Sức khỏe

Tiểu Đường: Tôi chết hay BS chết thay tôi?

Trước hết De Colores xin lỗi bạn đọc vì tựa đề có tính cách khiêu khích tranh luận. Khó bệnh nhân nào có can đảm hỏi BS như thế, nhưng nên giữ trong bụng câu hỏi này để có đúng tư thế nghiêm túc một bệnh nhân tiểu đường (TĐ)! (Bệnh này còn được gọi là Đái Tháo Đường.)

Thật vậy, bài này không có tham vọng là một bài để nghiên cứu về bệnh tiểu đường, sờ dĩ mang tựa đề như thế là mong gợi chú ý anh chị có thân nhân, hay chính mình bị TĐ đọc bài này, có thể rút ra vài sứ điệp giúp chữa trị hiệu quả hơn. Đặc biệt hơn mọi bệnh mãn tính nào khác, ở đây chính bệnh nhân mới có thể chữa cho mình.

Người bị TĐ ngày càng nhiều. Đây là một bệnh nặng gây ra những biến chứng nguy hiểm dẫn đến trường hợp mất sức khỏe mãn tính, dần dần gây tử vong thường trong đau đớn và tốn kém. Tuy nhiên bệnh có thể chữa được, nhờ nỗ lực kiên trì của chính bệnh nhân. BS chỉ đóng vai trò cố vấn chuyên môn. Nếu chỉ trông nhờ vào BS là mất đi nhiều khả năng chữa trị hữu hiệu.

Đó là sứ điệp chính của bài này, và cố tình giới hạn cho những người đã được chẩn bệnh, đặc biệt không đề cập triệu chứng TĐ và dấu hiệu cần biết sớm. Các bạn có thể tra hỏi thêm qua Google để tham khảo, hay viết cho BBT.

Có hai loại TĐ : nhóm I và Nhóm II, còn gọi là TĐ Týp I và TĐ Týp II. Týp I hiếm hơn chỉ chữa trị bằng tiêm Insulin, bài này chỉ nói tới TĐ týp II là đa số bệnh nhân tiểu đường.

Theo y khoa Pháp, khi một người được chẩn đoán bị TĐ, đầu tiên BS phải làm gì?

Trong lúc chờ đợi xét nghiệm bổ túc, họ gửi bệnh nhân đi HỌC một khoá huấn luyện ngắn chỉ một buổi mà thôi, thường thường trong một bệnh viện lớn. Sau nhiều năm nghiên cứu về cách làm này, thống kê cho biết số bệnh nhân được học khoá này có kết quả chữa trị lâu dài thật tốt, tức là con số tử vong rất nhỏ so với nhóm các bệnh nhân không theo học khóa huấn luyện.

Họ học gì? Họ học cho biết trả lời ba câu hỏi:

1-      TĐ là gì?

2-      Nếu không chữa trị nghiêm túc, tôi sẽ ra sao, tức là có những biến chứng nào?

3-      Làm sao tránh những biến chứng ấy?

Chúng ta thử tìm trả lời ba câu hỏi ấy:

A-    Bệnh Tiểu Đường là gì?

Tieuduong01

Người bệnh Tiểu Đường là người có đường huyết lúc bụng đói cao hơn, hay bằng 1,26g/lít. (7mmol/l) (Bình thường dưới 1g/lít.)

Tất cả những gì chúng ta ăn vào cơ thể được biến thành một « nguyên liệu » cho cơ thể xử dụng, trong đó chính yếu là đường Glucose. Nguyên liệu này muốn được xử dụng, đặc biệt là các cơ bắp phải có một nội tiết từ tuyến tụy, gọi là Insulin. Tuyến tuỵ là một bộ phận nằm cạnh dạ dày, tiết vào máu chất Insulin. Vì một lý do nào đó, (ví dụ như quá cân, béo phì, lớn tuổi, tuyến tụy làm việc quá tải, vì sai dinh dưỡng…) tuyến tụy không tiết đủ Insulin, đường huyết dư thừa vì không được dùng hết, sẽ dâng cao trong máu.

Khi đường huyết cao hơn 1,26g/l lúc ấy gọi là bệnh TĐ. (Theo đơn vị khoa học mới là cao hơn 7mmol/l)

Tại sao có con số 1,26g/lít?

Sau nhiều năm nghiên cứu, theo dõi lâu dài rất nhiều người có đường huyết cao hơn bình thường là 1,00g/l, kết quả chỉ những người có đường huyết cao hơn hay bằng 1,26g/l (hay 7mmol/l) mới có những biến chứng nguy hại. Những người có đường huyết (bụng đói ban sáng) cao hơn 1g/l nhưng còn dưới 1.26g/l thì chưa gọi là mắc bệnh TĐ. Những người này phải thay đổi cuộc sống (tập thể dục và kiểm soát chế độ ăn uống), và kiểm tra đường huyết thường xuyên, từ 1 đến 3 tháng.

B-     Các biến chứng của TĐ?

1- Tim: Có thể so sánh tim là máy bơm máu của cơ thể. Nếu, thay vì bơm máu nó phải bơm nước đường thì một thời gian ngắn tim sẽ bị suy: Suy tim là biến chứng quan trọng hàng đầu.

Tieuduong02

Suy tim

2- Thận: Bình thường có chức năng lọc máu, thải ra những chất dư thừa, hay độc hại của cơ thể. Nếu cặp thận thay vì lọc máu mà lại lọc nước đường thì các ống lọc li ti sẽ bị nghẽn dần trong thận. Suy thận là nguy cơ thứ hai. Các bạn thường nghe bệnh nhân TĐ phải chạy thận nhân tạo, mỗi tuần nhiều lần dài dài mới sống được, tốn kém vô cùng. Các bệnh nhân nghèo phải bó tay, chịu chết trong đau đớn vì suy thận cấp tính.

Tieuduong03

Suy thận

3- Động mạch:

Tieuduong04

là những ống dẫn máu từ tim ra nuôi các bộ phận. Dẫn máu là chức năng tự nhiên, nếu động mạch dẫn nước đường thì các ống nhỏ li ti dần dần sẽ bị nghẹt trước. Cũng giống như ống dẫn nước trong nhà, ta cho dẫn nước đường thì sẽ có vấn đề. Trong cơ thể chỗ nào cách xa tim nhất là có các động mạch nhỏ nhất. Các động mạch sau mắt là những động mạch nhỏ li ti để nuôi các bộ phận tinh vi của mắt là những nơi bị « nghẽn » trước hết: Mù mắt là nguy cơ TĐ rất thường và đáng ngại:

Tieuduong05 Tieuduong06

Mù mắt

Tieuduong07

Loét chân

Các động mạch cách xa tim trong cơ thể nữa là nơi hai bàn chân. Loét chân là nguy cơ nữa đáng chú ý.

C-    Chữa thế nào để tránh những biến chứng ấy, và tuổi thọ không bị giảm?

Tieuduong08

Chữa Tiểu Đường: 3 yếu tố quan trọng bằng nhau

Tam giác đều góc này biểu tượng trung thành nhất 3 yếu tố chữa trịTĐ. Thông thường ta chỉ nghĩ đến thuốc, hoặc thuốc là chính còn có khuynh hướng xem thường hai yếu tố kia: Trên thực tế ba yếu tố quan trọng như nhau:

1-      Tập thể dục

2-      Chế độ ăn uống

3-      Thuốc

Tập luyện thể lực hợp lý:Người bị TĐ cần thường xuyên tập thể dục, quan trọng nhất là làm cho hoạt động cơ thể là thói quen hàng ngày. Mục tiêu ít nhất 30 phút tập thể dục tuỳ theo sức và tuổi tác bệnh nhân mỗi ngày. Bộ môn nào thích hợp cho mình cũng được, dễ thực hiện nhất là đi bộ nhịp nhanh ít nhất 30 phút mỗi ngày.

Chế độ ăn uống: Về mục này thường không có đồng thuận về cách thực hiện thực tế, và có nhiều thành kiến sai lầm. Người bệnh TĐ không đơn giản chỉ cữ ăn đường! Phải hiểu những nguyên tắc tổng quát rồi rút ra cách thực hiện. Có thể hỏi BS chuyên khoa giúp ý kiến. Có vài tư tưởng để suy nghĩ:

-          “Đường” theo y học là nhóm Glucide không chỉ đường có vị ngọt thông thường, mà các chất “bột” như cơm, bún, khoai, nếp, các thứ đậu… cũng thuộc nhóm Glucide, nhưng là loại “đường chậm” lên trong máu. Các thứ “đường chậm” này ít “tai hại” hơn đường có vị ngọt, nhưng dùng quá nhiều trong bữa ăn cũng không hay.

-          Thể lượng là một yếu tố quan trọng. Nếu quá cân phải cố gắng giảm cân. Người cân bình thường (Xem bài Dinh Dưỡng trong trang Web này - lý tưởng IMC dưới 23) cũng phải thường xuyên kiểm tra, không nên lên-xuống quá 1kg thể lượng.

-          Một bữa cơm không thể bỏ các loại Glucide, nhưng có thể bớt đi các loại “đường”, thay thế bằng rau củ, lại thêm chất Protein từ thực vật, rất tốt cho cơ thể.

-          Trái cây không cấm nhưng dùng vừa phải trong ngày.

-          Phải có 3-4 bữa cơm không nên nhảy bữa, tránh chỉ ăn 1 hay 2 bữa cơm một ngày. Ăn một chút thức ăn dậm thêm 3 bữa cũng được nhưng ít nữa 2-3 giờ sau bữa cơm.

-          Các thức uống như bia, rượu và nước ngọt: hạn chế tối đa.

Thuốc trị Tiểu Đường: Xin nhắc lại, chỉ dùng thuốc khi hai yếu tố, tập luyện thể lực hợp lý và chế độ ăn uống áp dụng nghiêm túc mà đường huyết không xuống mức bình thường.

Bài này cố tình không triển khai nhiều về thuốc, vì chọn lựa thuốc tuỳ theo BS. Điều cần biết của bệnh nhân là xem mình có được chữa trị nghiêm túc và có kết quả hay không mà thôi.

Có thể nói trên thị trường có 5 nhóm thuốc uống (*), nhưng trên thực tế chỉ có 2 nhóm. Bài này có sứ điệp thực tế nên De Colores chỉ đề cập đến 2 nhóm thông thường nhất để nói rõ hơn phương thức xử dụng, đó là Nhóm 1 và Nhóm 2 trong danh sách sau đây (*):

1- Nhóm Biguanid: Metformine.

2- Nhóm kích thích tuyến tụy tiết thêm Insuline: Gliclazid (Diamicron*) – Glimepirid (Amarel*) và Glibenclamid (Daonil*).

3- Nhóm Thiazolidinedione.

4- Nhóm chẹn Alpha-Glucosidase.

5- Nhóm mới nhất: thuốc tương tự Incretine.

A-    Metformine: là thuốc thông thường nhất đã và sẽ còn giúp ích rất nhiều trong việc chữa trị bệnh TĐ. Thông thường BS đề nghị cho bệnh nhân quá cân ít hay nhiều. Thuốc không có nguy cơ tuột đường huyết. Phải uống sau bữa ăn. Tác dụng phụ thường nhất và không trầm trọng, thường qua đi sau một thời gian dùng: tiêu chảy, sình bụng, buồn nôn…

B-    Gliclazid-Glimepirid và Glibenclamid. Ba thứ này nên uống trước bữa ăn, thường BS đề nghị cho bệnh nhân không quá cân. Các thuốc này rất công hiệu nhưng có nguy cơ hạ đường huyết. Có thể kết hợp với Metformine.

Hạ đường huyết: Các bệnh nhân dùng 3 loại thuốc vừa kể nên biết các triệu chứng để sớm xử lý không để quá trễ có thể gây hôn mê, và đi đến tử vong, tuy rất hiếm.

Các dấu hiệu nhận biết hạ đường huyết: Hạ đường huyết được chia thành 3 mức độ khác nhau.

Hạ đường huyết mức độ nhẹ: bệnh nhân cảm thấy đói cồn cào, xót ruột, xuất hiện cảm giác mệt mỏi, tim nhịp nhanh, run tay, đánh trống ngực và vã mồ hôi.

Hạ đường huyết mức độ trung bình: người bệnh có các chứng như trên còn thêm thấy cơ thể bạc nhược, giảm hoạt động trí tuệ, lú lẫn, thay đổi tính tình, dễ bị kích động, xuất hiện hiện tượng dị cảm, nhìn một hoá hai, có các động tác bất thường, thậm chí có rối loạn giấc ngủ.

Những trường hợp hạ đường huyết nặng sẽ có thể xuất hiện lú lẫn cấp tính, người bệnh bị kích động mạnh, có dấu hiệu liệt nửa người (giả đột qụy) hoặc dấu hiệu thần kinh khu trú. Bệnh nhân có những cơn co giật, có thể ngắt quãng hoặc liên tục; hôn mê… rối loạn thần kinh đi đến tử vong. 

Làm gì khi bị hạ đường huyết?

Đối với những bệnh nhân khi thấy có dấu hiệu hạ đường huyết nhẹ và trung bình: phải nhanh chóng uống một thứ nuớc ngọt nào trong tầm tay: một cốc nước đường (150ml), hoặc nước ngọt đóng chai hay coca-cola, hoặc 150ml nước hoa quả (cam), để người bệnh nằm nghỉ ngơi yên tĩnh. Khi người bệnh tỉnh táo trở lại nên được ăn đầy đủ chất dinh dưỡng.

Đối với trường hợp hạ đường huyết từ trung bình đến nặng phải cho uống ngay nước ngọt như trường hợp nhẹ và chở ngay đến khoa cấp cứu bệnh viện gần nhất.

Phòng bệnh hạ đường huyết thế nào?

Để phòng bệnh, mọi người không nên nhịn đói, hoặc để cơ thể bị đói quá lâu, không nên nhịn ăn mà hoạt động thể lực quá mức. Nhất thiết không được bỏ bữa sáng, đặc biệt là người già, trẻ em, những người có bệnh mạn tính, cơ thể yếu. Đặc biệt những người lớn tuổi ăn cơm chiều sớm và hôm sau ăn sáng trễ. Ví dụ ăn cơm chiều lúc 17 giờ, sáng hôm sau ăn sáng lúc 7:00 giờ thì tính ra bụng đói đến 14 tiếng!

Trường hợp cảm cúm hay vì một lý do gì bỏ ăn hoặc tạm thời ăn ít, hoặc hoạt động thể lực khác thường, phải cẩn thận xử lý kịp thời hạ đường huyết hoặc có thể tạm bớt liều thuốc.

D-    Làm sao biết bệnh TĐ của mình được chữa trị tốt: tức là tránh các biến chứng?

Hãy nhớ con số xét nghiệm trong máu: HbA1C

Nếu trong máu HbA1C dưới 6.5% là mọi nguy cơ biến chứng trong tương lai rất có thể không bao giờ xảy ra. Cho người lớn tuổi, con số này, bất đắc dĩ có thể “du di” đến 7%.

Nếu một bệnh nhân chữa trị TĐ mà BS không biết số HbA1C cao bao nhiêu là chỉ đoán mò. Có thể chữa trị vô ích. Chỉ số này cho ta một khái niệmđường huyết trung bình từ 3 tháng trở lại, không hệ tại đường huyết chỉ một hay hai hôm. Chữa trị bệnh TĐ là nhắm về lâu về dài, phải kiểm soát HbA1C ban đầu mỗi 3 tháng, chỉnh sửa liều lượng thuốc và cách sống (thể dục, cách ăn uống) cho đến khi HbA1C đạt dưới 6.5%. Sau đó nếu không có gì thay đổi có thể kiểm soát mỗi năm hai lần. Kiểm tra đường huyết ở đầu ngón tay không còn cần nữa, chỉ trừ khi muốn chẩn đoán hạ đường huyết quá mức.

E-     Khi nào tái khám?

Dĩ nhiên là tùy BS, nhưng bài này cho những dữ kiện khoa học để giúp hiểu tại sao tái khám theo thời hạn hữu lý.

-          Không kể những lần đầu cần khám làm chuẩn tình trạng tim mạch, mắt và tổng quát.

-          Giai đoạn đầu mỗi tháng hay gần hơn để quen với các thuốc mới, đặc biệt nếu có phản ứng phụ.

-          Sau đó cứ 3 tháng: khám lâm sàng tổng quát, cân thể lượng, đo áp huyết tim mạch, khám hai bàn chân v.v…; xem kết quả xét nghiệm đặc biệt HbA1C và chức năng thận. Những bệnh nhân đã được hiểu chu đáo không cần phải khám BS nhiều hơn.

-          Mỗi năm khám chuyên khoa mắt và tim mạch.

Tuy là một bệnh nặng nhưng nếu hiểu và chữa trị nghiêm túc có thể sống gần như bình thường và có thể tuổi thọ không giảm.

BS DeColores


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com