Lời Chúa CN

Lectio Divina - Chúa nhật XIII Thường Niên năm B - Mc 5, 21-43

 

"TALITHA KUM !

“THẦY TRUYỀN CHO CON: HÃY TRỖI DẬY ĐI!

Tin Mừng theo thánh Maccô 5,41

 

 

Hát 1 thánh ca ngợi khen.

Chúng ta hãy cầu nguyện để bắt đầu.

 

Nhân Danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Amen

Lạy Chúa là Cha nhân ái không lường, xin dùng sức mạnh của Con Một Chúa củng cố tâm hồn chúng con. Xin cho ngọn lửa vẫn thiêu đốt Thánh Tâm Người cũng thiêu đốt tâm hồn chúng con. Nhờ đó, chúng con sẽ nên giống Người hơn nữa, và đáng hưởng hạnh phúc Người đã đem lại cho chúng con. Người là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen

(Lời nguyện Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu)

 

1. - LẮNG NGHE LỜI CHÚA

Tin Mừng theo thánh Maccô, chương 5, 21-43.

  • Một người công bố Lời Chúa. Mọi người đứng lắng
  • Sau đó, mỗi người, ngồi, tự mình đọc lại Lời Chúa, to-rõ-chậm, đủ nghe, một hay hai lần, nếu cần.

 

2 - SUY NIỆM

Sau khi đọc, dành vài phút thinh lặng, nhớ lại Lời Chúa và suy nghĩ về 1 hay 3 câu hỏi gợi ý sau đây:

  • Lời Chúa hôm nay nói gì với TRÍ tôi về Chúa Giêsu ? Tôi hiểu biết Chúa tôi rõ hơn ở chỗ nào ?
  • Lời Chúa hôm nay đánh động TÂM tôi ở chỗ nào?

Lòng tôi được thúc đẩy yêu mến Chúa Giêsu hơn ở điểm nào?

  • Lời Chúa hôm nay thúc đẩy THÂN tôi làm gì để đi theo Chúa ?

(Nếu đã quen làm Lectio Divina trong Nhóm hay ở gia đình, sau khi suy niệm, có thể mời vài người chia sẻ vắn tắt câu trả lời của mình ).

 

3 - CHIÊM NGHIỆM

Đọc lại Lời Chúa một lần nữa, sau đó suy nghĩ : Lời Chúa tôi nghe được hôm nay nối kết với kinh nghiệm cuộc sống hàng ngày của tôi ở chỗ nào?

1).  2 hoàn cảnh tuyệt vọng chạy đến với Chúa Giêsu.

  • Một người cha cầu cứu cho đứa con gái gần chết.. rồi đã chết. Là trưởng hội đường, nhưng ông đã sụp xuống dưới chân Chúa Giêsu khẩn khoản nài xin cho con mình được sống.
  • Một bà bị băng huyết đã 12 năm, không thầy thuốc nào chữa được mà còn nặng thêm. Bà lách mình qua đám đông tìm cách chạm vào áo choàng của Chúa, vì tin bà sẽ được cứu chữa.

Bệnh tật và chết chóc là thân phận của con người không ai tránh khỏi, mặc dù ai ai cũng muốn sống. Hai người trên đây đặt trọn niềm tin vào Chúa Giêsu mặc dù có nhiều cản trở (người khác, luật lệ).

Là người, tôi có thể mang bệnh tật và chắc chắn sẽ chết. Tôi có thái độ nào trước bệnh tật và cái chết, của người khác và của chính mình?

Tôi học được gì nơi hai người trên đây ?

..................................................................................................

.................................................................................................

 

2).  Chúa Giêsu bày tỏ lòng thương xót và quyền năng.

Chiêm ngắm Chúa Giêsu trong hai phép lạ ở đây, tôi nghiệm thấy gì?

  • Ngài liền ra đi với ông trưởng hội đường. Chúa trấn an ông khi người nhà báo tin con gái ông đã chết. "Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi". Chúa chỉ cho cha mẹ cô bé và 3 môn đệ thân tín chứng kiến phép lạ. Ngài cầm tay nó và nói:" Talitha kum" và bảo cho cô bé ăn.
  • Khi phụ nữ bị băng huyết chạm đến áo choàng của Ngài và được chữa lành, Chúa đã muốn nhìn thấy bà để trấn an đang khi bà sợ phát run. Ngài nói: "Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh."

Chúa chúng ta gần gũi con người. Ngài muốn trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với mỗi người, không loại trừ ai. Trái tim giàu lòng thương xót của Chúa luôn trân trọng, cảm thông và nâng đỡ và sẵn sàng cứu giúp người có lòng tin. Hôm nay, tôi nhớ lại mình đã cảm nghiệm được Chúa Giêsu gần gũi và yêu thương mình như thế nào.

..................................................................................................

 

3). "Talitha kum! Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi!" (câu 41)

Con Thiên Chúa hạ mình xuống, mang thân phận con người, chết đi và trỗi dậy để con người cũng được trỗi dậy, được tự do. "Để họ được sống và sống dồi dào" (Gioan 10,10b). Tin theo Chúa Phục sinh, được Ngài cứu và ở trong mình, tôi đã thật sự "trỗi dậy", là người tự do hay còn "còng lưng", bị tê liệt không thể đứng thẳng hướng về trời? Tại sao?

..................................................................................................

..................................................................................................

 

4 - CẦU NGUYỆN

Tôi đọc lại Lời Chúa một lần nữa. Rồi dâng lời ngợi khen, cảm tạ, xin tha thứ, cầu cho mình hay chuyển cầu cho người khác, tùy theo sự thúc đẩy của Lời Chúa.

* Khi chia sẻ chung, hãy để giờ cho anh chị em dâng lời nguyện.

 

Lời nguyện kết

Lạy Chúa là Cha giàu lòng thương xót,

Chúa đã ban cho chúng con đức tin, lời giảng, sự hiểu biết, lòng nhiệt thành, và lòng bác ái... thì cũng xin ban cho chúng con lòng quảng đại đối với anh chị em mình.

Quả thật, chúng con biết Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, đã có lòng quảng đại như thế nào:

Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì chúng con, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho chúng con trở nên giàu có. Xin cho chúng con hăng hái dâng cái mình có, để cho người khác bớt nghèo khổ, vì Chúa muốn phải có sự đồng đều.          

Tạ ơn Chúa!                   

- xem Bài đọc 2 (2 Côrintô 8, 7...13)

 

5 - HÀNH ĐỘNG TRONG TUẦN

  • Tôi chọn 1 câu Tin Mừng để đọc đi đọc lại và suy ngẫm.

..................................................................................................

  • Chúa Giêsu nói với ông trưởng hội đường : "Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi" (câu 36). Trong hoàn cảnh hiện nay, tôi suy niệm lời này và cầu nguyện với Chúa vẫn đang hiện diện với chúng ta.

..................................................................................................

 

CẦU NGUYỆN VỚI ĐỨC THÁNH CHA

Trong Giáo Hội, có những phụ nữ can trường giống như Mẹ Maria. Những người nữ này đã làm cho gia đình mình triển trở, đã giáo dục con cái thật tốt, đã sẵn sàng đương đầu với bao khó khăn, thử thách; đã chăm sóc biết bao bệnh nhân… Họ can đảm đứng dậy và phục vụ. ….

Phục vụ trong vui tươi chính là thái độ hay cung cách sống mà tôi muốn nhấn mạnh với anh chị em ngày hôm nay. Có niềm vui và cũng có phục vụ. Luôn luôn phục vụ.

Mẹ Maria và người chị họ gặp gỡ nhau và đã gặp nhau trong niềm vui. Thời khắc đó chính là thời khắc vui mừng của ngày lễ hội. Nếu chúng ta biết học lấy điều này: phục vụ và đến gặp gỡ tha nhân; thế giới của chúng ta sẽ được biến đổi.

Sự gặp gỡ chính là một dấu chỉ khác của người Kitô hữu. Ai nói mình là Kitô hữu nhưng lại không có khả năng ra đi gặp gỡ tha nhân thì hoàn toàn không phải là Kitô hữu.

Cả việc phục vụ lẫn sự gặp gỡ đều đòi hỏi người ta phải đi ra khỏi chính mình: đi ra để phục vụ và đi ra để gặp gỡ, để ôm chầm lấy tha nhân.

Ngang qua sự phục vụ của Mẹ Maria và cuộc gặp gỡ giữa Mẹ với người chị họ, Thiên Chúa đã làm mới lại lời đoan hứa của mình. Lời đoan hứa ấy đang xảy ra, và xảy ra ngay trong những giây phút hiện tại này.

Như chúng ta đã nghe ‘Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đang ngự giữa ngươi’.

Đức Chúa đang ngự giữa chúng ta trong sự phục vụ và trong những cuộc gặp gỡ.

(trích bài giảng 31.5.2016)

 

website : giadinhctc.com


Ý kiến bạn đọc  

0 # Ngọc Đoàn Đặng 23:00 27-06-2021
Trước sự nao núng của viên đại đội trưởng về việc người ta báo là con ông đã chết còn phiền Thầy chi nữa, nhưng Chúa Giê-su liền trấn an và củng cố đức tin cho ông liền. Lạy Chúa có những lúc con cũng vậy hay giao động trước dư luận nhưng cũng đã nhiều lần Chúa ở bên và củng cố đức tin cho con. Rồi nhiều khi con cũng giống như bà bị băng huyết được Chúa chữa lành nhưng nhát đảm không giám làm chứng cho tình Chúa thương con. Nhưng Chúa vẫn ở kề bên chờ đợi mà kích lệ con làm chứng cho chân lý và sự thật mà Chúa đã thực hiện. Con cảm tạ Chúa.
Trả lời | Trả lời với trích dẫn | Trích dẫn

Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com