Lời Chúa CN

Thánh Vịnh CHÚA NHẬT XVII TN-B (Tv144 145 , 10-11,15-18) 26/ 07/ 2015

"Lạy Chúa, Chúa mở rộng bàn tay ra, và thi ân cho chúng con được no nê." 

10 Lạy CHÚA, muôn loài Chúa dựng nên phải dâng lời tán tạ,
kẻ hiếu trung phải chúc tụng Ngài,

11 nói lên rằng: triều đại Ngài vinh hiển,
xưng tụng Ngài là Đấng quyền năng,

15 Lạy Chúa, muôn loài ngước mắt trông lên Chúa,
và chính Ngài đúng bữa cho ăn.

16 Khi Ngài rộng mở tay ban,
là bao sinh vật muôn vàn thoả thuê.

17 CHÚA công minh trong mọi đường lối Chúa,
đầy yêu thương trong mọi việc Người làm.

18 CHÚA gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Chúa,
mọi kẻ thành tâm cầu khẩn Người.

Bài này tóm gọn tất cả niềm tin It-ra-en: Sự khám phá một Thiên Chúa đầy tình thương, giàu lòng tha thứ, kêu gọi dân Ngài “Các con hãy về với Ta”. Bài thánh vịnh là lời đáp của dân Chúa khi trở về với Ngài : « 2 Ngày lại ngày, con xin chúc tụng Chúa và ca ngợi Thánh Danh muôn thuở muôn đời. » ( câu2) ; đúng là một bài thánh ca của niềm tin trở lại.

Vì thế không lạ gì bài thánh vịnh này được chọn làm kinh mai của dân Do Thái. Đối với người Do Thái, mỗi buổi sáng (bình minh một ngày mới) gợi lên một cách tất nhiên buổi bình minh của ngày vĩnh viễn, ngày của thế giới về sau, ngày sáng thế mới…Nếu chúng ta đi sâu hơn vào đời sống thiêng liêng của dân Do Thái, sách Talmud (Giáo lý của các kinh sư trong những thế kỷ sau Chúa Giê-su Ki-tô) quả quyết rằng những ai đọc bài thánh vịnh này ba lần mỗi ngày « có thể chắc chắn sẽ là con cái của thế hệ mai sau ».

Chúng ta đã gặp rồi bài thánh vịnh này và có dịp chiêm ngắm cấu trúc của nó. Nếu xem lại Thánh Kinh chúng ta nhận thấy bài này thuộc loại thánh vịnh theo vần ABC. Chúng ta cũng biết trước rằng đó là bài thánh vịnh tạ ơn Giao Ước : đó là cách nói « tất cả đời sống chúng ta từ A tới Z » ( tiếng Do Thái từ Aleph tới Tav) được chìm đắm trong Giao Ước, trong sự trìu mến của Thiên Chúa. Điều đáng lưu ý thứ hai là, mỗi câu đối với nhau một cách đặc sắc. Điều này gọi chúng ta đọc mỗi câu hai lần hoặc chia làm hai bè.

Nếu chúng ta đọc kỹ những câu được chọn hôm nay chúng ta nhận thấy hai điều : Trước hết chúng ta thấy sự Mặc khải của Chúa một cách đầy đủ và cô đọng, và điều thứ hai là nó hoàn toàn thích hợp cùng âm điệu với các bài đọc khác của ngày Chúa nhật.

Sách các Vua II trong Bài Đọc  Một chép : « Cứ phát cho người ta ăn! Vì ĐỨC CHÚA phán thế này: Họ sẽ ăn, mà vẫn còn dư.44 Tiểu đồng phát cho người ta. Họ đã ăn, mà vẫn còn dư, như lời ĐỨC CHÚA phán » ( 2V 4,43-44) Thánh vịnh chúng ta đáp lại như tiếng vang : «15 Lạy Chúa, muôn loài ngước mắt trông lên Chúa,và chính Ngài đúng bữa cho ăn.16 Khi Ngài rộng mở tay ban,là bao sinh vật muôn vàn thoả thuê. ».

Câu 3 trong thánh vịnh chép : « 3 CHÚA thật cao cả, xứng muôn lời ca tụng. Người cao cả khôn dò khôn thấu » chữ cao cả trong các thánh vịnh dành cho vua chúa, vì thế câu đầu (không được đọc hôm nay) « Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con, con nguyện tán dương Chúa và chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời.». Nhưng vị vua này không phải vị vua như chúng ta thấy trên đời. Vị vua vừa đầy quyền năng vừa nhân từ : Ngài chỉ muốn chúng ta hạnh phúc…Đó là điều It-ra-en khám phá ra suốt lịch sử dân tộc. Khi nói tới quyền năng của vị vua ấy tức là nói quyền năng của lòng nhân từ « 8 CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương. » ( C8) Đó là câu tóm lược hay nhất về sự mặc khải của Chúa qua Thánh Kinh. Tiên tri I-sa-i-a đã nói : « Thiên Chúa giàu lòng tha thứ »( Is55,7) có ngụ ý tất cả ý kiến khác là đồi bại. Về điều này It-ra-en có thể nói vì đã trải nghiệm bao nhiêu lần, đặc biệt khi bị lưu đày sang Ba-by-lon đã cầu khẩn đến Chúa và được tha thứ sau cùng được quay về xứ ?...Kể từ nay dân chúng tựu về Đền thánh vừa được xây cất lại để hết lòng ca cụng : Thật vậy : « 18 CHÚA gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Chúa,mọi kẻ thành tâm cầu khẩn Người »  

Sứ vụ của họ, họ hiểu, là phải hát lớn lên lời ca tụng để mọi người biết : Chúa giàu lòng tha thứ, nhân ái và từ bi, và tất cả cho mọi người không trừ ai ! « 9 CHÚA nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.» ( c9) Còn bài dụ ngôn kể rằng một chủ nhân trả cho công nhân cùng một đồng lương, bất cứ người cũ người mới, người làm nhiều giờ người làm ít giờ, sinh ra bất bình nơi người làm nhiều giờ. Đó là cách nói « xin đừng lầm » : lẽ công chính trên đời không dựa vào cán cân, mà vào tình yêu. Nếu anh em yêu mến mọi người như chính mình thì anh em sẽ vui mừng vì lòng quảng đại của Ta. Nếu chúng ta xem cả bài thánh vịnh này chúng ta khám phá ra những nét rất giống Kinh Lạy Cha. Ví dụ như Cha Chúng ta nói với Chúa như với một người Cha và như một vị vua : người Cha là Thiên Chúa nhân hậu và hay tha thứ của bài thánh vịnh, một vị vua mà mục đích là hạnh phúc cho mọi người : « Lạy Cha chúng con…xin cho chúng con…xin tha chúng con…xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ….nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời… » vì chúng ta biết rằng ý của Ngài như thánh Phao-lô nói là: « 4 Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý (1Tm2,4).. Bây gờ chúng ta hiểu vì sao bài thánh vịnh 144 (145) này được dân tộc đầu tiên biết đối thoại với Thiên Chúa như Người Cha chọn làm kinh mai.

***

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com