Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG Năm A (Rm 1, 1-7) 18/12/2016

"Đức Giê-su thuộc dòng dõi vua Đa-vít, là Con Thiên Chúa"

Bài thơ Thánh Phao-lô Tông đồ gởi tín hữu Rô-ma

 

1 Tôi là Phao-lô, tôi tớ của Đức Ki-tô Giê-su; tôi được gọi làm Tông Đồ, và dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa.

2 Tin Mừng ấy, xưa Người đã dùng các ngôn sứ của Người mà hứa trước trong Kinh Thánh.

3 Đó là Tin Mừng về Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Xét như một người phàm, Đức Giê-su Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít.

4 Nhưng xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng.

5 Nhờ Người, chúng tôi đã nhận được đặc ân và chức vụ Tông Đồ, làm cho hết thảy các dân ngoại vâng phục Tin Mừng hầu danh Người được rạng rỡ.

6 Trong số đó, có cả anh em, là những người đã được kêu gọi để thuộc về Đức Giê-su Ki-tô.

7 Kính gửi tất cả anh em ở Rô-ma, những người được Thiên Chúa yêu thương, được kêu gọi làm dân thánh.
Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an.

 

Đó là những lời đầu tiên Thánh Phao-lô nói với dân thành Rô-ma. Trong vài hàng chúng ta có cả tóm lược tất cả đức tin Ki-tô: những lời hứa của Thiên Chúa trong Thánh Kinh, Mầu nhiệm Đức Ki-tô, Ngài giáng sinh và Phục sinh, dân thánh được chọn lựa nhưng không, sứ mạng Tông đồ nơi các dân ngoại của dân Chúa chọn. Tôi đề nghị chúng ta chỉ đọc nhanh, toàn bài này.

Nói với một cộng đồng ngài chưa bao giờ gặp, Thánh Phao-lô tự giới thiệu. Thánh nhân có hai danh hiệu: « tôi tớ của Đức Ki-tô Giê-su Tông Đồ ». Có nghĩa là người được uỷ nhiệm, nhưng đây chỉ là một nhiệm vụ được trao phó: đó là nguồn gốc của mọi cách táo bạo của ngài - nhân đây tôi xin lưu ý danh hiệu Ki-tô, thánh nhân dành cho Đức Giê-su và chỉ cho Ngài mà thôi: đó là một cách tuyên xưng đức tin. Đối với chúng ta gọi Chúa là Đức Giê-su hay Đấng Ki-tô gần như giống nhau. Sau 2000 năm của đức tin Ki-tô, đó là điều tự nhiên. Nhưng những người đương thời với Thánh Phao-lô, họ nhận ra sự khác biệt. Giê-su là cái tên chỉ một nhân vật; còn Ki-tô là một danh tánh tiếng Hy-lạp có nghĩa theo tiếng Do Thái là Đấng Mê-xi-a. Vì thế, gọi Giê-su Ki-tô là khẳng định toàn diện đức tin Ki-tô: Giê-su thành Na-da-rét này là Đấng Mê-xi-a.

Thánh Phao-lô tiếp: « dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa ». Có lẽ tốt hơn nên nói: loan báo Tin Mừng, đó là Tin lành, Tin tốt, loan báo ý định Thiên Chúa, một kế hoạch nhân từ của Chúa. Là Ki-tô tô hữu chỉ là loan báo hai điều: trước tiên ý định của Chúa chỉ là nhân từ và điều thứ hai là chương trình này được Chúa Giê-su Ki-tô hoàn tất. Đó là chính xác những gì Thánh Phao-lô muốn nói trong mấy hàng này.

Tôi xin tiếp tục: « Tin Mừng ấy, xưa Người đã dùng các ngôn sứ của Người mà hứa trước trong Kinh Thánh ». Tôi xác tín rằng không thể hiểu được trọn Thánh Kinh và toàn Tân Ước nếu chúng ta không thấm nhuần Cựu Ước: cả hai là một không thể tách rời. Kế hoạch của Thiên Chúa đã được dự trù từ hoàng hôn của vũ trụ, và Thiên Chúa đã tiệm tiến mạc khải qua lời các ngôn sứ

Thánh Phao-lô nói: « Đó là Tin Mừng về Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô », phải hiểu chữ  về trong câu này với ý nghĩa thật mạnh hơn ngày nay ta hiểu. Thật vậy, Chúa Giê-su từ lâu là trung tâm của chương trình Thiên Chúa: khi Thánh nhân nói kế hoạch nhân từ trong thư gửi các tín hữu Ê-phê-sô, ngài nói: « thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô. » (Ep 1, 9), có nghĩa là từ muôn thuở, từ khởi nguyên Thiên Chúa đã có kế hoạch quy tụ toàn nhân loại hiệp nhất trong Chúa Giê-su Ki-tô.

« Xét như một người phàm, Đức Giê-su Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít »: Ngài là Người, thành viên của dân Chúa chọn, hậu duệ vua Đa-vít. Ngài có đủ mọi tư cách để là Đấng Mê-xi-a: « 4 Nhưng xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng ».  Theo truyền thống danh hiệu Con Thiên Chúa dành cho mỗi tân vương, ngày được đăng quang. Đối với Chúa Giê-su Ki-tô chính ngày Chúa Phục Sinh, Thiên Chúa đã suy tôn Ngài là vua loài người mới.  Rõ ràng đối với Thánh Phao-lô sự Phục Sinh của Chúa là một sự kiện đảo lộn bộ mặt thế giới. Rất lạ, ngài không nói đến cái chết mà chỉ nói đến sự Phục sinh của Chúa. Chúng ta biết rằng đối với Thánh Phao-lô đó là điều tiên quyết của đức tin: « 14 Mà nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng ». Chính sự Phục Sinh của Chúa Ki-tô là điều ngài rao giảng khắp nơi: « hầu danh Người được rạng rỡ », như ngài nói. Chúng ta nhận ra ở đây một cách diễn đạt tuyệt vời trong thư gửi tín hữu thành Phi-lip-phê: « Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. » (Ph 2, 9), qua câu này chúng ta hiểu danh xưng Thiên Chúa, chỉ dành cho Đấng Tối Cao từ nay dành cho chính Đấng Giê-su.

Vấn đề là: « làm cho hết thảy các dân ngoại vâng phục Tin Mừng hầu danh Người được rạng rỡ ». Vâng phục, một từ ngữ khá lạ lùng, đối với não trạng chúng ta ngày nay không mấy hảo ý với tất cả những gì liên quan đến vâng phục. Nhưng đối với Thánh Phao-lô - hay hơn nữa đối với tất cả Thánh Kinh - Vâng phục không có nghĩa gì có tính cách lệ thuộc, hèn hạ: nhưng là lắng nghe một cách tin tưởng một người, hay đấng nào nơi đó ta an tâm tin tưởng và có thể theo lời khuyên bảo. Tuyệt vời nhất là thái độ phụ tử « làm cho hết thảy các dân ngoại vâng phục », tức là loan báo Tin Mừng cho họ: bao giờ họ hiểu Tin ấy là Tin Mừng, bấy giờ họ sẽ tin tưởng lắng tai nghe lời thương yêu ấy từ người Cha.

Sau cùng Thánh Phao-lô kết thúc bằng một lời chúc thường gặp trong các thư của ngài, đó là lời chúc tốt đẹp nhất có thể cho một người: « Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an ». Câu này trong nguyên bản tiếng Pháp tác giả dùng thể văn chỉ là một lời chúc, điều này không có nghĩa là Chúa có thể không ban cho chúng ta ân sủng và bình an. Trái lại, Thiên Chúa lúc nào cũng ban cho chúng ta ân sủng và bình an, nhưng ta hoàn toàn tự do lãnh nhận hay không mà thôi: dùng thể văn này Thánh Phao-lô muốn nói lên sự tự do của chúng ta. Thánh Phao-lô muốn nhắc lại nơi đây một câu tuyệt vời trong sách Dân Số: « 24 "Nguyện ĐỨC CHÚA chúc lành và gìn giữ anh (em)! 25 Nguyện ĐỨC CHÚA tươi nét mặt nhìn đến anh (em) và dủ lòng thương anh (em)! 26 Nguyện ĐỨC CHÚA ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh (em)! » (Ds 6, 24-26) 

***

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com