Lời Chúa CN

TÌM HIỂU CỰU ƯỚC CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN NĂM B - 24/10/2021

BÀI ĐỌC 1 CN XXX TN B ( Gr31, 7-9) 24/10/2021

 

"Ta sẽ lấy lòng từ bi dẫn dắt kẻ đui mù và què quặt".

 

Trích sách Tiên tri Giêrêmia. 

 

7 Vì ĐỨC CHÚA phán thế này: Reo vui lên mừng Gia-cóp,
hãy hoan hô dân đứng đầu chư dân!
Nào loan tin, ca ngợi và công bố:
"ĐỨC CHÚA đã cứu dân Người, số còn sót lại của Ít-ra-en! "

8 Này Ta sẽ đưa chúng từ đất Bắc trở về,
quy tụ chúng lại từ tận cùng cõi đất.
Trong chúng, có kẻ đui, người què, kẻ mang thai, người ở cữ:
tất cả cùng nhau trở về, cả một đại hội đông đảo.

9 Chúng trở về, nước mắt tuôn rơi,
Ta sẽ an ủi và dẫn đưa chúng,
dẫn đưa tới dòng nước, qua con đường thẳng băng,
trên đó chúng không còn vấp ngã.
Vì đối với Ít-ra-en, Ta là một người Cha,
còn đối với Ta, Ép-ra-im chính là con trưởng.

 

Đọc bài này phải tin rằng lúc ấy mọi sự rất tồi tệ. Chỉ cần nghe giọng gần như chiến thắng trước để có thể đoán được bối cảnh thực tại khủng khiếp như thế nào trong lúc Giê-rê-mi-a phát biểu ở đây. Vì Giê-rê-mi-a dùng hai loại ngôn ngữ, đó cũng là tính cách đặc thù của mọi ngôn sứ. Một đàng, trong giờ phút mọi người vô tư, ngài có những lời gắt gao để mời gọi đồng bào mình hoán cải, ông hăm dọa, ông tiên báo tai ương gần kề. Trong bất cứ trường hợp nào ông cũng nói thế, bất kể người khác khó chịu, bất kể bị bách hại, ông cảnh báo, ông mời gọi mở mắt ra nhìn, trở lại với Thiên Chúa. Sứ điệp của ông là : « Hành động khờ dại của anh em sẽ dẫn thẳng đến tai họa ! » Nhưng đàng khác, trái ngược lại, trong những giờ phút khốn khổ của cuộc lưu đày, ông đến đem lại niềm hi vọng, ông nhắc lại Chúa không bao giờ bỏ rơi dân Ngài, bất kể họ ngu dại như thế nào. 

Giọng của bài đọc hôm nay dĩ nhiên nằm trong một bối cảnh bất hạnh. Bởi vì mọi người đã rơi xuống tận đáy huyệt của thất vọng, nên Giê-rê-mi-a mới dám nói : « Reo vui lên », vì họ đã ở mức tận cùng của ô nhục, Giê-rê-mi-a mới kêu cầu đến Gia-cóp (Tức là dân tộc It-ra-en) « dân đứng đầu chư dân! ». Không phải vì thích nói lên điều nghịch lý, nhưng là tiếng kêu của đức tin. Khi đang trong đêm u tối, phải nhất định tin rằng ánh sáng sẽ trở lại. Người Tiên Tri trong trường hợp ấy là nhân vật đầu tiên biết nhận định những tia sáng của bình minh. Có thể khó tin vào sứ điệp hi vọng ấy khi mọi sự đều tối tăm, vì thế Giê-rê-mi-a cẩn thận rào đón trước sau sứ điệp của mình bằng những công thức long trọng : Khởi đầu bằng « ĐỨC CHÚA phán thế này » và cuối câu bằng : « sấm ngôn của ĐỨC CHÚA ». Đó là cách nói : không phải tự tôi nói ra điều ấy, chính Thiên Chúa hứa với anh em như thế.

Những điều bất hạnh ấy là gì ?  Dĩ nhiên là cuộc lưu đày sang Ba-by-lon. Không thể là những tai họa đến từ vuơng quốc Miền Bắc. Không ai biết chính xác Giê-rê-mi-a sống vào thời nào, nhưng chắc chắn là ông sanh ra sau rất xa khi triều đại Phương Bắc đã kết thúc, xứ này bị vua At-sua hoàn toàn tàn phá (tức là Ni-ni-vê) năm 721. Chính ngài nói được nghe Lời Thiên Chúa lần đầu dưới thời Giô-si-gia-hu, vua trị vì từ 640 đến 609. Điều bất hạnh ngài nói đến chỉ có thể là cuộc lưu đày Ba-by-lon, tức là từ 587 đến 538. Đợt đầu tiên xảy ra năm 597, sau đó có đợt thứ hai năm 587. Bản thân Giê-rê-mi-a không bị đi đày. Ông xuýt nữa cũng phải đi, mặc dù đã bị còng chân với hàng người đi đày, nhưng người trưởng đoàn cận vệ riêng của vua Na-bu-kô-đô-nô-so cho ông chọn lựa, hoặc sang Ba-by-lon với những người đi đày, hoặc ở lại Giê-ru-sa-lem, và Giê-rê-mi-a chọn ở lại. Ở lại nhưng ông phải đối đầu với bao nhiêu việc ở Giê-ru-sa-lem để giữ tinh thần cho những người ở lại. Về mặt chính trị, nhiều đảng chống đối với nhau : Phải ở lại chăng, chịu sự đô hộ của Ba-by-lon và cố gắng sống chờ một ngày tươi sáng hơn ? Đó là quan điểm của Giê-rê-mi-a. Hay là tiếp tục đánh du kích, dù bắt buộc phải lọai những kẻ quá hoà hoãn với sự có mặt của quân Ba-by-lon ?.

Bài chúng ta đang đọc là Giê-rê-mi-a viết cho những người ở lại Giê-ru-sa-lem, để chống lại sự tuyệt vọng của đồng bào mình. Ông báo hiệu ngày trở về trọng đại của những người bị lưu đày : «  8 Này Ta sẽ đưa chúng từ đất Bắc trở về, quy tụ chúng lại từ tận cùng cõi đất …cả một đại hội đông đảo». Và ông nêu lên những tương phản của ngày ra đi : « 9 Chúng trở về, nước mắt tuôn rơi, Ta sẽ an ủi và dẫn đưa chúng, dẫn đưa tới dòng nước, qua con đường thẳng băng ». Trong đoàn dân đi đày, thế nào cũng có những người không chịu nổi tính thô bạo của các điều kiện giam cầm và những khó khăn của lộ trình. Nhưng khi trên đường về, bước đi thật nhẹ nhàng, nhẹ đến nỗi những người yếu nhất cũng có thể ! « Trong chúng, có kẻ đui, người què, kẻ mang thai, người ở cữ: tất cả cùng nhau trở về, cả một đại hội đông đảo » Lúc đi, đây là một dân bại trận, suy yếu, khập khểnh, từng hàng bị còng xích với nhau, và có người còn bị móc mắt … Lúc trở về là một dân tộc tự do đầy tự tin.

Có điều làm bối rối, là các tên Giê-rê-mi-a nêu lên (Gia-cóp, Ép-ra-im, It-ra-en) để nói về dân này, là những tên không dùng chỉ vương quốc Miền Nam (Giê-ru-sa-lem) và cả vương quốc Miền Bắc trước khi bị tàn phá. Biết rằng Giê-rê-mi-a, không thể nào sống cùng thời với vương quốc Miền Bắc, chúng ta có thể hiểu ngài loan báo, một cách không nói ra, sự hiệp nhất của dân Chúa. Biết rằng một phần dân Miền Bắc còn lẫn trốn trong thành Giê-ru-sa-lem sau khi Sa-ma-ri bị tàn phá năm 721. Có lẽ ngài muốn nói đặc biệt với những người này chăng?

Điều thứ hai đáng chú ý. Tư cách làm Cha của Thiên Chúa được xác định rõ ràng ở đây : « Vì đối với Ít-ra-en, Ta là một người Cha, còn đối với Ta, Ép-ra-im chính là con trưởng » Đây là cách nói mới của Chúa. Có lẽ tiên tri Hô-sê là người đầu tiên dùng như thế hồi thế kỷ thứ VIII trong vương quốc Miền Bắc khi nói về lòng trắc ẩn của Thiên Chúa đối với dân Ngài.     « 1 Khi Ít-ra-en còn là đứa trẻ, Ta đã yêu nó, từ Ai-cập Ta đã gọi con Ta về… 4 Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng. Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má; Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn ».  ( Hs, 11, 1.4). Trước đó mọi người do dự không dám gọi Chúa là Cha, để tránh mọi sự hàm hồ, vì các dân tộc khác cũng dùng danh tánh ấy nhưng họ xem chức năng cha trên trời như người cha dưới thế, xác thịt, thể lý. Đối với It-ra-en Thiên Chúa là Đấng Khác Biệt, và tính cách làm Cha nằm trong một phương diện khác. Nhưng Giê-rê-mi-a vượt qua một bước, dùng chữ « Cha » : « Ta là một người Cha, còn đối với Ta, Ép-ra-im chính là con trưởng ». Một lần nữa, chính từ đáy của một thảm họa, đức tin It-ra-en đã nhảy tiến lên một bậc.

***

 

THÁNH VỊNH ( Tv125, 1-6)

 

"Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan " 

 

1 Ca khúc lên Đền.
Khi CHÚA dẫn tù nhân Xi-on trở về,
ta tưởng mình như giữa giấc mơ.

2 Vang vang ngoài miệng câu cười nói,
rộn rã trên môi khúc nhạc mừng.
Bấy giờ trong dân ngoại, người ta bàn tán:
"Việc CHÚA làm cho họ, vĩ đại thay! "

3 Việc CHÚA làm cho ta, ôi vĩ đại!
ta thấy mình chan chứa một niềm vui.

4 Lạy CHÚA, xin dẫn tù nhân chúng con về,
như mưa dẫn nước về suối cạn miền Nam.

5 Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,
mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.

6 Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo;
lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng.

 

Trong bài đọc 1 Chúa nhật hôm nay, Tiên tri Giê-rê-mi-a đã loan báo ngay từ đầu cuộc lưu đày Ba-by-lon, ngày được  hồi hương. Rõ ràng khi bài Thánh Vịnh này được thảo ra, mọi người đã được trở về: « Khi CHÚA dẫn tù nhân Xi-on trở về ». Chúng ta biết câu truyện : Cường quốc Ba-by-lon bị bại trận, vị chúa tể mới, vua Ky-rô có một chính sách khác. Khi ông đánh chiếm được Ba-by-lon, năm 538, ông cho tất cả các dân tộc đã bị Na-bu-ko-đô-nô-so đày sang Ba-by-lon làm nô lệ được trở về quê quán. Dân chúng thành Giê-ru-sa-lem cũng được ân huệ đó như các dân tộc khác. Điều này quá tuyệt vời như một phép lạ, vì thế vua Ky-rô được xem không khác gì  như một thiên sai.

Bài thánh vịnh này gợi lên niềm vui, và xúc cảm của dân chúng được  hồi hương : « ta tưởng mình như giữa giấc mơ. ». Trong những lúc lưu đày xa quê hương cũng có lúc mơ ngày được  trở về nhưng khi sự việc xảy đến không ai dám tin như thế. Cuộc giải thoát này, đối với dân chúng như một sự hồi sinh. Trong kiếp lưu đày ở Ba-by-lon, dân tộc họ thật sự gần như bị kết án diệt vong : quên lãng nguồn gốc, cội rễ, tập quán, bởi ảnh hưởng của bụt thần trong môi trường sống. Để gợi lên sự hồi sinh ấy, tác giả thánh vịnh nêu lên hai hình ảnh thân thương của dân tộc họ, đó là nước và mùa gặt.

Bắt đầu bằng nước : « 4 Lạy CHÚA, xin dẫn tù nhân chúng con về, như mưa dẫn nước về suối cạn miền Nam. ». Phía nam thành Giê-ru-sa-lem là sa mạc Nê-gép, nhưng khi mùa xuân đến những thác nước nuốt lấy các bờ cát để làm xuất hiện ra hằng hà sa số hoa rực rỡ nở rộ. Hình ảnh thứ hai, khi hạt lúa được gieo xuống đất, bị thối nát, có vẻ để chết đi…nhưng khi mầm mọc, thì tựa như cuộc tái sinh… : « 6 Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo; lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng ». Đây hẳn là những lời ca gợi lại cảnh mùa gặt mới : trong mọi nền văn minh, mùa gặt vẫn là một dịp mừng vui.

Thế nhưng, ý nghĩa sâu xa hơn, đây là dịp sống lại với quê hương, với văn hoá của mình : khi dân chúng trở về cả xứ sống lại. Câu sau cùng của bài nói lên hoàn toàn ý nghĩa ấy : « 6 Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo; lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng » . Nói rõ ra là kiếp nô lệ tù đày đã thuộc về quá khứ : kể từ nay dân chúng vun trồng trên « đất của mình », họ là chủ nhân của chính « mùa gặt của mình ».

«… vai nặng gánh lúa vàng » : Lễ Lều, nguyên thuỷ là một lễ mùa gặt. Chính vì thế trong các nghi lễ Ít-ra-en có những tục lệ dâng lúa. Hằng năm bài này được hát vào dịp hành hương, vừa lúc đoàn « lên đền » Giê-ru-sa-lem vào dịp Lễ Lều mùa thu. Nếu chúng ta đọc trong Thánh Kinh, các bài này được xếp vào những « Ca khúc lên đền » ( tức là vào dịp hành hương). Mỗi khi hát bài này, họ tưởng niệm một cuộc leo lên khác, đó là đường về sau bao nhiêu năm lưu đày. 

Nhưng ở Ít-ra-en, khi gợi lại quá khứ, không phải chỉ vì cái thú nhớ lại lịch sử. Nhưng đây là dịp tạ ơn Thiên Chúa vì những kỳ công của Ngài trong quá khứ - đúng ra phải nói tưởng niệm - nhưng nhất là cơ hội múc lấy nghị lực để vững tin vào công trình tối hậu cho ngày mai.  Cuộc giải phóng ấy, sự trở về với sự sống ấy, sự kiện có ghi rõ trong lịch sử, nay  trở nên một lý do để tin vào những sự sống lại khác, những cuộc giải phóng khác. Cũng như trong quá khứ, họ đã ca ngợi cuộc giải thoát khỏi Ai-cập, dĩ nhiên được ngụ ý ở đây ( ví dụ trong bài có chữ « vĩ đại » thường để nói đến cuộc giải thoát khỏi Ai-cập), thì cũng như thế, từ nay họ ca ngợi sự giải phóng, trở về sau cuộc lưu đày Ba-by-lon, họ cầu nguyện Thiên Chúa mau đến ngày được giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn.  Vì lẽ đó trong lời cảm tạ có lẫn lời cầu nguyện : « 4 Lạy CHÚA, xin dẫn tù nhân chúng con về ».

Những « tù nhân » này, trước hết là những kẻ còn xa cách, rải rác trong những dân tộc nước ngoài. Nhưng cũng có nghĩa là mọi người : Ít-ra-en ý thức họ có nhiệm vụ cầu nguyện cho tất cả nhân loại.  Điều này rất rõ trong câu thứ hai bài thánh vịnh : « Bấy giờ trong dân ngoại, người ta bàn tán: "Việc CHÚA làm cho họ, vĩ đại thay! " ». Không phải một lời của lòng tự phụ : nhưng là lời nhìn nhận sự chọn lựa nhưng không một dân tộc nhỏ bé này của Thiên Chúa, một dân tộc không hơn gì những dân tộc khác ( như sách Đệ Nhị Luật chép). Đây cũng là một niềm vui truyền giáo, nhìn thấy các dân tộc biết cảm nhận tác động của Thiên Chúa, bước đầu dẫn tới sự trở lại để đi đến được giải thoát.

Sự giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn toàn nhân loại, trong bài gọi là « dân ngoại » - đó là đấng Mê-si-a - ngày Lễ Lều mang một chiều kích đón chờ rất mãnh liệt Đấng Mê-si-a. Ví dụ như chính trong buổi lễ này, có một cuộc diễu hành khổng lồ với những bó lúa được nói đến trong bài thánh vịnh, mọi người hát « Hô-sa-na » ( có hai nghĩa « Chúa cứu chúng con »và « hãy cứu dân Ngài ») . Họ cũng hát vang lên câu mọi người đều biết « Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa » ( Mt21,9), đó là lời chúc tụng trước hạn, Đấng Mê-si-a .

Sau bao nhiêu cuộc phiêu lưu của dân tộc ấy, người anh cả chúng ta - như Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô gọi -  xứng đáng để cho chúng ta một bài học cậy trông và  đợi chờ: Chúng ta hãy tin tưởng vào người : « Chủ mùa gặt » ( Mt 9, 38).

***

 

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut                       
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân              

Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng                


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com