Sức khỏe

TỦ THUỐC GIA ĐÌNH

Bài này được viết trong bối cảnh đại dịch Covit 19, đi lại khám chữa bệnh khó khăn, BS De Colores nhà ta cho vài mẹo xử lý tạm thời, cố tình dùng các thuốc không độc hại, không cần tham khảo BS. Nếu bệnh không thuyên giảm, nên tìm cách chữa trị khác, nếu được, nên đi khám chuyên khoa.

 

Đau Bụng:

Ở VN ta hễ đau bụng là cứ đổ tội cho cái dạ dày, hay gan. Khi nào mới đau dạ dày ? Viêm hay loét ?

Khi đau trên rốn, có thể chếch một chút bên trái hay bên phải, theo nhịp bữa cơm. Có lúc trước khi ăn, ăn xong thì giảm, có lúc ngược lại. Không có sốt, đau dạ dày không có tiêu chảy hay táo bón.

Đừng nhầm với:

  • Đau đại tràng: đau từng hồi 3-5 phút dưới rốn, bên trái nhiều hơn bên phải, thường có tiêu chảy, hay táo bón.
  • Vấn đề túi mật: đau rất mạnh, bên phải cạnh sườn, thường có sốt, sờ, ấn vào càng đau: phải đi gặp BS gấp.
  • Ruột thừa : đau nhói bên phải, khi ấn vào bên dưới xa rốn càng đau: Đi khám BS

 

 

Cảm sốt, nhức đầu: (Nếu có đau họng, sốt, ho nên khai báo nhé)

  • Paracetamol 500mg : ngày 2-3 lần, mỗi lần. 1viên.
  • Vitamin C 1g: buổi sáng 1 lần, mỗi lần 1 viên.
  • Ottilin: có thể xịt mũi nếu nghẹt khó ngủ (không nên dùng thường xuyên)
  • Strepsyl: ngậm khi đau họng

 

Tiêu chảy:

Do viêm, nhiễm khuẩn đại tràng, đau bụng dưới rốn bên trái.

  • Smecta: ngày 3 lần mỗi lần 1 gói, uống 1-2 ngày (nên sau bữa cơm)
  • Spasmaverin: kết hợp với Smecta, ngày 1-3 lần, mỗi lần 1viên.
  • Uống nước thật nhiều, có thể dùng Coca.

 

Đau vùng dạ dày:

Trên rốn, theo nhịp các bữa ăn.

  • KHÔNG DÙNG OMEPRAZOL, thuốc này khi đau vô dụng, vì công hiệu chỉ sau 24-48 tiếng mà thôi, chỉ nên dùng khi có kết quả nội soi mới biết liều lượng. Rất nhiều BS cũng vấp phải sai trái này.
  • Gaviscon: dùng ngay 1 gói khi đau và tiếp tục 3 lần mỗi ngày, mỗi lần 1 gói sau bữa ăn, cho đến khi hết đau. Nếu trở đi trở lại nên làm nội soi, có thể có bệnh nặng cần chẩn đoán sớm.
  • Có thể kết hợp với Spasmaverin như trên.

 

Buồn nôn, nôn:

  • Primperan: uống 1-2 lần, 1 viên. Nếu nôn ngay sau khi uống thuốc thì uống viên khác với nước thật lạnh.

 

Chóng mặt:

Mệt mỏi có thể vì sụt đường huyết khi hai bữa ăn quá cách xa (Cơm chiều hôm trước và ăn sáng hôm sau, cách nhau quá xa). Trong trường hợp này uống một ly nước ngọt, nằm nghỉ, ít nhất 30 phút.

 

Rối loạn tiền đình: (Xin xem thêm bài Rối loạn tiền đình)

Chóng mặt thật sự khi thấy trần nhà và vách phòng quay, chứ không phải chỉ cảm thấy đầu mình quay, có thể làm buồn nôn, bệnh gọi là hội chứng Ménière (Mê-nhe) . Đừng quá lo lắng bệnh này tuy rất khó chịu nhưng không trầm trọng. Không có thuốc nào trị được 100% . Nếu lên Google được tìm nghiệm pháp Epley hay Semont và người nào đó giúp làm.

Nếu không thể, thì dùng một trong hai thứ thuốc sau đây :

  • Betaserc: uống 1-3 lần x 1 viên.
  • Tanganil: ngày 1-3 lần x 1 viên .

 

Đau nhức khớp gối, khớp vai:

  • Celecoxib: 200mg, uống 1 viên mỗi ngày kết hợp với Paracetamol ngày 3 lần, mỗi lần 1 v. (Không cần kết hợp thuốc dạ dày)

 

Đau cơ lưng, cơ cổ, vai, bong gân, trật khớp ....

Như trên

 

Hen suyễn:

  • Xịt Ventoline (Không uống Salbutamol vì vô dụng, thuốc uống cùng tên, chỉ dùng cho sản phụ chống đau bụng sanh non) Xịt Ventoline hữu hiệu, cần tập làm cho đúng, hỏi BS chỉ cho 1 lần.

 

Viêm xoang:

Thường nhầm lẫn với đau đầu trở đi trở lại (Xem bài Đau đầu trong trang web này). Viêm xoang đau vùng xoang, cạnh sống mũi, có thể hỉ ra mũi vàng, để lâu bệnh nhân cảm thấy mùi hôi thối.

  • Xoang Spray: Thuốc xịt VN, rất công hiệu. Nếu cần khám chuyên khoa Tai Mũi Họng, để nội soi.

 

Tăng huyết áp:

Huyết áp bình thường là luôn dưới 14/9 (mời xem bài Những thành kiến sai lầm bệnh Cao Huyết áp)

 

Dị ứng:

  • Cetirizine: 1 viên ngày 1 -2 lần

 

Đau răng:

Trong lúc chờ khám nha sĩ, ngậm nước muối thật đậm đặt gần như không tan được, ngày 2-3 lần, mỗi lần 5-10 phút.

  • Thuốc giảm đau trung bình: Paracetamol ngày 3 lần, mỗi lần 1 viên.
  • Đau nhiều: Efferalgan-Codeine hoà tan: ngày 3 lần, mỗi lần 1 viên.
  • Nếu có vẻ nhiễm khuẩn: lợi sưng, hay có mủ uống kháng sinh Cefuroxime 500mg, ngày 2 lần, mỗi lần 1 viên trong 5-6 hôm. (Nếu dị ứng Penicilline, thay bằng Azithromycin 500mg cùng chung liều lượng)

 

Vết thương nhẹ ngoài da:

  • Nên có một lọ Povidin để dùng tốt nhất, tránh dùng cồn.

 

Các bệnh trong miệng:

  • Betadin, lọ màu xanh lá, thoa ngày nhiều lần. Giải thích cho dược sĩ thuốc dùng súc miệng khử khuẩn. Nếu không có, dùng nha đam cũng rất công hiệu. Kết hợp với thuốc giảm đau Paracetamol nói trên.

 

Trên đây là vài đơn thuốc tự chữa trị khi không thể tiếp cận thầy thuốc.

 

Bs De Colores.

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com