Lời Chúa CN

TÌM HIỂU CỰU ƯỚC CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN NĂM B - 19/9/2021

BÀI ĐỌC 1 ( Kn2, 12.17-20)

 

"Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã".

 

Trích sách Khôn Ngoan 

 

Còn quân vô đạo,…chúng bảo nhau :

12 Ta hãy gài bẫy hại tên công chính,
vì nó chỉ làm vướng chân ta,
nó chống lại các việc ta làm,
trách ta vi phạm lề luật,
và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo.

17 Ta hãy coi những lời nó nói có thật không,
và nghiệm xem kết cục đời nó sẽ thế nào.

18 Nếu tên công chính là con Thiên Chúa,
hẳn Người sẽ phù hộ và cứu nó khỏi tay địch thù.

19 Ta hãy hạ nhục và tra tấn nó,
để biết nó hiền hoà làm sao,
và thử xem nó nhẫn nhục đến mức nào.

20 Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã,
vì cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm."
Sai lầm của phường vô đạo

Muốn hiểu bài thật khó hôm nay phải đặt vào bối cảnh. Sách Khôn Ngoan rất đặc biệt trên mọi phương diện. Trước tiên Sách được viết sau cùng trong tất cả sách Cựu Ước, chỉ 30 hay 50 năm trước Chúa giáng sinh ; thứ hai là Sách này được viết bên Ai-cập chứ không ở Ít-ra-en như hầu hết các sách trong Thánh Kinh. Sau cùng, Sách được viết bằng tiếng Hy-lạp chứ không bằng tiếng Do Thái hay tiếng A-ram.

Từ những vùng đất chiếm được của A-lê-xan-đê Đại-đế khoảng năm 330 trước CN, cả một nhóm kiều dân Do Thái đến lập nghiệp trên đất Ai Cập, tại thành A-lê-san-đơ-ri trên đồng bằng sông Nin. Họ được hưởng hoàn toàn quyền tự do tôn giáo : Họ có những nơi phụng tự được thừa nhận trong các làng mạc của họ ( hay trong xóm nếu họ ở thành thị)  được hoàn toàn tự do giữ đạo và truyền lại đức tin cho con cháu. Vì lẽ khắp vùng ấy mọi người dùng tiếng Hy-lạp, họ cũng dùng tiếng Hy-lạp ngay từ thế hệ hai. Vì lý do đó, để mọi người hiểu Lời Chúa, Thánh Kinh được dịch ra tiếng Hy-lạp, lập ra Thánh Kinh bản Bảy Mươi.( từ số 70 Giáo Sĩ Do Thái đảm nhiệm chuyển ngữ) .

Một số người Do Thái thành A-lê-san-đơ-ri còn trung thành giữ đức tin của tổ tiên. Nhưng điều này không dễ như chúng ta tưởng : dân thành này thuộc về hai văn hoá, trước hết là Do Thái, nhưng cũng là Hy-lạp nữa vì họ được dìm trong môi trường Hy-lạp. Thế nhưng hai tôn giáo, Do Thái và Hy-lạp hoàn toàn không tương hợp. Đối với một người Do Thái sống trong môi trường Hy-lạp, việc hoà đồng, để nói như danh từ ngày nay ta thường dùng, có nghĩa là phải từ bỏ tất cả các cách sùng đạo của họ. Phải chọn lựa : hoặc quyết định trung thành với mọi phương diện của đạo Do Thái - với nguy cơ tự tách biệt khỏi môi trường - hoặc hoà đồng với xứ sở mới này - với nguy cơ xa dần cộng đồng Do Thái và từ bỏ dần các phụng vụ Do Thái. Dĩ nhiên ngay trong cộng đồng Do Thái, hai tình trạng đều hiện hữu và nảy sinh những sung đột nhiều khi rất gay gắt. Những sung đột ấy làm cho sự trung thành tôn giáo khó hơn, vì ai cũng biết các cuộc tranh luận về tôn giáo rất khủng khiếp ! Những người còn giữ lòng tin, đối với những người bỏ đạo họ là hiện thân của thái độ phê phán, trách móc, vì lẽ đó bị bách hại. Họ bị bách hại không từ người Hy-lạp vì dân này rất phóng khoán về phương diện tôn giáo, nhưng từ những anh em họ, chính vì lương tâm không yên ổn tìm cách trả thù.Thật cổ điển, thường không ai ưa bị người khác dạy đời ! Khi mình có lỗi mình không ưa ai lưu ý. Đối với kẻ cướp, trước mặt họ người lương thiện là hiện thân của sự khiển trách; đối với người bạo lực, một người bình an, thái độ hiền hoà trở nên không chịu nổi đối với họ. Chỉ có hai giải pháp : hoặc thay đổi cách cư xử của mình hoặc làm câm mồm kẻ che rợp bóng mình.

Bài chúng ta đọc chúa nhật hôm nay phản ánh trung thực bối cảnh ấy. Không biết ai đã viết vì Sách Khôn Ngoan không có tác giả, nhưng rõ ràng từ một tín hữu chứng kiến sự xói mòn dần cộng đồng Do Thái và khuyến khích anh em mình giữ lòng tín trung. Bài nói bắt phải chọn lựa. Thật vậy sự trung thành rất khó, trước hết đạo Do Thái rất khắc khe và cũng vì lẽ phải đối đầu với những người không làm như mình và xem mình như người dạy đời : « 12 Ta hãy gài bẫy hại tên công chính, vì nó chỉ làm vướng chân ta, nó chống lại các việc ta làm, trách ta vi phạm lề luật, và tố cáo ta không tuân hành lễ giá »

Người tín hữu trung thành lảm gì trước sự bách hại đến từ những người thân của mình ?  Họ cố gắng chịu đựng dựa vào đức tin và tự nhủ : « Lạy Chúa xin đừng bỏ con ». Và tác giả lại thêm có những điều còn tệ hại hơn : lòng trung tín nơi Thiên Chúa khi bạn nói : « Ngài là Cha tôi, không bao giờ Ngài bỏ tôi », chính cũng vì lòng tín trung ấy mà kẻ khác trách bạn tự cao, tự phụ. Đấy chính là ý nghĩa của đoạn sau của bài đọc. Những kẻ bách hại nói :      

 « 17 Ta hãy coi những lời nó nói có thật không, và nghiệm xem kết cục đời nó sẽ thế nào.

18 Nếu tên công chính là con Thiên Chúa, hẳn Người sẽ phù hộ và cứu nó khỏi tay địch thù.

19 Ta hãy hạ nhục và tra tấn nó, để biết nó hiền hoà làm sao, và thử xem nó nhẫn nhục đến mức nào.

20 Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã, vì cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm."

Tất nhiên điều này làm cho chúng ta nghĩ ngay đến trường hợp Chúa Giê-su-Ki-tô. Thái độ của Chúa gây khó chịu…hận thù càng ngày càng gây gắt nơi những kẻ cho rằng Chúa dạy đời, người quấy rầy…những lý do chính đáng để trừ khử Ngài. « thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt. » sau này Cai-pha nói thế trong ( Ga11,50). Thế nhưng sách Khôn Ngoan không nói cho Chúa Giê-su Ki-tô, mà nói cho những người đương thời, hầu cổ vũ cho họ giữ lòng tín trung, bằng bất cứ giá nào. Đứng đầu những người ấy có vài mẫu gương nổi tiếng, bắt đầu bằng những ngôn sứ. Tất cả đều là nạn nhân của sự tự do ăn nói của mình.

Gương của Giê-rê-mi-a mới thật nổi tiếng. Trong bài được gọi là « lời tâm sự » ông kể ra những điều phải gánh chịu. Ví dụ như :   « 10 Con vô phúc quá, mẹ ơi, mẹ sinh con ra làm gì, để cho người ta chống đối, cho cả nước gây gổ với con? Con chẳng cho ai vay, cũng không mượn của người, thế mà vẫn cứ bị nguyền rủa. »( 15,10) ; Hay là : « 7 Lạy ĐỨC CHÚA, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng. Suốt ngày con đã nên trò cười cho thiên hạ, để họ nhạo báng con. 8 Mỗi lần nói năng là con phải la lớn, phải kêu lên: "Bạo tàn! Phá huỷ! "Vì lời ĐỨC CHÚA mà con đây bị sỉ nhục và chế giễu suốt ngày. » ( 20,7-8) . Có một lần ông còn nghe lời hăm dọa « Cây đương sức, nào ta chặt nó đi, loại nó ra khỏi đất dành cho kẻ sống, để không còn ai nhớ đến tên tuổi nó nữa! » (11,19) Nhưng ông không hiểu những lời ấy dành cho ông. Giê-rê-mi-a kể tiếp : « 18 ĐỨC CHÚA đã báo cho tôi và tôi đã biết. Bấy giờ Người cho tôi thấy âm mưu của chúng.19 Phần con, con khác nào con chiên hiền lành bị đem đi làm thịt, con đâu biết chúng đang mưu tính hại con » ( 11, 18-19).

Tác giả sách Khôn Ngoan có lẽ muốn nói tới cái kinh nghiệm khủng khiếp của Giê-rê-mi-a nhưng đọc giả biết rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi một ngôn sứ nào của Ngài và cũng không bao giờ bỏ rơi những ai giữ đến cùng đức tin của mình. Trong các câu sau Ngài nhấn mạnh rằng : «  21 Chúng suy tính như vậy thật sai lầm, vì ác độc mà chúng ra mù quáng. 22 Chúng không biết những bí nhiệm của Thiên Chúa, chẳng trông chờ người thánh thiện sẽ được thưởng công, cũng không tin kẻ tinh tuyền sẽ được ân thưởng » ( Kn2, 21-22). Ngài còn thêm : « 1Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa và chẳng cực hình nào động tới được nữa » ( 3,1) Lòng xác quyết mãnh liệt đến quả quyết rằng cho dù kẻ thù giết được bạn, thì sau cái chết Chúa cũng không bỏ bạn ( chương 3). Đó là cách nói : Hãy đứng vững ! Hạnh phúc thật là ở đấy. Sự khôn ngoan thật là trong lòng tín trung.

***

 

THÁNH VỊNH ( Tv53, 3-8)

 

Chúa đang nâng đỡ tâm hồn con 

 

3 Lạy Thiên Chúa, xin dùng uy danh mà cứu độ,
lấy quyền năng Ngài mà xử cho con.

4 Lạy Thiên Chúa, xin nghe con nguyện cầu,
lắng tai nghe lời con thưa gửi.

5 Phường kiêu ngạo nổi lên chống đối,
bọn hung tàn tìm hại mạng sống con,
chúng không kể gì đến Thiên Chúa.

6 Nhưng này có Thiên Chúa phù trì,
thân con đây, Chúa hằng nâng đỡ.

7 Ước chi điều ác quật lại kẻ rình hại con,
vì Ngài thành tín, xin tiêu diệt chúng.

8 Con tự nguyện dâng Ngài lễ tế,
lạy CHÚA, con xưng tụng danh Ngài,
thật danh Ngài thiện hảo,

Trong Thánh Kinh, trước bài Thánh vịnh này có hai lời ghi chú : lời thứ nhất chỉ rõ phải hát như thế nào, đệm bằng các khí cụ có giây, và lời thứ hai, rất thú vị, vì ám chỉ một giai đoạn đặc biệt của lịch sử Ít-ra-en : « Khi dân chúng thành Díp đến thưa với vua Sa-un : « Có phải Đa-vít đang lẫn trống giữa chúng tôi chăng ? ». Đa-vít đang gặp khó khăn lớn : Trước kia vua Sa-un xem Đa-vit như con mình, còn xem ông như chàng rể của mình, nhưng dần dần đâm ra ghen tuông với Đa-vít một cách  cuồng nhiệt : người trai trẻ này thành công trong khắp lãnh vực, có thể sau này trở thành một đối thủ, nếu không dè chừng. Mọi việc càng ngày càng xấu hơn làm cho Đa-vít phải trốn khỏi triều đình vua Sa-un. Thế nhưng mỗi lần Đa-vít lẫn trốn ở đâu, thế nào cũng có người tố cáo. Trong giai đoạn hôm nay, Đa-vít đang trốn trong vùng Giu-đa gần làng Díp và dân làng này đi tố cáo với vua Sa-un. Đa-vit không hi vọng nào có thể thoát nếu Chúa không can thiệp.

Chúng ta có thể tưởng tượng lời cầu nguyện của chàng trai trong nguy khốn, có thể là bài thánh vịnh này, tức là gồm có hai lời kêu mãnh liệt: lời thứ nhất là lời kêu cấp cứu ( có thể xin cho kẻ địch chết) ; lời  thứ hai là lời ca vinh thắng vì Chúa không thể nào không đến giải cứu tín hữu của Ngài.

Thật sự, khi một bài thánh vịnh cho một lời chỉ dẫn như thế, thì không nhất thiết bài này được thốt ra từ Đa-vit hay do ngài viết ra, nhưng chính toàn dân Ít-ra-en đã sống trong tình huống tương tự như vua Đa-vít. Trong suốt lịch sử có những lúc gần như họ hoàn toàn bị diệt chủng. Trong cuộc lưu đày Ít-ra-en chẳng hạn, mọi sự dường như chuẩn bị cho giống dân nhỏ bé này bị xoá hẳn trên bản đồ thế giới. Nhìn một cách thế gian, điều này không còn nghi ngờ gì. Khi ấy họ kêu lên hai lời này : Đầu tiên là kêu cầu cứu : « 3 Lạy Thiên Chúa, xin dùng uy danh mà cứu độ, lấy quyền năng Ngài mà xử cho con ». Khi nói « xin dùng uy danh » là gợi lên Giao Ước với Thiên Chúa, vì chính lúc lập Giao Ước trong sa mạc Si-na-i Chúa đã mạc khải TÊN Ngài cho dân Chúa chọn. Đây là luận chứng mạnh nhất trong lời thỉnh cầu : lòng trung thành của Thiên Chúa với sự chọn lựa của Ngài, lời hứa của Ngài. Chính Thiên Chúa đã chọn dân tộc này, đã gởi ông Mô-sê đứng đầu để giải thoát họ và sau đó lập Giao Ước với Thiên Chúa: tự ý Thiên Chúa, ngoài Ngài không ai nghĩ đến.

Đa-vít cũng thế, chàng không xin gì. Chính Chúa gửi tiên tri Na-tan chọn Đa-vít giữa các con của Gie-sê và gởi đến vương triều Sa-un để chuẩn bị sau này lên ngôi vua. Đa-vít, tự ý mình không bao giờ có những ý nghĩ ấy. Vì lẽ ấy mới có lời đánh bạo gợi lại Thiên Chúa. Cũng vì thế  mới cầu khấn quyền năng của Ngài : « , xin dùng uy danh mà cứu độ, lấy quyền năng Ngài mà xử cho con ». Đây cũng là cách nói, Ngài là Vua các vua, đã chọn con làm vua kia mà !.

Yếu tố thứ hai của lời cầu nguyện, đây đã là một bài ca tạ ơn, trong các lời cầu nguyện dân Do Thái, lúc nào họ cũng chắc chắn được nhậm lời. Khi Chúa Giê-su nói với Chúa Cha : « Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con »  ( Ga11), Ngài chính là Đấng kế nghiệp của đức tin dân tộc Ngài. Tác giả viết bài thánh vịnh - dù là cho Đa-vít hay cả toàn dân - đã nghĩ đến ngày lễ tạ ơn  « 8 Con tự nguyện dâng Ngài lễ tế ». Bản gốc của chữ « tự nguyện »trong Thánh Kinh chúng ta có nghĩa là « một cách tuyệt vời, vương giả », được dùng trong thể tương lai chắc chắn  ( theo ngữ pháp Pháp văn ) chứ không phải thể tương lai có điều kiện, vì sự kiện sẽ chắc chắn xảy ra.

Nhưng trong lời khẩn nguyện của tín hữu phải công nhận có vài nét mang ý trả thù, những lời hận thù. Khi người dâng những lời nguyện này chắc chắn là sẽ được Chúa nhậm lời, thì người ấy cũng xin Chúa loại những kẻ  khác :

« 4 Lạy Thiên Chúa, xin nghe con nguyện cầu, lắng tai nghe lời con thưa gửi.

5 Phường kiêu ngạo nổi lên chống đối, bọn hung tàn tìm hại mạng sống con, chúng không kể gì đến Thiên Chúa.

6 Nhưng này có Thiên Chúa phù trì, thân con đây, Chúa hằng nâng đỡ.

7 Ước chi điều ác quật lại kẻ rình hại con, vì Ngài thành tín, xin tiêu diệt chúng »

Chúng ta thường gặp những lời tương tự trong các thánh vịnh. Với các ngôn sứ cũng thế, cũng như trong Giê-rê-mi-a ! Ngài cũng có những lời nguyện như thế. Trong sách Khôn Ngoan, chúng ta cũng gặp vài đoạn nói về những lời Tự Thú trong ấy ngài than phiền bị sỉ nhục, hăm dọa, bách hại, nhưng thỉnh thoảng, dù ngài là một ngôn sứ quan trọng, trong lời nguyện cũng có vài nét có tính chất trả thù : « 20 Nhưng, lạy ĐỨC CHÚA các đạo binh, Ngài công minh khi xét xử, Ngài thấu suốt tâm can từng gang tấc, con thấy Ngài trị tội chúng thật là đích đáng, vì con đã giãi bày cơ sự cùng Ngài » ( Gr11,20)… 18 Xin cho những kẻ bách hại con phải thẹn thùng xấu hổ, chứ không phải là con. Xin cho chúng phải thất kinh khiếp đảm, chứ không phải là con. Xin cho ngày tai hoạ mau đến với chúng. Xin đập chúng, đập tan nát tả tơi » ( Gr 17,18).

Loại từ ngữ bạo lực ấy làm cho chúng ta khó chịu đến nỗi chúng ta có khuynh hướng kiểm duyệt. Thế nhưng chúng ta cũng ngại không hiểu điều gì cho phép chúng ta kiểm duyệt Sách Thánh…Vì thế chúng ta nên rút ra một bài học : không chỉ có những tình cảm nhân đức trong các thánh vịnh, tức là trong những lời cầu nguyện đề nghị cho chúng ta, không cần phải « cải trang » các tình cảm của chúng ta trước mặt Chúa. Hãy tỏ cho Ngài con người thật của chúng ta, chính Ngài sẽ cảm hoá nó.

Đó cũng là cho chúng ta biết lúc nào Chúa cũng ở bên cạnh chúng ta, để đấu tranh chống lại những gì huỷ hoại con người, và Sự Dữ là kẻ thù.   « 7 Ước chi điều ác quật lại kẻ rình hại con », đây đúng là lời nguyện của Đa-vít đang bị Sa-un lùng bắt : nhiều lần Đa-vít bị cám dỗ trả thù nhưng sau cùng từ chối không làm. Nhưng có lẽ ngài để Chúa giải quyết với những kẻ thù của mình, đặc biệt với Sa-un, đã nhiều lần ngài có sức mạnh kềm chế không trả oán.

Một lời nguyện như « 7 Ước chi điều ác quật lại kẻ rình hại con »cũng đã phản ánh một tiến bộ của lương tâm luân lý của dân Chúa : không chính mình trả thù mà xin Chúa xử lý. Chính Ngài là Đấng Công Minh, Ngài sẽ « xét xử ».Đây cũng là một bước tiến quan trọng của phương pháp sư phạm của Thánh Kinh.

Còn phải học thêm sự trả thù trong oán hận không phải phương pháp tốt để tái lập vinh dự và sự tha thứ mới làm cho chúng ta lớn lên hơn. Chúa Giê-su và môn đệ Ngài, Tê-pha-nô đã tha thứ cho các đao phủ của mình và cầu nguyện cho họ : « Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm. » ( Lc 23,34)  Đó là lời nguyện của đấng là Tình Yêu hoàn hảo, chưa phải là của chúng ta một cách tự phát.

Vì thế, khi chúng ta gặp những câu loại ấy trong các thánh vịnh, chúng ta được mời gọi là một linh hồn anh em với những kẻ ấy : Lúc nào trên mặt đất này cũng có những người nam người nữ không có một nguồn lực nào khác ngoài hận thù và khác khao trả oán để phục hồi nhân phẩm của họ. Có lẽ từ đó chúng ta có thể  múc lấy can đảm để đến cứu họ. Và không gì cản chúng ta, nhân danh họ thêm lời nguyện của Chúa Giê-su trên thập giá : « Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm. »

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut                       
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân              

Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng                

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com