Lời Chúa CN

PHÚC ÂM CHÚA NHẬT XXXIV TN Năm C (Lc 23, 35-43) 20/11/2016

Alleluia, alleluia!

 - Chúc tụng nhân danh Chúa mà đến:
chúc tụng nước Đa-vít tổ phụ chúng ta đã đến
- Alleluia.

-----------------

"Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi"

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca.

 

35 Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo: "Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn! "

36 Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống

37 và nói: "Nếu ông là vua dân Do-thái thì cứu lấy mình đi! "

38 Phía trên đầu Người, có bản án viết: "Đây là vua người Do-thái."

39 Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: "Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với! "

40 Nhưng tên kia mắng nó: "Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ!

41 Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái! "

42 Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: "Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi! "

43 Và Người nói với anh ta: "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng."

 

Bài này ghi lại ba lần chất vấn Chúa Giê-su đang bị đóng đinh trên thập giá: « Nếu ông … »; « Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? »; « Nếu ông là vua dân Do-thái », các binh lính Rô-ma chế diễu Chúa; « Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? »: tên trộm kia cùng bị đóng đinh như Ngài cũng mỉa mai. Qua các sự kiện này chúng ta lưu ý mỗi hạng người chất vấn Chúa Giê-su qua địa vị cá nhân của họ: các thành phần giáo quyền Do Thái chờ đợi Đức Ki-tô, đấng được Chúa chọn… dưới mắt họ Chúa có vẻ giống. Những tên lính Rô-ma cười đùa vì vua Do Thái gì mà không quyền thế… Còn tên trộm kia cũng chờ đợi người đến giải thoát hắn: một cách nào đó hắn cũng chờ Đấng Cứu Độ.

Ba cách chất vấn ấy thật giống bài tường thuật các Cơn Cám Dỗ trong sa mạc trước khi Chúa bước vào đời rao giảng (Lc 4). Quỷ cũng chất vấn Chúa ba lần: « Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi »; « Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi »; và lời chất vấn thứ ba cũng nói lên danh vương của Ngài: « Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tuỳ ý ».

Trong hai giai đoạn cuộc đời Chúa Ki-tô (Theo như tường thuật của Thánh sử Lu-ca) vấn đề lúc nào cũng thế: vai trò Đấng Mê-si-a là gì ? Một thủ lãnh chính trị hay tôn giáo ? Một người toàn quyền năng giải quyết mọi sự ? Một vị vua uy quyền ? Nếu như thế, dĩ nhiên Chúa không trả lời những mô hình sẵn có đó: một tử tội bị đóng đinh trên thập giá như một kẻ phạm trọng tội không có dáng dấp gì một vị vua vũ trụ. Và Chúa không trả lời gì cả trước những lời chất vấn buộc Ngài chứng minh quyền lực của mình.

Trong đọan tường thuật các cơn cám dỗ, sau mỗi lời khiêu khích của quỷ, Chúa trả lời bằng một câu Thánh Kinh: « Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh; Đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi."; "Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi." ». Lời Chúa là chỗ dựa của Ngài để chống trả, và suốt cuộc đời trần thế của Chúa cũng thế, mỗi lần Ngài bị cám dỗ về sứ mạng Đấng Mê-si-a của Ngài, chính nhờ dựa vào Lời Chúa Ngài mới giữ vững hướng đi.

Trên thập giá, trái lại Chúa không trả lời. Chúa không nói một lời trước những lời khiêu khích ấy. Mặc dù những lời chất vấn ấy thật quan trọng: nếu là Đấng Mê-si-a, thì đúng thế Ngài là Đấng Mê-si-a. Đã là Đấng Mê-si-a là Đấng cứu độ loài người: thế thì Ngài phải tự cứu mình chứ! Đó là cách suy nghĩ của trần thế, đó là cái lô-gíc của những người chất vấn Ngài. Và cũng chính vì thế mà Ngài chết, chết vì không theo quan điểm của họ về Đấng Mê-si-a. Thế nhưng Chúa Giê-su biết, Thiên Chúa sẽ cứu Ngài. Chúa chỉ chờ đợi sự cứu độ của Thiên Chúa mà thôi. Hơn nữa tên Ngài cũng đủ nói lên: Giê-su tức là Chúa cứu độ. Ngài không phải thêm gì, phải trả lời gì: Chúa chờ đợi với tất cả lòng cậy trông. Ngài biết Thiên Chúa không bỏ Ngài cho sự chết. Những cơn cám giỗ được hoàn toàn vượt lên: Ngài vẫn trung tín với sứ mạng của mình, không trốn tránh những hậu quả của sứ vụ ấy. Bấy giờ Ngài hoàn toàn trong tay con người: có gì phải trả lời với những kẻ chống đối Ngài ?

Ngược lại, đoạn các lời thóa mạ trong Tin Mừng theo Thánh Lu-ca được đứng giữa hai Lời của Chúa ngay trước đoạn chúng ta đọc hôm nay. Thánh Lu-ca nhắc lại lời của Chúa trên thánh giá: « Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm » (Lc 23, 34) Câu này vừa đời vừa thiêng liêng. Ngài vừa là Người vừa là Chúa, sự tha thứ của Đấng Ki-tô cho các đao phủ của mình là sự tha thứ của Thiên Chúa. Trong Chúa Giê-su, Người và Chúa, chính Chúa đã tha thứ … chúng ta được hoà giải, nên chỉ cần đón nhận sự hoà giải ấy. Đó chính là một bài học và là một mẫu gương cho chúng ta nơi chúng ta gọi là « tên trộm lành »: hắn nhận ra nơi Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a, hắn kêu cầu cứu… lời nguyện khiêm nhường và cậy trông… Hắn nói « xin nhớ đến tôi », đó là những lời chúng ta thường nói trong cầu nguyện với Chúa: qua Chúa Giê-su, hắn cầu nguyện nơi Chúa Cha: « Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi! » Thật chúng ta buộc miệng muốn thốt lên: « Hắn đã hiểu tất cả ». Chúa Giê-su trả lời hắn: « Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng »

… « hôm nay » thái độ của sự thật và lòng khiêm nhu của người này, mặc dù không phải người hiền lành gì, là điều kiện duy nhất để ngày hôm nay, là ngày anh được cứu độ. Xa hơn Cơn Cám Dỗ trong sa mạc, chúng ta còn nhớ một người kia, trong một khu vườn khác, gọi là Địa Đàng, nơi hạnh phúc. Hắn được tạo dựng để là vị vua của hạnh phúc giữa muôn loài. « Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất » (St 1, 28). Hắn hoàn toàn tự do nhưng không toàn năng. Hắn lệ thuộc vào Chúa nhưng hắn muốn « như Chúa »

« Ông không phải là Đấng Ki-tô sao ? », rốt cuộc lúc nào cũng như thế. A-đam đã lầm, tự cho mình là con Thiên Chúa… Hắn tin con quỷ nói: « ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác. » (St 3, 5), và hắn bị đuổi ra khỏi địa đàng. Chúa Giê-su trái lại, - tên Ngài cũng đã nói lên Chúa cứu độ- đã chờ Thiên Chúa cứu độ… Ngài mở nước Thiên Đàng cho chúng ta.

***


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com