Lời Chúa CN

PHÚC ÂM CHÚA NHẬT XXIII TN Năm C (Lc 14, 25-33) 04/09/2016

Alleluia, Alleluia !

- Chúa phán: "Con chiên Ta thì nghe Ta; Ta biết chúng, và chúng theo Ta " - Alleluia

-----------------

"Ai không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta"

Tin mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca

 

25 Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giê-su. Người quay lại bảo họ:

26 "Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.

27 Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.

28 "Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không?

29 Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo:

30 "Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc.

31 Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng?

32 Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà.

33 Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.

 

Đầu tiên chúng ta nên suy nghĩ về câu nói của Chúa Giê-su về mối quan hệ với gia đình chúng ta. Người không nói từ nay chúng ta xem họ như không đáng kể: điều này không những không đúng, mà còn cư xử nhẫn tâm vô ích đối với thân nhân chúng ta; mâu thuẫn với luật yêu thương của Ngài và ngay cả với các điều răn (« Hãy thảo kính cha mẹ »). Điều này hẳn muốn nói những quan hệ đó tốt, nhưng không vì thế trở nên những cản trở. Một quan hệ cấm chúng ta theo Chúa Ki-tô là không phải một quan hệ thân thương. Kể từ ngày chúng ta được phép Rửa Tội, tương quan với Chúa Ki-tô là một mối tương quan vững mạnh hơn mọi tương quan thế gian. (Xem thư cho Phi-lê-mon trong Bài Đọc 1 hôm nay).

Thế nhưng điều có vẻ khó hiểu của bài Tin Mừng hôm nay nằm ở chỗ khác, vì xem ra ý nghĩa của nhiều đoạn không thấy rõ liên quan gì với nhau.

Câu đầu: « "Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em… thì không thể làm môn đệ tôi được » và câu cuối như tiếng vang (chúng ta còn nhớ thể văn « kẹp » của TK) « ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được ». Giữa hai câu lại có hai bài dụ ngôn: người muốn xây một cây tháp, và vị vua sắp giao chiến. Các bài học rút ra đều giống nhau: xây cây tháp phải bắt đầu xem có đủ tiền hay không, nếu không muốn lao vào một phiêu lưu ngông cuồng; Một ông vua trước khi nghĩ đến giao tranh cũng phải trước tiên duyệt lại những khả năng của mình. Dường như sự khôn ngoan là làm cho khớp các phương tiện với tham vọng của mình trong mọi lãnh vực. Biết bao nhiêu công trình phải dở dang vì bắt đầu mà không suy nghĩ! Biết tính toán, biết dự phòng, đắn đo những rủi ro, đó là sự khôn ngoan tối thiểu, bí quyết của thành công… Người đời thường nói « cai trị là dự đoán »… Thiết tưởng phải chăng con người chỉ trưởng thành khi nào biết lường được hậu quả những hành động của mình ?

Đấy là nội dung hai bài dụ ngôn, điều này có mâu thuẫn chăng với hai câu, đầu và cuối « kẹp » hai bài dụ ngôn nhỏ ấy không ? Vì ý nghĩa không liên quan gì đến sự khôn ngoan biết dự phòng. Điều kiện tiên yếu: muốn làm môn đệ Chúa Ki-tô phải chọn Ngài ưu tiên hơn bất cứ ai, theo Ngài cả hồn lẫn xác. Thế nhưng sự khôn ngoan và ngay vì lẽ công bằng khuyên ta nên tôn trọng những quan hệ tự nhiên giữa gia đình và người thân cận... chẳng những thế, một ngày sẽ có dịp cần đến họ… Điều kiện thứ hai: phải nhất quyết vác thập giá theo Chúa (tức là chấp nhận bị bách hại). Điều kiện thứ ba: phải từ bỏ mọi của cải của mình. Tất cả những điều này có nghĩa là từ bỏ mọi an toàn bản thân về tình cảm cũng như về vật chất. Làm như thế có cẩn trọng lắm chăng ? Tất cả đều có vẻ rất xa những ý tưởng phải tính toán, đắn đo của hai bài dụ ngôn nhỏ vừa nghe!

Thế nhưng Chúa Giê-su đâu phải Người nói những điều nghịch lý. Ngài không bao giờ nói ngược lại với chính Mình. Chúng ta phải tìm hiểu sứ điệp của Ngài. Hai bài dụ ngôn ấy mang lại cho chúng ta ánh sáng gì để theo Ngài. Sự thật Chúa Giê-su chỉ nói một điều suốt bài Tin Mừng này: trước khi làm điều gì (để theo Chúa hay xây cây tháp, giao chiến) hãy kiểm trước trong quỹ chúng ta có những gì… thế nhưng đừng nhầm lẫn quỹ nào! Người xây cột tháp tính tiền, vua trước khi giao chiến đếm binh và quân nhu súng ống… người đi theo Chúa cũng phải tính, nhưng không tính như thế! Kẻ ấy phải từ bỏ những gì có thể cản trở để phục vụ Nước Trời: gia tài, của cải về phương diện vật chất cũng như tình cảm. Và nhất là phải dựa trên sức mạnh của Thần khí, vì chính Ngài tác động trên thế gian để thánh hoá mọi sự, như lời kinh Tiền tụng thứ Tư đọc trong Thánh Lễ.

Đây cũng là một lối nhìn đắn đo các cơ nguy. Muốn theo Chúa Giê-su Ngài cho chúng ta biết những rủi ro: từ bỏ tất cả, chấp nhận không được thông cảm, và có thể bị bách hại, từ bỏ những lợi trước mắt. Để là Ki-tô hữu đích thực, thì không nên trông chờ nơi những an toàn thế gian. Cũng như Ngài có ý nói: hãy chấp nhận từ bỏ mọi an toàn: ơn của Ta cũng đủ .

Trong Bài đọc 1 Chúa đã nói trong sách Khôn Ngoan, sự khôn ngoan Thiên Chúa không phải khôn ngoan của loài người. Có những điều điên rồ của thế gian nhưng lại có giá trị trước Thiên Chúa. Đối với Ngài chúng ta ở trong cái Lô-gíc của hạt lúa giống: nó phải chịu vùi xuống đất, nhưng như thế mới nẩy mầm sinh hoa trái.

***


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com