ta: "Ngài chính là Thân Phụ,
là Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con được cứu độ! "

29 Ta sẽ yêu thương Người đến muôn thuở
và thành tín giữ giao ước với Người.

 

Sau Bài đọc 1 Chúa nhật hôm nay, dĩ nhiên phải có bài Thánh vịnh này! «Xưa Chúa phán: "Ta đã giao ước với người Ta tuyển chọn, đã thề cùng Đa-vít, nghĩa bộc Ta, rằng: dòng dõi ngươi, Ta thiết lập cho đến ngàn đời, ngai vàng ngươi, Ta xây dựng qua muôn thế hệ."» (c4,5) Chúng ta đang ngay trong bối cảnh những lời hứa của Tiên tri Na-than cho vua Đa-vít. Khi ấy vua Đa-vít lòng tràn đầy thiện chí; đề nghị xây cho Chúa một đền thờ còn đẹp hơn cung điện của ngài. Rất lạ, Chúa tỏ vẻ không mấy quan tâm đến đề nghị ấy; Chúa đáp lại đề nghị này với cách chơi chữ trên chữ «nhà», theo tiếng Do Thái cũng như tiếng Pháp cũng hiểu được: Con muốn xây cho Ta một cái «nhà» cho ta ở, Chúa nói, nhưng điều này Ta không quan tâm lắm…Ta sẽ xây cho con một «nhà», trong nghĩa một dòng dõi vua, một triều đại. 

Vua Đa-vít liền hiểu; ngài không xây đền nữa, chỉ đưa Hòm Bia Giao Ước đặt dưới lều, như lúc còn đi trong sa mạc thời Xuất Hành. Nhất là ngài nghe Chúa đề nghị một Giao Ước, Chúa tự ý cam kết qua Giao Ước này: Không ai có thể bó buộc Ngài, chính Chúa hiến Mình ngự trị giữa chúng ta! Nhưng nghĩ cho cùng, đây là một điều thật táo bạo về thần học: Thiên Chúa thề với vua Đa-vít: «Ta…đã thề cùng Đa-vít» (c4). Giao Ước giữa Thiên Chúa và vua Đa-vít được phát biểu bằng ngôn ngữ của các hiệp ước thời ấy, giữa một lãnh chúa với các chư  hầu: Ở đây chữ «cha» có nghĩa là vua hay «con» có nghĩa là chư hầu. Thời ấy, không ai dám mơ có những quan hệ nào tốt hơn như thế, nhưng đây là một bảo đảm cho sự tín trung, không bao giờ phai của một vị lãnh chúa. Một khi Thiên Chúa đã tự nguyện bằng lời thế, vua Đa-vít không còn sợ điều gì hay một ai nữa.

Thật ra, phải nhìn nhận rằng, sở dĩ bài Thánh vịnh này nhấn mạnh đến lời hứa của Thiên Chúa là vì có nguy cơ thật lớn, mọi người không còn tin tưởng nữa! Và nếu có ai tò mò không muốn chỉ đọc những câu trong phụng hôm nay, mà đọc cả bài trong Thánh kinh, sẽ khám phá ra rất nhiều điều ngạc nhiên! Có tất cả trong bài Thánh vịnh này. Trước tiên, là lòng tin cậy bình thản: «Tình thương CHÚA, đời đời con ca tụng, qua muôn ngàn thế hệ miệng con rao giảng lòng thành tín của Ngài. » (c2)…Sau đó, là bài tụng ca Thiên Chúa của vũ trụ «Chính Ngài chế ngự trùng dương ngạo nghễ, dẹp yên bao sóng cả sóng cồn.» (c 10) Vì ai cũng biết vua thật sự trên cõi đất này, chính là Thiên Chúa. Nhưng cũng có những tiếng kêu xin khóc lóc: «Đâu cả rồi, lạy Chúa, nghĩa cũ với tình xưa Ngài hứa cùng Đa-vít nhân danh chữ tín thành?» (c50), điều này có nghĩa là chúng ta đang trong thời kỳ có nguy cơ lớn, ngờ vực tình yêu Thiên Chúa. Có vẻ như Ngài cắt đứt đính hôn.

Gần như đây là một phiên toà, gom lại tất cả những lý do ta thán của dân chúng đối với Thiên Chúa: «Chúa tiêu huỷ giao ước với người nghĩa bộc…Thế mà nay Chúa lại khinh chê ruồng bỏ, nổi lôi đình với đấng Ngài đã xức dầu tấn phong; ...quăng vương miện Người xuống đất đen… 43 Chúa nâng cao quyền thế bọn áp bức Người và cho mọi kẻ thù được hớn hở mừng vui.» (c40…43) Lời than ván ấy kết bằng câu: «Đến bao giờ cơn giận còn cháy bừng như lửa?» (c47) hơn nữa, đoạn này của bài Thánh vịnh được sáng tác lúc dân chúng đang trải nghiệm cuộc lưu đày Ba-by-lon: Tất cả đều mất hết, đất đai, đền thờ, vương triều…còn dân tộc chỉ còn lại vỏn vẹn một nhóm…Mọi người tự hỏi lời hứa của Chúa còn lại ở chỗ nào?

Đến đây mới thấy đức tin tuyệt vời, chính vì nhìn thoáng bên ngoài như mất tất cả - chỉ trừ đức tin - người ta đọc lại lời hứa xưa kia và nhờ đó được mạc khải một chiều kích khác hẳn những gì ta tin bấy lâu nay.

Thử đặt chúng ta vào địa vị vua Đa-vít: Khi ngài nghe Tiên tri Na-than nhân danh Thiên Chúa hứa: «dòng dõi ngươi, Ta thiết lập cho đến ngàn đời, ngai vàng ngươi, Ta xây dựng qua muôn thế hệ» (c5), chúng ta có thể tưởng tượng Đa-vít thở phào. Được lắm! Rồi con ta sẽ kế vì ta, sau đó đến cháu ta…và cứ như thế về sau. Đó là tất cả những gì một vị vua ao ước, và rất có thể vua Đa-vít cũng không mong gì hơn! Nhưng điều Thiên Chúa mong khác hẳn…và chúng ta chỉ được mạc khải một cách tiệm tiến dự án của Ngài. Vua Đa-vít, và sau đó là con ông rồi đến thần dân ông, cẩn thận lặp lại một cách trung thành lời hứa của Thiên Chúa…và dần dần, họ khám phá ra lời hứa của Thiên Chúa còn xa hơn giấc mơ một vị vua trên thế gian.

Và chữ «muôn thế hệ» có chiều kích của một ước vọng không có gì thắng được: «ngai vàng ngươi, Ta xây dựng qua muôn thế hệ."» (c5): Chúa đâu có ban một lời hứa như thế mà thiếu suy nghĩ…vì lẽ đó, ta nghe và sẽ nghe, bấy lâu nếu cần: một vua Chúa hứa sẽ đến. Nhờ đức tin, ta không bao giờ ngờ vực lời hứa của Chúa; Chắc chắn sẽ có ngày ấy; nhưng có lẽ vua này chỉ bị hoãn lại chăng? hay là với hình thức khác? Mặc dù không hiểu hết, người tín hữu lặp lại không ngừng lời hứa; đức tin là thế đó. Và càng ngày càng suy niệm lời của Chúa, ta được mạc khải Giao Ước thế nào, sâu xa hơn, tuyệt vời hơn nhiều ta có thể tưởng tượng. Vua Đa-vít có những giấc mơ vĩ đại theo chiều kích con người: một ngai vua vững bền, lâu dài, một triều đại vô tận…Thiên Chúa thấy xa hơn, vĩ đại hơn thế nữa: Đa-vít đề nghị một đền thờ lớn: «Con sẽ xây cho Ngài một ngôi nhà xứng đáng»…và Chúa trả lời: «Còn Ta, Ta sẽ  đem lại hạnh phúc cho con và hạnh phúc cho dân Ta» Cuối cùng, lúc nào cũng thế: Con người nói đến những điều lớn lao, trong lúc Thiên Chúa nói đến hạnh phúc! Giao Ước do Thiên Chúa đề nghị là một giao ước làm cho dân hạnh phúc. Thế là cụm chữ muôn thế hệ mang một ý nghĩa theo một chiều kích khác hẳn, Đa-vít không thể nào đoán biết. Ông cũng như những người cùng thời, không ai có thể tưởng tượng một cuốc sống xa hơn phương trời trần thế: «Ta cho dòng dõi Người muôn năm tồn tại, cho ngai vàng trường cửu tựa trời xanh.» (c30)…tất cả những thứ ấy, gợi lên những thành đạt theo chiều kích nhân loại có thể có trong giới hạn của lịch sử.

Một cách trớ trêu là vì, sự chờ đợi như thế không thành, lại gợi lên nơi người tín hữu một sự chờ mong sâu xa hơn. Dần dần người ta hiểu dự án của Thiên Chúa vượt khỏi giới hạn con người về thời gian cũng như không gian. Khi Đa-vít nghĩ «dưới đất» Chúa nói đến «trên trới». Khi Đa-vít nói đời sống «thế gian» Chúa nói «vĩnh hằng». Khi Chúa Giê-su Ki-tô phục sinh từ cõi chết, các môn đệ lúc bấy giờ mới hiểu Giao Ước Chúa đề nghị vượt hẳn giới hạn của không gian và thời gian; hơn thế nữa, quan hệ giữa con người đối với Thiên Chúa không như một chư hầu đối với vị lãnh chúa; nhưng từ nay, toàn dân tín hữu có thể gọi thật sự «Lạy Cha chúng con…»

(Có thể xem bài suy niệm Thánh vịnh 88 (89) ngày Chúa nhật thứ XIII thường niên năm A)

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut                    
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân             
Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng               


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com