Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 CHÚA NHẬT II Năm A (1Cr 1, 1-3) 15/01/2017

"Nguyện cho anh em được ân sủng và bình an của Thiên Chúa, Cha chúng ta."

Khởi đầu thư thứ nhất của Thánh Phao-lô Tông Đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô

 

1 Tôi là Phao-lô, bởi ý Thiên Chúa được gọi làm Tông Đồ của Đức Ki-tô Giê-su, và ông Xốt-thê-nê là người anh em của chúng tôi,

2 kính gửi Hội Thánh của Thiên Chúa ở Cô-rin-tô, những người đã được hiến thánh trong Đức Ki-tô Giê-su, được kêu gọi làm dân thánh, cùng với tất cả những ai ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh Chúa của chúng ta, Đức Giê-su Ki-tô, là Chúa của họ và của chúng ta.

3 Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an.

Cô-rin-tô là một đô thị trù phú đủ loại và nghèo nàn cũng đủ loại: là một lối qua lại bắt buộc giữa hai hải cảng, một bên là biển Adriatic một bên là biển Ê-gê. Con kênh Cô-rin-tô mà chúng ta biết ngày nay, lúc ấy chưa được đào, nhưng là con đường lát đá nối liền hai hải cảng, chuyển hàng các tàu thuỷ từ bên này sang bên kia bằng sức người và những xe đẩy. Lối đi này rất được thông dụng để khỏi phải đánh một vòng lớn bằng đường thủy.

Tình trạng ưu đãi này biến Cô-rin-tô thành một thành phố qua lại thường xuyên, từ đó là nơi trà trộn nhiều thứ - nhiều chủng tộc, nhiều nguồn tư tưởng, nhiều tôn giáo - vì nơi đó Trung Đông và Tây Phương gặp gỡ nhau. Ở đấy có mọi thứ, muốn kiếm gì trong mọi lãnh vực đều có. Ngạn ngữ: « sống như người cô-rin-tô » rất thông dụng, nhưng không phải là một lời khen đâu: có nghĩa là số xa hoa và trụy lạc. Thành phố này cũng có đặc điểm tương phản về xã hội: trong lúc những nhà tài phiệt, thương gia bận rộn thương thuyết hợp đồng với nhau thì những công nhân bến cảng và người nô lệ khẩn trương lam lũ làm việc. Của cải giàu có phơi bày trước sự khốn cùng của kẻ khác. Bài dụ ngôn người giàu có và ông La-da-rô nghèo, tìm một bối cảnh rất thích hợp nơi đây.  

Thánh Phao-lô biết rõ thành này vì đã ở đó 18 tháng, từ cuối năm 50 đến năm 52. Nhờ ngài rao giảng, dần dần một cộng đồng Ki-tô được tập hợp, tạo nên một tương phản với dân thành Cô-rin-tô. Dần dần qua các bài đọc ngày chúa nhật chúng ta sẽ khám phá nhiều hơn.

Không phải lần đầu tiên Thánh Phao-lô viết cho dân thành Cô-rin-tô: hình như chúng ta biết có một lần ngài cũng cầm bút lúc ngài biết được những khó khăn của cộng đồng Cô-rin-tô. Lần này ngài viết để trả lời những câu hỏi rõ, đặt ra ràng cho ngài; chúng ta đang ở vào năm 55 hay 56. Dù sao đi nữa, thư này là lá thư « thứ nhất » của Thánh Phao-lô đối với chúng ta được giữ lại, chúng ta đọc những chữ đầu tiên hôm nay.

Những hàng đầu này đem ngay chúng ta vào phối cảnh của toàn thư của ngài cho cộng đồng Ki-tô. Ngài là người được Chúa kêu gọi nói cho những người được gọi: « 1 Tôi là Phao-lô, bởi ý Thiên Chúa được gọi làm Tông Đồ …2 kính gửi Hội Thánh của Thiên Chúa ở Cô-rin-tô, những người đã được hiến thánh trong Đức Ki-tô Giê-su ». Thánh Phao-lô là Tông đồ Chúa Giê-su Ki-tô, không vì tự ý mà do Chúa gọi rõ ràng ngài vào sứ vụ này. Uy quyền ngài có là từ đó. Và ngài nói cho Hội Thánh của Thiên Chúa ở Cô-rin-tô. Riêng chữ Hội Thánh cũng nói lên đặc tính ơn gọi từ Thiên Chúa: theo tiếng Hy-lạp chữ « Ecclesia » (Hội thánh) cùng gốc với đông từ « kêu gọi » (Kalein). Vì thấy chữ Ecclesia hình như không đủ rõ, Thánh Phao-lô nói chính xác hơn: « Cô-rin-tô, những người đã được hiến thánh trong Đức Ki-tô Giê-su, được kêu gọi làm dân thánh ». Thành ngữ « Hội Thánh của Thiên Chúa ở Cô-rin-tô. » (như ở Gi-ru-sa-lem hay Paris) trở nên thông dụng. Bất cứ ở đâu, chúng ta cũng được gọi là những người «  được Thiên Chúa gọi ».

Đồng thời Thánh Phao-lô nhắc nhở cộng đồng Cô-rin-tô được liên kết với những cộng đồng Ki-tô khác: « 2 kính gửi Hội Thánh của Thiên Chúa ở Cô-rin-tô, những người đã được hiến thánh …, cùng với tất cả những ai ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh Chúa của chúng ta, Đức Giê-su Ki-tô, là Chúa của họ và của chúng ta. » Có điều thú vị, Thánh Phao-lô dùng chữ Hội Thánh để chỉ cộng đồng địa phương cùng với toàn thể Giáo Hội. Mỗi cộng đồng cá biệt, vì được Thiên Chúa gọi, là trọn vẹn chứng nhân cho tình yêu hoàn vũ của Chúa Cha: một giáo hội địa phương không chỉ vỏn vẹn thu nhỏ về địa lý hay xã hội, mà luôn có sứ vụ hoàn vũ. Thì đây để chúng ta nhớ khi đọc « lời nguyện giáo dân ».

Tôi xin trở lại câu: « những người đã được hiến thánh trong Đức Ki-tô Giê-su, được kêu gọi làm dân thánh, cùng với tất cả những ai ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh Chúa của chúng ta ». Kêu cầu danh Chúa, đây là điểm chung của mọi Ki-tô hữu khắp thế giới và qua toàn lịch sử. Kêu cầu danh Chúa, tức là nhìn nhận Thiên Chúa. Nhưng hơn nữa khi Thánh Phao-lô gọi Chúa Giê-su là Chúa, thì điều này cũng như thế, vì thời ấy danh nghĩa Chúa chỉ dành cho Thiên Chúa. Nhân dịp này, tôi tự nhủ phải chi lời chú này có thể làm phần mở đầu cho Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất tất cả các Ki-tô hữu, những người trên khắp địa cầu qua những khác biệt ý kiến với nhau nhưng vẫn tiếp tục  « kêu cầu danh Chúa …, Đức Giê-su Ki-tô, là Chúa của họ và của chúng ta. »

Trọng điểm chung của mọi Ki-tô hữu là Chúa Giê-su Ki-tô thật sự trung tâm của thế giới và lịch sử. Ngược lại, thiết tưởng nếu Chúa Giê-su Ki-tô không phải là trung tâm của thế giới và lịch sử thì phải hỏi lại về nội dung đức tin của chúng ta. Hẳn các bạn cũng chú ý chỉ trong vài hàng Thánh Phao-lô nhắc đến nhiều lần tên Đức Ki-tô: « 1 Tôi là Phao-lô, bởi ý Thiên Chúa được gọi làm Tông Đồ của Đức Ki-tô Giê-su, và ông Xốt-thê-nê là người anh em của chúng tôi, 2 kính gửi Hội Thánh của Thiên Chúa ở Cô-rin-tô, những người đã được hiến thánh trong Đức Ki-tô Giê-su, được kêu gọi làm dân thánh, cùng với tất cả những ai ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh Chúa của chúng ta, Đức Giê-su Ki-tô, là Chúa của họ và của chúng ta ». Nếu biết rằng trong cộng đồng này có nhiều cuộc tranh cải liên miên, việc Thánh Phao-lô nhấn mạnh đến chức danh cao trọng của những Ki-tô hữu mới này (Thánh nhân không phải không biết những khuyết điểm của họ) là điều ngài cố ý: dường như nhắc lại phẩm cách Ki-tô hữu tránh cho họ rơi vào những thái độ bất xứng với bí tích rửa tội. Thánh Phao-lô đón chào họ với hết lòng cung kính, nhìn nơi họ là dân thánh.

Vì lẽ dân tộc Ki-tô được kêu gọi là mầm non của nhân loại mới, ngày sau này sẽ tập hợp nhau lại trong ân sủng và bình an chung quanh Chúa Giê-su Ki-tô: ngày sau cùng, toàn thể nhân loại phục sinh, đứng lên « mọi người như một người », như thường nói, và người ấy có tên là «  Giê-su Ki-tô » .

Phần thêm

Chúng ta hiểu vì sao trong các cử toạ ngày chúa nhật, phụng vụ đề nghị thật nhiều lời nói cử chỉ rất quan tâm và kính trọng đối với dân Chúa…

Các lời chúc và mời gọi: « Chúa ở cùng anh chị em! Trong tình yêu Chúa Ki-tô anh chị em hãy chúc bình an cho nhau… ». Các cử chỉ tiếp đón cộng đoàn ở cửa nhà thờ, xông hương cộng đoàn khi dâng Lễ ; cử chỉ chúc bình an. Tất cả những lời nói, cử chỉ ấy nói lên tính cao cả là chi thể của Thân Thể Chúa Ki-tô.

Các lời trong phụng vụ rất hài hoà với nhau: « Ân sủng và bình an », đó là sứ vụ người Tôi Trung mang đến tận cùng trái đất (I-sa-i-a)

Sứ vụ ấy được chu toàn rất giản dị chỉ cần sẵn sàng đặt dưới ý Cha: «con thích làm theo thánh ý, và ấp ủ luật Chúa trong lòng, lạy Thiên Chúa của con. » (Tv 40, 9)

Thánh Phao-lô được gọi cùng một sứ vụ ấy: «Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an. »

***

 Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com