Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 CHÚA NHẬT XXIV TN Năm C (1Tm 1, 12-17 ) 11/09/2016

"Đức Giê-su đã đến trong thế gian để cứu độ những người tội lỗi"

Trích thư thứ nhất Thánh Phao-lô gửi Ti-mô-Thêu

 

12 Tôi tạ ơn Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta, Đấng đã ban sức mạnh cho tôi, vì Người đã tín nhiệm mà gọi tôi đến phục vụ Người.

13 Trước kia, tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược, nhưng tôi đã được Người thương xót, vì tôi đã hành động một cách vô ý thức, trong lúc chưa có lòng tin.

14 Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta, đã ban cho tôi đầy tràn ân sủng, cùng với đức tin và đức mến của một kẻ được kết hợp với Người.

15 Đây là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận: Đức Ki-tô Giê-su đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi.

16 Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Đức Giê-su Ki-tô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người, để được sống muôn đời.

17 Kính dâng Vua muôn thuở là Thiên Chúa bất diệt, vô hình và duy nhất, kính dâng Người danh dự và vinh quang đến muôn thuở muôn đời. A-men.

 

Chỉ bài này của Thánh Phao-lô thôi cũng đủ là bài ca tuyệt vời để cử hành một buổi lễ Thống Hối. Không có thiếu chi: thú nhận, hoán cải, tuyên xưng tình yêu và tha thứ của Chúa, và sau cùng lời nguyện ước ra đi loan báo lòng thương xót của Chúa cho toàn thế giới. Câu đầu nói rõ ý nghĩa của bài: « 12 Tôi tạ ơn Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta », thật đúng như thế vì hai lý do. Vì thánh nhân nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi được tha thứ, là kẻ trước kia bách hại đạo, mà ngày nay có thể lãnh nhận và ý thức được tha thứ, vì thế ngài ngập tràn lòng biết ơn và tạ ơn Chúa. Mấy câu này thể hiện đầy niềm vui và lòng biết ơn: « 13 Trước kia, tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược,… 14 Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta, đã ban cho tôi đầy tràn ân sủng. » Và đó mới là điều tuyệt vời của Tình Yêu Thiên Chúa, Ngài không chờ đợi Phao-lô chứng minh lòng hoán cải mới trao cho sứ vụ cao cả cho thánh nhân. Chúa tín nhiệm nơi Phao-lô, chính vì Ngài tin tưởng như thế làm cho Phao-lô hoán cải, từ nay thánh nhân ngập tràn lòng biết ơn và không ngại nỗ lực cho sứ vụ của mình: « 12 Tôi tạ ơn Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta, Đấng đã ban sức mạnh cho tôi, vì Người đã tín nhiệm mà gọi tôi đến phục vụ Người. » Tình yêu và tha thứ Chúa Ki-tô đã ban cho Thánh Phao-lô như thế nào, thì chúng ta chắc chắn rằng Chúa cũng sẽ ban cho chúng ta như thế. Ngài không phân biệt đối xử với một ai, Chúa là lòng thương xót, xin đừng quên: bất cứ dĩ vãng chúng ta như thế nào, hãy tin ta có thể nhận ơn tha thứ của Chúa, và Ngài luôn tin tưởng nơi ta.

«  13… Người thương xót, vì tôi đã hành động một cách vô ý thức, trong lúc chưa có lòng tin » Nghe câu này như tiếng vang từ miệng Chúa trên thập giá: « Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm » (Lc 23, 34). Chúng ta cũng nên nghĩ những kẻ làm điều dữ, họ cũng làm mà không biết việc họ làm. Thánh Phê-rô cũng nói như thế về người Do Thái thành Giê-ru-sa-lem trong sách Công Vụ Tông Đồ: « 17 "Thưa anh em, giờ đây tôi biết anh em đã hành động vì không hiểu biết, cũng như các thủ lãnh của anh em » (Cv 3, 17). Khi Thánh Phao-lô bách hại tín hữu, ngài thành tâm: lúc ấy thánh nhân tin đang bảo vệ Thiên Chúa thật, qua sự tinh khiết đạo Do Thái. Nhưng lúc ấy ngài có những ý thức sai lầm về Thiên Chúa. Cách ngài nghĩ giống như thờ phượng bụt thần của người Do-thái, thờ con bê vàng trong sa mạc Xi-nai. Thánh nhân đã nói: « 13 Trước kia, tôi là kẻ nói lộng ngôn », chính sự sai lầm đó dẫn ngài đến giết người, mục đích duy nhất là cầm tù và kết tội những Ki-tô hữu.

Thánh Phao-lô rất sáng suốt về những điều ấy và vì thế rất đổi ngạc nhiên thán phục sự tha thứ của Chúa, tha thứ vô điều kiện, Chúa ban nhưng không cho ngài. Các câu trong bài còn nói lên một điều trọng yếu tuyệt đối: nhắc lại câu truyện vua Đa-vít (Tv 50), cũng như truyện Đứa Con Hoang Đàng (Lc 15), đó là Thiên Chúa không chờ đợi chúng ta thú tội, hay hoán cải để tha thứ! Phao-lô trên đường Đa-mát trong lòng chỉ có hận thù Ki-tô hữu. Thánh nhân chưa có thời gian xin tha thứ  đã được ánh sáng và ân sủng Chúa Ki-tô bao phủ. Vua Đa-vít cũng đã sống trải nghiệm ấy: Ngôn sứ Na-tan đến gặp Đa-vít ngay sau khi lỗi phạm để báo cho ông Chúa vẫn tin tưởng và che chở ông, trước khi hỏi: « Tại sao ngài … làm điều dữ trái mắt ĐỨC CHÚA? (1Sm 15, 19). Trong bài dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu (Đứa Con Hoang Đàng), tâm tình nó trước khi trở lại, cũng không đáng khen gì. Chỉ vì bị nạn đói hoành hành mới lấy quyết định quay về, lúc vừa đến nhà chưa kịp mở miệng nói lên câu nghiệm sẵn thì Người Cha đã ôm chầm hôn liên miên và bày tiệc ăn mừng!

Có lẽ bạn nghĩ, thú lỗi là cần chứ! Vâng, nhưng không phải để nhìn lại chúng ta. Việc tự thú, trước hết không phải để nhìn sự yếu đuối của chúng ta, còn gì phải chứng minh nữa, nhưng để khám phá tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Không có sự yếu đuối, hay điều đen tối nào có thể làm Chúa nản lòng. Sự thú nhận hữu ích thật, nhất là để chúng ta đo được lòng quảng đại của đấng tha thứ chúng ta. Không phải sự nhỏ bé của chúng ta đáng kể mà sự vĩ đại của Thiên Chúa. Vì thế cách chúng ta thực thi Bí Tích Hoà Giải nói lên rõ điều này, chúng ta thường dùng động từ « xưng » tội, có thể hiểu chúng ta tuyên xưng Tình Yêu Thiên Chúa. Thật vậy, người tín hữu ở đây, trước tiên là tuyên xưng Tình Yêu Thiên Chúa. Một lần nữa, trong bài này, Thánh Phao-lô cho chúng ta một bài học: trong cách thú nhận trước chúng ta, không phải ngài, không phải Phao-lô là trung tâm, nhưng là Chúa Ki-tô. Chính Chúa Ki-tô tin tưởng nơi ngài, chính Chúa Ki-tô tha thứ và ban sức mạnh cho ngài, để từ nay ra đi rao giảng cho thế gian lòng quảng đại Thiên Chúa.

Thêm một yếu tố quan trọng cho kinh nghiệm người tín hữu: trách nhiệm của mỗi người khi được tha thứ (c16): « 16 Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Đức Giê-su Ki-tô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người, để được sống muôn đời. Câu này có thể phát biểu cách khác, sự tha thứ ràng buộc chúng ta một điều kiện: phải loan báo. Đây là một sự kiện không nên giữ bí mật, mà trái lại phải nói to lên cho mọi người biết! Ở đây chúng ta có cảm tưởng nghe bài (Tv 50 (51), 17): « 17 Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Ngài », ngụ ý nói « cho khắp thế gian ».

Kẻ được cứu độ trở nên chứng nhân cho mọi người: từ ngày được giải thoát khỏi Ai-cập, dân tộc được tìm lại tự do trở nên trước thế giới một chứng tá, một bằng chứng sống động sự hiện hữu của Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ. Cũng như thế, Thánh Phao-lô người tội lỗi được tha thứ trở nên một chứng nhân và một bằng chứng sống động sự tha thứ của Thiên Chúa cho mọi người tội lỗi trên thế giới này. « 15 Đây là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận: Đức Ki-tô Giê-su đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi. 16 Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Đức Giê-su Ki-tô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người, để được sống muôn đời ». Và thật sự, sự tha thứ ấy đã mở môi miệng Thánh Phao-lô để đi rao giảng khắp thế gian lòng ngợi khen Thiên Chúa. Chính xác ở câu cuối là một lời vinh danh hoàn hảo: « 17 Kính dâng Vua muôn thuở là Thiên Chúa bất diệt, vô hình và duy nhất, kính dâng Người danh dự và vinh quang đến muôn thuở muôn đời. A-men.

***


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com