Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 CN VI PHỤC SINH Năm C (Kh 21, 10-14, 22-23) 01/05/2016

"Người chỉ cho tôi thấy thành thánh do Thiên Chúa từ trời gởi xuống"

Trích sách Khải Huyền của thánh Gio-an

 

10 Rồi đang khi tôi xuất thần, thì người đem tôi lên một ngọn núi cao hùng vĩ, và chỉ cho tôi thấy Thành Thánh, là Giê-ru-sa-lem, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống,

11 chói lọi vinh quang Thiên Chúa. Thành rực sáng tựa đá quý tuyệt vời, như ngọc thạch trong suốt tựa pha lê.

12 Thành có tường rộng và cao, với mười hai cửa do mười hai thiên thần canh giữ, và trên các cửa có ghi tên mười hai chi tộc con cái Ít-ra-en.

13 Phía đông có ba cửa, phía bắc ba cửa, phía nam ba cửa và phía tây ba cửa.14 Tường thành xây trên mười hai nền móng, trên đó có tên mười hai Tông Đồ của Con Chiên.."

22 Trong thành, tôi không thấy có Đền Thờ, vì Đức Chúa, Thiên Chúa Toàn Năng, và Con Chiên là Đền Thờ của thành.

23 Thành chẳng cần mặt trời mặt trăng chiếu sáng, vì đã có vinh quang Thiên Chúa toả rạng, và Con Chiên là ngọn đèn chiếu soi

 

Chúa nhật vừa qua trong bài đọc 2 chúng ta đã được nghe đọc thánh Gio-an thấy từ xa thành thánh Giê-ru-sa-lem mới ngự xuống từ trời. Ngài không miêu tả nhưng chỉ nói: « 2 Và tôi thấy Thành Thánh là Giê-ru-sa-lem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang ». (Kh 21, 2). Lần này thánh sử miêu tả tỉ mỉ: ngài bị thu hút bởi luồng ánh sáng toả ra, một luồng ánh sáng chói lòa đến độ che lắp ánh trăng và ngay cả ánh sáng mặt trời. Thành phố chói lòa giống như một nữ trang, một viên đá quý óng ánh dưới làn ánh sáng.

Lý do của sự toả sáng khác thường ấy thánh Gio-an tiết lộ cho chúng ta ngay: ngài lập lại hai lần: « 11 chói lọi vinh quang Thiên Chúa » ; « vinh quang Thiên Chúa toả rạng », hai lời khẳng định này, một lần ở đầu bài, một lần cuối bài, thánh sử Gio-an có ý chứng tỏ đó là yếu tố quan trọng nhất.

Chúng ta đã có dịp gặp thể văn này, được tạm gọi là « thể vùi », hai câu quan trọng, một ở đầu, một ở phần cuối, « vùi » đoạn ở giữa. Trong bài này điều làm thánh Gio-an ấn tượng nhất là vinh quang Thiên Chúa toả rạng thành thánh xuống đến gần ngài.

Thánh Gio-an đứng một nơi lý tưởng để chiêm ngắm nhờ thiên thần đưa ngài đến « một ngọn núi cao hùng vĩ ». Thiên thần nắm tay thánh Gio-an chỉ cho ngài thành thánh từ xa. Trong tay trái, thiên thần cầm một chiếc đũa vàng: với chiếc đũa này chốc nữa ngài sẽ đo kích thước thành thánh. Nhưng bây giờ chúng ta hãy ngắm nhìn.

Thành hình vuông. Cũng như con số bốn, hình vuông là biểu tượng cho những gì thuộc con người: thật vậy, thành Giê-ru-sa-lem được bàn tay con người xây dựng. Nhưng chính thành này, thành của con người được vinh quang Thiên Chúa toả sáng, bởi sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúng ta đã thấy trong sách Khải Huyền lần trước, con số ba gợi lên Thiên Chúa; hôm nay chúng ta không lấy làm ngạc nhiên khi miêu tả thành thánh tác giả dùng bội số của số ba và bốn, tức là mười hai, đây là một biểu tượng tuyệt vời nói lên hành động của Thiên Chúa tác động trên công trình của con người!

Trong thời đại thánh Gio-an không ai tưởng tượng xây một thành trì không xây luỹ bảo vệ. Thành thánh này cũng có luỹ, nhưng không phải ngẫu nhiên bờ tường này cao vút như ngọn núi: thế nhưng trong Thánh Kinh, núi là nơi gặp gỡ với Thiên Chúa. Trong những bờ lũy có mười hai cửa xuyên qua, mười hai cửa không bao giờ đóng, nếu tin vào bài tường thuật, về sau này để cho toàn nhân loại có thể đi vào. Không ai phải gặp cửa đóng. Mười hai cửa được chia đều trong bốn góc của hình vuông: ba cửa phía Đông, ba cửa phía Bắc, ba phía Nam và ba phía Tây.

Điều rất đáng ngạc nhiên, thường trong Thánh Kinh, khi kể đến bốn phương chính (như trong sách Dân Số, hay trong sách Ê-dê-ki-en) thường được nêu lên theo thứ tự lô-gíc như chúng ta đi rảo quanh bốn góc nhà. Nhưng ở đây thứ tự lại khác: Đông, Bắc, Nam, Tây. Theo các hướng này là vẽ ra hình chữ thập: có lẽ không phải là một sự ngẫu nhiên! Mười hai cửa được mười hai thiên thần giữ mỗi cửa, mỗi cửa có khắc tên của một trong mười hai chi tộc It-ra-en… Dân It-ra-en đúng là dân Chúa chọn để là những cửa hầu toàn thể loài người sẽ bước vào đền Giê-ru-sa-lem vĩnh viễn.

Bức tường dựa trên những nền móng: trên những nền móng này được khắc tên mười hai tông đồ của Con Chiên. Cũng như mọi công trình kiến trúc có sự liên tục giữa bức tường và nền móng, ở đây có sự liên tục giữa mười hai chi tộc It-ra-en và mười hai tông đồ. Có thể nói Giáo Hội do Chúa Giê-su Ki-tô xây dựng hoàn tất ý định của Thiên Chúa được triển khai xuyên suốt lịch sử Thánh Kinh.

Khi tiến vào thành tuyệt vời này, thánh Gio-an rất đổi ngạc nhiên: một công trình đầu tiên ngài tìm là Đền Thờ, vì sự hiện diện của Đền Thờ trong thành nhắc lại một cách sống động sự hiện diện của Thiên Chúa không bao giờ vắng bóng bên dân của Ngài. Thế nhưng ở đây thánh sử viết: « 22 Trong thành, tôi không thấy có Đền Thờ vì Đức Chúa, Thiên Chúa Toàn Năng, và Con Chiên là Đền Thờ của thành ». Và tác giả Gio-an tiếp: « 23 Thành chẳng cần mặt trời mặt trăng chiếu sáng, vì đã có vinh quang Thiên Chúa toả rạng, và Con Chiên là ngọn đèn chiếu soi ». Nếu chúng ta biết tầm quan trọng của ánh sáng trong những ngày đầu tạo dựng trong sách sáng thế (« "Phải có ánh sáng." Liền có ánh sáng ») (St 1, 3), chúng ta sẽ đo được tầm quan trọng của lời quả quyết của thánh Gio-an trong sách Khải Huyền. Vì thế điều này nên hiểu: Tạo dựng cũ đã biến mất đi rồi, không còn mặt trời, mặt trăng… chúng ta đang trong tạo dựng mới. Kể từ nay sự hiện diện Thiên Chúa toả sáng trên thế giới bởi đức Ki-tô. « 23 Thành chẳng cần mặt trời mặt trăng chiếu sáng, vì đã có vinh quang Thiên Chúa toả rạng, và Con Chiên là ngọn đèn chiếu soi »

Thế nhưng dù sao Giê-ru-sa-lem vẫn giữ tên cũ: Chính thành này do con người xây dựng. Có nghĩa là các nỗ lực của chúng ta để cộng tác với chương trình của Thiên Chúa vẫn có ích. Đóng góp vào cuộc tạo dựng mới. Chúa không phá đổ công trình của con người. Những kẻ được nghe bài Khải Huyền này, đang bị đế quốc La Mã bách hại, đang rất cần những lời vinh thắng này. Hai mươi mốt thế kỷ sau, trên đất nước Việt Nam này, có lẽ chúng ta không còn sợ bách hại như trước kia, nhưng chúng ta cũng cần được làm sống lại niềm hi vọng và đặc biệt, được nghe rằng thiên quốc Giê-ru-sa-lem bắt đầu bằng những nỗ lực khiêm nhường chúng ta ngày hôm nay.

***


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com