Lời Chúa CN

TÌM HIỂU THÁNH VỊNH CHÚA NHẬT LỄ CHÚA THÁNH THẦN NĂM B - 23/05/2021

THÁNH VỊNH (Tv103-104)

 

Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần Chúa đến, và xin canh tân bộ mặt trái đất.

 

1 Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi!
Lạy CHÚA là Thiên Chúa con thờ, Chúa muôn trùng cao cả!

24 Công trình Ngài, lạy CHÚA, quả thiên hình vạn trạng!
Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan,
những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất.

29 Chúa ẩn mặt đi, chúng rụng rời kinh hãi;
lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay, mà trở về cát bụi.
30 Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới,
là chúng được dựng nên,
và Ngài đổi mới mặt đất này.

31 Vinh hiển CHÚA, nguyện muôn năm tồn tại,
công trình CHÚA làm Chúa được hân hoan.

34 Nguyện tiếng lòng tôi làm cho Người vui thoả,
đối với tôi, niềm vui là chính CHÚA.

Có lẽ nên đọc trọn 36 câu của bài thánh vịnh này !  36 câu thuần tuý ngợi khen và thán phục  trước những tác phẩm của Thiên Chúa. Tôi gọi là các « câu » như ta thường nói trong thánh vịnh nhưng lẽ ra tôi nên nói 36 câu thơ vì đây là một bài thơ tuyệt vời.

Chúng ta không lấy gì làm ngạc nhiên bài Thánh Vịnh này được chọn cho ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống vì trong sách Công Vụ Tông Đồ thánh Lu-ca kể rằng sáng ngày Lễ này, các thánh Tông Đồ lòng đầy Thánh Linh bắt đầu rao giảng những điều kỳ diệu của Chúa bằng nhiều thứ tiếng. Các bạn có thể nghĩ rằng, không cần có Đức Tin mới kinh ngạc thán phục trước những kỳ công Tạo Dựng ! Thật vậy chúng ta tìm thấy biết bao nhiêu bài thơ tán tụng vẻ đẹp của thiên nhiên trong mọi nền văn minh trên thế giới. Đặc biệt bên Ai-cập trên mộ một vị Pha-ra-ông ( A-mê-nô-phít IV) được khắc một bài ngợi ca Chúa-Mặt Trời. Vua A-mê-nô-phít đệ IV sống năm 1350 trước công nguyên, thuở ấy dân Do Thái còn ở bên Ai Cập, có lẽ họ cũng biết bài ngợi ca ấy.

Giữa bài thơ vua Pha-ro-ông và bài thánh vịnh 103 có những lối hành văn và những từ ngữ tương tự, dĩ nhiên : lời tán tụng, ngợi khen đều giống nhau khắp mọi nơi ! Điều thú vị là những khác biệt, ở đây những sự khác biệt mang dấu ấn của sự Mặc Khải cho Dân của Giao Ước.

Sự khác biệt đầu tiên – và cũng là điều chính yếu cho đức tin dân It-ra-en – Thiên Chúa là Thiên Chúa, không có chúa nào khác hơn Ngài, mặt trời không phải là Chúa ! Chúng ta có dịp chú ý đến điều này trong thuật trình tạo dựng trong sách Sáng Thế : Thánh Kinh đã cẩn thận đặt mặt trời mặt trăng vào chỗ đứng của nó, chúng không phải là thần thánh, chỉ là những ngọn đèn của vũ trụ. Chúng cũng chỉ là những tạo vật : có một trong những câu của TV nói rõ ràng :

« 19 Chúa đặt vầng trăng để đo thời tiết, dạy mặt trời biết lặn đúng thời gian »

Tôi xin không nói thêm vì những câu này không được đọc trong ngày Lễ Thánh Thần Hiện Xuống hôm nay, nhưng có những câu giới thiệu Thiên Chúa là đấng Tạo Dựng duy nhất. Thi nhân dành cho Ngài những danh từ của vua chúa : Thiên Chúa là vị vua tuyệt vời, uy nghi và vinh thắng. Ví dụ như chữ « vô cùng cao cả » mà chúng ta nghe, đó là một cụm từ diễn tả sự chiến thắng của vua ngoài trận chiến. Đó là một cách nói theo thế gian để nói lên Thiên Chúa đã chiến thắng thời hỗn mang của vũ trụ trước kia như Sáng Thế đã miêu tả.

Và đây là sự khác biệt thứ hai của Sách Thánh : Việc Tạo Dựng chỉ có thể tốt mà thôi. Chúng ta thấy ở đây là tiếng vang của bài thơ tuyệt diệu trong Sách Sáng Thế lập đi lập lại như một điệp khúc « và Chúa thấy thế là tốt đẹp ». Hơn nữa, đây không phải là điều ngẫu nhiên bài thánh vịnh 103 được có một cấu trúc giống như sách Sáng Thế : Các thành phần được tạo dựng từng ngày trong sáu ngày, bài thánh vịnh cũng nêu rõ trong thứ tự cho đến đỉnh cao chót trong đó con người nhận được hơi thở của Thiên Chúa. Chính hơi thở của Chúa làm cho chúng ta rung động trước sự hiện diện của Chúa, làm cho ta hoà nhịp với Ngài. Từ đầu đến cuối bài thánh vịnh này chỉ có một giọng điệu là lời thán phục tán tụng Thiên Chúa. :

« 31 Vinh hiển CHÚA, nguyện muôn năm tồn tại, công trình CHÚA làm Chúa được hân hoan.

34 Nguyện tiếng lòng tôi làm cho Người vui thoả, đối với tôi, niềm vui là chính CHÚA.

Không vì thế mà sự dữ bị quên đi, gần cuối bài có câu : « 35 Ước gì tội nhân phải biệt tích cõi đời, bọn bất lương sạch bóng chẳng còn ai ».

Sự dữ không do Thiên Chúa tạo dựng. Một ngày Chúa sẽ làm cho biến mất khỏi thế gian : Vua sẽ chiến thắng những gì cản trở đến hạnh phúc con người.

Điều khác biệt thứ ba là đức tin dân It-ra-en. Công trình tạo dựng không thuộc về quá khứ. Tất cả giống như Thiên Chúa phóng quả đất và con người vào vũ trụ. Đây là một quan hệ vẫn tồn lưu giữa đấng Tạo Hoá và tạo vật của Ngài. Khi chúng ta đọc Kinh Tin Kính : « Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng, dựng nên trời đất », chúng ta không tuyên xưng đức tin chúng ta vì chỉ lẽ Chúa đã tạo dựng chúng ta nhưng nhìn nhận quan hệ phụ thuộc của chúng ta đối với Ngài. Bài thánh vịnh hôm nay nói rõ điều ấy : « 29 Chúa ẩn mặt đi, chúng rụng rời kinh hãi; lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay, mà trở về cát bụi.30 Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này.)

Hơn nữa các động từ nói về công trình Thiên Chúa đều được chia theo thể hiện tại.

Còn điều khác biệt nữa của đức tin It-ra-en : đỉnh cao của công trình tạo dưng là con người. Được tạo dựng để làm chúa tể các tạo vật, được đầy hơi thở của chính Thiên Chúa. Phải có một mặc khải để con người mới dám có ý nghĩ táo bạo như thế. ! Chính là điều chúng ta cử hành trong ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống này : Thánh Linh ngự trong chúng ta, làm chúng ta rung động trước sự hiện diện của Thiên Chúa, làm cho chúng ta rung cùng nhịp điệu với Ngài. Và vì thế chúng ta có thể nói « 31…công trình CHÚA làm Chúa được hân hoa 33 …Suốt cuộc đời, tôi sẽ ca mừng CHÚA »

Sau cùng và là điều quan trọng nhất, đối với It-ra-en mọi suy niệm về tạo dựng phải được lồng vào viễn ảnh của Giao Ước. It-ra-en đã trải nghiệm công trình giải thoát của Thiên Chúa và chỉ sau đó mới suy niệm về Tạo Dựng dưới ánh sáng của trải nghiệm đó. Trong bài thánh vịnh hôm nay chúng ta còn nhìn ra nhiều dấu vết ấy

Trước hết tên Chúa được gọi bằng 4 chữ cái không thể đọc được YHVH, cũng chính là mặc khải của Chúa trong Giao Ước. Sau đó chúng ta nghe khi nãy : «   Lạy CHÚA là Thiên Chúa con thờ, Chúa muôn trùng cao cả », cụm chữ THIÊN CHÚA CON THỜ, có ý sở hữu là cách nhắc lại Giao Ước : « 22 Các ngươi sẽ là dân Ta chọn, và Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi » ( Gr 30,22) . Lời hứa ấy là ân huệ do Thánh Linh « Ta sẽ đổ Thần Khí Ta trên hết thảy người phàm » như tiên tri Giô-en đã phán.

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut                       
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân              

Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng                


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com