Phút cầu nguyện

Lectio Divina - Chúa nhật 6 Phục Sinh 2021 - Ga 15, 9-17

“ANH EM HÃY YÊU THƯƠNG NHAU

NHƯ THẦY ĐÃ YÊU THƯƠNG ANH EM”

Tin Mừng theo Thánh Gioan 15, 12

 

Hát 1 thánh ca mùa Phục Sinh.

Chúng ta hãy cầu nguyện để bắt đầu.

 

Nhân Danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Amen.

Lạy Thiên Chúa toàn năng, trong những ngày vui này, xin cho tất cả chúng con biết đem lòng sốt sắng mừng Ðức Kitô phục sinh,  để Người hiện diện trong cuộc đời chúng con và làm cho chúng con được đổi mới.

Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen

(Sách Lễ, Chúa Nhật 6 Phục Sinh)

 

1 - LẮNG NGHE LỜI CHÚA

Một người công bố Tin Mừng theo Thánh Gioan, chương 15,9-17.

Mọi người đứng lắng nghe. Sau đó, mỗi người, ngồi, tự mình đọc lại Lời Chúa, to-rõ-chậm, đủ nghe, một hay hai lần, nếu cần.

 

2 - SUY NIỆM

Sau khi đọc, dành vài phút thinh lặng, nhớ lại Lời Chúa và suy nghĩ về 1 hay 3 câu hỏi gợi ý sau đây:

  • Lời Chúa hôm nay nói gì với TRÍ tôi về Chúa Giêsu?

Tôi hiểu biết Chúa tôi rõ hơn ở chỗ nào?

  • Lời Chúa hôm nay đánh động TÂM tôi ở chỗ nào?

Lòng tôi được thúc đẩy yêu mến Chúa Giêsu hơn ở điểm nào?

  • Lời Chúa hôm nay thúc đẩy THÂN tôi làm gì để đi theo Chúa?

(Nếu đã quen làm Lectio Divina trong Nhóm hay ở gia đình, sau khi suy niệm, có thể mời vài người chia sẻ vắn tắt câu trả lời của mình ).

 

3 - CHIÊM NGHIỆM

Đọc lại Lời Chúa một lần nữa, sau đó suy nghĩ : Lời Chúa tôi nghe được hôm nay nối kết với kinh nghiệm cuộc sống hàng ngày của tôi ở chỗ nào?

  1. "Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy" (c.9).

Chúa Giêsu bảo tôi "Thầy yêu mến anh em như Chúa Cha yêu mến Thầy", "hãy ở lại trong tình thương của Thầy!". Đó là "tình thương của một người đã hy sinh mạng sống vì bạn hữu" (c.13), theo gương của Chúa Cha "đã trao nộp Con Một vì hết thảy chúng ta". (Rôma 8,32). Tôi hãy nhớ lại tình thương Chúa đã dành cho tôi trong Giáo Hội (7 hồng ân cứu độ), trong cuộc sống của mình, và những khi Chúa đáp lời tôi cầu xin bao năm qua, để cảm nghiệm được và xác tín hơn tình thương Chúa Giêsu đối với mình.

......................................................................................................

......................................................................................................

 

  1. “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy." (câu 10).

"Hãy ở lại trong tình thương của Thầy" có phải là điều chúng ta quan tâm không? Cũng như hình ảnh cành nho gắn liền với cây nho, "hãy ở trong Thầy", "hãy nên một với Thầy". Chúa Giêsu muốn chúng ta ở lại, ở luôn trong tình thương của Chúa. Điều này trở nên dễ dàng hơn cho chúng ta từ khi Con Thiên Chúa đã "trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta" (Gioan 1, 14), sống 30 năm trong gia đình, 3 năm đi rao giảng rồi chết trên thập giá vì yêu thương tôi (x. Galát 2,20). Tôi có thường suy đi ngẫm lại Lời Chúa Giêsu như Mẹ Maria, để suy niệm cuộc đời Chúa Giêsu, nghiệm ra tình thương của Chúa mà chăm lo thực hành lời Chúa dạy, là "điều răn của Thầy" chưa? Tại sao?

.....................................................................................................

.....................................................................................................

 

  1. “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em" (c.12).

Điều răn mới Chúa Giêsu đã ban trong bữa Tiệc ly khi lập giao ước mới nơi Bí tích Thánh Thể. Điều răn này được minh họa bởi việc rửa chân các môn đệ. "Anh em hãy làm như Thầy vừa làm" (Gioan 13,13-15). Rửa chân là sống hiệp thông, là yêu thương vì nên một trong Chúa. Yêu thương là muốn anh em sống. Việc này được thực hiện trong gia đình, trong cộng đoàn, trong giáo xứ. Vì thế, chúng ta không chỉ giữ đạo ở nhà thờ, mà còn sống đạo ngoài nhà thờ. Vì điều răn yêu thương là mặt trái của điều răn "anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy" (Lc 22,19). Tôi đã giữ điều răn này như thế nào?

......................................................................................................

.....................................................................................................

 

4 - CẦU NGUYỆN

Tôi đọc lại Lời Chúa một lần nữa.

Rồi dâng lời ngợi khen, cảm tạ, xin tha thứ, cầu cho mình hay chuyển cầu cho người khác, tùy theo sự thúc đẩy của Lời Chúa.

* Khi chia sẻ chung, hãy để giờ cho anh chị em dâng lời nguyện.

\

Lời nguyện kết. (theo Bài đọc 2 Thư 1 Gioan 4, 7-10)

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy chúng con :

“Các con hãy yêu thương nhau,

vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa.

Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra,

và người ấy biết Thiên Chúa.

Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa,

vì Thiên Chúa là tình yêu.

Tình yêu của Thiên Chúa đối với các con

được biểu lộ như thế này:

Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian

để nhờ Con Một của Ngài mà các con được sống.

Tình yêu cốt ở điều này: không phải các con đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu thương các con,

và sai Con của Ngài đến làm của lễ đền tội cho các con.”

Chúng con xin ngợi khen và tạ ơn Chúa.

 

5 - HÀNH ĐỘNG TRONG TUẦN

* Tôi chọn 1 câu Tin Mừng để suy ngẫm trong ngày.

* Trong tuần này, tôi xem xét điều mình chiêm nghiệm ở mục 3 trên đây. "Hãy yêu thương nhau như Thầy đã …"

................................................................................................

 

CẦU NGUYỆN VỚI ĐỨC THÁNH CHA

Mỗi ngày đều mang đến cho chúng ta một cơ hội mới, một khả thể mới. … Chúng ta có không gian cần thiết để cùng chịu trách nhiệm trong việc tạo ra và áp dụng các diễn trình và thay đổi mới. Chúng ta hãy tham gia tích cực vào việc đổi mới và hỗ trợ các xã hội đang gặp khó khăn của chúng ta.

Hôm nay, chúng ta có cơ hội lớn để phát biểu tình huynh đệ bẩm sinh của mình, trở thành những Người Samaritanô nhân hậu, những người gánh nỗi đau rắc rối của người khác thay vì xúi giục lòng căm thù và oán giận lớn hơn. ….

Chúng ta có thể bắt đầu từ bên dưới và tùy từng trường hợp, hành động ở các bình diện cụ thể nhất và có tính địa phương, và, sau đó mở rộng đến những vùng xa xôi nhất của đất nước và thế giới của chúng ta, với cùng sự quan tâm và chăm sóc mà người Samaritanô đã biểu lộ với từng vết thương của người đàn ông bị thương. Chúng ta hãy tìm kiếm người khác và đón nhận thế giới trong hiện trạng của có, mà không sợ đau đớn hay cảm thức bất cập, vì ở đó chúng ta sẽ khám phá ra tất cả những điều tốt lành mà Thiên Chúa đã gieo trồng vào lòng con người.….

Người Samaritanô, người đã dừng lại dọc đường, đã lên đường mà không hề mong đợi được công nhận hay biết ơn. Nỗ lực giúp đỡ một người khác của ông đã mang lại cho ông một sự hài lòng to lớn trong cuộc sống và trước mặt Thiên Chúa của ông, và do đó trở thành một nghĩa vụ. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm đối với những người bị thương, những người của dân tộc chúng ta và của mọi dân tộc trên trái đất. Chúng ta hãy quan tâm đến nhu cầu của mọi người nam và người nữ, người trẻ và người già, với cùng một tinh thần chăm sóc và gần gũi huynh đệ từng lên đặc điểm cho người Samaritanô nhân hậu.

(trích Tông Huấn "Tất cả là anh em", số 77-79)

 

website : giadinhctc.com


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com