Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 Lễ ĐỨC MẸ Lên Trời ABC ( 1Cr 15,20-27a) 15/08/2015

"Hoa quả đầu mùa là Đức Kitô, đoạn đến những kẻ thuộc về Chúa".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

 

20 Nhưng không phải thế! Đức Ki-tô đã trổi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu.

21 Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại.

22 Quả thế, như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống.

23 Nhưng mỗi người theo thứ tự của mình: mở đường là Đức Ki-tô, rồi khi Đức Ki-tô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người.

24 Sau đó mọi sự đều hoàn tất, khi Người đã tiêu diệt hết mọi quản thần, mọi quyền thần và mọi dũng thần, rồi trao vương quyền lại cho Thiên Chúa là Cha.

25 Thật vậy, Đức Ki-tô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người.

26 Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết,

27 vì Thiên Chúa đã đặt muôn loài dưới chân Đức Ki-tô.

Ngày chúng ta cử hành trọng thể mừng Đức Mẹ Lên Trời thì Giáo Hội đề nghị chúng ta trong Phụng vụ suy gẫm với thánh Phao-lô sự phục sinh của Chúa Ki-tô, đối chiếu với cái chết của A-đam. Từ đó chúng ta có vài dữ kiện để suy nghĩ : điều gì có chung cả Đức Mẹ và Chúa Ki-tô mà A-đam không có ?

Chính bài Phúc Âm hôm nay nói về cuộc Viếng Thăm bà Ê-li-sa-bét, giúp chúng ta chiêm ngắm Đức Mẹ, người có đức tin, bà Ê-li-sa bét nói : «45 Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em »( Lc1,45). Đức Mẹ đã tin, tức là chấp nhận, không cần hiểu hết những gì sẽ xảy ra, kết hiệp với công trình của Thiên Chúa về ngài. Câu trả lời của Đức Mẹ cho xứ thần là mẫu gương người tín hữu : «Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói » ( Lc1,38). Thế nhưng, nhiều lần «một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà » (Lc2, 35), như ngôn sứ Si-mê-ôn đã tiên báo. Điều tóm luợc tốt nhất thái độ của Đức Maria là câu : «Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa»      (Lc1,38b). Đức Maria đơn sơ chấp nhận đời sống của ngài để phục vụ công trình của Chúa, và trong bài Magnificat, ngài cho chúng ta biết những ưu tư thầm kín của ngài : Đức Maria tự phát, nhìn lại cuộc đời của mình dưới ánh sáng của công trình Thiên Chúa cho dân Ngài, « 55 như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời » (Lc1,55).

Luôn luôn trong Thánh Kinh, mọi người đều biết điều đòi hỏi chúng ta là phải sẵn sàng trả lời « lạy Chúa, con đây », Áp-ra-ham, Mô-sê, Sa-mui-en được Chúa gọi đều biết trả lời như thế. Nhờ thế công trình của Thiên Chúa có thể vượt qua một giai đoạn mới. Lần lượt đến Chúa Ki-tô cũng theo một hành trình ấy của người tín hữu, và Tân Ước lúc nào cũng cho chúng ta những tấm gương tương tự. Trong đoạn Chúa bị Cám Dỗ, Ngài là Người trả lời những quyến rũ của kẻ cám dỗ chỉ bằng những lời nói của đức tin. Sở dĩ Chúa dạy cho chúng ta trong kinh Lạy Cha : « xin cho ý Cha được thực hiện », là vì đó là điều Ngài quan tâm nhất. Cũng như Ngài nói cho các Tông Đồ trong đoạn về người đàn bà xứ Sa-ma-ri : « Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người » (Ga 4,34). Trước khi chết, trong vườn cây dầu Ngài không đính chính lại: « Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha »         ( Mt 26,39). Và khi tác giả sách Do Thái tóm lược cuộc đời Chúa Giê-su, người viết : « … khi vào trần gian, Đức Ki-tô nói…Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài »(Dt 10,5…10)  Sở dĩ Chúa luôn luôn vâng phục, bất cứ trong tình huống nào là vì Người luôn cậy trông. Từ Ngài chúng ta cũng có thể nói « Phúc cho ai tin …» Sự phục sinh của Chúa đến để chứng minh rằng con đường Ngài chọn, con đường của đức tin, chính là con đường của sự sống, mặc dù trong ấy có sự chết thể xác.

Thánh Phao-lô trong thư cho tín hữu thành Roma hay trong thư này cho tín hữu Cô-rin-tô, ngài không ngừng đối chiếu hai thái độ giữa Chúa Ki-tô và A-đam : A-đam là những gì trái ngược hẳn lại, đối với Cây Hằng Sống cũng như làm chủ các tạo vật. Ông ngờ vực, không tin vào lòng nhân từ của Chúa. Từ chối không tuân theo một lề luật nào của Chúa. Thánh Phao-lô không có ý định nói nếu ông A-đam không phạm tội thì sao, nhưng ngài muốn nhắc lại cho chúng ta chỉ có con đường đưa đến sự sống đó là đi vào niềm vui của Thiên Chúa. Từ ngày A-đam bắt đầu nghi ngờ Chúa, ngày ấy ông ta đã quay lưng lại với Cây Hằng Sống. Phải nói lên điều này trong thì hiện tại, vì đối với thánh Phao-lô, A-đam không phải một người của quá khứ, đó là một loại người. Các giáo trưởng Do Thái thường nói : « Mỗi người chúng ta là một A-đam ».

Nhờ thế chúng ta hiểu câu sau đây của thánh Phao-lô : «  .22 Quả thế, như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống » (1Cr 15,22). Khi chúng ta sống như A-đam là chúng ta xa cách Chúa và chúng ta tự cắt lìa với sự sống mà Chúa muốn cho chúng ta sống dồi dào. Trái lại chọn con đường tin cậy như Chúa Ki-tô trong bất cứ tình huống nào, là bước thêm một bước gần đến sự sống thật. Như Chúa Giê-su nói trong Tin Mừng theo thánh Gio-an : «3 Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Ki-tô ». (Ga17,3). Nhận biết theo Thánh Kinh là tin, yêu mến, cậy trông. Như thánh Phao-lô nói : « nhờ liên đới với Đức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống »     (1Cr 15,22), tức là ghép cùng với Ngài, bằng cách sống giống như Ngài.

Bà Ê-li-sa-bét nói về Đức Maria : «45 Em thật có phúc, vì đã tin » (Lc1,45a). Chúa Giê-su cũng áp dụng lời chúc phúc ấy cho những kẻ tin «"Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành. » (Lc 8,21)  

***

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com