Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC1 CN V PHỤC SINH Năm C (Cv 14, 20b-27) 24/04/2016

"Các ngài thuật lại những gì Thiên Chúa đã làm với các ngài"

Trích sách Tông đồ Công vụ

 

Hai ông Phao-lô và Ba-na-ba trở lại Lýt-ra, I-cô-ni-ô và An-ti-ô-khi-a

.22 Hai ông củng cố tinh thần các môn đệ, và khuyên nhủ họ giữ vững đức tin. Hai ông nói: "Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa."

23 Trong mỗi Hội Thánh, hai ông chỉ định cho họ những kỳ mục, và sau khi ăn chay cầu nguyện, hai ông phó thác những người đó cho Chúa, Đấng họ đã tin.

24 Hai ông đi qua miền Pi-xi-đi-a mà đến miền Pam-phy-li-a,

25 rao giảng lời Chúa tại Péc-ghê, rồi xuống Át-ta-li-a.

26 Từ đó hai ông vượt biển về An-ti-ô-khi-a, là nơi trước đây các ông đã được giao phó cho ân sủng của Thiên Chúa để làm công việc vừa mới hoàn thành.

27 Khi tới nơi, hai ông tập họp Hội Thánh và kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với hai ông, và việc Người đã mở cửa cho các dân ngoại đón nhận đức tin.

 

Sách Công vụ Tông đồ lắm lúc giống như một quyển truyện du lịch. Vì thế đọc rất thích thú. Thật vậy, phần lớn cuộc đời các Tông Đồ (đặc biệt là thánh Phao-lô) phải đi đó đi đây nhiều. Hôm nay chúng ta đồng hành với thánh Phao-lô trong cuộc hành trình truyền giáo đầu tiên, chuyến đi cùng với Ba-na-ba. Khởi đầu bằng An-ti-ô-khi-a xứ Si-ri-a: Phao-lô và Ba-na-ba vừa ở đấy một năm trọn để củng cố một cộng đồng mới trở lại đạo đến từ nơi khác. Thánh Lu-ca kể rằng: « 2 Một hôm, đang khi họ làm việc thờ phượng Chúa và ăn chay, thì Thánh Thần phán bảo: "Hãy dành riêng Ba-na-ba và Sao-lô cho Ta, để lo công việc Ta đã kêu gọi hai người ấy làm » (Cv 13, 2). Thì đây hai ông lại ra đi.

Từ An-ti-ô-khi-a các ông đến cảng Xê-lơ-xi trên Địa Trung Hải, và lên thuyền đi ra đảo Síp về phía Tây. Ở đấy các ông rao giảng tại Xa-la-mi-ni-a, rồi đến thủ đô Pa-phốt. Sau đó lên tàu từ Pa-phốt sang Thổ Nhĩ Kỳ. Các ông cập bến tại Péc-gê, bờ phía nam xứ Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay, thuộc tỉnh Pam-phy-li-a, sau đó tiến lên miền bắc tới tỉnh Pi-xi-đi-a. Chúa nhật vừa qua chúng ta tìm thấy họ ở An-ti-ô-khi-a, khi họ bị đuổi đi họ tiếp tục sứ vụ Thổ Nhĩ Kỳ trong những thành phố khác I-cô-ni-ô, Lýt-ra, Đéc-bê để một lần nữa sáng lập một cộng đồng Ki-tô hữu ở đó.

Từ chúa nhật vừa qua chúng ta thấy đâu đâu mọi việc cũng diễn ra như nhau. Phao-lô và Ba-na-ba bắt đầu tiếp xúc với những người Do Thái, các ông được tiếp đón một cách tương phản vừa phấn chấn đến từ những người trở lại đạo, vừa thô bạo khước từ đến từ những người đứng về phe nhất quyết đối lập và sau cùng đuổi các ông đi. Tại Lýt-ra thánh Phao-lô bắt đầu chữa một người phế tật, sự kiện này làm cho dân chúng ngộ nhận các ông là hai thần Dớt, và Héc-mê. Họ phải mất nhiều nghị lực mới từ chối dân chúng dâng cho họ lễ tế thần. Thế nhưng những người Do Thái chống đối đến từ An-ti-ô-khi-a và I-cô-ni-ô làm cho mọi việc đổi hướng. Thánh Phao-lô bị ném đá, lôi ra khỏi thành phố cuối cùng tưởng ngài đã chết. Khi tỉnh lại ngài cùng Ba-na-ba tiếp tục đi rao giảng.

Hôm nay chúng ta gặp lại các ngài trên đường trở lại. Các ngài quay lại con đường cũ viếng các cộng đồng vừa mới được sáng lập. Họ hẳn cũng bị bách hại, vì thế thánh Lu-ca xác định rằng: « 22 Hai ông củng cố tinh thần các môn đệ, và khuyên nhủ họ giữ vững đức tin. Hai ông nói: "Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa ». Chúa Giê-su cũng đã dùng cách nói như thế về Ngài: « Con Người cũng sẽ như vậy trong ngày của Người. 25 Nhưng trước đó, Người phải chịu đau khổ nhiều và bị thế hệ này loại bỏ » (Lc 17, 24b-25), hay khi Chúa nói với hai môn đệ trên đường Emmau « 26 Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? » (Lc 24, 26). Hai chữ « phải chịu » , dĩ nhiên không nói lên một đòi hỏi đến từ Thiên Chúa: Chúa không áp đặt chúng ta những thử thách hay những đau khổ như những điều kiện trước tiên, chữ « phải chịu » ở đây nói lên những lực đối kháng mà các ngôn sứ thật phải trực diện khi thế gian chưa được hoán cải về tình yêu, công chính và chia sẻ.

Phải củng cố đức tin và lòng can đảm những người vừa mới trở lại đạo. Cũng phải chú trọng đến tổ chức các cộng đồng, và ở đây chúng ta lưu ý đến hai điều. Trước hết Phao-lô và Ba-na-ba chỉ định các người trách nhiệm - họ gọi là những người «kỳ cựu » - (từ chữ này bằng tiếng Hy-lạp, tiếng Pháp rút ra chữ Đan Viện) rất tiếc chúng ta đã bỏ đi chữ « Kỳ cựu » để thay bằng chữ « linh mục », điều này rất nhập nhằng vì suốt Tân Ước được lập đi lập lại chỉ có một linh mục là đức Giê-su Ki-tô. Chữ linh mục được chọn chỉ định những người trách nhiệm các cộng đồng không được chọn đúng lắm.

Điều thứ hai cần lưu ý. Câu 23 nói rõ: « 23 Trong mỗi Hội Thánh, hai ông chỉ định cho họ những kỳ mục, và sau khi ăn chay cầu nguyện, hai ông phó thác những người đó cho Chúa, Đấng họ đã tin ». Đoạn này nói về những người kỳ cựu vừa được chỉ định đứng đầu các cộng đồng. Thánh Lu-ca nhấn mạnh đến vai trò của ăn chay cầu nguyện: cân bằng của hai yếu tố được gìn giữ. Chú ý đến tổ chức cộng đồng nhưng không chỉ chăm sóc đến tổ chức: ăn chay, cầu nguyện cũng quan trọng!Cũng trong chiều hướng ấy, một giám mục châu Mỹ La Tinh trong Đại Hội Thánh Thể ở Lộ Đức năm 1981 nói: « Một người rao giảng Tin Mừng không cầu nguyện không còn rao giảng Tin Mừng nữa », câu đơn sơ này có lẽ không thừa cho chúng ta thường hay chỉ chú ý đến tổ chức…

Thánh Lu-ca còn thêm rằng mọi sự được xảy ra trong bầu khí tin tưởng lẫn nhau: « hai ông phó thác những người đó cho Chúa ». Hai ông trao cho họ trách nhiệm, bây giờ họ phải hành động, Chúa sẽ đồng hành với họ. Các Tông Đồ xác tín như thế, họ đã trải nghiệm điều này: sứ vụ của họ không chỉ do công trình của họ. Chỉ cần đọc lại bài « 26 Từ đó hai ông vượt biển về An-ti-ô-khi-a, là nơi trước đây các ông đã được giao phó cho ân sủng của Thiên Chúa để làm công việc vừa mới hoàn thành ». Bây giờ đến phiên họ « giao phó cho ân sủng Thiên Chúa » những tân cộng đồng vừa mới thành lập.

Thánh Lu-ca tiếp tục: « 27 Khi tới nơi, hai ông tập họp Hội Thánh và kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với hai ông » Việc so sánh hai điều này trong bài rất thú vị: « công việc vừa mới hoàn thành » và « tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với hai ông ». Không thể nào nói rõ hơn sứ vụ Chúa trao cho tín hữu là một sứ vụ chung: công trình Thiên Chúa trao cho con người, công trình con người được nâng đỡ, đồng hành, và không ngừng được Thiên Chúa linh ứng. Nếu chúng ta luôn luôn nhớ rằng công trình rao giảng Tin Mừng là công trình của Thiên Chúa, có lẽ chúng ta sẽ thanh thản hơn.

***


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com