Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 1 CHÚA NHẬT 11 TN-B ( Ed 17,22-24) 14/6/2015

 

"Ta cho cây thấp mọc lên".

Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

 

22 ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán như sau:
Từ ngọn cây, từ ngọn hương bá cao chót vót,
Ta sẽ lấy, sẽ ngắt một chồi non;
chính Ta sẽ trồng nó trên đỉnh núi cao vòi vọi.

23 Ta sẽ trồng nó trên núi cao của Ít-ra-en.
Nó sẽ trổ cành và kết trái
thành một cây hương bá huy hoàng.
Muông chim đến nương mình bên nó,
và ẩn thân dưới bóng lá cành.

24 Tất cả cây cối ngoài đồng ruộng
sẽ nhận biết chính Ta là ĐỨC CHÚA.
Ta hạ thấp cây cao và nâng cao cây thấp,
Ta làm cho cây xanh tươi phải khô héo
và cây khô héo được xanh tươi.
Chính Ta là ĐỨC CHÚA, Ta đã phán là Ta thực hiện.

Muốn hiểu bài dụ ngôn của Ê-dê-ki-en phải nhớ đến bối cảnh lịch sử lúc ấy. Năm 597  Na-bu-cô-đô-nô-do, vua Ba-by-lon chiếm thành Giê-ru-sa-lem. Vua và một phần dân chúng bị lưu đày (trong đó có Ê-dê-ki-en). Mười năm sau, vào năm 587, lại một đợt xâm lược khác, lần này Giê-ru-sa-lem bị hoàn toàn thiêu huỷ và cướp phá, các dân chúng còn lại thì cũng bị lưu đày sang Ba-by-lon. Dân Do Thái gần như mất tất cả : đất nước của mình, là dấu chỉ cụ thể của ơn Chúa ; vị vua là đấng trung gian giữa Thiên Chúa và toàn dân; đền thờ là nơi hiện diện thiêng liêng của Ngài. Vì thế kể từ nay vấn đề đè nặng trong tâm can mỗi người là : Thiên Chúa có bỏ rơi dân Ngài không ?  

Nhưng chính giữa lúc bị thử thách,  là lúc xảy ra phép lạ của niềm tin, một niềm tin được tinh tuyền hơn, sâu sắc hơn : đó là điều đang xảy  ra cho It-ra-en. Cuộc lưu đày qua Ba-by-lon là một dịp bộc phát đặc biệt cho niềm tin It-ra-en : trước cuộc tai hoạ xảy đến, Ê-dê-ki-en đã cảnh báo dân chúng về những hậu quả thảm khốc và khó tránh được về hạnh kiểm của họ. Ông đã hết lời đe dọa, hi vọng họ trở lại. Nhưng kể từ đây tai hoạ đã đến, ông lại nâng đỡ niềm hi vọng đã vơi đi. Ông đem lại cho dân tộc bị nhục mạ một lời nói đầy lòng cậy trông. Bài dụ ngôn cây hương bá hôm nay là như thế đó.

Nhưng trước hết, tại sao cây bá hương ? Vì cây bá hương là biểu tượng cho triều đại vương giả.  E-dê-ki-en lấy cây bá hương làm tượng trưng cho vua, cũng như La Fontaine dùng con sư tử bá chủ rừng xanh. Vị vua bị đày như cây bá hương bị lật đổ (tiếng Pháp cũng dùng lật đổ vua chúa) , như một cây bị khô héo.  Nhưng Chúa bẻ một cành xanh của cây đã đổ và chính tay Ngài đem trồng lại. « chính Ta sẽ trồng nó trên đỉnh núi cao vòi vọi »: « trên núi cao của Ít-ra-en ». Dĩ nhiên đó là thành Giê-ru-sa-lem. Về khía cạnh địa lý không phải là một đỉnh cao nhất trong xứ nhưng ở đây vấn đề là đỉnh cao khác : Cuộc trở về xứ và kiến thiết vương triều Giê-ru-sa-lem. Và một mầm cây bé nhỏ sẽ trở thành một cây bá hương tuyệt vời. Nó sẽ to lớn đến nổi : « Muông chim đến nương mình bên nó,và ẩn thân dưới bóng lá cành.24 Tất cả cây cối ngoài đồng ruộngsẽ nhận biết chính Ta là ĐỨC CHÚA ».

« 24 Tất cả cây cối ngoài đồng ruộng » tức là tất cả hoàn cầu, ngay những người ngoại, những kẻ không liên quan gì đến cây bá hương hay với vương quốc. Còn câu « Tất cảsẽ nhận biết chính Ta là ĐỨC CHÚA » có nghĩa là chính Ta là Đức Chúa không có chúa nào khác, đây là đề tài thường do các tiên tri dùng để chống lại nạn thờ lạy bụt thần.  Đoạn sau đó cũng triển khai cùng một đề tài : khi một tiên tri nhấn mạnh về sức mạnh của Thiên Chúa là luôn để cho thấy rõ sự tương phản với các bụt thần, bụt thần thì không bao giờ có một cử chỉ gì, hay một hành động gì.

« Ta hạ thấp cây cao và nâng cao cây thấp,Ta làm cho cây xanh tươi phải khô héo » Câu nàykhông phải  để giới thiệu Thiên Chúa dùng các tạo vật để tiêu khiển tuỳ hứng của Ngài… Nếu như thế thì đáng ngại lắm ! Nhưng trái lại, chủ đích là để trấn an cho chúng ta, đại để như Chúa nói « Không có gì là không thể được đối với Thiên Chúa ». Này các con là những kẻ có đức tin, đừng để cho một ai tác động, tất cả là trong bàn tay của Thiên Chúa : « Chính Ta là ĐỨC CHÚA, Ta đã phán là Ta thực hiện ». Câu này có ít nữa hai ý nghĩa.

Nghĩa đầu tiên, dĩ nhiên là quyền lực của Chúa, Lời Ngài có công hiệu. Bài thơ Tạo Dựng trong chương đầu sách Sáng Thế  lập lại nhiều lần như một điêp khúc  « Thiên Chúa phán: liền có như vậy ». Nghĩa thứ hai, đây hẳn là một lời nhắc nhở cho dân Do Thái, một lời hứa thật quan trọng, hay một nguồn hi vọng vĩ đại. Có thể hiểu tiên tri Ê-dê-ki-en nói ở đây đại khái là « Thật vậy, chúng ta đã mất tất cả, nhưng đừng quên là Chúa luôn luôn trung thành với lời hứa của Ngài. Vì lẽ đó, dù nhìn bề ngoài có gì đi nữa  lời hứa với vua Đa-vít luôn còn giá trị « Ta đã phán là Ta thực hiện » Lời hứa cho vua Đa-vít qua lời tiên tri Na-than 400 năm về trước, tiên báo sẽ có một vị vua lý tưởng đến từ giòng dõi này. Chúng ta có thể đọc trong sách thứ hai Sa-muy-en «  12 Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi -một người do chính ngươi sinh ra-, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền.13 Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi.14 Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con. Khi nó phạm lỗi, Ta sẽ sửa phạt nó bằng roi của người phàm, bằng đòn của con người.15 Tình thương của Ta sẽ không rời khỏi nó, như Ta đã cho rời khỏi Sa-un, kẻ Ta đã bắt rời khỏi mặt ngươi.16 Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi."

17 Ông Na-than đã nói lại với vua Đa-vít, đúng y như tất cả những lời ấy và tất cả thị kiến ấy.(2Sm 7, 12…17)  Lời hứa này được các tiên tri truyền lại từ thế kỷ này sang thế kỷ khác đã nuôi dưỡng lòng cậy trông của dân It-ra-en trong những giây phút tối tăm nhất. Bài dụ ngôn của tiên tri Ê-dê-ki-en ở đây như một  biểu tượng để lập lại lời hứa ấy. Trong lúc đang trải nghiệm một cách bi đát sự bất lực của toàn dân, người tiên tri nhấn mạnh về công trình của Thiên Chúa, và chỉ có Thiên Chúa mà thôi, làm một nguồn hi vọng cho dân It-ra-en, dân được Thiên Chúa ban cho những lời hứa đó. 

***

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com