Lời Chúa CN

TÌM HIỂU CỰU ƯỚC CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN NĂM B - 17/10/2021

BÀI ĐỌC 1 (Is53, 10-11)

 

"Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ thấy một dòng dõi trường tồn".

 

Trích sách Tiên tri Isaia. 

 

10 ĐỨC CHÚA đã muốn người phải bị nghiền nát vì đau khổ.
Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội,
người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn,
và nhờ người, ý muốn của ĐỨC CHÚA sẽ thành tựu.

11 Nhờ nỗi thống khổ của mình,
người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện.
Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta,
sẽ làm cho muôn người nên công chính
và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ.

Chúng ta hãy thử đọc bài này nhưng chưa nghĩ ngay tới Đức Giê-su-Ki-tô. Ngôn sứ I-sa-i-a viết bài này hồi thế kỷ thứ VI trước CN cho những đối tượng là người đương thời. Dĩ nhiên sau này người ta đọc lại và suy gẫm những lời này và khám phá ra những ý tưởng mới, những áp dụng mới nhưng trước tiên bài này mang lại một sứ điệp cho người sống cùng thời đại của ông, cho cuộc sống hiện tại của họ. Nếu không thì có ai nghe ông lúc ấy ? Ngày nay đời nào có người nghe một tiên tri phán những điều sẽ xảy ra năm 3000 ! Vì thế chúng ta thử tìm hiểu tiên tri I-sa-i-a muốn nói gì với những người đương thời của ông, nội dung sứ điệp có gì làm động viên họ.

Hơn nữa I-sa-i-a cũng như các ngôn sứ khác, nói từ những gì các ông nhận xét, từ những sự kiện cụ thể. Các vị thường dựa vào quá khứ nhưng để soi sáng thực tại, nói về tương lai nhưng để loan báo ( vì tương lai không được hoạch định trước) ; Các vị nói về tương lai nhưng tương lai đang thể hiện trong thực tại.

Điều duy nhất rõ ràng nơi đây trong vài câu là chúng ta đang trong bối cảnh của sự bách hại : một người « tôi trung » « phải bị nghiền nát ». Vì đoạn này được chép trong I-sa-i-a Hai  (tức là từ chương I-sa-i-a  40 đến 52 ) , điều này giúp chúng ta phỏng đoán nội dung nói về cuộc lưu đày Ba-by-lon. Sự hiện diện của đau khổ có trong ấy, sự đau khổ của một dân tộc đã mất tất cả, đến độ họ nghĩ rằng Thiên Chúa bỏ rơi họ. Vì thế người ngôn sứ đến mang lại lẽ sống và hi vọng, những lý do để kiên trì chịu đựng mặc cho thế nào đi nữa. Ngài nói những khổ đau của anh em không vô ích, mà có một ý nghĩa, anh em có thể cho nó một ý nghĩa.

Ngôn sứ kể lại gương người Tôi Trung, nhưng không chỉ rõ là ai. Ai là Người Tôi Trung ấy ?  Không có chỗ nào trả lời câu hỏi này. Danh hiệu ấy được xác định trong bốn bài, vì lẽ đó được gọi là « Bài ca Người Tôi Trung » trong sách I-sa-i-a 2. Có phải một người tử vì đạo trong cộng đồng Do Thái trong lúc lưu đày chăng ? Hay là cách nói cả công đồng Do Thái ? Không có gì rõ ràng. Điều chính xác nhất, trái lại, đó là sứ điệp I-sa-i-a gởi đến những người nghe ông. Sứ điệp ấy gồm ba điểm : Trước tiên là bên sự đau khổ của anh em, Thiên Chúa sát cánh đồng hành với anh em ; thứ hai sự đau khổ của anh em có ý nghĩa; thứ ba Thiên Chúa cần đến anh em để giải thoát nhân loại.

Điều thứ nhất, Thiên Chúa ở cạnh anh em. Đó là ý của câu đầu : « 10 ĐỨC CHÚA đã muốn người phải bị nghiền nát vì đau khổ »  Có lẽ đó là câu khó nhất trong bài : Một phản nghĩa khủng khiếp nhất chúng ta không nên vấp phải. Đó là trong một giây phút có thể tin rằng có lẽ Chúa tìm lấy thú vui trong sự đau khổ của loài người. Làm sao dung hoà được với những gì chúng ta biết trước đó, Thiên Chúa là Tình Yêu… ? Ngay cả chúng ta, dù không mấy nhân từ chúng ta cũng không thể tìm một thú vui nào trong sự đau khổ của người khác ! Vì thế chúng ta không nên cho một ý nghĩa mà nội dung nó không muốn nói thế !...Không có chỗ nào nói chính Thiên Chúa nghiền nát Người Tôi Trung trong đau khổ…nhưng khi Người Tôi Trung bị nghiền nát trong đau khổ, Chúa luôn quan tâm đến kẻ ấy với một tình yêu không bao giờ ngơi.

Thật lạ kỳ, chúng ta khó khăn chấp nhận sự thật ấy, mặc dù đó là một sự thật có  trong Thánh Kinh từ lâu : Chúa giàu lòng thương xót quan tâm đến mọi khổ đau. Mô-sê cũng đã hiểu Thiên Chúa đã nghe thấu tiếng kêu van của những kẻ khổ đau, bị ức hiếp. Đối với Mô-sê là cảnh nô lệ bên Ai-cập, đối với I-sa-i-a bảy trăm năm sau là cảnh lưu đày Ba-by-lon, nhưng I-sa-i-a không nói gì khác hơn Mô-sê. Nhưng trái lại, trong bảy trăm năm đức tin vào Thiên Chúa càng sâu sắc hơn, Đấng giải thoát, luôn muốn cứu nhân loại khỏi mọi ách nô lệ, mọi xiềng xích. Điều I-sa-i-a muốn nói ở đây là trong khi bị đau khổ nghiền nát, Người Tôi Trung là đối tượng của sự chọn lựa của Thiên Chúa. Đó là ý nghĩa của lòng thương xót, con tim bị thu hút bởi sự đau khổ. Sứ điệp I-sa-i-a gởi đến những kẻ bị lưu đày là : « trong đau khổ của anh em, Thiên Chúa không chống lại anh em, không ở bên phe những người nhục mạ anh em, Ngài ở cạnh anh em và luôn quan tâm đến anh em với một tình yêu không ngơi ». Điều ngụ ý không nói ra là trong cầu nguyện, nơi Ngài anh em sẽ múc lấy sức mạnh để chịu đựng : Hãy tìm sức mạnh đúng nơi đúng chỗ.

Điều thứ hai là anh em có thể cho sự đau khổ của anh em một ý nghĩa. Chúng ta không tìm nơi đây ý nghĩa của mầu nhiệm đau khổ, đó vẫn là một Mầu Nhiệm. Nhưng điều nói lên ở đây là trong sự đau khổ có một con đường của ánh sáng « 11 Nhờ nỗi thống khổ của mình,
người sẽ nhìn thấy ánh sáng ». 
Trong chữ « nghiền nát » có hình ảnh của cụm chữ  « đập nát con tim » trong Ê-dê-ki-en ( Ed6,9), con tim bằng đá trở nên con tim bằng thịt…Trong sự đau khổ, đặc biệt từ con người gây ra bách hại, có thể phản ứng lại hoặc bằng chai cứng ( hận thù trả lại hận thù ) hoặc bằng tình yêu và tha thứ. Ngay cả ngày nay trong hoàn cảnh bệnh hoạn hay bạo lực, chúng ta thấy có những người đàn ông, đàn bà hay trẻ em biết tìm ra từ những đau khổ của họ một con đường của ánh sáng. Chúng ta có thể nói đó là phép lạ của sự thay đổi hoàn toàn ! Từ trong bất cứ sự dữ nào Chúa cũng có thể làm ra sự lành ! Đó mới tuyệt vời, mãnh lực của tình yêu Thiên Chúa.

Điều thứ ba, Chúa cần anh em để giải thoát nhân loại. « nhờ người, ý muốn của ĐỨC CHÚA sẽ thành tựu ». Đó là câu chính yếu của cả bài. Trong tất cả các Bài ca Người Tôi Trung ( rất tiếc cái tựa thường làm hiểu sai) không phải Người Tôi Trung là trung tâm, mà là thánh ý Thiên Chúa. Ý Chúa này, I-sa-i-a biết thế, trước kia ông  Mô-sê cũng biết, đó là cứu nhân loại, giải thoát khỏi mọi xiềng xích và loại xiềng xích tệ hại nhất là hận thù, bạo lực, lòng ganh tị xói mòn con tim chúng ta. Cũng như khi Chúa nói với Ca-en «  tội lỗi đang nằm phục ở cửa, nó thèm muốn ngươi; nhưng ngươi phải chế ngự nó. » ( St4,7). Ý Chúa muốn cứu nhân lọai được thực hiện nơi những tôi tớ Ngài, đó là điều I-sa-i-a muốn nói : «  Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội,…và nhờ người, ý muốn của ĐỨC CHÚA sẽ thành tựu ». Điều này có nghĩa là - và nghĩ cho cùng, thật là tuyệt vời - một người hay một dân tộc có thể mang lấy công trình của Thiên Chúa ! «  Nếu người ( Tôi Trung)  hiến thân làm lễ vật đền tội », điều này có nghĩa là người ấy sống luôn với ý tưởng hiến thân, yêu mến và tin tưởng Thiên Chúa, từ đó thiên ý sẽ được thực hiện, có nghĩa là nhân loại sẽ tìm lại bình an : «11 Nhờ nỗi thống khổ của mình, người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện.Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ ». Điều I-sa-i-a nói ở đây là sự cứu rỗi của những đao phủ nằm trong tay những nạn nhân của họ. Chỉ có sự tha thứ của nạn nhân mới có thể chuyển đổi được người đao phủ.

***

 

THÁNH VỊNH (Tv32, 4-5.18-20.22)

 

"Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài"

 

4 Vì lời CHÚA phán quả là ngay thẳng,
mọi việc Chúa làm đều đáng cậy tin.

5 Chúa yêu thích điều công minh chính trực,
tình thương CHÚA chan hoà mặt đất.

18 CHÚA để mắt trông nom người kính sợ Chúa,
kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương,

19 hầu cứu họ khỏi tay thần chết
và nuôi sống trong buổi cơ hàn.

20 Tâm hồn chúng tôi đợi trông CHÚA,
bởi Người luôn che chở phù trì.

22 Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy CHÚA,
như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài.

tình thương CHÚA chan hoà mặt đất.

 

« tình thương CHÚA chan hoà mặt đất , phải có đức tin sâu sắc lắm nơi Thiên Chúa mới thốt ra câu này. Có lẽ đó cũng là đặc điểm của những tín hữu : họ trải qua cuộc sống và những thực tế, trong ấy niềm vui cũng có, thử thách cũng có, nhưng họ luôn quả quyết rằng dù gì đi nữa, mặt đất vẫn chan hòa tình thương của Chúa. Phải trải qua một con đường dài của Mạc Khải để loài người khám phá thực tế căn bản, Chúa là tình thương và mặt đất ( nên hiểu là cả tạo vật) được chan hoà tình thương ấy của Ngài. Suy cho cùng, khi tác giả sách Sáng thế nói về A-đam là nhắm đến con người trước khi được mạc khải, Chúa là tình thương, một người sống trong Tình Thương của Chúa mà không ý thức.

Tôi xin trở lại câu truyện kể về vườn địa đàng được đọc trong chúa nhật thứ nhất  Mùa Chay, trong ấy con người được tạo dựng để ngự trị trong một khu « Vườn tuyệt diệu » ( đó là ý nghĩa của Vườn Địa Đàng.) và chỉ vì ngờ vực lời răn của Chúa mà con người đánh mất con đường của cây trường sinh, mặc dù Chúa đã dành cho họ. Có lẽ các bạn còn nhớ câu truyện ấy nói rõ rằng : trong vườn ấy Chúa « khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác »( St 2,9) Tất cả các thứ cây trong vườn đều được ăn, chỉ trừ « cây cho biết điều thiện điều ác ». Tác giả bài này muốn nói rằng khi Đấng Tạo Hoá đã cảnh báo không được ăn trái cho biết điều thiện điều ác, con người và vợ, lẽ ra phải tin tưởng và hiểu rằng Ngài chỉ muốn tránh cho họ một tai họa.

Các bạn hẳn biết câu này được nhiều lần nhắc đến của Kierkegaard : « ngược lại với tội lỗi, không phải là nhân đức, ngược lại với tội lỗi là đức tin ( lòng cậy trông). Chính nhờ lòng cậy trông mà ông Áp-ra-ham bỏ xứ mình ra đi chỉ vì nghe một lệnh truyền từ Thiên Chúa. Thật ra lệnh truyền ấy có ghép theo một lời hứa được hạnh phúc, đúng vậy… thế nhưng dám đặt cuộc cả đời mình vì một lời hứa, phải có một lòng tin tưởng hoàn toàn vững. Phải tin rằng ông đã hiểu rõ Chúa bảo « "Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi… » ( St12,1) , có nghĩa là : « Hãy ra đi vì hạnh phúc của ngươi », ta mới cho ngươi lệnh này. Vấn đề của A-đam là tin trái ngược lại, rằng lệnh truyền của Thiên Chúa không có ý ngay lành. Vì thế suốt lịch sử của Dân Chúa,  họ giao động giữa hai thái độ : lúc thì tin tưởng, xác tín về Chúa của mình, ý thức rằng hạnh phúc của mình là hệ tại sự tuân phục các giới răn của Ngài. Chúa ban Lề Luật để con người hạnh phúc.  «  4 Vì lời CHÚA phán quả là ngay thẳng ». Đấy là ý nghĩa của bài Thánh vịnh này, đầy những lời cậy trông.

Lúc khác thì phản kháng, nghe theo bụt thần : trung thành làm gì với Chúa ?  Tuân làm gì những Điều Răn Thiên Chúa? Đòi hỏi quá đáng, nhân danh gì, bắc buộc phải tuân theo ?  Ai dám nói sau đó là hạnh phúc ? Chúng tôi muốn tự do làm gì cũng được… chỉ tuân theo chính mình mà thôi !

Người viết thánh vịnh này biết rõ tính giao động ấy của dân chúng. Vì thế bài Thánh Vịnh mời gọi tôi luyện lòng xác tín vào sự cậy trông, chỉ có thế mới có hạnh phúc bền lâu. Lòng xác tín ấy dựa vào một trải nghiệm của nhiều thế kỷ. Có thể nói rằng, vì chúng tôi có nhiều chứng cứ rằng : « 4 mọi việc Chúa làm đều đáng cậy tin ». Trong bản gốc chữ « Chúa làm » có một ý nghĩa mạnh hơn. Chữ làm ở đây tức là tác phẩm, hay công trình của Ngài. Thật sự chính qua trải nghiệm dân It-ra-en mới có thể nói : «  18CHÚA để mắt trông nom người kính sợ Chúa, kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương », vì Chúa trông nom họ như người Cha trông nom con mình, sách Đệ Nhị Luật nói như thế khi họ qua sa mạc Si-na-i để thoát khỏi Ai-cập.

Chắc hẳn các bạn đã ghi nhận cụm chữ : « người kính sợ Chúa » được giải thích ngay câu sau, đó là « kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương ». Đây không còn là sự sợ hãi nữa, mà còn trái ngược lại ! Có lẽ các bạn còn nhớ trong Thánh Vịnh 102 (103), chúng ta cũng đã gặp một định nghĩa khác của chữ « kính sợ Chúa », đó là thái độ tin tưởng của đứa con đáp lại sự trìu mến của cha mình : « 13 Như người cha chạnh lòng thương con cái, CHÚA cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn. » ( Tv103, 13) . Bài thánh vịnh tiếp : « 19 hầu cứu họ khỏi tay thần chết và nuôi sống trong buổi cơ hàn ». Ở đây cũng nhờ trải nghiệm mới có thể nói : không thể nào sống sót khi phải vượt qua Biển để thoát khỏi quân Ai-cập, nếu Chúa không can thiệp vào,  ra được khỏi sa mạc cũng thế. Câu « nuôi sống trong buổi cơ hàn », (trong nguyên văn dùng chữ khỏi chết đói), có ngụ ý nhắc đến bánh Man-na Chúa cho rơi mỗi ngày được thuật lại trong sách Xuất Hành. Trải nghiệm về sự quan tâm ấy của Thiên Chúa được đem làm chứng tá trong mọi thời đại, và khi hát lên : «  mọi việc Chúa làm đều đáng cậy tin », là một cách tuyên xưng : « "ĐỨC CHÚA! ĐỨC CHÚA! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín »trong ( Xh 34,6) trong ấy Ngài mạc khải cho ông Mô-sê.

Thánh vịnh 32 bắt đầu bằng câu : « 1 Người công chính, hãy reo hò mừng CHÚA » hẳn là một bài hát hoan hỉ, ca tụng. Những « người công chính », tiếng Do thái gọi là Hassidim, đó là những người sống trong Giao Ước với Thiên Chúa, một tương giao bằng lòng tin tưởng và yêu thương. Toàn bài thánh vịnh hát lên ý nghĩa của sự ca ngợi Thiên Chúa : ca ngợi Tình Yêu của Ngài luôn luôn thể hiện qua Lời Ngài, công trình Tạo Dựng của Ngài và sự giải thoát khỏi Ai-cập, hay trong mọi cuộc chiến…Chúa luôn đồng hành với con cái Ngài và đặc biệt trong thử thách. Chúa gìn giữ những ai tin tưởng Ngài, phó thác nơi Ngài.

Định nghĩa của cụm chữ  « kính sợ Chúa » được rất chính xác nhờ câu thứ hai đối lại : những ai kính sợ Chúa là những kẻ đặt hi vọng vào Tình Yêu của Ngài : « 19 hầu cứu họ khỏi tay thần chết » ( Tv 32, 19) ( không phải cái chết thể lý). Nên tin tưởng nơi Chúa : « 4 Vì lời CHÚA phán quả là ngay thẳng, mọi việc Chúa làm đều đáng cậy tin ». Chúng ta đừng quên câu này trong hai vế chữ « lời » và « việc » cùng một chỗ đứng. Chúa nói là Chúa làm. Đây là một nguồn cậy trông tuyệt vời nhất của chúng ta: Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa không chỉ là một lời hứa, mà là một sự thật đang thể hiện. Tất cả bài thánh vịnh này là một lời khích lệ cho lòng cậy trông, vì  « tình thương CHÚA chan hoà mặt đất ».

Đoạn cuối là một lời nguyện đầy lòng cậy trông «  22 Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy CHÚA, như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài ». Cách hành văn câu này không nói lên một điều có thể, không chắc chắn. Không, tình thương của Ngài « luôn đổ xuống cho chúng con ». Đây là một lời mời gọi người tín hữu phó thác vào tình yêu của Chúa.

« 20 Tâm hồn chúng tôi đợi trông CHÚA » đây là một chiều kích cuối của bài thánh vịnh : Sự chờ đợi của It-ra-en. Chúng ta nên chú ý các chữ : « đợi chờ, hi vọng, cậy trông ». Trong sự cậy trông ấy người Tôi Trung múc lấy sức mạnh : không ở nỗ lực của chính mình mà trong sức mạnh Chúa ban cho.

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut                       
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân              

Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng                


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com