Lời Chúa CN

PHÚC ÂM CHÚA NHẬT IV TN - C (Lc4, 21-30) 31-01-2016

Alleluia, alleluia!

- Lạy Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có lời ban sự sống. - Alleluia.

-----------------

"Chúa Giêsu, như Êlia và Êlisê, không phải chỉ được sai đến với người Do-thái".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

 

21 Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe."

22 Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.

23 Người nói với họ: "Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào! "

24 Người nói tiếp: "Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.

25 "Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en;

26 thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn.

27 Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi."

28 Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ.

29 Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành này được xây trên núi - . Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực.

30 Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.

 

«Không ai là tiên tri tại quê hương mình». Câu ngạn ngữ này không phải có từ ngày nay vì thời ấy Chúa cũng đã nói một câu tương tự như thế «không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình». Chính trong lúc trở về quê hương mình, làng Na-da-rét nơi Người sống và lớn lên suốt tuổi thơ.

Nghĩ cho cùng có nhiều điều lạ kỳ trong bài hôm nay. Tại sao vừa về đến quê nhà, sau một chuyến đi rao giảng thành công mỹ mãn khắp các làng xã lân cận, Chúa lại đề cập ngay đến chuyện xảy ra ở Ca-phác-na-um? Chúng ta nói tới chuyến đi thành công mỹ mãn vì trong đoạn đầu của bài Tin Mừng, chúa nhật vừa qua chúng ta cũng có đọc Phúc Âm theo thánh Lu-ca: «14 Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận.15 Người giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh» (Lc 4, 14-15). Thánh Lu-ca không có nói gì rõ hơn, nhưng hình như trong lòng những người đồng hương Na-da-rét với Ngài có chút ganh tị. Qua câu: «Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um» (Lc 4, 23b) chúng ta đoán rằng Ngài có làm phép lạ tại Ca-phác-na-um, và dân thành Na-da-rét-cũng muốn Ngài làm như thế tại đây.

Kế đến, điều lạ kỳ nữa nằm trong đoạn sau đây: Chúa Giê-su vừa đọc sách I-sa-i-a, và thản nhiên tuyên bố: «Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.» (Lc 4, 20), tức là Ngài khẳng định «Tôi là đấng Mê-si-a», và không ai lúc bấy giờ có phản ứng gì. Thánh Lu-ca còn kể: «22 Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.» (Lc 4, 22). Thế nhưng chỉ vài lời xuất phát từ Chúa Giê-su, liền sau đó làmhọ tức giận, đến nổi muốn thủ tiêu Ngài, cho khuất mắt luôn. Chúng ta tự hỏi Chúa đã nói gì?và tại sao Ngài nghĩ phải làm như thế?

Thực ra Ngài cho họ một bài học họ thấy khó nghe thật. Bài học này có hai điểm: Sở dĩ Ta làm phép lạ tại Ca-phác-na-um vì dân thành này có thái độ khác với các bạn. Sau này lịch sử chứng minh Ngài có cái nhìn quá đúng: phản ứng hung bạo của những người đồng hương của Ngài chứng minh rằng họ chưa sẵn sàng chấp nhận các ân huệ của Thiên Chúa như những món quà nhưng không. Điều thứ hai Chúa muốn nói các người ngoại còn gần với ơn cứu độ hơn các tín hữu. Vì lẽ đó mới có những dẫn dụ về ông Ê-li-a và Ê-li-sa.

Câu chuyện về Ê-li-a tìm thấy trong sách các Vua (1V 17): Truyện kể về một bà goá thành Xa-rép-ta, ngay trong xứ ngoại đạo Phê-ni-xi-a. Trong lúc có nạn đói khắp vùng ông Ê-li-a xin được uống rồi được ăn, mặc dù rất nghèo bà cũng hi sinh phần mình cứu người ngôn sứ xứ lạ, bà nhìn ra Thiên Chúa nơi ông. Điều đó đủ để ông Ê-li-a làm hai phép lạ: trước hết cứu bà khỏi nạn chết đói (chúng ta còn nhớ lời hứa bất hủ của Ê-li-a: «Hũ bột sẽ không vơi, vò dầu sẽ chẳng cạn, cho đến ngày ĐỨC CHÚA đổ mưa xuống trên mặt đất» ( 1V17,14) ). Phép lạ thứ hai là chữa lành bệnh cho đứa con duy nhất của bà. Người ngoại đạo đó biết tiếp đón người ngôn sứ xa xôi, mặc dù ông thuộc về hạng người bị ruồng bỏ, đáng bị loại trong xứ của bà. Nhờ đó sau này bà là người may mắn nhất.

Câu chuyện về Ê-li-sa tìm thấy trong sách các Vua thứ hai (2V 5), Ông Na-a-man, một tướng lãnh trong quân đội A-ram, không may mắc bệnh phong hủi. Nghe tài chữa bệnh của tiên tri Ê-li-sa, đến tìm tận nhà ông, mang theo nhiều quà và lời giới thiệu, gởi gấm. Thế nhưng thoạt đầu Ê-li-sa làm ông khá thất vọng. Nhưng chỉ sau khi ông khiêm nhường làm đúng theo những điều vị tiên tri đòi hỏi, ông mới được chữa lành: «Ông hãy đi tắm bảy lần trong sông Gio-đan» (2 V 5,10). Ông tuân theo, xuống tận sông Gio-đan: Việc này đơn giản, còn có vẻ không đáng kể đối ông là một tướng lãnh được vua A-ram yêu chuộng… thế nhưng đây là một thái độ tượng trưng sự khiêm nhường tuân phục người tiên tri của Thiên Chúa dân It-ra-en. Sách nói sau đó ông được chữa lành và dĩ nhiên, trở lại đạo của Thiên Chúa It-ra-en.

Một người ngoại giáo (bà goá Xa-rép-ta) một tướng lãnh quân nghịch, ngoại đạo bị phong hủi (Na-a-man): những người này không ai có thể nói xứng đáng nhận ân huệ gì từ Thiên Chúa It-ra-en… thế nhưng những người đáng thương ấy lại được cứu rỗi. Chúa Giê-su không có làm gì hơn, nhưng mọi người đều hiểu. Chúng ta hãy xem đó là một bài học!

Trong vài hàng chúng ta nhận ra đây tóm lược cuộc đời của Chúa rút ngắn lại: «11 Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận» (Ga1,11). Thánh Gio-an nói thế, còn thánh Lu-ca nói cách khác, đối chiếu Na-da-rét, quê hương Chúa với thành Ca-phác-na-um (lúc đầu ở đây Chúa cũng chưa được chấp nhận). Đưa hai thái độ đối lập ấy là để loan báo một hiện tượng tương tự khác: đối lập giữa sự chối từ của dân Do Thái (mặc dù là đối tượng chính của sứ điệp các ngôn sứ) và sự đón nhận tốt đẹp của dân ngoại. Như bà goá thành Xa-rép-ta, như tướng Na-a-man xứ A-ram, đó là những người không phải dân Do Thái mà đón nhận tuyệt vời Đấng Mê-si-a. Nhưng sự chiến thắng cuối cùng của Chúa Ki-tô đã được loan báo bằng sự kiểm soát thành công những sự kiện này: «30 Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi».

***


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com