Lời Chúa CN

Bài đọc 2 LỄ MÌNH & MÁU CHÚA - B ( Dt 9,11-15 ) 07/06/2015

 

"Máu Chúa Kitô tẩy sạch lương tâm chúng ta".

Trích thư gởi tín hữu Do-thái.

 

11 Nhưng Đức Ki-tô đã đến làm Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương lai. Để vào cung thánh, Người đã đi qua một cái lều lớn hơn và hoàn hảo hơn, không do bàn tay con người làm nên, nghĩa là không thuộc về thế giới thọ tạo này.

12 Người đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta.

13 Vậy nếu máu các con dê, con bò, nếu nước tro của xác bò cái, đem rảy lên mình những kẻ nhiễm uế còn thánh hoá được họ, nghĩa là cho thân xác họ trở nên trong sạch

14 thì máu của Đức Ki-tô càng hiệu lực hơn biết mấy. Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Ki-tô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống.

15 Bởi vậy, Người là trung gian của một Giao Ước Mới, lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời giao ước cũ, và đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa đã hứa

Chỉ có Chúa mới biết được ai là tác giả Sách Do Thái. Có một thời người ta nghĩ là thánh Phao-lô đã viết, nhưng bây giờ không còn ai nghĩ như thế. Có điều chắc chắn là sách này viết cho những Ki-tô hữu am hiểu hoàn toàn đạo Do Thái và Cựu Ước. Đó cũng là điều nhiều khi làm cho chúng ta khó hiểu vì trong đó nêu lên rất nhiều các nghi lễ Do Thái mà chúng ta thường không biết lắm ! Trong bài này chẳng hạn nói tới thượng tế, cung thánh, lễ vật vẹn toàn, kẻ nhiễm uế , máu các con dê con bò : tất cả  những chữ này có trong Cựu Ước. Chúng ta cũng biết, chúng ta cũng dùng đến trong đạo Ki-tô, nhưng nhiều khi chúng ta không thấu hiểu rõ ý nghĩa thật sự là gì, nhưng đối với người Do Thái cũng như người đạo Ki-tô những chữ ấy đều chỉ định cùng một ý nghĩa.

Mục đích được thú nhận rõ ràng rằng thư Do Thái là để nói lên cho chúng ta : các chữ dùng là của Cựu Ước  nhưng nó nói lên một thực tế hoàn toàn mới, vì trước Chúa Giê-su là chế độ của Giao Ước ban Đầu, còn bây giờ, trở về sau chúng ta thuộc về Giao Ước Mới. Chúng ta thường có dịp giải đoán dần dần theo lịch sử Thánh Kinh, một sự thay đổi hoàn toàn phương hướng, cách hiểu, ý nghĩa một danh từ (Kính sợ Thiên Chúa chẳng hạn) hay một vài cử chỉ (Chúng ta còn nhớ về hy lễ). Gần đây chúng ta được chứng kiến sự tiến triển từ quan niệm đức tin Chúa  Duy Nhất cho tới khi được mặc khải Chúa Ba Ngôi.

Đọc thư Do Thái, hơn lúc nào hết chúng ta nên nhớ Thiên Chúa đã áp dụng cho dân Ngài rộng rãi một phương pháp sư phạm tiệm tiến và rất nhẫn nại. Lúc đầu khi Thiên Chúa chọn dân Do Thái là dân của Ngài, thì lúc đó họ có một tôn giáo giống như các dân tộc láng giềng.  Đạo ấy được gợi lên từ một khái niệm nào đó về Thiên Chúa. Dần dần Chúa mặc khải cho họ, Chúa như thế nào chứ không như họ tưởng tượng. Không thể tránh được, từ đó thái độ con người cũng thay đổi : các cử chỉ trong tôn giáo được thanh lọc, chuyển đổi, biến dạng.

Từ khi Chúa Ki-tô đến, với đời trần thế của Ngài, với cuộc thương khó của Ngài, cái chết và sự Phục sinh của Ngài, các Ki-tô hữu từ nay hiểu rằng tất cả những gì trước đó là một giai đoạn cần có nhưng  đã lỗi thời. Vì lẽ đó, thư Do Thái cố tình dùng thật nhiều những trích dẫn dựa vào Cựu Ước để mạnh dạn tuyên xưng rõ ràng là từ nay không còn hiệu lực nữa.

Nhưng muốn hiểu nghĩa mới của các chữ phải đi lại con đường của những nhân vật trong Cựu Ước để hiểu lý lẽ nào làm nên đạo Do Thái trước khi Chúa Giê-su Ki-tô đến. Khởi đầu tất cả dựa trên một khái niệm về Thiên Chúa xa vời, quyền lực vô cùng, nắm trong tay quyền sinh sát loài người. Thật khác với loài người, đấng ấy ngự trong những chân trời không sao với tới : Không ai tiếp cận được tới ngài, cũng chẳng có thể thoáng nhìn ngài. Muốn với tới ngài thì phải gần như không còn là người nữa. Thế nhưng phải với tới ngài để ngài có thể nghe những lời cầu khẩn để ngài có thể ban xuống ơn lành mà chỉ có ngài mới có những bí quyết ban cho.

Từ đó nảy sinh ra quy chế các tư tế : một số người được tách riêng ra, xa những người khác, chỉ để dành cho (được gọi là « tận hiến ») vai trò làm trung gian giữa Thiên Chúa và dân chúng còn lại. Để có thể đến với lãnh vực của Thiên Chúa  - lãnh vực « thiêng liêng » thì phải vĩnh viễn từ bỏ lãnh vực của những người khác, thời đó gọi là lãnh vực trần tục. Trên thực tế, đó là  chi tộc Lê-vi được vĩnh viễn tách riêng ra, trong đó một gia đình chính xác được « tận hiến » một cách đặc biệt. Trong gia đình ấy, người tư tế phải được nhận nhiều nghi lễ đặc biệt (Dìm nước, xức dầu, rải nước, dâng hy lễ tận hiến) mặc quần áo đặc biệt và phải nghiêm giữ những luật lệ khắt khe chay tịnh để được luôn ở trong thế giới thiêng liêng. Có cả một hệ thống chia cách giữa những người thiêng liêng này với dân chúng.

Không phải người tư tế này có thể tiếp xúc với Thiên Chúa lúc nào hay bất cứ ở đâu cũng được, từ đó thiết lập các đền và một tổ chức đặc biệt dành cho nghi lễ. Đền là nơi thánh thiêng, không người phàm nào có thể vào được. Điều này giải thích lý do có rất nhiều phòng nhỏ lần lượt kế tiếp phòng này mới tới phòng kia trong Đền Giê-ru-sa-lem. Đền này cũng xây theo hệ thống ấy, chia ra trong xã hội chỉ có các tư tế mới có thể đi vào lĩnh vực của Thiên Chúa, và chỉ có  Trưởng tế mới có thể đi vào nơi gọi là thánh của các thánh, nơi có Chúa ngự. Có tất cả những thận trọng ấy rồi làm sao tiếp cận được với Thiên Chúa, để dâng biếu cho vị Chủ của sự Sống một món quà xứng đáng ? Người ta không tìm gì hơn là dâng cho ngài một sinh vật, rải máu của nó để tượng trưng cho sự sống nơi nó.

Chúa It-ra-en đã báo ngay từ đầu không bao giờ muốn hy lễ là loài người, thế nhưng Ngài chưa từ chối ngay hy lễ súc vật : Mọi sư phạm cần có những giai đoạn tiệm tiến.

Chúa Giê-su đến để giúp cho loài người bước sang bước quyết định. Thì đây tác giả của thư Do Thái dành cho chúng ta khám phá  bước ấy. Vì Thiên Chúa là Đấng gần loài người, tất cả hệ thống cũ của các tư tế để phân chia nay không còn giá trị nữa. Chúa Giê-su không thuộc dòng dõi Lê-vi, không cần như thế, cũng không cần đền thờ vì nơi Thiên Chúa gặp gỡ con người là chính Chúa nhập thể.  Không cần hy lễ có máu nữa : Thiên Chúa của sự sống dạy chúng ta dành đời sống chúng ta phụng sự anh em chúng ta, và đó cũng là điều Chúa Giê-su làm và Ngài ban sức cho chúng ta  làm như thế.

Điều quan trọng nhất là các tín hữu khám phá ra trong Dung Nhan Chúa Ki-tô là Dung Nhan Thật sự của Thiên Chúa. Họ không còn lầm lẫn nữa, họ biết Chúa là Cha của họ, từ nay họ có thể sống hết tấm lòng Giao Ước mà Chúa đề nghị cho họ. Tất cả những điều đó là mới lạ, đó là Giao Ước Mới do Chúa Giê-su mang lại. Chúng ta có thể gọi Ngài  là « Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương lai »

***

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com