Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 1 CHÚA NHẬT V MC Năm A (Ed 37, 12-14) 02/04/2017

"Ta sẽ cho các ngươi Thần Trí của Ta, và các ngươi sẽ được sống"

Trích sách tiên tri Ê-dê-ki-en

 

12 Chính vì thế, ngươi hãy tuyên sấm, hãy nói với chúng: ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán như sau: Hỡi dân Ta, này chính Ta mở huyệt cho các ngươi, Ta sẽ đưa các ngươi lên khỏi huyệt và đem các ngươi về đất Ít-ra-en.

13 Các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là ĐỨC CHÚA, khi Ta mở huyệt cho các ngươi và đưa các ngươi lên khỏi huyệt, hỡi dân Ta.

14 Ta sẽ đặt thần khí của Ta vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được hồi sinh. Ta sẽ cho các ngươi định cư trên đất của các ngươi. Bấy giờ, các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là ĐỨC CHÚA, Ta đã phán là Ta làm. Đó là sấm ngôn của ĐỨC CHÚA.
Giu-đa và Ít-ra-en thành một vương quốc thống nhất

 

Bài này tuy rất ngắn nhưng chỉ vỏn vẹn từng ấy cũng tạo thành một thực thể. Bài được đóng khung ở đầu và cuối bài bằng hai từ tương tự nhau: Câu đầu: « ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán » và câu cuối « Đó là sấm ngôn của ĐỨC CHÚA », cách đóng khung này làm nổi bật lên phần nằm trong khung. Điều được đóng khung là một lời hứa được lặp lại hai lần: lời hứa hướng về dân của Chúa. Chúa nói: « Hỡi dân Ta ». Lời hứa ấy gồm hai điểm: thứ nhất « Ta sẽ đưa các ngươi lên khỏi huyệt » thứ hai « đem các ngươi về đất Ít-ra-en ». Chúng ta có thể suy luận ra bài này được viết trong lúc lưu đày Ba-by-lon, lúc dân chúng hoàn toàn lệ thuộc Ba-by-lon.

Dân Chúa như bị triệt hạ (đúng nghĩa của nó), như chết đi và vì thế Chúa nói đến nấm huyệt: dân chúng sẽ trỗi dậy. Họ không thể bị loại trừ hẳn, bởi vì Thiên Chúa trung tín trong lời hứa với dân tộc này qua một Giao Ước mà không có gì có thể huỷ diệt được; vì vậy, dù có thua trận mấy đi nữa, mặc cho những đổ vỡ, những thử thách, mọi người đều biết dân này sẽ tồn tại, và sẽ tìm lại đất nước vì đó là thuộc điều đã hứa. « Hỡi dân Ta, này chính Ta mở huyệt cho các ngươi, Ta sẽ đưa các ngươi lên khỏi huyệt và đem các ngươi về đất Ít-ra-en. » Thực ra, những câu này không có gì đáng ngạc nhiên: lúc nào dân Ít-ra-en cũng biết Chúa vẫn trung tín; và cụm chữ: « Các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là ĐỨC CHÚA » (c13) chính là để nói lên nhờ sự trung tín của Ngài dân chúng mới nhận rằng Ngài là Chúa thật.

Thế nhưng tại sao phải lặp lại hai lần ? Thật ra lời hứa lần thứ hai không chỉ muốn lặp lại mà làm tăng tầm quan trọng hơn: thật vậy lời hứa ấy nói lại: « Hỡi dân Ta, này chính Ta mở huyệt cho các ngươi, Ta sẽ đưa các ngươi lên khỏi huyệt và đem các ngươi về đất Ít-ra-en. 13 Các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là ĐỨC CHÚA », và tất cả thật ra là trở về trạng thái trước kia, trước thảm hoạ bị đày sang Ba-by-lon. Nhưng trong lời hứa thứ hai này, có điều mới mẻ, chưa từng thấy: « Ta sẽ đặt thần khí của Ta vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được hồi sinh. » (c14). Đây là Giao Ước mới được ghi tạc, lần này không trên bia đá mà trong trái tim. Hay, để nói khác hơn, tim con người nay không còn bằng đá mà bằng thịt.

Bài lập lại cụm chữ: « hỡi dân Ta » chứng tỏ rõ ràng hai lời hứa này loan báo một sự trỗi dậy, một sự canh tân dân tộc và không phải sự phục sinh cá nhân. Tiên tri Ê-dê-ki-en chưa hề dự định một điều như thế - hơn nữa không một tiên tri nào thời ấy tin vào phục sinh cá nhân. Bài ngắn chúng ta vừa đọc hôm nay tiếp theo giai đoạn thị kiến bất hủ về các bộ xương khô (Ed 37) và cho chúng ta giải đáp thị kiến ấy. Rất rõ ràng vị tiên tri lúc ấy nêu lên cảnh tù đày cả dân tộc chứ không phải cái chết cá nhân.

Không như mọi người tưởng, dân tộc Ít-ra-en chỉ khám phá ra niềm tin vào sự phục sinh rất trễ sau này. Trong nhiều thế kỷ, họ quả quyết rằng những người chết sẽ đi về « Shéol », một nơi tối tăm mà không ai biết gì hơn. Ngày nay chúng ta thấy làm lạ vì là một đề tài ít ai quan tâm. Lý do là sự chết cá nhân không liên quan đến tương lai dân tộc: thế nhưng tương lai dân tộc mới là điều quan trọng. Khi có người chết người ta nói nó « được về sum họp với gia tiên » (St 49, 29), nhưng không xem xét có thể có cuộc đời về sau hay không. Điều này rất thật vì có lúc họ cầu nguyện với Chúa xin được sống với luận cứ này, « Chúa ơi, khi con chết con đâu còn cầu nguyện với Chúa nữa, cũng không còn ca ngợi Chúa nữa (ngụ ý nói Chúa có hơn gì đâu). Trái ngược lại, sự tồn tại của dân tộc thì chắc chắn rồi, vì Chúa đã hứa như thế. Có thể nói họ quan tâm đến hiện tại dân tộc hơn là tương lai cá nhân.

Muốn tin vào sự phục sinh cá nhân phải kết hợp hai yếu tố. Trước tiên phải quan tâm đến thân phận từng người, đó không phải trường hợp trước kia vì họ đã từng hiến tế người. Đây là một đặc thù của đạo theo Thánh Kinh, ngay từ đầu đã nghiêm cấm hiến tế người nhưng phải nghiêm cấm mãnh liệt vì phẩm giá con người cá nhân chưa được thật sự nhìn nhận. Sự quan tâm đến thân phận cá nhân là một sự chinh phục, một tiến bộ. Yếu tố thứ hai không thể nào thiếu để nảy sinh lòng tin vào sự phục sinh: phải tin vào một Thiên Chúa không phó thác bạn cho sự chết.

Sự xác tín rằng Chúa không bỏ rơi con người không phải có được một ngày một buổi. Nó được nảy sinh tiệm tiến theo nhịp các biến cố thực tế của lịch sử dân Chúa chọn. Trải nghiệm lịch sử Giao Ước là điều nuôi dưỡng đức tin Ít-ra-en. Thế mà trải nghiệm Ít-ra-en là Thiên Chúa cứu độ con người, muốn con người tự do khỏi mọi hình thức nô lệ, Ngài không ngớt can thiệp để giải thoát; một Thiên Chúa trung tín không bao giờ đổi ý. Chính niềm tin này đã hướng dẫn mọi mặc khải cho Ít-ra-en; nó là động lực cho sự ấy.

Cả hai yếu tố kết hợp với nhau - lòng tin vào một Thiên Chúa không ngừng giải thoát con người, mặc khải giá trị của mỗi cá nhân con người - dẫn đến lòng tin vào sự phục sinh cá nhân. Kết thúc của sự tiến triển song đôi này Thiên Chúa hiện rõ ra là đấng giải thoát cá nhân khỏi sự nô lệ khủng khiếp, vĩnh viễn là sự chết. Mặc khải này đến rất trễ trong dân tộc Do Thái, vào thời Chúa Ki-tô, niềm tin ấy chưa được mọi người chia sẻ, vì có câu nói về người Xa-đốc « Nhóm này chủ trương không có sự sống lại » (Mc 12, 18)

Không ai cấm nghĩ rằng lời của tiên tri Ê-dê-ki-en vượt hẳn tư tưởng của chính ngài một cách vô tình; Thần Khí Thiên Chúa nói qua miệng ngài và giờ đây chúng ta có thể nghĩ rằng « chính Ê-dê-ki-en cũng không biết ngài nói tiên tri chính xác chừng nào »

***

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com