Bài học từ cuộc sống

Một cõi đi về

 

Có lẽ trong chúng ta, phần đông đều biết đến một ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ca khúc có tựa đề là "Một cõi đi về":

Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi

Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt

Trên hai vai ta đôi vòng nhật nguyệt

Rọi suốt trăm năm một cõi đi về.

Mây che trên đầu và nắng trên cao

Hôm nay ta đi song còn ở lại

Con tim yêu thương vô tình chợt gọi

Lại thấy trong ta hình bóng con người

..............

Nếu cố nhạc sĩ họ Trịnh đã viết nên lời của ca khúc Môt cõi đi về này thì tôi tưởng rằng Trịnh Công Sơn đã có một chiều sâu cảm nghiệm về một cõi, về một nơi nào đó mà người ta phải đi tới, phải đi về. Cõi đó là cõi nào? Nơi đó là nơi nào?

Tin mừng hôm nay mô tả: " Nói xong, Chúa Giêsu được rước lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa"(Mc 16, 19)

 

 

Như vậy, nếu Trịnh Công Sơn đã nói về một cõi xa xăm nào đó thì hôm nay, chính Chúa Giêsu đã xác định cõi đó là Thiên Đàng, là Trời cao. Đó là nơi mà sau bao nhiêu năm Đức Giêsu đã long đong, sau bao nhiêu năm nhọc nhằn, sau bao lần nếm cảnh nghèo đói, khổ đau, cay đắng và thậm chí là những thất bại chua cay, giờ đây, Ngài đang bước đến cõi đi về đó. Nơi đó, cuộc sống vĩnh viễn không bị tiêu diệt. Nơi hạnh phúc không còn khổ đau, nơi mà tất cả mọi giá trị đạt đến mức tuyệt đối và viên mãn. Nơi mà con người trở thành bất tử.

Thế nhưng có một vấn đề đặt ra là: có thật là có cõi trời cao không và có thật là khi ở tầng trời cao người ta sẽ có được một cuộc sống như thế không. Hay đó chỉ là một ảo giác, hay đó chỉ là ảo tưởng nếu không nói là không tưởng.

Khi đặt vấn đề như thế tự nhiên tôi nhớ lại lời của một triết gia vô thần, Kart Marx. Ông ta nói rằng:

"Kitô giáo là trái tim của một thế giới không trái tim, là linh hồn của một thế giới không linh hồn. " Ông còn nói thêm: "........và là thuốc phiện ru ngủ nhân dân".

Là thuốc phiện ru ngủ nhân dân, Kitô giáo ru ngủ người ta, làm cho người ta quên đi thực tại đau khổ này và thay vào đó chỉ toàn là dạy cho người ta luôn mơ tưởng về cõi Thiêng đàng xa xăm. Không thực tế.

Tôi không nghĩ thế. Trái lại, sự kiện Chúa lên Trời hôm nay nói với tôi rằng: Ngoài cõi đời này còn có một nơi chốn khác. Ngoài cuộc sống này còn có môt cuộc sống khác. Ngoài những giá trị đời này còn có những giá trị khác lớn hơn, cao hơn và tuyệt đối hơn.

Và như thế trời không phải là một cái gì đó xa xăm, ảo tưởng. Trái lại, trời là niềm hy vọng của con người. trời là nơi con người sẽ được giải thoát khỏi trói buộc và giam hãm. Nơi đó, người ta sẽe biết được thế nào là hạnh phúc vô biên, vĩnh viễn, bất diệt và bền lâu. Chính vỉ thế, Trời là cõi người ta phải đi tới, phải đi về.

Thưa anh chị em và các bạn! Khi hiểu được như thế thì tự nhiên tôi cảm thấy băn khoăn lại cuộc đời mà tôi và anh chị em đang có mặt.

Tôi tự hỏi ngày hôm nay người ta có còn tin vào cõi Trời cao ấy không. Người ta có còn hy vọng được sống ở chốn trời cao ấy không ? Và người ta có còn biết khao khát kiếm tìm cõi ấy không? Tôi sợ rằng không! Vì một đàng Chúa Giêsu đã xác định: "Vương quốc của tôi không thuộc về thế giới này.” (xYn 18,38). Đang khi đó thì Abel Camus, một nhà tư tưởng có tầm cỡ trên thế giới thì nói rằng: "Vương quốc của tôi là chính thế giới này". Câu nói đó phản ánh một quan niệm, một lối sống của phần đông nhân loại trong thế kỷ này và trong thời đại này. Quan niệm và lối sống đó là người ta chỉ tập trung lo hưởng thụ từ những thứ mà người ta cố kiếm và cố tìm là tiền là của cải, là địa vị và là những trò vui nặng tính trần tục.

Chính vì chúng ta đang bị nhận chìm trong một quan niệm và một lối sống như thế nên hình ảnh của một cõi đi về trong tâm tưởng của chúng ta trở nên xa lạ và nhạt nhòa.

Như vậy thì vấn đề còn lại là: Nếu hình ảnh đó đã nhạt nhòa rồi thì ta phải tô điểm lại bằng chính lòng nhiệt thành của chúng ta. Nhiệt thành xây dựng một đất nước, một xã hội, một thế giới huynh đệ hơn, công bằng hơn, bác ái hơn...

Như vậy có nghĩa là gì, nếu không phải đó là mệnh lệnh và một đòi hỏi của Chúa Giêsu hôm nay:

"Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo tin mừng cho mọi loài thọ tạo." Amen (Mc 16,15).

 

Cố Lm. Hồng Phúc, DCCT
(Trích giaophanvinhlong.net)

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com