Lời Chúa CN

TÌM HIỂU CỰU ƯỚC CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN NĂM B - 26/9/2021

BÀI ĐỌC 1 ( Ds11, 25-29)

 

"Ngươi phân bì giùm ta làm chi ? Ước gì toàn dân được nói tiên tri "

 

Trích sách Dân số

 

25 ĐỨC CHÚA ngự xuống giữa đám mây và nói chuyện với ông Mô-sê. Người lấy một phần Thần Khí đang đậu trên ông mà đặt trên bảy mươi kỳ mục. Khi Thần Khí đậu xuống trên các ông thì các ông bắt đầu phát ngôn, nhưng việc đó không tái diễn nữa.

26 Bấy giờ có hai người ở lại trong trại, một người tên là En-đát, một người tên là Mê-đát. Các ông đã được ghi trong danh sách kỳ mục, nhưng đã không đến Lều. Thần Khí đậu xuống trên các ông và các ông bắt đầu phát ngôn trong trại.

27 Một người thanh niên chạy đi báo tin cho ông Mô-sê rằng: "Ông En-đát và ông Mê-đát đang phát ngôn trong trại! "

28 Ông Giô-suê con ông Nun, từng theo hầu ông Mô-sê từ hồi còn nhỏ, lên tiếng nói với ông Mô-sê: "Thưa thầy, xin thầy ngăn cản họ! "

29 Nhưng ông Mô-sê trả lời: "Anh ghen giùm tôi à? Phải chi ĐỨC CHÚA ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ! " Vì ĐỨC CHÚA đã ban Thần Khí của Người trên họ.

 

Chúng ta đang ở chương 11 trong sách Dân Số. Mười chương trước miêu tả tổ chức cuộc sống trong sa mạc Si-na-i. Chương 11 thuật lại hai điều : trước tiên là một cuộc khủng hoảng làm chấn động dân chúng sau đó là một điều làm nản lòng ông Mô-sê, suýt làm ông bị quá sức. Rắc rối đến từ cuộc sống khó khăn trong sa mạc : không ai chết đói nhờ man-na rơi xuống mỗi buổi sáng. Và chính vì thế mà mọi người quên đó là món quà từ trời mà dần dần theo thời gian họ thấy nhàm chán : «5 Nhớ thuở nào ta ăn cá bên Ai-cập mà không phải trả tiền, rồi nào dưa gang, dưa bở, nào hẹ, nào hành, nào tỏi.6 Còn bây giờ đời ta tàn rồi; mọi thứ đó hết sạch, chỉ còn thấy man-na thôi. »  ( Ds11,5-6) Nghe dân chúng làm ra vẻ kén ăn, ông Mô-sê muốn buông xuôi tất cả. Làm sao đem đoàn dân bướng bỉnh này trên con đường đầy chông gai đến Đất Hứa được? Có vẻ chỉ còn mình còn lòng tin.  « Sao Ngài lại làm khổ tôi tớ Ngài? Tại sao con lại không đẹp lòng Ngài, khiến Ngài đặt gánh nặng tất cả dân này lên con?12 Có phải con đã cưu mang tất cả dân này không? Có phải con đã sinh ra nó không mà Ngài lại bảo con: "Hãy bồng nó vào lòng, như vú nuôi bồng trẻ thơ, mà đem vào miền đất Ta đã thề hứa với cha ông chúng?13 Con lấy đâu ra thịt cho cả dân này ăn, khi chúng khóc lóc đòi con: "Cho chúng tôi thịt để chúng tôi ăn?14 Một mình con không thể gánh cả dân này được nữa, vì nó nặng quá sức con.15 Nếu Ngài xử với con như vậy, thì thà giết con đi còn hơn - ấy là nếu con đẹp lòng Ngài! Đừng để con thấy mình phải khổ nữa ! » ( Ds11,11-15) .

Câu trả lời của Chúa gồm hai vế. Trước tiên Ngài nói nếu nhiệm vụ của Mô-sê quá nặng, không nên ở một mình, Chúa đề nghị cho ông những cộng tác viên ( đây là bài hôm nay của chúng ta). Điều thứ hai là Chúa hứa ban thịt cho dân chúng. Nhưng Mô-sê quá thất vọng đến nỗi nghi ngờ Chúa có thể nuôi mọi người ! Vì thế Chúa trả lời ông : « ĐỨC CHÚA mà chịu bó tay sao? Bây giờ ngươi sẽ thấy lời Ta phán có đúng hay không. »  ( 11,23). Đoạn chúng ta đọc hôm nay là lúc Chúa cho Mô-sê những cộng tác viên. Điều này xảy ra trong hai giai đoạn : ban đầu Mô-sê phải chọn lựa họ, sau đó Chúa sẽ ban Thần Linh Ngài trước khi gởi đi thi hành sứ vụ.  Chúa nói, hãy «… tập họp bảy mươi người trong số kỳ mục của dân và đặt họ đứng chung quanh Lều » « Người lấy một phần Thần Khí đang đậu trên ông mà đặt trên bảy mươi kỳ mục » ( 11,25). Những người này được gọi là những « bô lão »trong dân chúng là những người đứng đầu các gia đình và cao tuổi nhất. Mô-sê liền lập một danh sách gồm bảy mươi vị cao niên và tập họp họ lại dưới Lều chứa Hòm Bia Thiên Chúa. Kể từ nay ông được hỗ trợ bởi một loại thượng nghị viện.

Trên bảy mươi người được ông Mô-sê chọn chỉ có sáu mươi tám người trả lời, ra khỏi trại để đến Lều Tập Họp. Hai người, tên Ê-đát và Mơ-đát ở lại trong tại. Trong bài không nói vì hai ông không bằng lòng hay sự bất tuân đó phát xuất từ một thái độ không rõ ràng với ông Mô-sê. Và Chúa vẫn làm như Ngài nói : « Người lấy một phần Thần Khí đang đậu trên ông mà đặt trên bảy mươi kỳ mục » ( 11,25).Dĩ nhiên cách nói như thế làm cho chúng ta ngạc nhiên. Chính thật ra đấy chỉ là một cách nói tượng hình, có nghĩa là kể từ đây các  Bô Lão được giao cùng sứ vụ với Mô-sê và được Chúa Thánh Thần đồng hành với họ. Cũng đừng quên rằng chính Mô-sê tuyển chọn họ. Chúa tôn trọng sự chọn lựa của ông, Ngài tôn trọng đến mức cũng ban Thánh Linh để được làm cùng sứ vụ cho hai người bướng bỉnh ở lại trong trại không đến tập họp.

Mọi người không tán thành thái độ mới của En-đát và Mơ-đát. Có ai đó liền báo cho Mô-sê : «  Ông En-đát và ông Mê-đát đang phát ngôn trong trại! »( 11,27). Liền đó có hai phản ứng hoàn toàn đối lập. Một bên Giô-suê người hầu trung tín của Mô-sê muốn bảo vệ đặc quyền của chủ mình. Ông cho rằng không bình thường những ai bất tuân lệnh và tỏ ra quá độc lập, tự làm như đã nhận ơn Chúa Thánh Thần. Ông la lên « Thưa thầy, xin thầy ngăn cản họ! » Giô-suê có một phản ứng quá lo lắng : chúng ta cũng thường không kềm chế được mọi sự !

Một bên là Mô-sê, trái lại, luôn trung thành với sự chọn lựa của mình : một khi đã chọn lựa bảy mươi nhân vật để trợ giúp, ông hẳn biết mình sẽ không làm chủ được mọi sự. Trái lại, Mô- sê lấy làm thích thú vì Thánh Thần Chúa đã đồng hành với tất cả. Câu trả lời của ông thật tuyệt vời : « Anh ghen giùm tôi à? Phải chi ĐỨC CHÚA ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ! ». Vài câu sau đoạn này, Sách Dân Số chép : « 3 Ông Mô-sê là người hiền lành nhất đời » ( Ds12,3)Ở đây chúng ta có bằng chứng cụ thể, vì ông thật tình vui vì thấy không chỉ một mình mang trên vai cả dân tộc và không có độc quyền ơn Thánh Linh.

Sau này khi đọc lại câu trả lời của ông Mô-sê, mới thấy đây là một lời tiên tri thật sự : ao ước toàn dân trở thành ngôn sứ, tức là ý muốn sau cùng trong kế hoạch của Thiên Chúa, trong một thời đại không ai nghĩ đến sự dân chủ. Vậy mà ông Mô-sê đã ao ước như thế. Dân tộc này cư xử như một bầy trẻ con không bao giờ hài lòng, Mô-sê mong họ được ơn khôn ngoan và biết phân định để kiên quyết nắm vận mạng mình trên con đường giải phóng đầy hiểm nguy.

Ước mơ của Mô-sê được Giô-en lặp lại với hình thức một lời tiên tri : « "Sau đó, Ta sẽ đổ thần khí Ta trên hết thảy người phàm. Con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ, người già được báo mộng, thanh niên thấy thị kiến »( Ge 3,1)

***

 

THÁNH VỊNH (Tv18, 8.10.12-14)

(cũng xem suy niệm Chúa Nhật thứ III Mùa chay năm B)

 

"Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can " 

 

8 Luật pháp CHÚA quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn.
Thánh ý CHÚA thật là vững chắc, cho người dại nên khôn.

10 Lòng kính sợ CHÚA luôn trong trắng, tồn tại đến muôn đời.
Quyết định CHÚA phù hợp chân lý, hết thảy đều công minh,

12 Nên tôi tớ Ngài đây xin ra công học hỏi;
ai giữ những điều này sẽ được nhiều lợi ích.

13 Nhưng nào ai thấy rõ các lầm lỗi của mình?
Xin Ngài tha các tội con phạm mà chẳng hay.

14 Xin cũng giữ cho tôi tớ Ngài khỏi kiêu ngạo,
đừng để tính xấu này thống trị con.
Như thế con sẽ nên vẹn toàn
không còn vương trọng tội.

 

Trong đời có nhiều bài thánh ca để tôn vinh Bộ Luật Hình Sự không nhỉ? Nếu có, là chuyện lạ…Bài này lại chính là một bài ngợi ca Lề Luật : hay nói đúng hơn là ngợi khen Đấng đã ban lề luật đó cho dân của mình. Lý do thật đặc biệt, dân này không có một vị lập pháp bình thường!

Ở Mê-dô-pô-ta-mi-a có Bộ Luật Ham-bu-ra-mi, ở Pháp có bộ Luật Na-pô-lê-ong; nhưng ở Ít-ra-en có « Lề Luật của Thiên Chúa ». Bài Tv hôm nay của chúng ta có rất nhiều chữ đồng nghĩa lập đi lập lại một thực thể: «Luật pháp CHÚA Thánh ý CHÚA -Huấn lệnh CHÚA Mệnh lệnh CHÚA Quyết định CHÚA». Lý do việc lập đi lập lại này chứng tỏ cho chúng ta thực chất là gì, hay đúng hơn sự thật nói về Ai? Thật ra chỉ có Thiên Chúa, đấng đã mặc khải tên mình cho Mô-sê. Ngài đã chọn dân này trong vô số dân trên trái đất và đã giải thoát họ…Đấng đã kết Giao Ước với họ trong suốt hành trình hiện hữu của dân này…Sau cùng là Đấng tiếp tục công trình giải thoát bằng Lề Luật của Ngài….

Xin đừng bao giờ quên, quan trọng hơn hết mọi sự là dân Do Thái đã trải nghiệm cuộc giải phóng nhờ Thiên Chúa. Mệnh lệnh CHÚA ở đây là nhắc lại trực tiếp đến sự kiện ra khỏi Ai-cập: Đây là một cuộc giải phóng. «Chúa đem dân Ngài ra khỏi» xiềng xích của nô lệ, Chúa giải thoát mọi xiềng xích khác cản trở con người hạnh phúc. Đó là Giao Ước vĩnh cửu. Xuất Hành là con đường đi đến Đất Hứa. Tuân theo Lề Luật thật ra là tiến về Đất Hứa, quê hương tương lai của nhân loại.

Trong sách Đệ Nhị Luật có những suy niệm tuyệt vời nhất về Lề Luật. Ví dụ như :

 «  32 Anh (em) cứ hỏi những thời xa xưa, thời có trước anh (em), từ ngày Thiên Chúa dựng nên con người trên mặt đất; cứ hỏi từ chân trời này đến chân trời kia: có bao giờ đã xảy ra chuyện vĩ đại như thế, hay có ai đã nghe điều giống như vậy chăng?33 Có dân nào đã được nghe tiếng Thiên Chúa phán từ trong đám lửa như anh (em) đã nghe, mà vẫn còn sống không?34 Hoặc có thần nào đã ra công đi chọn lấy cho mình một dân tộc từ giữa một dân tộc khác, đã dùng bao thử thách, dấu lạ, điềm thiêng và chinh chiến, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, gây kinh hồn táng đởm, như ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, đã làm cho anh em tại Ai-cập, trước mắt anh (em) không?

35 Chính anh (em) đã được cho thấy những điều đó, để biết rằng ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa và ngoài Người ra không có thần nào khác nữa.36 Từ trời, Người đã cho anh (em) nghe tiếng Người, để dạy dỗ anh (em); dưới đất, Người đã cho anh (em) thấy ngọn lửa lớn của Người, và anh (em) đã nghe các lời Người phán ra từ trong đám lửa.37 Bởi vì Người đã yêu thương cha ông anh (em), nên sau các ngài, Người đã chọn dòng dõi các ngài, và đã đích thân dùng sức mạnh lớn lao của Người đưa anh (em) ra khỏi Ai-cập.38 Người đã đuổi những dân lớn và mạnh hơn anh (em) cho khuất mắt anh (em), để đưa anh (em) vào đất của chúng và ban cho anh (em) đất ấy làm gia nghiệp, như anh (em) thấy hôm nay.

39 Vậy hôm nay, anh (em) phải biết và để tâm suy niệm điều này: trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa.40 Anh (em) phải giữ các thánh chỉ và mệnh lệnh của Người, mà hôm nay tôi truyền cho anh (em); như vậy anh (em) và con cháu anh (em) sau này sẽ được hạnh phúc, và anh (em) sẽ được sống lâu trên đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), vĩnh viễn ban cho anh (em)."(Đnl 4, 32-40)

Hay vỏn vẹn chỉ như thế này :

 « Hỡi Ít-ra-en, hãy nghe và lo đem những điều ấy ra thực hành; như vậy anh (em) sẽ được hạnh phúc » (Đnl 6, 3) 

Và trong Tv chúng ta :

8 Luật pháp CHÚA quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn.

Có một điều chắc chắn nhất trong Thánh Kinh, là Chúa muốn con người hạnh phúc, và để được như thế Chúa ban cho một phương tiện, một phương tiện rất đơn giản: chỉ cần nghe theo Lời Chúa viết trong Luật của Ngài. Con đường được đánh dấu, các điều răn là những cột hướng dẫn bên đường để báo hiệu cho chúng ta những hiểm nguy, có thể như câu thứ 9 : Mệnh lệnh CHÚA xiết bao minh bạch, cho đôi mắt rạng ngời. Ngày này qua ngày khác Lề Luật là thầy dạy của ta : nguồn gốc của chữ «Tô-ra » có nghĩa trước tiên là «dạy dỗ».

Câu 8 nói «Thánh ý CHÚA thật là vững chắc, cho người dại nên khôn». Người dại ở đây là chính những người khiêm nhường chấp nhận để cho Chúa dạy :

 «12 Giờ đây, hỡi Ít-ra-en, nào ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), có đòi hỏi anh (em) điều gì khác đâu, ngoài việc phải kính sợ ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), đi theo mọi đường lối của Người, yêu mến phụng thờ Người hết lòng, hết dạ,13 giữ các mệnh lệnh của ĐỨC CHÚA và các thánh chỉ của Người mà tôi truyền cho anh (em) hôm nay, để anh (em) được hạnh phúc » (Đnl 10, 12-13)

Tiên tri Mi-kha cũng lập lại điều này như một tiếng vang :

«Hỡi người, bạn đã được nói cho hay điều nào là tốt, điều nào ĐỨC CHÚA đòi hỏi bạn: đó chính là thực thi công bình, quý yêu nhân nghĩa và khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa của bạn." (Mk 6, 8)

Không có đòi hỏi nào khác, và cũng không có con đường nào khác để thực sự hạnh phúc. Câu 10 và 11 nói

 «10 Lòng kính sợ CHÚA luôn trong trắng, tồn tại đến muôn đời. Quyết định CHÚA phù hợp chân lý, hết thảy đều công minh,

11 thật quý báu hơn vàng, hơn vàng y muôn lượng, ngọt ngào hơn mật ong, hơn mật ong nguyên chất.

Ở đây sự khác biệt văn hoá của tác giả Tv và chúng ta không có bao nhiêu: Thật vậy, cũng giống như chúng ta nghĩ, vàng là kim loại không tự huỷ và quý giá vì thế được yêu chuộng.

Còn mật ong thì không như thế. Nó không gợi lên cho chúng ta và người dân xứ Pa-lét-tin cùng một ý tưởng. Khi Chúa gọi ông Mô-sê để trao cho ông sứ vụ giải thoát dân Ngài, Chúa hứa :

« 17 Ta đã phán: Ta sẽ cho các ngươi thoát cảnh khổ cực bên Ai-cập mà lên miền đất người Ca-na-an, Khết, E-mô-ri, Pơ-rít-di, Khi-vi và Giơ-vút, lên miền đất tràn trề sữa và mật » (St 3, 17). Không ai biết thành ngữ tràn trề sữa và mật đó được nói khi nào. Điều chắc chắn là rất xa xưa rồi, và người dân xứ Ca-na-an đã dùng. Đối với họ cũng như đối với dân Do Thái có nghĩa là phì nhiêu và ngọt ngào. Dĩ nhiên ở đâu cũng có mật chứ không hẳn chỉ ở Pa-lét-tin. Xứ nào cũng thích bánh mật. Ngay trong sa mạc cũng có, thánh sử Mát-thêu nói « 4 Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn »(Mt 3, 4). Thế nhưng thật ra mật ong rất hiếm, chính vì thế mà điều tuyệt vời trong Đất Hứa lại đầy dư, «…tràn trề sữa và mật » (St 3, 17)

Phì nhiêu và ngọt ngào được cho là tác động của Chúa, thế nhưng không chỉ riêng cho Ít-ra-en. Các nghi lễ của các đạo đều để cầu xin ân huệ nơi các thần thiêng: làm cho vui lòng các ngài để được mưa xuống đúng lúc, để tránh mưa đá, để tránh nạn cào cào, tất cả những gì để gặt hái được mùa …vì các thần thánh đầy uy quyền.

Điều đặc thù ở Ít-ra-en, dân này có một trải nghiệm về công trình của Thiên Chúa, điều này làm thay đổi cả cuộc diện! Không cần mè nheo để cầu xin ơn này ơn nọ; những ơn lành đó đã được chắc chắn trao ban trước rồi. Điều đặc biệt cho Ít-ra-en là dân này đã có một trải nghiệm về lòng nhân từ của Chúa. Chúa tự mình lấy sáng kiến tạo dựng thế giới, vạn vật chỉ vì tình yêu. Và mật ong ở đây là biểu tượng của chính lòng từ bi Thiên Chúa. Trong sách Đệ Nhị Luật, khi Chúa nhắc lại tất cả những sự nâng niu ân cần của Ngài trong Xuất Hành, Ngài nói :

« Người cho nó nếm mật ong chảy ra từ hốc đá, nếm dầu từ tảng đá hoa cương » (Đnl 32,13b)

Bánh Man-na cũng được ví như mật ong vì cũng ngọt ngào và cũng là quà nhưng không của Thiên Chúa :

«31 Nhà Ít-ra-en đặt tên cho vật ấy là man-na. Nó giống như hạt ngò, màu trắng và mùi vị tựa bánh tráng tẩm mật ong » (Xh 16, 31)

Kể từ đây người ta thường có thói quen nói củ hành Ai-cập và mật ong Ca-na-an (Cũng có mật ong ở Ai-cập vậy, nhưng không có kinh nghiệm của Xuất hành và sự hiện diện của Thiên Chúa). Kể từ nay, Ít-ra-en biết rằng Lời Chúa  tạo dựng thế giới và còn hơn nữa Lời Ngài cứu độ thế gian, vì :

«…người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng ĐỨC CHÚA phán ra (Đnl 8, 3b)

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut                       
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân              

Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng                


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com