Lời Chúa CN

PHÚC ÂM CHÚA NHẬT 12 TN- B ( Mc 4,35-41) 21/06/2015

 

Alleluia, alleluia!

- Ngôi Lời đã làm người và đã ở giữa chúng ta. Những ai tiếp rước Người, thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa. - Alleluia.  

 

"Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

 

35 Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giê-su nói với các môn đệ: "Chúng ta sang bờ bên kia đi! "

36 Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng theo Người.

37 Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước.

38 Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: "Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao? "

39 Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: "Im đi! Câm đi! " Gió liền tắt, và biển lặng như tờ

40 Rồi Người bảo các ông: "Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?

"41 Các ông hoảng sợ và nói với nhau: "Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh? "

« … người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh? » Rõ ràng, các phần tử đang kích động mạnh lại vâng lời Ngài lập tức.  Thánh sử Mác-cô nhấn mạnh đến sự tương phản, một đàng là :  « một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước », các môn đệ cuống lên và đánh thức Chúa dậy. Đàng khác là :  chỉ cần Chúa phán một lời cho biển và gió : « Im đi! Câm đi! » là biển lặng gió êm.

« Vậy người này là ai ? » : đây là câu hỏi quan trọng mà thánh Mác-cô hỏi suốt bài Tin Mừng… câu trả lời cũng bằng một câu hỏi.  Ai có thể có uy quyền trên biển cả và trên mọi tạo vật, nếu không phải là chính Thiên Chúa ? Đây cũng là đề tài chúng ta găp trong bài đọc 1 về ông Gióp. :

« 1 Bấy giờ, giữa cơn bão táp, ĐỨC CHÚA lên tiếng trả lời ông Gióp như sau:
8
Cửa đại dương, ai ra tay khép lại khi nước tuôn trào từ đáy vực sâu,

9 khi Ta giăng mây làm áo nó mặc,
phủ sương mù làm tã che thân?

10 Đường ranh giới của nó, chính Ta vạch sẵn,
lại đặt vào nơi cửa đóng then cài;11 rồi Ta phán: "Ngươi chỉ tới đây thôi,
chứ không được tiến xa hơn nữa,
đây là nơi các đợt sóng cao phải vỡ tan tành! "
( G 38)

Như tiếng vang, các thánh vịnh cũng ca ngợi quyền bá chủ của Thiên Chúa :

« 5 Chúa lập địa cầu trên nền vững,
khôn chuyển lay muôn thuở muôn đời!

6 Áo vực thẳm choàng lên trái đất,
khối nước nguồn tụ lại đỉnh non cao.

7 Nghe tiếng Ngài doạ nạt, chúng đồng loạt chạy dài;
sấm Ngài mới rền vang, chúng kinh hoàng trốn thoát,

8 băng qua núi qua đồi, chảy xuôi ra đồng nội
về nơi Chúa đặt cho.

9 Ngài vạch đường ranh giới ngăn cản chúng vượt qua,
không còn cho trở lại dâng lên ngập địa cầu.
( Tv 103 (104) ;

8 Biển cả gầm vang, sóng cồn gào thét,
người muôn nước náo động xôn xao:
Ngài khiến tất cả phải im hơi lặng tiếng.
( Tc 65,8)

Thánh Kinh nói vì Thiên Chúa làm chủ mọi vạn vật quá tốt như thế nên Ngài dùng quyền năng ấy phục vụ dân Ngài :

«  7 Người ta thấy mây che phủ doanh trại ;
nơi trước kia là nước, đất khô ráo nổi lên,
một lối đi thênh thang lộ ra từ Biển Đỏ
và từ nước lũ xuất hiện cánh đồng xanh.

8 Có tay Ngài che chở, toàn dân đã đi qua
và chứng kiến bao điềm thiêng dấu lạ.
( Kn19-7-8)

 Hay

«  17 Nước đã thấy Ngài, lạy Thiên Chúa,
thấy Ngài, nước rùng mình khiếp sợ,
cả vực sâu cũng run rẩy kinh hoàng.
  (Tv 76 (77) 17) 

Ngay trong lúc ấy, dân chúng tự hỏi : «  "Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh? ", các tông đồ tìm ra được câu trả lời ! Người ấy là Chúa, vì thế mà thánh Mác-cô chép rằng «  41 Các ông hoảng sợ ». Các ông hoảng sợ vì các ông ý thức rằng các ông đang đứng trước mặt chính Thiên Chúa. Cho dù trước đó các ông khiếp đảm vì bão tố, bây giờ sự yên tĩnh đã trở lại một cách nhiệm mầu thì bây giờ các ông cũng sợ vì đang hiện diện trước mặt Chúa, đấng duy nhất có thể làm cho mọi bão táp lặng yên. Vì lẽ các ông đã nghe Chúa  truyền lệnh cho biển cả như Ngài đã làm cho ma quỷ tại Ca-phác-na-um. ( Mc 1,25) «"Câm đi, hãy xuất khỏi người này! »  Các tông đồ đã diễn giải lệnh của Chúa Ki-tô truyền cho sóng gió trên hồ Ti-bê-ri-át như một chứng cứ là Chúa cũng làm chủ tất cả sự dữ.

Nhưng điều đáng ngạc nhiên không phải vì các tông đồ hoảng  sợ lần đầu trước bão tố và lần thứ hai ý thức rằng đang đứng trước Thiên Chúa. Điều đáng ngạc nhiên nhất là câu hỏi của Chúa Giê-su : « Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin? » Điều lạ lùng là Chúa ngạc nhiên !  Ngạc nhiên đến nỗi Chúa trách các ông !  Mặc dù phải chăng sợ bão táp là bước đầu của sự khôn ngoan ? Đơn sơ ý thức về sự yếu đuối, những giới hạn của chúng ta. Khi đứng trên chiếc thuyền đang chao đảo, gió bắt đầu nổi lên chúng ta bắt đầu sợ, và khi bão tố nổi lên thì thật là khiếp! Như thế còn nói gì những cơn bão trong đời chúng ta, hay trong thế gian ?

« Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao? » Rất có thể chúng ta cũng hỏi Chúa như thế, và thánh Mác-cô nhấn mạnh rằng chúng ta bị cám dỗ tự giải thích sự im lặng của Chúa bằng sự dửng dưng. Nhưng theo Chúa, sợ là thiếu lòng tin. « Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin? » Sau đó Ngài bình tĩnh làm chủ tình hình. Chúa không có một giây phút lo sợ vì Ngài có lòng tin. Ngài biết Cha Ngài ban cho Ngài quyền sai khiến biển và gió bão. Nghĩ như thế, chính sự bất lực của chúng ta mới thiếu lòng tin ! Xin đừng có mơ tưởng rằng từ nay chúng ta toàn năng : sự thật sẽ nhanh chóng chứng minh cho chúng ta ngược lại. Nhưng có lòng tin tức là với Ngài, tất cả có thể được ! Ngay cả làm cho yên biển động và điều quan trọng hơn thế nữa, chiến thắng sức mạnh của sự dữ. Chúa nói cho con người sau khi tạo dựng họ « thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống» ( St 1,28). Đây không phải một lời nói bâng quơ ! Khi xưa cũng như ngày nay, đó là kế hoạch Chúa dành cho chúng ta. Kế hoạch của Thiên Chúa được thực hiện qua Chúa Giê-su Ki-tô, Ngài nói :  « Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất » ( Mt 28,18). Kể từ nay thánh Phao-lô nói cho chúng ta : «14 Tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc chúng tôi »  (2Cr5,14) Kể từ nay không có gì có thể ngăn cách tình yêu ấy với chúng ta, tình yêu lãnh nhận từ lúc được Rửa tội. Chắc hẳn chính tình yêu ấy luôn thôi thúc chúng ta để chúng ta vươn lên phía trước.  « Hãy tiến lên… » 

Xin nghe thánh Phao-lô nói lại cho chúng ta « phàm ai ở trong Đức Ki-tô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi »( 2Cr 5,17).Kể từ nay chúng ta không còn trong những thọ tạo ban đầu nữa. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà thánh sử Mác-cô ghi rõ lúc đầu bài hôm nay lệnh của Chúa Giêsu  « Chúng ta sang bờ bên kia đi! » Từ buổi sáng ngày Phục sinh  « chúng ta sang bờ bên kia » , bờ của sự thọ tạo mới. Bấy giờ hãy hòa cùng nhịp với sự xáo trộn cả thế giới từ ngày Chúa Phục Sinh. «  cái ( thọ tạo)  mới đã có đây rồi. (2Cr5,17). Đây rồi ! Người Ki-tô hữu là người nói « kể từ nay ! » Kể từ nay không còn gì như trước nữa. Nhân loại cũng mới, như mới được sinh ra. Kể từ nay chúng ta sống đời sống mới của Chúa Ki-tô Phục Sinh, một thế giới liên đới, công bằng và biết chia sẻ. Từ nay chúng ta sống như Chúa Giê-su không phải để được phục vụ mà để phục vụ. Nếu chúng ta ghép vào đời sống của Ngài, chúng ta sẽ được sống với Ngài, một đời sống để phục vụ tha nhân. Chúng ta có thể khóc cùng với người khóc và đương đầu với những cuộc chiến như Chúa Giêsu để khống  chế mọi cơn bão táp của con người, thắng sự dữ và hận thù dưới mọi hình thức. Mọi Ki-tô hữu đều có thể nói như thánh Phao lô « Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi » ( Gl 2,20) Chỉ cần như sách Do Thái nói : « 2 mắt hướng về Đức Giê-su là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin. Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục, và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa » ( Dt 12,2) . Cuối cùng chữ « không thể được »  không phải của người Ki-tô !

***.

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com