Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG Năm A (Gc 5, 7-10) 11/12/2016

"Hãy vững lòng, vì Chúa gần đến".

Trích thư Thánh Giacôbê Tông đồ.

 

7 Thưa anh em, xin anh em cứ kiên nhẫn cho tới ngày Chúa quang lâm. Kìa xem nhà nông, họ kiên nhẫn chờ đợi cho đất trổ sinh hoa màu quý giá: họ phải đợi cả mưa đầu mùa lẫn mưa cuối mùa.

8 Anh em cũng vậy, hãy kiên nhẫn và bền tâm vững chí, vì ngày Chúa quang lâm đã gần tới.

9 Thưa anh em, anh em đừng phàn nàn kêu trách lẫn nhau, để khỏi bị xét xử. Kìa Vị Thẩm Phán đang đứng ngoài cửa.

10 Thưa anh em, về sức chịu đựng và lòng kiên nhẫn, anh em hãy noi gương các ngôn sứ là những vị đã nói nhân danh Chúa.

 

Có ít là ba người tên Gia-cô-bê trong những người gần Chúa Giê-su: Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê (người này cùng với Gio-an được chứng kiến Chúa Biến Hình và đi với Chúa trong vườn Ghét-xê-ma-ni), Gia-cô-bê con ông An-phê, cùng trong nhóm mười hai Tông Đồ, và sau cùng là Gia-cô-bê, người anh em họ với Chúa Giê-su (có lúc được gọi là anh em Chúa Giê-su), người này là một trong những người trách nhiệm cộng đoàn Giê-ru-sa-lem, thường được xem như tác giả thư Gia-cô-bê trong Thánh Kinh; nhưng không ai có thể quả quyết là thế.

Dù sao đi nữa trong thư này chúng ta gặp lại một đề tài thường gặp trong các cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi, đó là chờ đợi. Chân trời đối với thánh nhân, có thể nói tầm nhìn của ngài là ngày Chúa quang lâm. Chúng ta cũng đã thường chú ý trong các thư Thánh Phao-lô, ngài không ngớt hướng về mục đích phải đến, đó là ngày hoàn tất công trình Thiên Chúa. Nhân đây tôi xin lưu ý một sự nghịch lý là chính lúc mới đầu được nghe rao giảng, chính là lúc mọi người nóng lòng muốn thấy tận thế… có lẽ vì người ta thấy Chúa Phục sinh nên, như đã nếm thử thế nào là phục sinh chăng ?

Tôi dùng chữ « nóng lòng ». Và Thánh Gia-cô-bê chính xác dùng chữ kiên nhẫn. Ngài lập lại bốn lần chữ này trong vài hàng của bài này, và nếu tôi không lầm kiên nhẫn đi với cậy trông: « xin anh em cứ kiên nhẫn cho tới ngày Chúa quang lâm. » Cậy trông tức là xác tín Chúa sẽ đến, một xác tín luôn giữ chúng ta tỉnh thức, hướng về mục đích như trong một cuộc chạy đua, thường được Thánh Phao-lô dùng làm ví dụ. Nhưng cuộc chạy đua này, Thánh Gia-cô-bê nói là một cuộc chạy đua dài hơi, phải có sức dẻo dai. Động từ tiếng Hy-lạp, Thánh Gia-cô-bê dùng ở đây được dịch là kiên nhẫn, chính xác có nghĩa là « có dài hơi »… Phải tin rằng thời gian tới ngày quang lâm, ngày đăng quang vĩnh viễn Triều Đại Thiên Chúa, được sống như một thử thách về sức chịu đựng lâu dài… Lúc khởi đầu, sau khi Chúa Ki-tô Phục Sinh và Lên Trời, mọi người tin sẽ rất gần ngày Chúa trở lại trong vinh quang. Thế rồi năm này qua năm khác đến, cũng phải sống với lâu dài. Lúc ấy sự cậy trông trở nên vấn đề kiên nhẫn. Có lẽ có thể nói lòng cậy trông là lòng tin qua thử thách của thời gian (khi chờ đợi là một cuộc chạy đua dai sức).

Chạy đua dai sức cần có dài hơi, và muốn có hơi - hãy hỏi những tay đua, những ca sĩ, hay những nhạc sĩ thổi sáo - phải tập luyện. Để tập luyện, Thánh Gia-cô-bê cho hai mẫu gương cho các đọc giả Ki-tô hữu: sự khôn ngoan người nông dân và lòng can đảm các ngôn sứ. Năm này qua năm khác, người nông dân biết mùa đổi thay như thế nào: như sách đệ Nhị Luật chép: « 14 thì Ta sẽ ban mưa cho đất các ngươi đúng mùa, mưa đầu mùa và mưa cuối mùa » (Đnl 11, 14). Trong lúc ấy tất cả các ngôn sứ đều phải đối đầu với sự phản kháng của những kẻ được loan báo, mặc dù đó là những lời cứu độ họ. Các ngôn sứ phải biết học tính kiên quyết và nhẫn nại để có thể trung tín với sứ mạng của họ. Cộng đoàn Ki-tô của Thánh Gia-cô-bê cũng có một sứ mạng tiên tri giống như một sự thử thách về sức chịu đựng lâu dài. Phải có hơi, phải có một trái tim cứng rắn, Thánh Gia-cô-bê nhắc lại: « hãy kiên nhẫn và bền tâm vững chí », trong bản gốc câu này có nghĩa: « hãy làm cho tim anh em cứng rắn ».

Lạ thay, trong câu kế tiếp, không có trong bài đọc chúa nhật của chúng ta, Thánh Gia-cô-bê dùng một mẫu gương của lòng nhẫn nại trong Cựu Ước, và ngài chọn ai ? Thánh nhân chọn ông Gióp. Đây là lần duy nhất trong Tân Ước nói về ông Gióp. Điều này đáng ghi nhận « phúc thay những kẻ đã có lòng kiên trì! Anh em đã nghe nói đến lòng kiên trì của ông Gióp » (Gc 5, 11). Điều này ngụ ý nói: nếu anh em kiên trì mhư ông Gióp, và vững lòng cậy trông, anh em cũng vậy, anh em sẽ gặp Chúa như ông Gióp đã gặp Ngài.

Cụ thể, trong mối quan hệ với nhau, những Ki-tô hữu cần chu toàn sứ vụ ngôn sứ của họ « Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau. » (Ga 13, 35) Chúa Giê-su nói như thế, Thánh Gia-cô-bê cũng nói tương tự: « 9 Thưa anh em, anh em đừng phàn nàn kêu trách lẫn nhau, để khỏi bị xét xử », điều này nhắc đến một câu khác của Chúa Giê-su trong Tin Mừng theo hai Thánh Mát-thêu, và Lu-ca: « 1"Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán » (Mt 7, 1; Lc 6, 37), ngụ ý nói chỉ có Chúa là đấng thẩm phán. Hơn nữa, nghĩa gốc của bài là: « Đừng tự cho mình là thẩm phán », như thế, rõ hơn nói: khi xét đoán, là lạm dụng một quyền chúng ta không có phép.

Thánh Gia-cô-bê nói: « Kìa Vị Thẩm Phán đang đứng ngoài cửa ». Trước hết đây là một hình ảnh biểu tượng. Thật vậy, khi xưa các thẩm phán ngự ở các cửa thành, không trong nội thành. Ngoài ra còn có nghĩa hai điều khác: điều thứ nhất là ngày Chúa đến là lúc phán xét - ngụ ý nói, hãy sống trong viễn ảnh đó - và ở đây chúng ta tìm lại những đề tài tiên tri, đặc biệt điều Gio-an Tẩy Giả rao giảng. Điều thứ hai Đấng thẩm phán không phải anh em. Hình như những lời nhắc lại không thừa, vì trong thư Thánh Gia-cô-bê, ngài trở lại nhiều lần: « 11 Thưa anh em, anh em đừng nói xấu nhau. » (Gc 4, 11). Hay là: « Còn anh là ai mà dám xét đoán người thân cận? » (Gc 4, 12). Và Thánh Gia-cô tiếp tục trong bài này: « Kìa Vị Thẩm Phán đang đứng ngoài cửa ». (ngụ ý nói vị Thẩm Phán thật), đấng nhìn tự trong lòng không ở bề ngoài, Đấng thấu suốt tâm can… người gặt hái thật, không vội cắt lúa nhổ gốc lúa cùng lúc với cỏ lùng (Mt 13, 29).

Bài học này cũng đáng cho chúng ta: một đàng, chúng ta an toàn trong lâu dài nên có lẽ thiếu « hơi » của các ngôn sứ. Mặt khác, có lúc chúng ta đặt mình vào vị thế thẩm phán, đó không phải nghề chúng ta - sứ vụ chúng ta - như thế chúng ta lẫn lộn lúa với cỏ lùng. Chắc chắn rằng câu truyện cọng rơm và cái xà trong mắt là của mọi thời đại.

***

Tác giả: bà Marie Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com