Lời Chúa CN

THÁNH VỊNH CHÚA NHẬT III TN Năm A (Tv 26 (27) 1-4.13-14) 22/01/2017

"Chúa là sự sáng và là Đấng cứu độ tôi"

 

1 Của vua Đa-vít
CHÚA là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi,
tôi còn sợ người nào?
CHÚA là thành luỹ bảo vệ đời tôi,
tôi khiếp gì ai nữa?

2 Khi ác nhân xông vào, định nuốt sống thân tôi,
ai ngờ chính đối phương, chính những thù địch ấy,
lại lảo đảo té nhào.

3 Dù cả một đạo quân vây đánh, lòng tôi chẳng sợ gì.
Dù có phải lâm vào chiến trận, tôi vẫn cứ cậy tin.

4 Một điều tôi kiếm tôi xin,
là luôn được ở trong đền CHÚA tôi
mọi ngày trong suốt cuộc đời,
để chiêm ngưỡng CHÚA tuyệt vời cao sang,
ngắm xem thánh điện huy hoàng.

13 Tôi vững vàng tin tưởng
sẽ được thấy dân lộc CHÚA ban trong cõi đất dành cho kẻ sống.

14 Hãy cậy trông vào CHÚA, mạnh bạo lên, can đảm lên nào!
Hãy cậy trông vào CHÚA.

« CHÚA là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi », câu này nói như một cá nhân phát biểu nhưng không làm chúng ta lầm nữa. Cá nhân ở đây là một tập thể: toàn dân tộc Ít-ra-en nói lên lòng tín thác bất khả chiến bại vào Thiên Chúa, trong mọi tình huống. Dù thời của ánh sáng, thời của bóng tối, trong tình huống vui, tình huống buồn, dân tộc này đã trải nghiệm tất cả! Và giữa những cuộc phiêu lưu ấy họ vẫn giữ lòng cậy trông, đào sâu đức tin. Bài Thánh Vịnh này là một minh chứng tuyệt vời.

Nơi bài này, họ dùng hình ảnh để biểu tượng những biến cố bất ngờ của lịch sử dân tộc họ. Hẳn các bạn biết thể văn rất thường dùng trong các thánh vịnh, và được gọi là « lớp bọc ». Bài ngụ ý nói đến những tình huống cá nhân rất rõ ràng (một bệnh nhân, một người vô tội bị kết án, một ông vua, một người Lê-vi… hơn nữa nếu chúng ta đọc trọn bài thánh vịnh 26 này, chúng ta sẽ thấy có tất cả). Thế nhưng những tình huống bề ngoài có vẻ thuộc về một cá nhân này, trong thời điểm nào đó, là tình huống của cả dân tộc Ít-ra-en. Phải đọc: Ít-ra-en như một người bệnh được Chúa chữa lành, như người vô tội bị xử oan, như đứa trẻ bị bỏ rơi, như một ông vua bị địch vây hãm, chỉ có mình Chúa mà thôi mới có thể minh oan hay giải thoát được… Khi đọc Cựu Ước chúng ta không khó chi tìm lại tất cả những tình huống lịch sử chính xác ấy, được nêu lên trong bài Thánh Vịnh.

Trong lời phụng vụ hôm nay có hai hình ảnh. Đầu tiên là một ông vua. Có khi Ít-ra-en được ví như một ông vua bị địch quân vây hãm. Chúa của họ luôn luôn nâng đỡ: « CHÚA là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi, tôi còn sợ người nào? CHÚA là thành luỹ bảo vệ đời tôi, tôi khiếp gì ai nữa? » (c 2-3) 2 Khi ác nhân xông vào, định nuốt sống thân tôi, ai ngờ chính đối phương, chính những thù địch ấy, lại lảo đảo té nhào. 3 Dù cả một đạo quân vây đánh, lòng tôi chẳng sợ gì. Dù có phải lâm vào chiến trận, tôi vẫn cứ cậy tin ». Những ẩn ý nêu lên không biết bao nhiêu các tình huống trong lịch sử It-ra-en: hoặc cuộc tấn công bất ngờ của quân A-ma-lếch trong sa mạc Si-nai thời ông Mô-sê, hoặc các vua xứ Sa-ma-ri và Đa-mát đe dọa làm ông vua A-khát đáng thương khiếp sợ, vào năm 735, hay là thành Giê-ru-sa-lem vào năm 701 bị vua At-sua là Xan-khê-ríp vây hãm - và không kể tôi còn xót những tình huống khác nữa.

Trước những nguy cơ ấy có thể có hai thái độ để hành xử. Thái độ thứ nhất như vua Đa-ví, một người như mọi người, kẻ tội lỗi như mọi kẻ tội lỗi (câu truyện với nàng Bét-sa-bê rất nổi tiếng) nhưng cũng là một người có đức tin, luôn tin tưởng Chúa hiện diện bên mình trong mọi tình huống. Ông là một mẫu gương cho cả dân tộc. Ngược lại chúng ta đã gặp trong Mùa Vọng một bài của ngôn sứ I-sa-ia về vua A-khát, vua này không có lòng tin thanh thản như thế. Về sự kiện này, tôi đã kể lại cho quý bạn một câu rất biểu cảm trong sách I-sa-i-a để nói lên sự hoảng hốt của vị vua lúc Giê-ru-sa-lem bị vây hãm: « Bấy giờ lòng vua cũng như lòng dân đều rung động như cây rừng rung rinh trước gió. » (Is 7, 2) Và lời khuyến cáo của ngôn sứ I-sa-i-a rất cứng rắn: « Nếu các ngươi không vững tin, thì các ngươi sẽ không đứng vững. » (Is 7, 9) (Ngày nay chúng ta nói, nếu không vững tin sẽ chịu không thấu). Nhân dịp này xin lưu ý, tiên tri I-sa-i-a chơi chữ với từ Amen vì theo tiếng Do Thái, Đứng vững đồng nghĩa với « tin, đứng vững trong đức tin »: điều này giúp chúng ta hiểu chữ Đức Tin trong Thánh Kinh.

Tôi xin trở lại hai thái độ đối kháng nhau giữa hai vua Đa-vít và A-khát. Dân Ít-ra-en, dĩ nhiên đã trải qua hai lọai thái độ ấy, nhưng trong cầu nguyện họ lấy lại sức trong đức tin vua Đa-vít. Hay là, đây là hình ảnh thứ hai, Ít-ra-en có thể được ví như người Lê-vi, một người phục vụ trong Đền Thánh, trọn đời sống trong khuôn viên Đền Giê-ru-sa-lem « 4 Một điều tôi kiếm tôi xin, là luôn được ở trong đền CHÚA tôi mọi ngày trong suốt cuộc đời, để chiêm ngưỡng CHÚA tuyệt vời cao sang, ngắm xem thánh điện huy hoàng »

Biết rằng người Lê-vi suốt đời gắn bó với việc phục vụ đền Giê-ru-sa-lem, canh giữ ngày đêm, thì câu này ám chỉ rõ ràng vai trò của Ít-ra-en. Sau hình ảnh người Lê-vi ta thấy rõ diễn ra dung nhan cả dân tộc. Cũng như chi tộc Lê-vi là một trong mười hai chi tộc dành cho việc phục vụ nhà Chúa, thì cũng như thế, toàn dân Ít-ra-en được cống hiến cho Chúa, thuộc về Thiên Chúa giữa mọi dân tộc khác.

Sau cùng trong đọan sau đây, không sao không làm cho chúng ta nghĩ đến ông Gióp: « 13 Tôi vững vàng tin tưởng sẽ được thấy dân lộc CHÚA ban trong cõi đất dành cho kẻ sống. » Thật vậy, sách Gióp viết (G19, 25-25): « 25Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống,và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất. 26 Sau khi da tôi đây bị tiêu huỷ, (ngụ ý nói, dù tôi bị người ta lột da tôi ra) thì với tấm thân, tôi sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa. » Ngay cả tác giả Thánh vịnh 26 ( 27), hay tác giả sách Gióp, thời ấy không ai có thể tưởng có thể có sự phục sinh cá nhân. Cụm chữ « cõi đất dành cho kẻ sống. » muốn chỉ định vùng đất này. Vì thế, có lẽ họ càng xứng đáng hơn nữa: lòng cậy trông dân Ít-ra-en quá mãnh liệt đến độ họ chắc chắn rằng Thiên Chúa sẽ can thiệp cho họ. Dĩ nhiên các bài này, một khi khái niệm Phục Sinh được ra đời, càng có giá trị: « 13 Tôi vững vàng tin tưởngsẽ được thấy dân lộc CHÚA ban trong cõi đất dành cho kẻ sống » 

Còn câu sau cùng (« 14 Hãy cậy trông vào CHÚA, mạnh bạo lên, can đảm lên nào! Hãy cậy trông vào CHÚA », hình như hàm ý muốn nhắc đến lời Chúa nói với ông Giô-suê lúc bắt đầu tiến về đất hứa, đất của những kẻ sống: «9 Mạnh bạo lên, can đảm lên! Đó chẳng phải là lệnh Ta đã truyền cho ngươi sao? Đừng run khiếp, đừng sợ hãi, vì ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, sẽ ở với ngươi bất cứ nơi nào ngươi đi tới » (Gs 1, 9) 

Giữa đọan đầu và đọan cuối, hẳn các bạn chú ý đến cách nói ở thì hiện tại lại sang thì tương lai ở đoạn cuối, câu đầu: « CHÚA là nguồn ánh sáng », đây là lời nói cũa đức tin, một lòng tin tưởng không ai bứng đi được ; câu sau: « 13 Tôi vững … sẽ được thấy », và sau cùng là chữ « vững vàng tin tưởng ». Lòng cậy trông là đức tin nói bằng thì tương lai. Vì thế không thể ngờ là bài Thánh Vịnh này được hát trong lễ an táng: những ngày tang là những ngày ta cần nhất tìm về cội nguồn, dìm mình vào đức tin và lòng cậy trông của cha ông chúng ta.

***

 Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com