Lời Chúa CN

THÁNH VỊNH CHÚA NHẬT V TN Năm A (Tv111) 05/02/2017

"Trong u tối Người xuất hiện như sự sáng soi kẻ lòng ngay"

 

1 Ha-lê-lui-a.
Hạnh phúc thay, người kính sợ CHÚA,

4 Giữa tối tăm bừng lên một ánh sáng
chiếu rọi kẻ ngay lành:
đó là người từ bi nhân hậu và công chính.

5 Phúc thay người biết cảm thương và cho vay mượn,
biết theo lẽ phải mà thu xếp công việc mình.

6 Họ sẽ không bao giờ lay chuyển,
thiên hạ muôn đời còn tưởng nhớ chính nhân.

7 Họ không lo phải nghe tin dữ,
hằng an tâm và tin cậy CHÚA,

8 luôn vững lòng không sợ hãi chi
và rốt cuộc coi khinh lũ địch thù.

9 Kẻ túng nghèo, họ rộng tay làm phúc,
đức công chính của họ tồn tại muôn đời,
uy thế họ vươn cao rực rỡ.

 

Hằng năm, cứ vào dịp Lễ Lều - ngày nay vẫn còn diễn ra suốt một tuần, vào mùa thu - toàn dân thực hiện điều có thể gọi là « tuyên xưng đức tin »: họ tái lập Giao Ước với Thiên Chúa và cam kết một lần nữa tuân giữ Lề Luật. Bài Thánh vịnh 111 hẳn được hát trong dịp này. Chỉ nguyên bài Thánh vịnh 111 là cả toàn tập khế ước nhỏ của đời sống trong Giao Ước.

Trước hết bắt đầu bằng Alleluia - nghĩa đen là « Ngợi khen Thiên Chúa » - là khẩu hiệu của mọi tín hữu: khi người của Thánh Kinh mời gọi ngợi khen Thiên Chúa, chính là vì ơn nhận được Giao Ước. Kế tiếp, bài Thánh Vịnh này là bài theo vần A-B-C Do Thái, nghĩa là có 22 câu, số chữ cái Do Thái. Mỗi câu bắt đầu bằng một chữ cái theo thứ tự, đây là cách khẳng định Giao Ước với Thiên Chúa gồm trọn đời người và Lề Luật của Ngài là con đường duy nhất dẫn đến hạnh phúc cả đời, từ A tớí Z. Sau hết, câu đầu bắt đầu bằng chữ « Hạnh phúc thay », để nói cho mọi người biết giữ con đường Giao Ước.

Chúa nhật tuần trước bài Phúc Âm các Mối Phúc Thật cũng vang lên chữ « phúc thay » này; Chúa Giê-su dùng một chữ rất thường thấy trong Thánh Kinh, nhưng tiếc thay bản dịch Pháp văn không hoàn toàn thoát ý. Trong bài suy niệm Thánh Kinh ông André Chouraqui lưu ý về gốc Do Thái của chữ này « căn bản có nghĩa sự bước đi, con người bước đi trên đường không có gì cản trở dẫn đến Chúa ». Như thế muốn nói « ít về hạnh phúc nhưng nhiều về phương cách dẫn đến hạnh phúc ».

Thông thường trong Thánh Kinh cụm chữ « Phúc thay » không  nằm riêng rẽ, có chữ đối ngược lại « vô phúc thay », vì có ý nói trong đời có những con đường sai lầm phải tránh. Có vài con đường (nên hiểu có những chọn lựa, những hành vi) dẫn đúng hướng và những con đường ngược lại chỉ gieo tai họa. Và nếu chúng ta đọc trọn bài Thánh Vịnh này, chúng ta sẽ nhận ra bài này có cấu trúc như thế: bắt đầu triển khai rất dài những chọn lựa tốt, con đường dẫn đến hạnh phúc cho mọi người và sau đó nhưng rất ngắn gọn - vì không đáng nói đến - những chọn lựa sai lầm.

Sự chọn lựa tốt được xác định ngay ở câu đầu: « Hạnh phúc thay, người kính sợ CHÚA », chúng ta nhận ra ở đây từ ngữ rất thường gặp trong Cựu Ước: « Kính sợ Chúa ». Rất tiếc trong phụng vụ câu này bị cắt, làm chúng ta không được nghe phần thứ hai. Chúng ta hãy đọc trọn câu: « Hạnh phúc thay, người kính sợ CHÚA, những ưa cùng thích mệnh lệnh Chúa truyền ban. » Thì đây là định nghĩa của từ ngữ « Kính sợ Chúa »: đó là yêu thích ý Chúa. Bởi vì chúng ta an tâm và tin cậy nơi Ngài. Chúng ta biết, kính sợ Chúa không có chiều kích sợ hãi. Hơn nữa vài câu sau có một câu nói rõ hơn: « Phúc thay người biết cảm thương … hằng an tâm và tin cậy CHÚA » 

Theo nghĩa Thánh Kinh « Kính sợ Chúa », vừa là ý thức sự thánh thiện Thiên Chúa, nhận biết ra tất cả những gì Ngài làm cho con người, vừa là quan tâm đến vâng lời Ngài vì Chúa là Đấng Tạo Hoá. Thật vậy, nếu Ngài là Đấng Tạo Hoá thì Ngài biết những gì tốt cho ta. Đây là một thái độ của con đối với Cha, kính trọng, và vâng lời trong tin cậy. Hai điều mặc khải song đôi của dân tộc It-ra-en, Chúa vừa là Đấng Thật Khác Biệt vừa là Đấng Thật Gần Gũi. Ngài vô cùng quyền uy, thật vậy, nhưng quyền lực ấy là tình yêu. Chúng ta không có gì phải sợ hãi vì Ngài có thể là tất cả và Ngài muốn chúng ta hạnh phúc! Hẳn các bạn biết câu sau đây của thánh vịnh 103 (102) « 13 Như người cha chạnh lòng thương con cái, CHÚA cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn. » 

Thì đây là thái độ đúng đắn đối với Thiên Chúa, đưa con người trên con đường ngay: « Hạnh phúc thay, người kính sợ CHÚA ». Và bây giờ là con đường đúng đắn đối với tha nhân: « 5 Phúc thay người biết cảm thương và cho vay mượn ». Trong Bài đọc một, tiên tri I-sa-i-a nói rõ quan hệ mật thiết giữa thái độ của chúng ta đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân. Bài Thánh Vịnh này là một tiếng vang hoàn hảo cho Bài đọc một.

Công thức « người từ bi nhân hậu và công chính » làm cho chúng ta buộc lòng nhớ đến định nghĩa của Thiên Chúa được mặc khải cho ông Mô-sê: « ĐỨC CHÚA! ĐỨC CHÚA! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín » (Xh 34, 6). Hơn nữa bài Thánh Vịnh trước (111) là một bài cập đôi với bài Thánh Vịnh hôm nay, cũng dùng những từ ngữ hoàn toàn giống nhau « công chính, từ bi, nhân hậu » cho Chúa và cho con người. Hình như đây là cách nói việc tuân giữ ngày qua ngày lề luật trong đời sống thường nhật của chúng ta từ A đến Z, như bài thánh vịnh theo chữ cái này, cuối cùng sẽ uốn nắn chúng ta theo hình ảnh Thiên Chúa, nên giống Ngài.

Tôi nói rõ « giống Ngài »: tác giả bài Thánh Vịnh không quên Chúa là Đấng Thật Khác Biệt. Các từ ngữ thật ra không giống nhau. Về Thiên Chúa thì Ngài là CHÚA… là người từ bi nhân hậu và công chính, còn về con người, bài Thánh Vịnh nói: « người biết cảm thương và cho vay mượn, biết theo lẽ phải mà thu xếp công việc mình ». Đó là cách phát biểu những nhân đức của con người nhưng không phải là bản thể. Những nhân đức ấy con người múc lấy từ Thiên Chúa, một cách nào đó con người phản chiếu lại từ Thiên Chúa. Và như thế người công chính là ánh sáng cho tha nhân: « 4 Giữa tối tăm bừng lên một ánh sáng chiếu rọi kẻ ngay lành ». Một lần nữa đây là một tiếng vang của Bài Đọc từ sách I-sa-i-a: « 7 Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục? » (Is 58, 7). Mỗi khi chúng ta cho đi và chia sẻ, khi ấy là chúng ta giống Thiên Chúa nhất vì Ngài chỉ là quà nhưng không. Trong chừng mực nhỏ bé của chúng ta, chúng ta phản chiếu ánh sáng của Ngài.

***

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com